DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
DI TÍCH VĂN HÓA LỊCH SỬ CẤP TỈNH - ĐÌNH ỨNG MỘ, XÃ AN ĐỨC, HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG
11/07/2023 10:42:08

DI TÍCH VĂN HÓA LỊCH SỬ CẤP TỈNH - ĐÌNH ỨNG MỘ, XÃ AN ĐỨC, HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG

 

1. Khái quát chung

Đình Ứng Mộ (còn có tên là đình Mũa) được gọi theo tên thôn, tên gọi được cộng đồng nhân dân và chính quyền địa phương sử dụng từ những thế kỷ trước cho đến nay.

Đình Ứng Mộ nằm ở Trung tâm của thôn Ứng Mộ, xã An Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Xã có vị trí địa lý cách thành phố Hải Dương khoảng 23 km về phía Nam, cách Trung tâm huyện Ninh Giang khoảng 17 km về phía Tây – Bắc. Theo đơn vị hành chính của xã hiện nay gồm 04 thôn: Kim Chuế, Vân Cầu, Trại Mũa và Ứng Mộ, diện tích tự nhiên 546 ha, dân số khoảng 6.000 nhân khẩu.

Vị trí địa lý của xã tiếp giáp như sau: phía Đông tiếp giáp xã Vạn Phúc và Hồng Phúc, phía Tây giáp xã Tân Quang và Tân Phong, phía Bắc giáp xã Hùng Sơn (Thanh Miện) và Đức Xương (Gia Lộc).

Thôn Ứng Mộ, nơi có đình Ứng Mộ, từ khi được khởi dựng đến nay di tích vẫn tọa lạc tại vị trí như hiện nay.

Thời Lý - Trần, Ninh Giang gọi là huyện Vĩnh Lại (ngày nay là huyện Ninh Giang và huyện Vĩnh Bảo) thuộc phủ Hạ Hồng).

Tên gọi Ninh Giang có chính thức từ năm 1822 (năm Minh Mạng thứ 3 đời vua Nguyễn Thánh Tổ (1820 - 1840). Năm 1925, đổi thành phủ Ninh Giang gồm 8 tổng và 74 xã. Ứng Mộ lúc này thuộc tổng Phùng Xá, thời kỳ Pháp tạm chiếm. Năm 1951, Ninh Giang là cấp quận và thuộc tỉnh Vĩnh Ninh. Tỉnh Vĩnh Ninh gồm các quận: Ninh Giang, Hà An, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Phụ Dực (ngày nay thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh Hải Phòng và Hải Dương. Thời điểm này Ứng Mộ thuộc quận Ninh Giang, tỉnh Vĩnh Ninh.

Hòa bình lập lại năm 1954, huyện Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Dương và năm 1968 thuộc Hải Hưng. Ngày 24 tháng 02 năm 1979, huyện Ninh Giang sáp nhập với huyện Thanh Miện thành huyện Ninh Thanh. Ngày 27 tháng 01 năm 1996 huyện Ninh Giang được tái lập, xã An Đức trở lại thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương cho đến ngày nay.

2. Sự kiện, nhân vật lịch sử

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, di tích là nơi hội họp của quân dân chính đảng, lực lượng vũ trang của địa phương; là địa điểm dạy học cho con em trong thôn. Là địa điểm cứu, chữa thương bệnh binh trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, giai đoạn 1949 - 1952.

Căn cứ vào bia ký, thần tích còn lưu giữ và nhiều nguồn tư liệu khác nhau thì đình Ứng Mộ tôn thờ hai vị Thành hoàng là Thiên thần và Tiến sĩ Nguyễn Đình Chính đỗ Đệ tam giáp năm 1652.

Đây là hai vị thành hoàng làng có công được ban thưởng sắc phong và được lập đình để thờ tự. Thân thế sự nghiệp của các vị có thể tóm tắt như sau:

* Thành hoàng là Thiên thần:

Theo thần tích - thần sắc làng Ứng Mộ, tổng Phùng Xá, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương được Viện Thông tin - Khoa học Xã hội lưu giữ tại Hà Nội thì vị Thiên thần hiện tại không có thông tin gì về tên tuổi, ngày sinh, nhưng ngày hóa của Ngài vào ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch). Tuy nhiên theo các cụ cao niên tại địa phương cung cấp, vị Thiên thần là  thành hoàng của làng có công âm phù đánh đuổi giặc phương Bắc, che chở, phù hộ người dân nơi đây luôn có sức khỏe tốt, việc tang nông thuận lợi ... Với công lao đó Ngài đã được các triều đại Vua ban tặng nhiều sắc phong:

- Sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880), sắc phong cho thần là “Dực bảo Trung hưng Chi thần”.

- Sắc phong năm Duy Tân thứ 3 (1909), sắc phong cho thần là “Linh phù Dực bảo Trung hưng Trung vũ Linh tế Chi thần”.

- Năm Khải Định thứ 9 (1924), sắc phong cho thần là “Đoan Túc tôn thần”.

* Tiến sĩ Nguyễn Đình Chính:

Tiến sĩ Nguyễn Đình Chính sinh năm 1608 (chưa rõ năm mất) là người thuộc xã Bất Quần, huyện Quảng Xương (nay là thôn Bất Quần, xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).

Mùa xuân, năm Nhâm Thìn, niên hiệu Khánh Đức thứ 4 (1652), vua Lê Thần Tông xuống chiếu mở khoa thi tuyển chọn người tài. Sĩ tử đến trường thi của Bộ Lễ hơn 2.000 người, trong đó có Nguyễn Đình Chính và chú là Nguyễn Văn Bích cùng đến dự thi.

Ngày 29 tháng 4, tất cả các sĩ tử vào thi ở sân lớn. Nhà vua đích thân ra đề thi, trực tiếp kiểm tra bài thi và xếp định thứ bậc cho các sĩ tử. Đến ngày mồng 8 tháng 5 nhà vua cho truyền loa xướng tên người đỗ. Trong đó có tên Nguyễn Đình Chính đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng, có trống nhạc dẫn đường, đem ra treo ở cửa nhà Thái học để vinh danh những người đỗ đạt. Ngày mồng 3 tháng 7, Bộ Lại kính ban ân mệnh ở ngoài cửa Đoan Môn, ban áo mũ phẩm phục và cho dự yến tiệc. Đến ngày 10 tháng 7 những người thi đỗ được vào bái vua, sau đó vinh quy về làng.

Sau khi vinh quy bái tổ ông trở lại triều đình và được nhà vua cử về làng Ứng Mộ, khi về đến làng thấy nơi đây còn hoang vắng, dân cư thưa thớt và nghèo nàn. Ông tập hợp được một số người trong dòng họ Nguyễn đang sinh sống tại đây, khai hoang đồng ruộng, dạy họ cách trồng trọt, chăn nuôi, dạy chữ … Từ đó, đời sống nhân dân ngày một đủ đầy, đất đai không bị hoang hóa, người người trở lên đông đúc, xóm làng ngày một đông vui, tiếng cười, tiếng nói ngày càng hân hoan, hớn hở. Tất cả những điều đó đã minh chững cho việc tập trung trí tuệ, công sức gây dựng, biến nơi đây từ chỗ hoang sơ, hoang hóa trở thành mảnh đất trù phú, ấm no. Với những công lao to lớn và sự đóng góp mình, ông được triều đình phong chức Binh bộ Tả thị lang, Nhập thị kinh diên, tước hầu. Khi ông mất nhân dân vô cùng thương tiếc viết biểu tâu Vua. Nhà Vua nghe tin vô cùng thương xót bậc bề tôi có công lao to lớn với nước, lập tức sai sứ thần đến nơi này hành lễ điếu và truyền cho nhân dân tu lập một miếu để phụng thờ tế lễ. Tặng phong: “Đương cảnh Thành hoàng” và truy chức “Thượng thư”.

Đình Ứng Mộ được xây dựng tại khuôn viên tương đối rộng rãi, phía trước qua con đường liên thôn là khu sân đình rộng gần 1.500 m2, rất thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội truyền thống của cộng đồng nhân dân địa phương.

* Lễ hội

 Trước cách mạng tháng 8/1945

Tại di tích diễn ra hai kỳ lễ hội:

- Ngày 10 tháng 3: Kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng – đây là kỳ lễ hội chính trong năm;

- Lễ hội cầu mát ngày 12 tháng 9 hàng năm.

* Lễ hội chính – Ngày hóa của Thành hoàng: Diễn ra trong 03 ngày bắt đầu từ mồng 10 đến 13 tháng 3 âm lịch (trong đó ngày mồng 10 là trọng hội).

Đây là kỳ lễ có quy mô lớn, trang nghiêm, vì thế việc Chánh tổng, Lý trưởng, Phó lý, Tiên chỉ cùng các cụ bô lão trong làng họp bàn, phân công, sắp đặt công việc hết sức cụ thể.

* Nhân lực phục vụ trong lễ hội

- Đối với ông chủ tế: Chủ tế thường chọn người có chức sắc trong làng như các bậc tiên, thứ chỉ, kỳ mục. Trước khi mở hội, Hội đồng chức dịch gồm: Chánh tổng, Lý trưởng, Phó lý … và các giáp (thôn có 8 giáp gồm: giáp Đông, giáp Đoài, giáp Tây, giáp Đồng Xá, giáp Phượng Bái, giáp Đồng Giàng, …) họp ở đình làng do cụ Tiên chỉ chủ trì bàn về việc nghi lễ rước và lễ tế các vị thần, chọn người trong đội tế.

- Đối với đội tế: Những người được chọn phải là nam giới, có độ tuổi từ trên 55 tuổi đến 65 tuổi, họ phải đạt tiêu chí: ngoại hình không có khuyết tật, không có bệnh, sống có nề nếp, văn hóa, đạo đức và có uy tín trong làng, được mọi người quý mến và tin cậy, nhà không có tang và phải sống chay tịnh trước đó hàng tháng.

- Đối với đội rước: Theo quy định đội hình rước gồm có: người cầm cờ, cầm quạt lọng, cầm chấp kích, bát bửu, kiệu thánh phải là con trai khỏe mạnh, chưa vợ, con nhà gia giáo, số lượng từ 12 đến 16 người, độ tuổi từ 17 đến 23 tuổi. Đội hình rước trong trang phục áo đỏ, quần trắng thắt lưng bó que màu vàng, đầu chít khăn đỏ, chân quấn sà cạp đi giầy. Cụ bá trong trang phục quần áo đỏ có thêu hoa văn, đầu đội khăn xếp, chân đi giầy dạ lan. Phó lý mặc áo lương màu đen, quần màu trắng, đầu đội khăn xếp đen, chân đi giày. Còn lại nhân dân trong trang phục đẹp nhất được sắm sửa từ trước để hòa vào đoàn rước.

* Đồ thờ phục vụ cho lễ hội:

Chiều ngày mồng 9, dân làng chuyển các đồ thờ có liên quan đến lễ rước thần như: Kiệu, tàn, lọng, bát bửu, ngựa … ra sân đình để làm công tác bao sái cho sạch sẽ. Các đồ thờ này chỉ được đưa vào trong nơi thờ tự khi tế lễ xong.

* Trang phục cho các thành viên tham gia:

Ngày cử lễ, ban tế nam có 13 người gồm: 01 ông chủ tế, có trách nhiệm lễ thần, lễ phục. Trang phục mũ, áo màu đỏ, quần màu trắng, hia màu đỏ và trước ngực có thêu rồng. Hai người bồi tế, hành lễ theo chủ tế, lễ phục, trang phục mũ, áo, hia màu xanh, quần màu trắng. Ông Đông xướng và ông Tây xướng phụ trách xướng nghi thức trong lúc tế, đứng đối diện nhau bên cạnh hương án, lễ phục, mặc áo xanh, hia xanh, quần màu trắng. Các ông bồi tế, là những người đứng hai bên phụ trách việc dâng hương, dâng rượu, chuyển chúc, đọc chúc, lễ phục: Áo, mũ, hia màu xanh, quần màu trắng. Hai ông thủ từ trong ban khánh tiết trong trang phục áo the, khăn xếp đứng sẵn trong hậu cung để tiếp nhận lễ vật nhận từ các ông bồi tế dâng vào; các ông chấp sự, lễ phục khăn xếp, áo the màu đen, quần trắng.

Tất cả người dân trong làng từ già đến trẻ đều ăn mặc quần áo lịch sự để đi dự hội, họ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Đình được trang hoàng lộng lẫy bằng cờ thần, hàng ngày luyện tập đánh trống, rước cờ, tế.

* Lễ vật cúng thần

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong hội đình làng Ứng Mộ có tục cúng bánh giầy với những quy định chặt chẽ do lệ làng đặt ra. Vào ngày mồng 10 tháng giêng (ÂL) hàng năm, dân làng vào đám tế thần, trước ngày vào đám, ông cai đám đi kiểm tra nguyên liệu lần cuối trước khi chế biến vật phẩm dâng đức thánh.

- Tục làm bánh giầy: Người ta chọn loại gạo nếp thơm 05 kg được mua từ một gia đình trong làng trồng. Sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu xong. Gạo nếp đem ngâm qua đêm rồi đãi sạch để ráo nước. Sau đó đem gạo đồ kỹ cho chín, khi xôi chín tiến hành đổ ra chiếc mâm lớn rồi cho vào cối đá giã tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, thường chỉ nam thanh niên làm vì bột nếp chín đặc biệt dính và quánh, việc nhấc chày lên cũng không đơn giản. Nếu giã không nhuyễn hẳn ăn còn hạt gạo sẽ mất ngon, dễ bị “lại” bánh. Thường thường người ta có thể dùng chút mỡ lau vào đầu chày giã cho đỡ bị bết dính. Sau khi làm xong công đoạn dã bánh thì bánh được đặt lên mâm mang để tế thần.

Ngoài lễ vật nêu trên còn có hương đăng, trà quả, … phục vụ cho việc tế lễ.

Cùng ngày, sau khi mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, thay mặt cho Hội đồng Kỳ lão tại địa phương và những thành viên tổ chức lễ hội, Lý trưởng là người được giao trọng trách vào xin phép mở hội, tiếp theo là Phó lý, Tiên chỉ cùng các cụ cao niên vào dâng hương.

* Diễn trình các nghi lễ diễn ra trong thời gian tổ chức lễ hội như sau:

- Lễ rước kiệu thánh:

Nghi lễ này được tổ chức vào sáng ngày mồng 10 tháng Giêng (ÂL). Cuộc rước này được mô tả như sau: bắt đầu nghi lễ rước là tiếng trống, tiếng chiêng cùng hòa nhịp nổi lên, tất cả các chân kiệu, chân cờ đã sẵn sàng, phường bát âm tấu nhạc, cuộc rước bắt đầu. Đi đầu là kiệu bát cống, tiếp đến là kiệu thường, kiệu lễ, bát bửu, đội cầm cờ thần. Sau đội cờ thần là lễ vật, hội đồng tế do ông chủ tế đi đầu và các ông tế quan viên đi sau, tiếp đến là hàng các cụ bô lão, nhân dân và khách thập phương cùng đi dự rước. Nghi lễ rước các thánh được tổ chức khá cẩn trọng, chu đáo.

Lễ rước xuất phát từ đình Ứng Mộ, lên miếu làng Ứng Mộ sau đó quay trở lại đình, tiếp đến đoàn rước đi đến đình Tế Cầu (thôn Hồng Đức) dừng lại tổ chức dâng hương rồi rước về đình Vân Cầu (thôn Vân Cầu). Tại đây có tổ chức dâng hương. Sau đó đoàn rước quay về đình Ứng Mộ và tổ chức tế. Thời gian mất khoảng ½ ngày.

Buổi chiều cùng ngày, sau khi đoàn rước về đến đình thì tổ chức đại tế tại đình. Trước khi tế, ông chủ tế thắp nhang và đọc bài văn tế, nêu lên những sự tích của các vị thành hoàng làng với ngữ điệu khúc triết, trang trọng, lúc hùng hồn, lúc lâm ly làm xúc động thần linh, khích lệ đông đảo dân chúng và quan viên tham dự.

Sau khi đọc văn tế xong thì đến nghi thức tế, đầu tiên là tế dâng hương, dâng rượu, tiếp theo là một tuần trầu, tế hóa chúc cuối cùng là lễ tất.

Sau khi ban tế nam làm đại lễ kết thúc, dân làng và du khách thập phương lần lượt vào lễ thánh. Chiêng, trống lại nổi lên cùng với âm thanh của phường bát âm. Tất cả đều thể hiện lòng thành kính đối với thành hoàng làng đã che chở và mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc cho nhân dân nơi đây.

Tối mồng 10, tại di tích tổ chức hát chèo, các đội phường chèo được mời từ các địa phương khác về. Các hoạt động đó thường kết thúc vào lúc 22 giờ trong không khí vui tươi, phấn khởi hứa hẹn một mùa lễ hội năm sau.

Sang ngày 11 không tổ chức tế, đình mở cửa cho nhân dân và du khách thập phương vào dâng hương, ngoài sân đình tổ chức các trò chơi dân gian như: đánh đu, thả diều, chọi gà, cờ người, pháo đất, kéo rắn đánh bệt, cầu thùm, bắt vịt, bịt mắt bắt vịt.

Hình thức tham gia các trò chơi như sau:

- Trò đánh đu: Đây là trò chơi được đông đảo nhân dân hưởng ứng trong lễ hội và cũng là đặc trưng của một vùng rộng lớn. Cây đu được trồng bởi sáu hay cây tre dài vững chắc để chịu đựng được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ vừa tay cầm. Tham gia trò chơi này có nhiều đội, mỗi đội có 02 người gồm 01 nam và 01 nữ, nam mặc trang phục áo lậu, đầu chít khăn đỏ, thắt lưng bó que; nữ mặc áo mớ ba mớ bảy, thắt lưng bó que. Cách thức chơi như sau: từng cặp hai người sẽ lên so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên một tầm nhất định, càng nhún mạnh, đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia. Cần đu lên ngang với ngọn đu là hay nhất, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Giải thưởng được treo ở ngang ngọn đu để người đu giật giải, giải thưởng là tiền mặt.

- Thả diều: Địa điểm được chọn là khu vực rộng lớn, không vướng cây cối, xã lối đi lại và đặt biệt nơi đó phải có gió nhẹ. Diều được làm từ những chất liệu khác nhau (như giấy, vải … ) nhưng được ưa chuộng nhất là diều làm bằng giấy. Với nhiều kích thước và màu sắc đa dạng, cộng theme những hình ảnh đặc trưng người chơi tự trang trí hoặc tạo dáng cho diều. Thả diều là trò chơi dựa theo sức nâng của gió, diều có thể thả được do một hoặc hai người. Khi có hai người thả diều thì một người cầm diều, một người cầm cuộn dây. Khi thả đứng ngược chiều gió, hướng mũi diều lên trời chếch 45 độ. Khi có gió thả diều nhẹ nhàng cho thật cân, người cầm dây giật nhẹ để nâng diều lên và từ từ thả dây dài ra cho diều lên cao. Còn đối với diều một người thả thì cũng thực hiện như quy trình hai người nhưng người thả phải đảm nhiệm luôn nhiệm vụ cầm cuộn dây của người kia. Đây là trò chơi không phân biệt nam nữ, lứa tuổi, ai cũng có thể tham gia. Có nhiều tiêu chí để đánh giá diều có thể là phần mỹ thuật trang trí, bay cao hay thấp hoặc cũng có thể là tiếng sáo kêu vang hay không.

- Chọi gà: Để có được con gà chọi hay đòi hỏi người phải có công phu và kinh nghiệm, từ việc chọn giống gà, gây giống, xem tướng gà, nuôi dưỡng, luyện tập … vv. Chọn gà tài trước tiên là xem hình dáng, tướng mạo, xét kỹ 05 bộ phận trên mình gà, gọi là ngũ thường gồm: Vảy chân, đùi, lông, mỏ và tiếng gáy. Chọn vảy gà hay, gà tài rất quan trọng. Đòn, thế đá của gà hay, gà tài thường thể hiện trên vảy ở hai chân. Việc chăm sóc gà cũng không kém phần quan trọng đòi hỏi sự siêng năng, kiên trì khi cho ăn cần treo lên cao để gà có thể nhón chân vì thế gà sẽ hay hơn. Thức ăn cho gà cần đãi sạch sẽ, đôi khi cho ăn thêm thịt bò, tép, lươn, giá hoặc cà để gà mát đá đòn mạnh. Cần chọn gà có những vảy sao để có thể chống trả đòn hiểm của đối thủ. Ngoài ra có thể chọn những gà có vảy: gạc thập, xuyên đao, xuyên tạc, huyền trâm, hàm long, địa giáp, … vì có thể giết địch thủ rất nhanh chóng. Đến hội gà được mang ra để thi đấu. Hình thức chơi được chia theo các cặp đấu và đấu theo các hồi mỗi hồi từ 10 đến 15 phút. Gà nào thắng thì sẽ được giải là tiền mặt, tùy từng năm mà giải thưởng có thể cao hay thấp.

- Cờ người: Cờ sử dụng người di chuyển thay cho quân cờ bằng gỗ trên bàn cờ. Bàn cờ là một bãi đất rộng được kẻ vôi thành những ô đều nhau. Cờ người được tổ chức thành 02 đội, mỗi đội gồm 16 quân cờ do nam thủ vai, mặc trang phục có chữ Hán trước và sau theo từng loại để dễ quan sát. Hai kỳ thủ ngồi trên ghế cao chỉ đạo từng quân cờ di chuyển. Để trận đấu thêm phần sôi động, trong quá trình thi đấu, người ta cử một người đánh trống bỏi thúc giục. Luật chơi như quy định của cờ bàn. Thời gian kéo dài từ 2 – 3 tiếng mới kết thúc. Bên nào bị chiếu tướng mà không di chuyển được là thua.

- Pháo đất: Công cụ để chơi pháo đất được làm từ các loại đất có độ quánh cao như đất sét, đấu thịt … pháo thường có dạng như hình cái chảo không có tay cầm hoặc hình bầu dục có thành dày hơn đáy với kích thước linh hoạt và nhiều khi phụ thuộc vào lượng đất nguyên liệu kiếm được. Pháo đất được chế tác rất to, gọi là mâm pháo và có thể dùng từ 20 kg đến 50 kg đất. Sân chơi thường là một mặt bằng càng phẳng càng tốt để vành pháo có thể tiếp xúc khít nhằm gây tiếng nổ to. Kỹ thuật làm pháo đất như sau: đất được làm tăng độ dẻo và nhuyễn bằng cách nhào nặn nhiều lần để khi nặn thì độ bền của thành hoặc đáy ở những chỗ có độ dày giống nhau tương đối đồng đều. Trường hợp đất quá khô phải cho thêm nước khi nhào, nặn. Độ dày của đáy phải ở mức độ phù hợp với diện tích của nó thì khi nổ mới tạo thành tiếng kêu to và vết phá ở đáy vừa phải. Vành của pháo đất phải được làm sao cho nó tạo thành một mặt phẳng có thể úp khít xuống mặt sân chơi. Ở những hội thi, khi làm pháo lớn, người ta làm vành pháo giống như cạp của rổ, rá. Kỹ thuật nổ pháo: người chơi cho pháo nổ bằng cách cầm pháo theo cách đáy pháo tiếp xúc với lòng bàn tay rồi ụp mạnh xuống để vành pháo tiếp xúc với bề mặt sân chơi. Kỹ thuật này đòi hỏi độ chính xác để có thể tạo ra tiếng nổ to. Nếu góc tiếp xúc không chuẩn, pháo sẽ vón thành một cục đất chứ không nổ. Khi pháo đập xuống mặt sân chơi, áp suất cao của không khí trong lòng pháo bị nén sẽ phá vỡ đáy tạo thành tiếng nổ. Luật chơi pháo đất rất đơn giản, người chơi sẽ được chia những phần đất đều nhau để làm quả pháo đất của mình. Những người chơi lần lượt cho pháo nổ, pháo của ai nổ to được coi là thắng cuộc. Ở cuộc thi pháo đất ngoài nổ to phải kèm theo yêu cầu vết phá ở đáy pháo càng rộng càng tốt hoặc vành pháo sau khi nổ phải tách rời ra và nằm vắt ngang thân mà không bị đứt đoạn. Pháo đất cũng có thể chia nhiều người chơi thành hai phe và cử đại diện cho pháo nổ. Phần thưởng là tiền mặt, tùy theo năm có thể là nhiều hay ít, phần thưởng chỉ mang tính khích lệ cho cuộc thi tăng thêm phần sinh động.

- Trò chơi kéo rắn đánh bệt: Đây là trò diễn lại tích về Thành hoàng. Cách thể hiện như sau: Người đóng vai con rắn là nam thanh niên có thân hình vạm vỡ, trong trang phục đầu chít khăn đỏ, áo đỏ thắt lưng bó que, chân quấn xà cạp, tay cầm hình nộm rắn (giống như cầm múa đầu kỳ lân) ấn lấp ở trong đình. Sau khi bà con nhân dân vào dâng hương xong thì người đóng vai rắn từ trong hậu cung di tích chạy qua cửa chính và chạy thẳng ra cánh đồng, bà con dân làng liền cầm gậy gộc đuổi theo con rắn. Ra đến một bãi đất lớn ngoài cánh đồng thì bắt được, sau đó bà con nhân dân dùng gậy đánh vào hình nộm rắn. Sau khi đánh xong thì quay trở lại đình dâng hương.

- Cầu thùm: Được tổ chức tại ao bên trong làng. Trò này trẻ em, người lớn ai cũng có thể chơi. Yêu cầu người chơi phải có khả năng giữ thăng bằng tốt. Dụng cụ để chơi là một cây tre bương to dài khoảng 7 mét, một đầu được gác lên bờ và một đầu được treo lơ lửng trên mặt nước bằng dây thừng buộc vào một cái chạc gồm ba cây tre buộc chụm đầu vào nhau tạo điểm tựa vững chắc. Từng người chơi một lần lượt bước lên cầu kiều. Họ phải đi từ từ và hết sức cẩn thận để cho cây cầu ít bị rung. Ai đi hết được chiều dài của cây cầu sẽ là thắng cuộc và giải thưởng được trao là tiền mặt, theo quy định từng nằm.

- Bắt vịt: Được tổ chức tại ao làng, trò khuyến khích nhiều đối tượng tham gia. Tại ao làng người ta thả 01 con vịt khỏe mạnh, mỗi lần chơi có 03 người tham gia và thời gian cho mỗi lần chơi là 20 phút. Ai bắt được vịt giải thưởng sẽ chính là con vịt đó. Sau 15 phút mà không ai bặt được vịt sẽ  phải lên để cho những người khác tham dự. Trò này đòi hỏi người chơi phải là những người khỏe mạnh để có thể ngụp lặn, đồng thời bơi nhanh nhẹn.

- Bị mắt bắt vịt: Trò này được tổ chức ngay tại sân đình. Tại sân đình người đa đóng các cọc tre chắc chắn thành một hình tròn, sau đó quây lưới kín. Trong đó người ta thả một con vịt rất khỏe mạnh. Người chơi chỉ được tham gia một lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Người chơi được bịt mắt sau đó tìm cách bắt con vịt. Phần thưởng cho mỗi lần chơi nếu bắt được chính là con vịt, sau 10 phút người nào chưa bắt được thì dừng chơi thay người khác vào.

Tối 11 tổ chức hát chèo, các phường chèo được mời từ nơi khác về giao lưu tại sân đình cùng với đội hát chèo của quê hương. Văn nghệ kết thúc vào lúc 22 giờ trong sự hân hoan, phấn khởi của đông đảo nhân dân.

Sáng ngày 12/3 (âm lịch) tổ chức tế giã đám. Quy trình tế vẫn như tế chính chỉ khác phần nội dung chúc. Sau khi tế xong tổ chức rước Thành hoàng trở lại miếu làng Ứng Mộ an vị, kết thúc lễ hội.

Lễ hội ngày nay:

Tại khu di tích đình Ứng Mộ vẫn còn có các sự lệ diễn ra như trước cách mạng Tháng tám (1945). Tuy nhiên, việc thực hiện các nghi trình cũng như các nghi lễ tại di tích có phần bị mai một và giảm bớt vì điều kiện thực tế cũng như nhu cầu và tính đơn giản của địa phương.

Những năm gần đây, việc tổ chức lễ hội tại đình Ứng Mộ tiếp tục được tổ chức nhưng có sự thay đổi về thời gian diễn ra giữa các sự lệ: Thời gian diễn ra lễ hội 2 ngày từ 10 – 11 tháng 3 âm lịch, trong đó ngày mồng 10 là ngày trọng/chính hội.

Việc tổ chức lễ hội do chính quyền và người dân thôn Ứng Mộ đứng ra tổ chức. Đến kỳ lễ hội, công việc tổ chức được lãnh đạo thôn, các tổ chức Hội và ban khánh tiết họp bàn và phân công cụ thể, theo đúng quy định về việc cưới, tang và tổ chức lễ hội. Sau đó báo cáo UBND xã về việc tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Để cụ thể hóa công việc và thuận lợi cho quản lý. Ban khánh tiết đã phân công cho từng tiểu ban để thực hiện, từ việc đón tiếp đại biểu, hậu cần, công đức ...

Chiều mồng 9 tháng 3 âm lịch, nhân dân và các cụ cao niên trong thôn mở cửa đình tổ chức bao sái đồ thờ tự, quét dọn để phong quan di tích. Nhân dân trong thôn được triển khai thực hiện công việc trên loa truyền thanh của xã, công việc cũng như công tác dọn dẹp vệ sinh đường sá quanh khu vực nhà mình.

Sáng mồng 10 tháng 3 âm lịch, vào lúc 7 giờ sáng đại diện chính quyền thôn cùng đại diện Hội Người cao tuổi, ban khánh tiết di tích và đội tế nam vào làm lễ cáo yết, tế xin phép cho dân làng mở hội. Sau nghi thức trên, đại diện chính quyền xã lên đọc diễn văn khai mạc lễ hội truyền thống. Kết thúc phần khai mạc là đến nghi thức rước. Đoàn rước xuất phát từ đình Ứng Mộ lên đình Tế Cầu tổ chức dâng hương tại đình Tế Cầu sau đó quay về đình Ứng Mộ tổ chức đại tế.

Do điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương nên nghi trình rước cũng có đơn giản hơn trước kia. Đi đầu đoàn rước là một cụ cao niên trong trang phục mũ cánh chuồn, áo đỏ, quần đỏ chân đi hia, tiếp đến là đội múa kỳ lân, sau đó đến trống cái, kiệu long đình, đi cùng kiệu Thánh có lọng đi hai bên,  tiếp đến là kiệu lễ, bộ bát bửu, cờ thần, đội tế nam, đội tế nữ, các cụ cao niên và dân làng. Đội rước ngày nay không khắt khe như trước kia, tất cả do các thanh niên trong thôn phụ trách, chỉ trừ bát bửu do đội tế nữ cầm.

Sau khi rước về đình thì tổ chức tế tại đình. Đội tế gồm có đội tế nam và đội dâng hương nữ, đội tế nam gồm 11 người là các cụ cao niên am hiểu về lịch sử, lễ hội truyền thống, có độ tuổi từ 60 đến ngoài 70 tuổi. Đội dâng hương nữ mới được thành lập mấy năm trở lại đây gồm 15 người, có độ tuổi từ 50 đến ngoài 60 tuổi. Sau khi an vị thần tại di tích thì đội tế nam vào tế trước. Quy trình tế vẫn như xưa, đầu tiên là tế 01 tuần hương, tiếp đến là 01 tuần rượu, 01 tuần trầu, tế đọc chúc, tế hóa chúc và sau cùng là lễ tất. Thời gian tế khoảng 2 giờ đồng hồ. Sau khi tế xong thì bà con nhân dân vào dâng hương. Ông chủ tế trong trang phục áo đỏ có thêu rồng phượng trước ngực, đội mũ dải màu vàng, chân đi hia. Các ông Đông xướng, Tây xướng trong trang phục áo xanh, quần trắng, đầu đội mũ dải.

Buổi chiều tiếp tục mở cửa đình cho du khách và nhân dân vào lễ, bên ngoài sân đình tổ chức các trò chơi dân gian như: Đánh pháo đất, thả diều, chọi gà, đi cầu thùm, đập niêu, bịt mắt bắt vịt. Kết thúc các trò chơi người nào thắng cuộc sẽ được thưởng tiền, tùy từng năm và tùy từng trò chơi mà giá trị giải thưởng có sự khác nhau, chủ yếu là khích lệ tinh thần tham gia các trò chơi. Buổi tối có biểu diễn văn nghệ, đội văn nghệ do hội phụ nữ thôn, thanh niên và các cụ cao niên trong thôn biểu diễn.

Sáng ngày 11 tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian và một số trò chơi mới như: cầu lông, bóng chuyền, bóng đá ... Bên cạnh đó, di tích vẫn mở cửa để nhân dân thắp hương chiêm bái. Buổi chiều tổ chức tế giã đám, tế giã đám do đội dâng hương nữ đảm nhận, quy trình tế như đội tế nam chỉ khác phần nội dung chúc. Tế xong kết thúc lễ hội, đóng cửa đình.

3. Kiến trúc di tích

Đình Ứng Mộ nằm cạnh đường liên thôn trên một khuôn viên rộng lớn. Năm 2009 nhân dân và chính quyền địa phương cho xây dựng lại trên đất của đình xưa, công trình có quy mô tương đối khang trang. Khu di tích gồm có các hạng mục công trình sau: Nghi môn; Đình chính; Nhà khách và khu công trình phụ trợ.

Ngoài những công trình nêu trên di tích còn có hệ thống tường bao bằng đá xanh, khu sân vường rộng phù hợp với các yêu cầu tổ chức lễ hội trong năm.

* Nghi môn

Nghi môn được xây dựng từ năm 2009 bằng đá xanh nguyên khối được chạm khắc hoa văn.  Nghi môn vuông góc với đường trục thần đạo và song song với trục ngang của bờ nóc đình chính. Đồng thời, độ mở giữa hai trụ cái tương đồng với độ rộng gian chính giữa của đình. Nghi môn gồm bốn trụ lớn, không có tường nối giữa các trụ. Ở hai trụ lớn và hai trụ nhỏ có bố cục giống nhau.

Trụ lớn được chia làm 3 phần: phần đầu trụ trên cùng điêu khắc hình tượng chim phượng tại bốn góc - là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng thanh nhã. Chim phượng cũng biểu thị cho sự hòa hợp âm dương. Phía dưới là đế vuông tạo hình cánh sen.

Đế của trụ biểu được làm theo kiểu trái dành vuông, bốn góc tạo hình vân xoắn. Bên dưới tạo hình hộp chữ nhất theo kiểu đèn lồng gồm 4 mặt trang trí để tài tứ linh. Đáy đỡ đèn lồng là bệ vuông giật cấp thót lại.

Phần trân trụ biểu gồm 4 mặt phẳng trên có khắc Hán tự ca ngợi công lao của Thành hoàng:

Mặt trước có ghi:

“Tích Tĩnh Gia cựu địa huân công thế nghiệp;

Kim Ninh Giang tân chỉ tân chỉ ân đức phương danh”

Dịch nghĩa:

“Xưa Tĩnh Gia đất cũ công lao sự nghiệp lớn;

Nay Ninh Giang quê mới ân đức nức tiếng thơm”

Hai trụ hai bên thấp hơn hai trụ chính. Được chia làm ba phần: phần đầu trụ biểu trên đỉnh điêu khắc hình tượng lân chầu. Mặt hướng về trung tâm. Đứng trên đế vuông giật tam cấp, thân đế tạo hình cánh sen. Phía dưới đế tạo hình chữ nhật gồm bốn mặt trang trí đề tài tứ linh, phần thân cũng khắc Hán tự:

Nội dung:

“Vạn phái giang lưu quy đại  hải;

Thiên chi thụ xuất bản thâm căn”

Dịch nghĩa:

“Muôn nhánh sông chảy về biển lớn;

Nghìn cành cây sinh bởi gốc sâu”

* Đình chính:

Theo các tài liệu liên quan và thông tin cung cấp của các cụ cao niên cho biết: đình được xây dựng từ năm 1901, kiến trúc hình chữ nhất (-) gồm 3 gian đại bái, quy mô nhỏ, chiều dài 10,7 m, chiều rộng 5,3 m. Năm 1936 đình được tu sửa lại. Năm 1939 đình được xây dựng lại với quy mô lớn hơn trên khuôn viên khoảng 3.000 m2. Đình có kiến trúc hình chữ đinh (J) đại bái gồm 7 gian 2 dĩ và 3 gian hậu cung. Chiều dài đại bái khoảng 24 mét và chiều rộng 11 mét. Mái lợp bằng ngói mũi truyền thống, hai đầu hồi đắp nổi hình tượng rơi ngậm đồng tiền – một ý nghĩa cầu mong hạnh phúc đến với mọi người. Bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”. Gian hậu cung có chiều dài 10 mét và rộng 5 mét. Tất cả làm bằng chất liệu gỗ lim. Người dân trong thôn cho biết, xưa đình xưa có hệ thống cột, xà, vì kèo rất chắc chắn, đường kính cột cái khoảng 80 cm, cột quân khoảng 60 cm, đều được đặt trên các chân tảng đá chắc chắn. Hệ thống bẩy hiên và bề mặt của các bộ vì kèo được chạm trổ công phu, các bức cốn chạm trổ đề tài tứ linh “Long, ly, quy, phượng”, hình tượng dơi, chuột một cách tinh xảo. Hệ thống cửa bức bàn trang trí đề tài tứ quý “Tùng, cúc, trúc, mai”.

Năm 1959 tòa đại bái của Đình bị hạ giải hoàn toàn để lấy vật liệu phục vụ cho các công trình phúc lợi xã hội của địa phương như: làm trường học của thôn, xây dựng chợ còn lại một phần di tích bỏ hoang. Dấu tích còn lại là bức tường hồi, hệ thống móng xây dựng bằng gạch Bát Tràng và ba gian hậu cung.

Năm 2009 bằng nguồn kinh phí công đức của nhân dân và được sự đồng ý của các cấp chính quyền, tòa đại bái của đình được khôi phục lại trên nền đất cũ với quy mô tương đối khang trang. Đình hiện có kiến trúc kiểu chữ nhị (=) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung.

Qua nghi môn đến sân đình được lát bằng đá vuông. Hai bên nghi môn có hai con ngựa đá chầu vào trục thần đạo. Tiếp đến là lư hương đá rồi đến công trình chính.

Tòa Đại bái được xây dựng theo kiểu thu hồi bít đốc, chiều dài 14.5 mét, chiều rộng 6,18 mét, chất liệu bằng bê tông cốt thép kiên cố giả gỗ. Móng và hệ tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống, hai đầu bờ nóc đắp nổi hình tượng lạc long miệng ngậm bờ nóc đuôi cuộn tròn vắt lên hồi đấu, chân tạo thế đặt lên bờ guột tạo nên sự uy linh cho di tích. Bờ guột đắp hình tượng lân chầu quay mặt về hai phía trước và sau. Tại các đầu đao tạo dáng mái cong trang trí hình tượng long, ly. Tường ngoài không chát để trơn vét mạch, phía trong trát vữa bằng phẳng. Cửa tạo dáng kiểu bức bàn, trang trí đề tài tứ quý “tùng, cúc, trúc, mai”.

Hệ thống cột, kèo và bẩy hiên làm bằng chất liệu bê tông sơn giả gỗ, các đầu bẩy đắp chữ “Thọ” cách điệu. Cột cái có kích thước 40 cm, được tạo dáng đặt trên hệ thống chân tảng sơn màu giả đá.

Kết cấu bộ khung chịu lực gian của tòa tiền bái gồm 4 vì kèo chính kiểu “chồng rường giá chiêng”, các con rường và hệ thống xà nách trang trí đề tài lá lật và được đặt lên các đấu vuông thót đáy tạo hình cánh sen. Hoành bằng chất liệu bê tông, dui mẻ bằng gỗ, trên cách mảnh dui khắc chìm hình chữ “Thọ” cách điệu.

Phía trên cùng của các bộ vì tại gian trung tâm là điểm đặt thương lượng có ghi dòng chữ Hán:

Phiên âm:

“Việt Nam tuế thứ Quý Tỵ, Hoàng đạo tứ nguyệt sơ cửu nhật đương thời thụ trụ chính Tỵ bài thượng lương đại cát vượng”.

Dịch nghĩa:

“Việt Nam đương thời chính giờ Tỵ ngày Hoàng đạo mùng 9 tháng 4 năm Quý Tỵ (2013) dựng trụ thượng lương rất tốt đẹp, thịnh vượng”

Tại câu đầu khắc nổi chữ Hán tự:

Phiên âm:

“An Đức lưu truyền lâu dài mãi;

Ứng Mộ muôn đời vẫn thịnh hưng”

Dịch nghĩa:

“An Đức lưu truyền lâu dài mãi;

Ứng Mộ vĩnh long hưng”

Tại gian đại bái đình Ứng Mộ có treo bốn bức đại tự lớn:

“Hộ quốc tý dân”

Dịch nghĩa:

“Bảo vệ nước, che chở cho dân”

Tại gian cổ giải trên trụ tường xi măng có ghi 4 câu đối, câu đối thứ nhất phiên âm chữ Hán:

“Võ liệt văn mô, nhật nguyệt đồng quang, thiên vũ trường xuân tại;

Long lâu phượng các, tinh anh an lạc, địa linh vĩnh thế tồn”

Dịch nghĩa:

“Văn tài võ giỏi, cùng nhật nguyệt tỏa ánh hào quang, thiên vũ mùa xuân còn mãi;

Lầu rồng gác phượng, với tài giải tinh anh an lạc, đất thiêng thế giới trường tồn.”

Câu đối thứ hai có ghi:

Phiên âm:

“Cửu An hà thủy tứ thời lưu hội họp thanh phong tú khí;

Ứng Mộ hương dân thiên niên định an sinh tân cảnh thuần nhân.”

Dịch nghĩa

“Sông nước Cửu An bốn mùa dòng hội tụ khi lành gió mát;

Dân thôn Ứng Mộ nghìn năm sống yên vui cảnh mới người hiền.”

Nối liền với đại bái là 3 gian hậu cung. Đây là kiến trúc còn giữ được nét cổ kính. Hậu cung có chiều dài là 9.56 mét, rộng 4,1 mét, được xây theo kiểu thu hồi bít đốc, hai đầu bờ nóc đắp nổi hình tượng lạc long miệng ngậm bờ nóc đuôi cuộn tròn vắt lên hồi đấu sơn màu vàng với các đường gân xanh, hai chân bám chắc vào bờ guột hai bên. Trên bờ guột được dựng các hồi đấu vuông (phần này do nhân dân mới tu bổ). Hệ tường xây bằng gạch chỉ phía trong trát phẳng bên ngoài để trơn vét mạch. Hai đầu hồi đắp nổi hình tượng dơi ngậm đồng tiền – một thông điệp mà ai ai cũng mong muốn có được, đó là sự giàu có sung sướng hạnh phúc và sống lâu trăm tuổi. Mái lợp ngói mũi truyền thống.

Hệ thống bẩy hiên trang trí đề tài lá lật và hoa văn chữ “triện”, đầu bẩy khắc chìm chữ “Thọ” cách điệu. Qua hệ thống cửa đi chính tại gian trung tâm, hai bên xây bít trang trí chữ “Thọ” hình tròn, cách điệu là đến gian hậu cung – trung tâm thờ tự của di tích.

Hậu cung gồm hai bộ vì chính có kiến trúc theo kiểu giá chiêng, tất cả tạo tác bào trơn đóng bén. Hệ thống bộ vì, cột, xà nách làm bằng gỗ lim. Hệ cột gồm hai hàng cột chính hình vuông. Cột cái được đặt trên chân tảng đá xanh. Các hệ cột con được làm theo phương pháp trốn cột. Hoành, dui chất liệu gỗ.

Tại hậu cung có treo bức đại tự, có kích thước dài 295 cm, rộng 90 cm.

Phiên âm: Thánh cung vạn tuế.

Dịch nghĩa: Bậc Thánh sống lâu muôn tuổi.

Bức đại tự làm từ gỗ mới, sơn màu vàng, đỏ, chữ đen nổi, nền chạm hoa văn nét triện xen ô hình chữ nhất đứng chạm tứ quý vân xoắn. Xung quanh khung tròn nổi chạm tứ linh (cạnh trên chạm lưỡng long chầu nguyệt đao hỏa vân xoắn, hai đầu chạm lưỡng phượng, cạnh dưới chạm lân, quy, hoa lá sen sóng nước cách điệu cách ô ục giác hoa thị). Bốn góc chạm ô lục giác hoa thị cách điệu.

Phía dưới hai bên có hai cặp câu đối:

Câu đối thứ nhất phiên âm:

“Kim cổ thuần phong, trọng hiền tài, tôn vinh khoa bảng;

Vĩnh hằng mỹ tục, tri ân công, bồi bảo nhân văn.”

Dịch nghĩa:

“Xưa nay phong cách thuần hậu, trọng hiền tài, tôn vinh khoa bảng;

Mãi truyền tục lệ tốt đẹp, nhớ công ơn, bồi tạo nhân văn.”

Câu đối thứ hai phiên âm”

“Lê đại Trung Hưng bao phong võ liệt, tang dực kỳ xứng tụng;

Trần triều Thượng đẳng dực tán văn mô, huy hiệu hấp huyền ca.”

Dịch nghĩa:

“Thời Lê Trung Hưng bao phong võ giỏi, chí lớn diệu kỳ xứng danh khen ngợi;

Triều Trần Thượng đẳng tán dương văn tài, huy hiệu chói ngời hấp dẫn đàn ca.”

* Nhà khách và khu công trình phụ trợ:

Nhà khách mới được xây dựng bổ sung nhằm mục đích tiếp khách và là nơi hội họp của ban khánh tiết, cũng như là nơi nghỉ ngơi cắt cử người trông coi di tích thường xuyên. Công trình hiện có kiến trúc kiểu chữ nhất (-) gồm 3 gian xây theo kiểu thu hồi bít đốc. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Hệ vì kèo gồm hai vì kèo chính kiểu “chồng rường giá chiêng” chất liệu bê tông, sơn màu giả gỗ.

Công trình phụ trợ như: bếp, khu vệ sinh, ….

Qua nghiên cứu, khảo sát và các nguồn tài liệu k hác nhau, chúng tôi đánh giá đây là di tích lịch sử. Di tích là nơi tôn thờ hai vị Thành hoàng làng là người có công được ban thưởng sắc phong và được lập đình đê thờ tự:

- Một vị là “Thiên thần” hiện không có tài liệu nào ghi chép lại công trạng, nhưng đã được nhiều triều đại vua sắc phong.

- Tiến sĩ Nguyễn Đình Chính là người có công trong việc khai hoang, dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, dạy dân học chữ, … Sau khi mất được Vua truy tặng chức Thượng Thư.

Đình Ứng Mộ là di tích có quy mô lớn, có giá trị về nhiều mặt. Di tích là niềm tự hào của các thế hệ người dân thôn Ứng Mộ nói riêng và xã An Đức nói chung. Là nơi đáp ứng nguyện vọng tri ân các bậc tiền nhân cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Với tinh thần đó các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cha ông đã sáng tạo trong quá trình lao động, đấu tranh dựng và giữ nước tiếp tục được giữ gìn và phát huy hiệu quả góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương./.

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NINH GIANG

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Giang
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Thành Vạn - HUV - PCT UBND huyện
Cơ quan Thường trực: Văn phòng HĐND&UBND huyện
Đơn vị thực hiện: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang

Địa chỉ: Đường Lê Thanh Nghị - Khu 3 Thị trấn Ninh Giang - Huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 767 352 Email: ubnd.ninhgiang@haiduong.gov.vn
 

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0