Chiều ngày 10/6, UBND xã Tân Phong tổ chức hội nghị phát
hành sách kỷ yếu hội thảo khoa học Ba vị Tiến sĩ Nho học họ Nguyễn,
làng Tiệt Liệt, xã Tân Phong với vùng đất Ninh Giang – Hải Dương.
Về dự có đ/c Nguyễn Mạnh Hiển – Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; đ/c Bùi Văn Xuyên –
Nguyên Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh
đạo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch; Bảo tàng tỉnh. Ở huyện có đ/c
Phạm Văn Khảnh – TUV, Bí thư Huyện ủy; các đ/c Thường trực Huyện ủy,
thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện; lãnh đạo 1 số phòng, ban ngành
huyện; lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã Tân
Phong, trưởng các chi dòng họ Nguyễn làng Tiền Liệt, xã Tân Phong.
Sau nhiều năm sưu tầm các tư liệu lịch sử, được sự quan tâm giúp đỡ
của Sở văn hóa, thể thao và du lịch Hải Dương, Viện Sử học, Viện Hàn lâm
khoa học xã hội Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh
Hải Dương, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Ninh Giang; cuốn sách kỷ yếu
hội thảo khoa học 3 vị Tiến sĩ Nho học họ Nguyễn làng Tiền Liệt với
vùng đất Ninh Giang, Hải Dương đã được xuất bản, in ấn, phát hành. Ba vị
Tiến sĩ Nho học: Nguyễn Đoan Kính, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Tự Cường
được sinh ra tại làng Tiền Liệt, xã Tân Phong. Cả 3 vị tiến sĩ đã có
những đóng góp quan trọng, không chỉ đối với quốc gia Đại Việt từ cuối
thời Lê sơ, trải qua Triều Mạc và sang giai đoạn đầu của triều Lê Trung
Hưng, mà còn đối với cả vùng đất quê hương Vĩnh Lại xưa, Ninh Giang, Hải
Dương và Vĩnh Bảo, Hải Phòng ngày nay.
Theo
lịch sử để lại, Nguyễn Đoan Kính, Nguyễn Văn Thái xuất thân từ một gia
đình Nho học nhà nghèo nhưng rất thông minh, ham học, dùi mài kinh sử,
đèn sách học hành, quyết tâm đỗ đạt để ra giúp dân giúp nước làm rạng
danh dòng tộc, quê hương. Nguyễn Đoan Kính thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ,
tức Hoàng Giáp, khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Canh Thống thứ 2 năm (1499) ông
làm quan tới chức Phủ Doãn phủ Phụng Thiên, tức Kinh đô Thăng Long của
Thời Lê.
Noi gương anh, Nguyễn Văn Thái cũng
học rất giỏi, năm 24 tuổi thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ, Đệ Tam Danh tức
Thám hoa, khoa nhâm tuất, niên hiệu cảnh thống thứ 5 (1502). Ông được cử
làm phó sứ sang nhà Minh, thăng đến chức Học sĩ, tước Đạo Xuyên bá. Khi
nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê ông bị ép viết chiếu thư nhường ngôi, ông làm
quan cho nhà Mạc tới chức Thượng thư tước Hầu, 2 lần đi xứ phương Bắc
nhưng đến lần thứ 2 thì bị giữ lại lấy con gái họ Trương, sinh con trai
Trương Ngạn Sán sau này cũng đỗ Tiến Sĩ. Cháu nội Nguyễn Đoan Kính là
Nguyễn Tự Cường sinh năm 1572, là người thông minh, học giỏi, năm 33
tuổi Nguyễn Tự Cường thi đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa
Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định thứ 5 (1604), ông đã từng đi xứ nhà
minh, làm quan tới lễ Bộ Hữu Thị Lang, Tước Xuân quận Công, khi mất được
truy tặng chức thượng thư, hàm thiếu bảo.
Cuốn sách kỷ yếu hội thảo khoa học ba vị Tiến sĩ Nho học ra đời là một
tư liệu lịch sử quý giá, giúp độc giả và nhân dân xã Tân Phong hiểu rõ
hơn về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của 3 vị Tiến sĩ Nho
học đối với đất nước. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tân
Phong, tiếp tục ra sức phát huy những giá trị truyền thống có ý nghĩa
lịch sử, khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân
tộc./.