TIN TỔNG HỢP KHÁC
NINH GIANG CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRƯỚC MÙA BÃO LŨ
19/05/2022 03:20:32

  Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay huyện Ninh Giang đã triển khai nhiều giải pháp, phương án nhằm chủ động phòng chống lụt bão với phương châm "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu trong đó lấy phòng tránh là chính" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
 
 
     Hiện nay toàn huyện có hơn 135 km2, dân số trên 148.000 người, thu nhập kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, có 8 xã ven đê với hơn 18,7 km đê tả sông Luộc và 3km đê bối Đại Đồng. Xuất phát từ vị trí địa lý, sở hạ tầng địa bàn huyện nên công tác PCTT-TKCN có tầm quan trọng rất lớn. Hệ thống công trình đê điều bảo vệ các huyện bạn, các công trình quốc gia và bảo vệ tà sản nhà nước, tính mạng của nhân dân trong toàn huyện. 
     Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết: Năm 2021, trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão và 3 đợt áp thấp nhiệt đới; từ ngày 08 đến ngày 15/10/2021 có đợt mưa lớn kéo dài và gió mùa Đông Bắc đã gây ngập úng cục bộ, làm thiệt hại hơn 782 ha lúa mùa, hơn 212 ha ngô và rau màu. Trên tuyến đê tả sông luộc mặt đê một số đoạn bị bong chóc, nứt, vỡ, một số kè sạt lở, cống Nhạn tiếp tục xuống cấp… Ngay sau khi kết thúc các đợt thiên tai, huyện đã thành lập các tổ công tác xuống cơ sở kiểm tra, hỗ trợ kịp thời, chỉ huy khắc phục hậu quả. Dự báo từ tháng 6-7/2022 bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông; trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ vừa và nhỏ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức BĐ1. Tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (riêng tháng 5 phía Đông Bắc Bộ cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 5-20%). 
Để chủ động phòng chống với thiên tai trong mùa mưa bão năm nay, huyện  tập trung chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; căn cứ từng nhiệm vụ của từng ngành, đơn vị, địa phương xây dựng phương án và kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn  năm 2022 đảm bảo nội dung và sát với thực tế của địa phương và đơn vị. UBND huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Hạt quản lý đê và Xí nghiệp KTCTTL huyện kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình PCTT đê, kè, cống trên địa bàn huyện trước mùa mưa lũ. Trên cơ sở đó huyện xác định 5 trọng điểm, vị trí xung yếu cần phải chú ý, bảo vệ gồm: ké Hào Khê, Kè Quốc, kè Hiệp Lực, đê bối Đại Đồng, bảo vệ toàn tuyến đê sông Luộc. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”..., sẵn sàng ứng phó, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra trên địa bàn huyện. Theo đó mỗi địa phương thành lập một đại đội xung kích, biên chế tối thiểu 100 người, có đủ sức khoẻ và nhiệt tình công việc do đồng chí chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã, thị trấn là đội trưởng; chuẩn bị: 200 bao tải dự phòng để tại trụ sở UBND xã, thị trấn; 200 cây tre; Hợp đồng từ 2-3 xe tải, tàu thuyền để khi cần vận chuyển khối lượng vật tư dự phòng, bao tải đất trong dân đến địa điểm xử lý ứng cứu cho công trình phòng lũ, úng của huyện. Yêu cầu mỗi hộ gia đình chuẩn bị 2 bao tải đựng đất sẵn để tại nhà khi cần tập trung tại nơi thuận tiện xe ô tô vào được. Các xã, thị trấn  được giao tuần tra canh gác đê sông Luộc tổ chức một trung đội cắm cừ đào mò, biên chế từ 25- 30 người; thành lập mỗi điếm gác một đội từ 12 -18 người, có đủ sức khoẻ và tinh thần trách nhiệm để làm nhiệm vụ tuần tra gác nước trên địa phận được giao. Tại mỗi điếm gác, các địa phương  chuẩn bị trong dân được 50 cây tre tươi; mỗi cây số đê phải chuẩn bị 10-20m3 cát vàng, 5m3 đá  dăm, 1.000 kg rơm rạ, 500 cây tre, 3-5 tấn rào hoặc 1.500 m2 bạt chống sóng; có phương án cụ thể chuẩn bị sẵn mặt bằng lấy đất xử lý đảm bảo 500-1.000 m3 đất cho 1 km đê;  chuẩn bị 50 bao tải và những dụng cụ cần thiết khác theo quy định cho lực lượng tuần tra canh gác. Cùng với chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, các cấp, các nghành, các địa phương trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để nhân dân nhận thức rõ tính chất quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai; xác định phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của toàn dân, mọi người dân tự ý thức được trách nhiệm của mình và tự giác tham gia đóng góp sức người, sức của nhằm phát huy sức mạnh của cả cộng đồng cho công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thủy văn, kiến thức phòng, tránh thiên tai để nâng cao nhận thức cộng đồng về khả năng tự phòng, tránh, tự cứu mình, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong khó khăn do thiên tai gây ra.
     Việc chuẩn bị kỹ lưỡng công tác PCTT và TKCN từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng với tinh thần chủ động ứng phó sẽ giúp huyện nhà hạn chế, giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, khẩn trương khôi phục sau bão lũ, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn./.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NINH GIANG

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Giang
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Thành Vạn - HUV - PCT UBND huyện
Cơ quan Thường trực: Văn phòng HĐND&UBND huyện
Đơn vị thực hiện: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang

Địa chỉ: Đường Lê Thanh Nghị - Khu 3 Thị trấn Ninh Giang - Huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 767 352 Email: ubnd.ninhgiang@haiduong.gov.vn
 

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 13
Tất cả: 526,112