Xác định công tác Dân số KHHGĐ là 1 trong những giải
pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; trong những năm qua,
Trung tâm y tế huyện Ninh Giang đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông
hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, nâng cao chất
lượng dân số; góp phần làm thay đổi nhận thức của các cặp vợ chồng về ý
nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện
kế hoạch hóa gia đình.
Để thực hiện tốt công tác
dân số, Trung tâm y tế huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động,
trong đó lấy đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số trên địa bàn là lực
lượng nòng cốt trong thực hiện lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp
tổ, nhóm, câu lạc bộ của các đoàn thể, hay những buổi họp dân và việc
tuyên truyền cũng được thực hiện tùy theo từng đối tượng. Đặc biệt, các
hoạt động thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là để những phụ
nữ đang mang thai biết cách làm mẹ an toàn, các biện pháp tránh thai
cũng được cán bộ dân số hướng dẫn một cách cụ thể, chỉ ra tác dụng khi
sử dụng từng loại biện pháp tránh thai để chị em lựa chọn phù hợp. Bên
cạnh đó, hàng năm Trung tâm y tế huyện triển khai kế hoạch tổ chức các
đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS-KHHGĐ tới các xã,
thị trấn trong huyện. Trên cơ sơ đó, các địa phương xây dựng kế hoạch,
tổ chức họp triển khai và giao chỉ tiêu thực hiện cho các thôn, khu dân
cư, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động
trước, trong và sau chiến dịch. Công tác tuyên truyền được các địa
phương đặc biệt chú trọng, từ việc thông báo rộng rãi, liên tục trên hệ
thống truyền thanh về thời gian, địa điểm, đối tượng, nội dung chiến
dịch và các gói dịch vụ; treo băng rôn, pano, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi
đến tư vấn tại hộ gia đình, tư vấn trực tiếp, tư vấn nhóm nhỏ… tất cả
đều được triển khai đồng loạt. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận
động, truyền thông dân số cùng với sự vào cuộc, phối hợp tích cực của
các cấp, các ngành, đoàn thể và các đơn vị y tế từ huyện đến cơ sở trong
công tác cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến người
dân, công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết
quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, toàn huyện
đã có hơn 7.200 ca thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt
106% kế hoạch, và tăng gần 180 ca so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra,
toàn huyện có hơn 300 ca sinh, trong đó có 74 ca sinh con thứ 3 trở lên
(giảm 19 ca so với cùng kỳ), Tỷ số giới tính khi sinh là 109 bé nam/100
bé nữ sinh ra sống. Tỷ lệ các cặp vợ chống sử dụng các BPTT hiện đại là
72,5%, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt hiện nay trong điều kiện
ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, song các đơn vị y tế từ huyện đến cơ
sở đã và đang nỗ lực, triển khai chiến dịch truyền thồng lồng ghép chăm
sóc sức khoẻ sinh sản KHHGĐ năm 2022 trên địa bàn. Bắt đầu từ ngày 22/4,
chiến dịch được triển khai tại 6 xã điểm (có hỗ trợ ngân sách của tỉnh)
gồm: Hồng Phúc, Hồng Dụ, Hồng Đức, Nghĩa An, Ứng Hòe, Văn Hội và tiếp
tục triển khai tại 14 xã, thị trấn còn lại. Để chiến dịch phát huy được
hiệu quả, các bước từ khâu lập kế hoạch đến tuyên truyền vận động và tổ
chức thực hiện cung cấp dịch vụ được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận. BCĐ
chiến dịch các cấp đã xây dựng kế hoạch chi tiết, có sự phân công cụ thể
cho từng thành viên và giao chỉ tiêu cho từng thôn, KDC…Mục tiêu của
chiến dịch là hoàn thành cơ bản chỉ tiêu đặt ra, cung cấp miến phí
phương tiện tránh thai cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký sử dụng
trong chiến dịch; 90% trở lên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ
trên địa bàn triển khai chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn về
chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; khám, phát hiện và hỗ
trợ điều trị phụ khoa thông thường cho 900 đối tượng đăng ký sử dụng
biện pháp tránh thai tại địa bàn 6 xã điểm….

Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện dịch bệnh và hoàn cảnh gia đình nhiều
chị em phụ nữ chưa sắp xếp thời gian để kiểm tra sức khỏe sinh sản định
kỳ và thụ hưởng các gói dịch vụ trong chiến dịch. Không những thế, nhiều
phụ nữ còn chủ quan, e ngại, khi bệnh nặng mới đến các phòng khám tư
nhân hay bệnh viện tuyến trên. Kinh phí của địa phương hỗ trợ triển khai
chiến dịch tại xã còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng một số trạm y tế xã
(phòng thủ thuật, phòng khám phụ khoa…) chưa khang trang, thuận tiện…Với
quyết tâm nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm y tế huyện tiếp tục
tham mưu với UBND huyện tăng cường nguồn lực để đầu tư cho công tác dân
số, đa dạng hóa các mô hình, hoạt động truyền thông trọng điểm tại cơ
sở. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của
nhà nước về công tác dân số; tổ chức mít tinh, hội thảo, tọa đàm, cổ
động diễu hành, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về kiểm soát mất
cân bằng giới tính khi sinh, duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất
lượng dân số, sức khoẻ sinh sản vị thành niên/thanh niên, chỉ đạo tổ
chức triển khai có hiệu quả các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới
tính khi sinh; các chiến dịch truyền thông lồng ghép CSSKSS,
KHHGĐ...Tích cực đưa các dịch vụ y tế về trạm y tế xã, thị trấn cho phụ
nữ được kiểm tra, tầm soát sức khỏe sinh sản định kỳ, động viên tinh
thần đối với đội ngũ cán bộ làm công tác dân số…
Mặc
dù quá trình thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện vẫn còn gặp
nhiều khó khăn, song với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự
nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số trong công tác truyền
thông vận động, tin răng, công tác DS-KHHGĐ huyện sẽ đạt nhiều kết quả
tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.