Do ảnh hưởng của thời tiết thường xuyên âm u, có mưa dông, ẩm độ không
khí cao, đã tạo điều kiện cho 1 số loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên
đồng ruộng. Qua điều tra theo dõi của ngành chuyên môn huyện: toàn huyện
có 100 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, tỷ lệ nhiễm trung bình 10-15% số
dảnh, nơi cao trên 30% số dảnh; với cấp bệnh phổ biến C3- C5, nơi cao
C7. Bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại trên một số giống nhiễm
như: Bắc thơm số 7, BC-15, Thiên ưu 8, lúa lai...với diện tích nhiễm 20
ha, tỷ lệ nhiễm trung bình 10-15% số lá, nơi cao trên 35% số lá; với cấp
bệnh phổ biến C3- C5, nơi cao C7. Ngoài ra, bệnh đạo ôn cổ bông, đen
lép hạt sẽ phát sinh gây hại trên diện tích lúa trỗ khi gặp thời tiết
bất thuận. Sâu cuốn lá nhỏ: sâu non sẽ nở rải rác từ sau 13/5 tập trung
chủ yếu trên diện tích lúa xanh tốt đang có đòng đến thấp tho trỗ với
mật độ sâu non trung bình khoảng từ 5-7 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2…Để
bảo vệ năng suất, chất lượng lúa, và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu
bệnh gây ra, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, các HTXDVNN trong
huyện tăng cường bám sát đồng ruộng, điều tra, dự tính, dự báo chính xác
tình hình sâu bệnh; khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh
kịp thời, hiệu quả. Trong đó chú ý thời kỳ cao điểm sâu non nở rộ từ
15/5 - 18/5, nông dân cần tập trung phun trừ trên diện tích lúa đang có
đòng đến trỗ thấp tho, lúa xanh tốt, bón nhiều đạm, cấy dầy, những diện
tích đã phun nhưng gặp mưa, diện tích sau khi phun, kiểm tra lại mật độ
sâu non còn cao trên 20 con/m2 bằng một trong các loại thuốc có chứa
hoạt chất Flubendiamide, Indoxacarb, Emamectin benzoate...Phun phòng
bệnh đạo ôn cổ bông trên tất cả các diện tích lúa ở thời kỳ trỗ bông gặp
điều kiện thời tiết biên độ nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao
bằng các loại thuốc như: Amylatop 325SC, Amistar top 325SE, Nativo
750WG, Filia 525SE, KaTaNa 20SC...Đối với Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn
cần Phun thuốc ngay sau các trận mưa, dông, nhất là trên các diện tích
cấy giống lúa nhiễm, diện tích cấy dày, bón phân không cân đối, lúa xanh
tốt, thừa đạm...Phun phòng trừ bệnh khô vằn, đen lép hạt khi bệnh chớm
xuất hiện và khi lúa bắt đầu trỗ bằng các loại thuốc nội hấp và lưu
dẫn…Bên cạnh đó các địa phương chỉ đạo, vận động nhân dân đánh bắt chuột
bằng các biện pháp, chú trọng biện pháp thủ công như soi bắt, đập, dùng
bẫy bán nguyệt...; đồng thời tuyên truyền, nghiêm cấm, xử lý nghiêm
trường hợp bẫy điện để diệt chuột dưới mọi hình thức./.