DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
DI TÍCH CHÙA TAM TẬP, XÃ TÂN PHONG HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG
11/07/2023 10:40:01

DI TÍCH CHÙA TAM TẬP, XÃ TÂN PHONG

 HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG

 

I. KHÁI QUÁT CHUNG

Chùa Tam Tập được xây dựng tại thôn Tam Tập, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá lâu đời của nhân dân địa phương. Tên chùa gắn liền với tên thôn một cách tự nhiên.

Toạ lạc trên một mảnh đất cao ráo, thoáng rộng phía đầu làng và ở vào phía Đông Nam của xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, chùa Tam Tập là di tích lịch sử được xây dựng khá sớm và là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời của nhân dân địa phương.

Xã Tân Phong gồm 04 thôn: Tam Tập, Tân Hợp, Tiền Liệt và Hữu Chung, nằm ở phía Tây huyện Ninh Giang, cách huyện lỵ 12 cây số, là một xã nằm xa đường quốc lộ và các trục giao thông chính nên điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi.

Vào đầu thế kỷ 19 Tân Phong thuộc hai tổng: Tổng Đà Phố gồm Tam tập, Phác Lỗ, Đông Giã. Tổng Xuyên Hử gồm Hữu Chung, Tiền Liệt, Trại Chuông, Trại Sặt. Cả hai tổng Đà Phố và Xuyên Hử đều thuộc huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang. Trải qua nhiều biến động lịch sử đến sau cách mạng tháng 8 năm 1945 nhà nước thành lập xã, lúc này Tam Tập, Phác Lỗ, Đông Giã lấy tên là Trung Hoà, Hữu Chung, Tiền Liệt, Trại Chuông, Trại Sặt lấy tên là xã Tự Cường.

Đến tháng 03 năm 1948 hai xã Tự Cường và Trung Hoà sát nhập lấy tên là xã Tân Phong. Phía Đông giáp xã Kiến Quốc; Tây giáp Xã Tân Quang và Hưng Long; Nam giáp: Xã Hồng Phúc và Kiến quốc; Bắc giáp: sông Cửu An, bên kia sông là xã An Đức, huyện Ninh Giang.

Diện tích tự nhiên toàn xã là 845ha, dân số 8.200 người, riêng thôn Tam Tập có 820 người, 230 hộ, tính đến đầu năm 2006. Thôn có 13 dòng họ lớn, nhỏ. Trong đó có ba họ là Trần, Phạm và Nguyễn Công được coi là "Tiên công lập ấp" và là ba ông tổ họ của làng.Chữ Tam Tập cũng được lấy từ việc ba họ về khai thiên lập ấp, (Tam có nghĩa là ba, còn Tập có nghĩa là 03 họ tu tập lại). Trong quá trình phát triển của lịch sử, các dòng họ chung sống đoàn kết góp phần xây dựng quê hương đất nước.

II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT ĐƯỢC THỜ

Như nhiều ngôi chùa của người Việt tại đồng bằng Bắc Bộ, chùa Tam Tập là nơi thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa. Đây là dòng thiền "Lấy cái đại chúng, lấy lòng từ bi bác ái mà tu tập, không chỉ để cứu mình mà còn để cứu cho nhiều người khác. Phái Đại Thừa không chỉ thờ Phật Thích Ca mà còn thờ nhiều Đức Phật khác trong đời Quá khứ - Hiện tại - Vị lai.

Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu tại di tích, căn cứ vào quy mô kiến trúc, đặc biệt dòng lạc khoản trên câu đầu ghi rõ: ‘Bảo Đại Kỷ Mão xuân nghĩa là vào mùa xuân năm Kỷ Mão dựng trụ thượng lương. Do vậy, chúng tôi cho rằng: Chùa Tam Tập là công trình tín ngưỡng có niên đại thời Nguyễn .

Cũng theo ý kiến của các cụ cao niên trong làng thì chùa Tam Tập xưa là một di tích lớn gồm có nhiều hạng mục công trình khác nhau, trong đó có khu chùa chính, 1 nhà tổ 7 gian quay hướng Đông Nam nằm ở phía sau chùa, 1 nhà khách nằm ở phía Tây của chùa.

Hiện nay nhà tổ và nhà khách của chùa không còn do nhiều nguyên nhân và do phong hoá bởi thời gian. Trong khuôn viên của chùa hiện còn một số cây đại thụ

Vào thời Nguyễn (1802-1945), chùa Tam Tập chắc chắn được tu bổ, tôn tạo nhiều lần song rất tiếc không còn văn bia nào lưu lại.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) Tam Tập là một trong những địa phương bị địch chiếm đóng và càn quét dữ dội. Tuy nhiên việc sinh hoạt tín ngưỡng thời kỳ này vẫn diễn ra bình thường.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, tại chùa đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của xã Tân Phong, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Tân Phong. Tiếp sau đó là đại hội huyện Đảng bộ Ninh Giang bầu ra ban chấp hành Huyện uỷ.

Chùa còn là nơi đón nhận và nuôi dưỡng trên 50 cháu và 03 cô giáo ở trại cô nhi viện do Trung ương chuyển về.

Tháng 6 năm 1948 chùa là nơi sản xuất mìn và lựu đạn của cơ sở quân khí công binh xưởng cung cấp cho chiến trường. Năm 1951 khi địch về chiếm đóng tại chùa chúng bắt Nhân dân đắp ụ xung quanh chùa và lập hàng rào, chúng đập phá đồ thờ và lấy đi nhiều cổ vật có giá trị.

Ngày 6 tháng giêng năm 1952 chùa là nơi huyện Đảng bộ Ninh Giang tổ chức cuộc mít tinh mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra hoạt động công khai. Sau ngày Hoà bình lập lại (1954) nhân dân địa phương tiếp tục công đức tu bổ tôn tạo lại di tích để duy trì sinh hoạt tín ngưỡng chung.

Di tích còn gắn với Thiền phái Trúc lâm - một dòng Phật giáo yêu nước do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Di tích xứng đáng được bảo tồn lâu dài và tiếp tục nghiên cứu.

* Phong tục lễ hội:

Cũng như những ngôi chùa ở miền Bắc, chùa Tam Tập có đầy đủ lễ tiết trong năm.

- Rằm tháng giêng hàng năm là ngày lễ đầu năm.

- Mồng 8 tháng 4 ngày Phật đản.

- Mồng 3 tháng 3 giỗ Mẫu.

Ngoài ra, tại đây vào các ngày lễ, tết còn có nhiều trò chơi dân gian, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

III. KIẾN TRÚC DI TÍCH

Toạ lạc tại đầu thôn Tam Tập, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang. Trải qua nhiều lần trùng tu vào thế kỷ 19 - 20. Chùa nằm trên một mảnh đất cao ráo, thoáng rộng. Mặt tiền quay hướng Tây Bắc, phía trước là cánh đồng lúa mênh mông trải rộng. Phía Đông Nam giáp khu dân cư, Phía Tây Nam giáp ao chùa và đất canh tác, Phía Đông Bắc giáp khu vực canh tác của thôn Tam Tập

Từ ngoài nhìn vào chùa Tam Tập có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 3 gian Tiền đường và 2 gian Hậu Cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín. Mặt tiền quay về

hướng Tây Bắc.

Tiền đường chất liệu bằng gỗ lim, xây gạch, lợp ngói mũi truyền thống,dài 10,04m, rộng 5,15m. Tiền đường gồm 4 vì kèo liên kết với nhau. Kết cấu của các vì kèo khá đơn giản, được kiến tạo kiểu “kẻ chuyền chồng chóp” ở hai vì chính gian trung tâm. Hai vì bên lại có kiến trúc kiểu “Thuận chữ công” (do hệ quả của hai hiệp thợ). Với lối bào trơn, đóng bén, song các mộng được lắp khít nên toà nhà không bị xiêu vẹo. Nối các vì kèo với nhau là hệ thống xà quân, xà thượng và hoành. Những chi tiết này đều được tạo dựng theo kiến trúc truyền thống. Chất liệu gỗ tứ thiết có chất lượng cao.

Trang trí nghệ thuật của công trình được thể hiện ở 04 bức cốn tại gian trung tâm. Đề tài nghệ thuật chính khai thác là các hình tượng "Tứ linh", "Tứ quý" với nhiều bố cục khác nhau. Các đồ án đều rất phong phú, sinh động ghi nhận tài năng, tình cảm của các nghệ nhân dân gian đương thời. Đáng chú ý là bức cốn chạm chim phượng tại gian trung tâm được chạm khắc hết sức công phu, đường nét mềm mại lạ thường...

Đối xứng với bức chạm chim phượng là bức chạm “tứ Linh”. Thông qua nghệ thuật chạm "bong kênh" kết hợp với "chạm lộng", các nghệ nhân xưa đã tạo cho hình tượng "tứ linh” (gồm tập hợp các vật linh thiêng: chim phượng, rồng, long mã, rùa ) thêm sống động, hình thành không gian thiêng liêng nơi thờ tự.

Hệ thống giằng ngang của ngôi nhà là các thanh xà quân và hoành, với lối ghép "Thượng tam hạ tứ", các chi tiết đều được bào nhẵn, soi chỉ và tạo dáng thanh thoát, nhẹ nhàng. Chất liệu gỗ của di tích chủ yếu là gỗ tứ thiết, do vậy toà nhà đứng vững với thời gian.

Hệ thống bẩy hiện tại di tích hiện còn là những bức chạm nghệ thuật khá đặc sắc, với những bức chạm “trúc hoá long”, “cúc hoá long”, “lá hoá long” độc đáo.

Phần nề ngoã: Tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống, các chân cột đều được kê đá tảng cổ bồng. Đặc biệt tại di tích còn lưu giữ được hệ thống cột hiên cùng ngõng cửa bằng đá tôn di tích thêm phần cổ kính.

Nối liền với Tiền đường là 3 gian Hậu cung bởi hai xối góc. Toà Hậu cung dài 5,1m, rộng 4,7m. Kiến trúc của toà nhà này cũng được kiến tạo bởi hai bộ vì có kiến trúc kiểu “giá chiêng” truyền thống. Trang trí nghệ thuật đơn giản.

Bài trí thờ tự:

a) Tiền đường:

Từ trái qua phải gồm có các tượng thờ sau:

Bên trái của hồi Tiền đường là ban thờ Mẫu, bên phải hồi Tiền đường là ban thờ hai vị Đức Ông. Tượng Đức Ông mặc triều phục, đầu đội mũ cánh chuồn chéo (võ quan), tư thế ngồi trên bệ vuông giật cấp. Theo Kinh Phật, Đức Ông chính là Cấp Cô Độc người giàu tâm đức đã hiến ruộng đất cho Thích Ca để hành đạo, sau này trở thành thần Thổ Địa, được Phật giáo cho cai quản tài sản của chùa. Tiếp theo là hệ thống tượng thờ tập trung tại gian chính điện. Tại đây có 4 lớp tượng thờ được bài trí như sau:

b) Thượng điện:

- Lớp thứ nhất:

Gồm 03 pho tượng Tam Thế: Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai, chất liệu gỗ. Về mặt tạo hình khá giống nhau, tư thế ngồi trên toà sen. Tam Thế là tổng hợp hết thảy chư Phật ở đời, tức là chỉ chung cho các cõi Phật trong thời gian, cho nên để cao, xa bên trong. Kinh Phật cho rằng tương ứng với Tam Thế ở thời Hiện Tại là Phật Thích Ca, với Quá Khứ là Phật A Di Đà, với Tương Lai là Phật Di Lặc)

- Lớp thứ hai: Gồm 03 pho, Pho giữa là tượng A Di Đà, hai bên là hai vị thuộc hàng tượng Tứ Thiên Vương.

Theo giáo lý nhà phật thế giới mà con người đang sống là cõi sa bà, tức là uế thổ, cõi đất không trong sạch, nơi đây con người phải chịu nhiều khổ ải, phiền não. Về phía Tây cõi sa bà này, vượt qua hàng vạn, triệu thế giới gọi là cực lạc, dân gian hay gọi là Tây phương cực lạc, ở đấy Phật A Di Đà làm giáo chủ, đang thuyết pháp để hoá độ chúng sinh. Tượng ngồi trong tư thế toạ thiền hay thuyết pháp trên đài sen. Tóc xoáy ốc, đầu để lộ đỉnh, không đội mũ. Khuôn mặt đôn hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư.

Tượng Tứ Thiên Vương gồm bốn vị, (nhưng ở đây chỉ có hai vị). Tứ Thiên Vương là bốn vị Thiên Vương phân nhau cai quản bốn cõi ở bốn phía núi Tu Di, nơi ngự trị của Đế Thích. Phía Đông do Trì Quốc Thiên Vương, phía Nam do Tăng Trương Thiên Vương, phía Tây do Quảng Mục Thiên Vương, phía Bắc do Đa Văn Thiên Vương. Bốn vị Thiên Vương này mặc áo vương phục, theo lối quan văn Trung Quốc xưa.

- Lớp thứ ba: Gồm 03 pho, từ trái qua phải là tượng Thích Ca niêm hoa, tượng Thích Ca sơ sinh, sau đến là tượng Thánh Hiền.

Tượng Thích Ca niêm hoa, diễn tả Thích Ca Mầu Ni đang thuyết pháp, ngài ngồi trên đài sen. Tượng để lộ viên đỉnh, mặc áo pháp, hở vai bên hữu, tay cầm hoa sen nên còn được gọi là "Thế tôn niệm hoa".

Tượng Thích Ca sơ sinh tạo hình một bé trai (hài nhi) đứng trên toà sen, diễn tả sự tích Thích Ca Mâu Ni lúc mới sinh có 9 con rồng phun nước tắm cho ngài. Tắm xong ngài tự đi được bẩy bước về phía trước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất nói "Thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn" (trên trời, dưới đất, chỉ có một ta là tôn quý hơn). Xong ngài lại nằm xuống kiểu như con trẻ.

Tượng Đức Thánh Hiền ngồi trên bệ vuông giật cấp, mặc áo cà sa, đầu đội mũ thất phật. Đức Thánh Hiền còn được gọi là Thánh Tăng. Theo sách Tượng khí thì bên phái Tiểu Thừa thờ một vị đại đệ

A Di Đà Phật có nghĩa là vô lượng thọ (sống lâu vô cùng), cũng lại có ý nghĩa vô lượng quang (sáng suốt vô cùng). Theo giáo lý nhà phật thế giới mà con người đang sống là cõi sa bà, tức là uế thổ, cõi đất không trong sạch, nơi đây con người phải chịu nhiều khổ ải, phiền não. Về phía Tây cõi sa bà này, vượt qua hàng vạn, triệu thế giới gọi là cực lạc, dân gian hay gọi là Tây phương cực lạc, ở đấy Phật A Di Đà làm giáo chủ, đang thuyết pháp để hoá độ chúng sinh. Tượng ngồi trong tư thế toạ thiền hay thuyết pháp trên đài sen. Tóc xoáy ốc, đầu để lộ đỉnh, không đội mũ. Khuôn mặt đôn hậu, mắt nhìn xuống như đang suy tư.

Tượng Tứ Thiên Vương gồm bốn vị, (nhưng ở đây chỉ có hai vị). Tứ Thiên Vương là bốn vị Thiên Vương phân nhau cai quản bốn cõi ở bốn phía núi Tu Di, nơi ngự trị của Đế Thích. Phía Đông do Trì Quốc Thiên Vương, phía Nam do Tăng Trương Thiên Vương, phía Tây do Quảng Mục Thiên Vương, phía Bắc do Đa Văn Thiên Vương. Bốn vị Thiên Vương này mặc áo vương phục, theo lối quan văn Trung Quốc xưa.

- Lớp thứ tư: Cũng được đặt hai pho khác nhau, đó là tượng Quan Thế Âm và tượng Đại Thế Chí.

Quan Thế Âm là một vị Bồ Tát, theo Kinh Phật ghi nhận là người đã từng tu luyện hàng triệu năm nên có thể nghe được tiếng kêu than của chúng sinh đau khổ ở khắp mọi nơi. Với lòng từ bi hay cứu khổ, cứu nạn; Ngài thường xuất hiện ở nhiều sắc tướng khác nhau. Đại Thế Chí theo Kinh Phật là một hoàng tử đã tu phép niệm Phật, thu cả "lục căn" (gồm 5 giác quan: Mắt, tai, lưỡi, mũi, da) và "ý" (hoạt động của trí não) nên đã khai tâm, ngộ đạo viên thông, nguyện làm Bồ Tát để cứu độ chúng sinh thoát khỏi 3 nơi ác đạo là: Súc sinh, ngã quỷ và Atula để có sức mạnh vô thường.

Để không gian thờ tự thêm phần thiêng liêng, trang trọng, người xưa đã bài trí một đại tự phía trên gian Thượng điện với bốn chữ Hán lớn “Bảo châu cung” nghĩa là: (cung báu châu ngọc), phía ngoài Tiền đường cũng được treo một bức đại tự ca ngợi đạo pháp và đức Phật “Tuệ nhật tối linh”, nghĩa là: Trí tuệ (của Phật) minh mẫn, như mặt trời toả sáng đến muôn nơi

Ngoài ra tại thượng điện và Tiền đường cũng được treo 04 đôi câu đối ca ngợi đạo pháp, đức Phật như:

1- “Y nhiên bất cải giang sơn cựu.

Ngật nhĩ trùng tu Phan vũ tân”.

 Nghĩa là:    Y nguyên không đổi giang sơn cũ.

Trùng tu nhà Phật ngất cao thêm.

2 –     “Nhật chiếu hồng mai kim thế giới.

Nguyệt lâm tang tử ngọc Thiền quan”.

Nghĩa là:      Mặt trời sáng chói, mai hồng đượm sắc vàng thế giới.

 Ánh trăng chiếu rọi, quả dâu ánh ngọc trước cửa thiền.

3 – “Thạch trụ yên như uyển Tây trúc đại từ thế giới.

Kim đài tĩnh tự                Nam giao cực lạc già lam”.

Nghĩa là:      Trụ đá vững như thế giới đại từ bị của vùng đất phía Tây.

 Đài vàng tĩnh lặng tựu chùa Phật nơi cực lạc của nước Nam.

4-       “Tha vũ hám phong chàng tam quan ngoan thạch cổn.

Quả túc tàng nhất trữ tập phúc đẳng vân hoa”.

Nghĩa là:      Mặc cho mưa gió rung, tam quan vững như trụ đá

Năng trữ tàng thóc quả, hoa mây phúc lộc vẹn toàn.

Những năm gần đây, bằng công sức và tiền của, chính quyền và nhân dân địa phương đã tu sửa nhiều hạng mục công trình, từng bước hoàn thiện, trả lại dáng vẻ ban đầu của khu di tích. Hiện tại di tích còn lưu giữ 1 số hạng mục công trình cổ, nhất là phần mộc và nề ngoã. Đặc biệt là phần ngõng cửa và hệ thống cột hiên bằng đá. Đó là những tiêu bản quý giúp ta hiểu thêm về kiến trúc cổ Việt Nam.

Là một di tích lịch sử Phật giáo, chùa Tam Tập được xây dựng khá sớm. Song trải qua nhiều biến động lịch sử, chùa Tam Tập hiện còn kiến trúc chữ Đinh ( J ) gồm 3 gian Tiền đường và 2 gian Hậu cung, chất liệu gỗ lim khá đồng bộ được trùng tu vào năm Bảo Đại Kỷ Mão (1939). Hiện tại chùa còn bảo tồn được khá nhiều di vật lịch sử của thời Nguyễn (1802 - 1945), đặc biệt có 9 pho tượng thờ các loại đạt giá trị tạo hình, hầu hết có niên đại vào đầu thế kỷ 19, chất liệu gỗ còn khá tốt.

Di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT cấp tỉnh năm 2007./.

 

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NINH GIANG

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Giang
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Thành Vạn - HUV - PCT UBND huyện
Cơ quan Thường trực: Văn phòng HĐND&UBND huyện
Đơn vị thực hiện: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang

Địa chỉ: Đường Lê Thanh Nghị - Khu 3 Thị trấn Ninh Giang - Huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 767 352 Email: ubnd.ninhgiang@haiduong.gov.vn
 

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0