ĐÌNH PHÙ CỰU, XÃ VĂN HỘI (VĂN GIANG CŨ)
HUYỆN
NINH GIANG, TỈNH
HẢI DƯƠNG
I. KHÁI QUÁT CHUNG
Đình Phù Cựu là di tích Lịch sử - Văn hoá thuộc xã Văn Giang cũ
(nay là xã Văn Hội), huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Vào cuối thế kỷ 19 đầu
thế kỷ 20, Phù Cựu là một xã thuộc tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh
Giang, tỉnh Hải Dương.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Phù Cựu chuyển thành thôn, sáp
nhập với các thôn: Văn Hội, Tuy Lai và Đào Lạng, lấy tên là xã Văn Hội. Sau cải
cách ruộng đất (1956), Phù Cựu là một thôn lớn, đông dân cư nên lại đổi thành
xã, lấy tên là xã Văn Giang. Xã mới lấy chữ “Văn” là chữ đầu của xã cũ
và lấy chữ “Giang” là chữ cuối của huyện Ninh Giang.
Ngay sau khi xã Văn Giang được thành lập, chính quyền địa phương
căn cứ vào việc phân bố dân cư, chia xã thành 3 thôn, đó là: Thôn Một, Thôn Hai
và Thôn Ba. Trong đó, Thôn Một là thôn nằm trong đê, Thôn Hai và Thôn Ba nằm
sát bờ đê sông Luộc. Cho đến nay, vị trí địa lý của xã vẫn giữ nguyên. Đình Phù
Cựu nằm tại Thôn Một, nhưng là di tích chung của cả 3 thôn và là đình cũ của xã
Phù Cựu. Tên đình Phù Cựu gắn liền với tên xã từ trong lịch sử.
Đình Phù Cựu nằm tại trung tâm Thôn Một, mặt tiền quay về phía
Tây, nơi đây có ao đình khá rộng, vuông vức; Phía Đông và phía Nam giáp khu dân
cư, phía Bắc giáp đường thôn. Di tích tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, cao
ráo, thoáng rộng và có cảnh quan đẹp.
Từ thành phố Hải Dương (trung tâm tỉnh lỵ Hải Dương) theo đường 39
B đến ngã ba Đường Đất, cách 7 km rẽ trái theo đường 17A đi 18 km gặp ngã ba
Cầu Me, rẽ phải theo đường 210 đến ngã ba Bến Hiệp cách 10 km rẽ trái theo
đường liên xã, gặp đề sông Luộc, cách 1km là đến di tích. Di tích đình Phù Cựu
nằm bên trái đường.
Đến với di tích có thể bằng ô tô, xe máy, xe đạp đều thuận tiện,
dễ dàng.
Mảnh đất Văn Giang ngày nay được bồi đắp bởi phù sa sông Luộc từ
hàng trăm năm trước. Đất đai màu mỡ, con người thuần hậu, chất phác, lấy nghề
nông là nghề chính của mình. Tuy nhiên đã từ lâu đời, nghề trồng dâu nuôi tằm,
dệt lụa đã xuất hiện từ khá sớm. Dưới thời Phong Kiến nghề trồng dâu nuôi tằm,
dệt lụa đã phát triển khá mạnh, đã có lúc trở thành hàng hóa đi tới các địa
phương khác trong tỉnh và các thành phố lớn. Trải qua nhiều năm tồn tại, hiện
nay cả xã vẫn thường xuyên có 87 mẫu trồng dâu ngoài đê sông Luộc, nhiều hộ gia
đình vẫn thu nhập cao từ nghề này. Ngoài ra, tại địa phương đã xuất hiện một số
nghề khác như dịch vụ, thợ xây, vận tải...
Xã Văn Giang có diện tích tự nhiên là 434,92ha, dân số 5.087 người
(tính đến tháng 12 năm 2004). Phía Đông giáp xã Hưng Thái, huyện Ninh Giang. Phía
Tây giáp xã Tiền Phong và thanh Giang, huyện Thanh Miện. Phía Nam giáp sông
Luộc. Phía Bắc giáp xã Văn Hội, huyện Ninh Giang. (đến năm 2019, hai xã Văn
Giang và Văn Hội sáp nhập thành 1 có tên là xã Văn Hội).
Trong những năm gần đây, do đường lối đổi mới của Đảng và chính
sách của Nhà nước, nhất là chính sách đổi mới về cơ cấu nông nghiệp. Bằng
phương thức chuyển đổi tham canh cây trồng, vật nuôi, dồn ô đổi thửa tạo ra
nhiều sản phẩm hàng hóa, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân được
cải thiện rõ rệt. Xã đã xuất hiện nhiều hộ giàu có, hộ nghèo giảm hẳn. Tình
hình chính trị, xã hội ổn định, bộ mặt
nông thôn ngày một khởi sắc.
Văn Giang là một mảnh đất cổ, tại đây còn tồn tại nhiều di tích
lịch sử văn hóa: Chùa Khánh Hưng là một ngôi chùa lớn, bị giải hạ vào năm 1976,
nay đã được khôi phục lại. Miếu thờ Thành hoàng làng có kiến trúc kiểu chữ
Nhất, gồm 3 gian đạo tàu déo góc được khởi dựng từ thời Nguyễn (Miếu cách đình
500 m về phía Đông Bắc). Ngoài ra còn có một số ngôi đền dọc bờ sông Luộc thờ
các vị Thần sông nước.
II. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ CÁC THUỘC
TÍNH CỦA DI TÍCH:
Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu hệ thống bia ký,
câu đối, đại tự, sắc phong, tài liệu lưu trữ tại Viện Thông tin khoa học xã
hội; Đặc biệt là bản thần tích ghi chép vào ngày 15 tháng 3 năm Tự Đức thứ 21
(1868) trên giấy dó hiện lưu giữ tại di tích và các tài liệu liên quan cho
biết: Đình Phù Cựu thờ Cao Sơn, một viên quan người Trung Quốc. Ông từng giữ
chức Thừa tướng dưới triều vua Tống Nhân Tông, niên hiệu Khánh Lịch năm thứ 7
(1047), chống lệnh vua không đem quân đánh nước ta. Sự kiện này có thể tóm tắt
như sau:
Vào đời vua Tống Nhân Tông, niên hiệu Khánh Lịch thứ 7 (1047), có
một tráng niên người Bảo Sơn, tỉnh Quảng Nam (Trung Quốc), họ Cao, tự là Văn
Trường, huý là Cao Sơn. Thuở thiếu thời có chí lớn, thông hiểu kinh sử. Năm 27
tuổi trúng kỳ thi Hương, đỗ Tiến sĩ nhị danh. Ông làm quan tới chức Thừa tướng,
vua Tống sai Cao Sơn đem quân đánh chiếm nước ta và một số nước láng giềng ở phía
Đông (Trung Quốc). Cao Sơn can vua không nên xuất quân vì lòng người không
thuận. Vua Tống cho rằng: Cao Sơn chống lệnh vua. Nhưng bằng nhiều lời lẽ
thuyết phục, ông được vua chấp thuận. Ông làm quan trong triều đến năm 87 tuổi
vua cho về nghỉ hưu. Cao Sơn thọ 103 tuổi và mất tại quê nhà. Sau khi mất được
phong là “Cao Sơn quốc chúa”. Vua Tống sai các nước chư hầu lập miếu phụng
thờ để tỏ rõ ân đức.
Truyền rằng: Dưới triều vua Lê Kính Tông, vào năm Hoàng Định (1601
– 1619), nước ta có phiến loạn, triều thần Nguyễn Bá Lân và Nguyễn Văn Lữ,
phụng mệnh xuất chinh đánh giặc. Đến huyện Phụng Hóa thuộc Châu Hoan (nay là xã
An Thành, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An) gặp một ngôi đền nhỏ trong rừng sâu,
bên ngoài đề 5 chữ “Cao Sơn Đại vương từ”. Hai ông vào đền khấn cầu thần phù hộ cho
việc dẹp yên giặc. Quả vậy, quân sĩ đi đến đâu thắng tới đó, bọn phiến loạn đã
được dẹp yên. Sau khi thắng trận, hai ông về tâu việc này với vua, vua liền
lệnh cho quan huyện Phụng Hóa đốc thúc quân dân tu sửa đền thờ, bốn mùa hương
hoả.
Vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1768), khi
đất nước thanh bình, muôn dân thu về một mối, vua Lê sai Bộ Lễ xét các làng
trong nước, nếu làng nào chưa có Thành hoàng để tôn thờ thì được phép rước thần
hiệu, sao thần tích “Cao Sơn Đại vương” về lập miếu thờ.
Làng Phù Cựu từ trước chưa có Thành Hoàng, khi nghe lệnh vua ban,
các Hương Lý, Kỳ Hào bẩm báo xin vua cho phép rước thần hiệu, sao thần tích “Cao
Sơn Đại vương” về thờ từ đó.
Ngày 26 tháng 7 năm 1783, vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 44 phong cho vị
Thần làng Phù Cựu sắc phong đầu tiên. Từ đó về sau, các vua nhà Nguyễn đều có
sắc phong cho Thành hoàng làng. Hiện nay, đình Phù Cựu còn lưu giữ được 9 đạo
sắc phong từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn. Đặc biệt, tại di tích còn lưu giữ
được bản sao thần tích “Cao Sơn Đại vương”, vào ngày 15
tháng 3 năm Tự Đức 21 (1868). Đây là tài liệu quan trọng trong việc xác định
thân thế, sự nghiệp của Thành Hoàng làng.
Đình Phù Cựu không chỉ là nơi thờ “Cao Sơn Đại vương” mà
trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng
của địa phương.
Từ năm 1941 đến năm 1944, đình Phù Cựu là nơi Việt Minh hoạt động
bí mật, nơi cất giấu vũ khí, vận động quần chúng nhân dân giành chính quyền năm
1945.
Từ năm 1946 đến năm 1954, đình là nơi hoạt động của phong trào
cách mạng địa phương, bộ đội chủ lực, góp phần to lớn trong việc tiêu diệt địch
tại các đồn bốt ở khu vực bến Trại, La Tiến. Đồng thời, đình còn là nơi hội
họp, động viên các tổ chức chính trị của huyện, tỉnh thực hiện nhiệm vụ đánh giặc,
góp phần giành thắng lợi chung của dân tộc.
Tóm lại: Đình Phù Cựu là nơi tôn thờ Cao Sơn Đại vương, một Thừa
tướng dưới triều vua Tống Nhân Tông (Trung Quốc). Người đã từng chống lệnh vua
không đem quân đi xâm lược nước ta vào thế kỷ XI, tránh được cuộc chiến tranh
mà triều đình Phong Kiến Trung Quốc gây ra với các nước láng giềng. Hành động
đó được nhân dân ta và nhân dân Trung Quốc kính trọng. Trong hai cuộc kháng
chiến, đình là cơ sở cách mạng, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan
trọng của địa phương.
* Phong tục lễ hội:
Hàng năm, đình Phù Cựu tổ chức một kỳ lễ hội vào mùa xuân, kỷ niệm
ngày mất của Thành Hoàng làng. Dưới thời Phong Kiến, lễ hội này được diễn ra từ
ngày mùng 4 đến ngày mùng 10 tháng giêng, trong đó ngày mùng 6 tháng giêng là
ngày trọng hội.
Theo lệ cũ: Ngay từ ngày mùng 4 tháng giêng, sau Tết Nguyên Đán,
dân làng tổ chức lễ hội. Trong ngày này cửa đình, cửa miếu đã mở, trước đó đình
và miếu đã được dọn dẹp sạch sẽ để dân làng cúng lễ vào lúc giao thừa. Để chuẩn
bị cho lễ hội, các trai đinh trong làng chuẩn bị các dụng cụ rước thần như:
Chồng kiệu bát cống, lau chùi bát bửu, long đình... đường làng, ngõ xóm được
quét dọn sạch sẽ, đoạn đường từ đình ra miếu được phát quang cây cối.
Ngày mùng 5 tháng giêng, 8 ông cai đại diện cho 8 giáp trong làng
đến lễ xin phép Thành Hoàng cho mở lễ hội. Ngày mùng 6 tháng giêng là ngày
trọng hội, đây là ngày kỵ nhật (ngày mất) của Thành Hoàng làng. Trong ngày này,
có tổ chức rước kiệu từ đình ra miếu thờ (miếu hiện nay vẫn còn, miếu cách đình
500 m về phía Đông Bắc). Tế lễ ở miếu, sau đó rước Thần về đình mở lễ hội. Đặc
biệt, trong ngày mùng 6 có tục thi bánh dầy ở đây khá lớn, mỗi chiếc bánh phải
dùng đến 12 kg gạo nếp ngon, đổ thành xôi, sau đó giã mịn đặt lên mâm gỗ. Theo
thể lệ, chiếc bánh nào lớn, mặt mịn, dẻo thì thắng cuộc. Giáp nào có bánh dầy
thắng cuộc sẽ có phần thưởng nhỏ để động viên.
Từ ngày mùng 7 đến ngày 10, ngày nào ở di tích cũng có tế lễ, cứ
mỗi buổi chiều đội tế lại tế một tuần. Chiều ngày mùng 10 có tế dã đám.
Trong các ngày lễ hội, tại di tích đã diễn ra nhiều trò chơi dân
gian như: Đánh vật, đi cầu kiều, bắt vịt, đập niêu... Các buổi tối đều có hát
ca trù, hát chèo, hát tuồng...
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, lễ hội không được tổ chức.
Tuy nhiên, vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng vẫn làm lễ cúng Thành Hoàng
làng. Năm 2001, lễ hội đình Phù Cựu được mở trở lại, thời gian trong 2 ngày
mùng 6 và mùng 7 tháng giêng. Các hoạt động của lễ hội cũng ngắn gọn, phù hợp
với đời sống mới.
III – KIẾN TRÚC DI TÍCH:
Căn cứ vào thần tích, bia ký, câu đối, đại tự, qui mô kiến trúc và
các cổ vật hiện lưu giữ tại di tích. đặc biệt là các mảng chạm khắc, kết cấu
các vì kèo cho chúng ta biết: Đình Phù Cựu được khởi dựng vào thời Hậu Lê (giữa
thế kỷ 18), trùng tu vào thời Nguyễn, lần trùng tu gần đây nhất vào năm Mậu
Thìn - Hoàng triều Bảo Đại thứ 3 (1928). Di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh ( J
) bao gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu cung.
1 – Toà Đại bái:
Toà Đại bái được tạo dựng theo kiểu thu hồi bít đốc, gồm 5 gian
dài 17,5 m; rộng 7,3 m. Đây là công trình có qui mô hoành tráng, mang đậm kiến
trúc thời Nguyễn. Kết cấu chính của toà Đại bái là phần mộc và phần nề ngoã.
a – Phần mộc:
Đại bái đình Phù Cựu có kết cấu chính là 6 vì kèo, trong đó có 4
vì kèo chính và 2 vì kèo áp đầu hồi phía Bắc và phía Nam. Kết cấu của các vì
kèo chính theo kiểu con chồng giá chiêng truyền thống. Các vì kèo là hệ thống
giằng ngang của công trình, các chi tiết đều to khoẻ, chắc chắn và không bị
xuống cấp. Mỗi vì kèo chính được tạo dựng gồm nhiều chi tiết, các hệ thống mang
mộng bén khít, lắp chặt với nhau tạo thế vững chắc cho công trình. Điều đặc
biệt là các bẩy hiên của các vì kèo chính đều chạm đề tài: “cúc hóa long”, “trúc hoá long”,
“lá hóa long” khá nghệ thuật. Các bẩy hiện lắp khít vào các cột quân,
cột quân có đường kính 39 cm bằng gỗ lim khá tốt. Xà lách liên kết giữa cột cái
và cột quân, đều được soi chỉ, chạm lá lật nổi khá đẹp. Cột cái có đường kính
lớn (50 cm) đặt trên tảng đá 3 chỉ vững chãi. Trên các xà lách và các con thuận
là các bức cốn hết sức nghệ thuật, đề tài chủ yếu là “tứ linh”, “tứ quí”: “Trúc hoá
long”, “cúc hoá long”... hết sức nghệ thuật. Liên kết giữa 2 vế của vì
kèo là hệ thống câu đầu to, khoẻ, tạo dáng mềm mại. Các câu đầu đều được soi
chỉ mặt dưới, các đầu dư đều mang đậm phong cách thời Nguyễn. Tổng cộng có tới
16 bức chạm trên 4 vì kèo, với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, các chi tiết
tạo dáng như có hồn, mô tả ý chủ đạo của đề tài truyền thống. Hệ thống trụ,
đấu, con vành, đấu gòii đều chắc khoẻ và không bị xuống cấp. Ở hai vì kèo áp
đầu hồi phía Bắc và phía Nam, có một số chi tiết khác với các vì kèo chính.
Ngoài 2 cột cái, cột quân, bẩy hiên, xà lách, câu đầu giống như các vì kèo
chính, nhưng phần trên câu đầu không bố trí các con thuận, trụ và các con vành,
thay vào đó là mảng cốn liền, đỡ toàn bộ hệ thống hoành và nóc. Phần trên của 2
vì kèo này có cùng lối kết cấu nhưng khác nhau về các hoạ tiết như: Tại vì kèo áp
đầu hồi phía Bắc, bức cốn liền chạm đề tài “lá hóa long”, trên cùng có bức chạm
“lá
hoá hổ phù” khá sinh động, đầu dư chạm 2 con nghê ngoảnh mặt nhìn ra
khá đẹp. Bức cốn chạm ở vì kèo áp đầu hồi phía Nam, lại có bức chạm khác như:
Phía ngoài chạm bức chạm “lá hóa chim phượng” nhưng phía
trong lại chạm bức chạm “ lá hóa long”, hai đầu dư lại chạm lá
lật.
Có thể nói ở tất cả các vì kèo toà Đại bái đều có các bức chạm đề
tài “tứ
linh” như: Long, ly, quy, phượng; Đề tài “tứ quý” như: Tùng, trúc,
cúc, mai, mang tính chủ đạo. Ngoài ra, còn xen kẽ nhiều bức chạm như: Lá lật
liên hoàn, sen, cua, cá... Các bức chạm đó là các bức tranh nghệ thuật hết sức
sống động do các nghệ nhân dân gian tạo ra từ thế kỷ trước. Đây là tiêu bản hết
sức quan trọng trong việc nghiên cứu nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam.
Hệ thống giằng ngang của công trình, là hệ thống tàu, lá mái bằng
gỗ lim chắc khoẻ, không bị xuống cấp. Hệ thống hoành mái được bố trí theo lối “Thượng
tứ hạ ngữ” hoành vuông đều được soi chỉ và chất liệu toàn bộ bằng gỗ
lim còn rất tốt. Hệ thống các xà hạ, xà thượng, đều được tạo má trai, lắp khít
vào các cột cái, cột quân, nóc bằng gỗ lim, mặt dưới được soi những đường chỉ
kép, tại nóc (thượng lương) gian trung tâm còn được khắc dòng lạc khoản “Hoàng
triều Bảo Đại tam niên, tuế thứ Mậu thìn trọng đông nguyệt cát nhật thụ trụ
thượng lương”, nghĩa là: “Dựng trụ thượng lương ngày lành tháng 11 mùa đông năm
Mậu Thìn Hoàng triều Bảo Đại thứ 3 (1928)”.Hệ thống dui mái liên kết
chặt chẽ với hệ thống hoành mái, hệ thống hoành mái lại liên kết chặt chẽ với 6
vì kèo, tạo thế giằng ngang cho công trình. Với lối kết cấu đó, toà Đại bái không
hề bị xô lệch, công trình đứng vững với thời gian. Những năm gần đây, chính
quyền và nhân dân địa phương đã khôi phục toàn bộ hệ thống cửa, theo kiểu “thượng
song hạ bản” mà trước đây di tích đã có.
Có thể nói, phần mộc toà Đại bái đình Phù Cựu với lối kết cấu và
các bức chạm khắc là công trình tiêu biểu mang phong cách thời Nguyễn của tỉnh
Hải Dương và cả nước.
b – Phần nề ngoã:
Cũng như phần mộc, phần nề ngoã toà Đại Bái cũng được các nghệ
nhân dân gian tạo dựng khá nghệ thuật. Tường, móng xây bằng gạch Bát Tràng, hai
đầu hồi thu đấu, có những bức phù điều triện tàu lá dắt tạo dáng cho công trình
khá mềm mại. Bờ nóc mềm mại với những đường chỉ kép chạy đều hai bên, phía trên
và phía dưới, giữa có đường hoa chanh tạo dáng cho bờ nóc mềm mại. Hai lạc long
được bố trí hai bên kìm nóc, chính giữa có bức phù điêu “hổ phù đội mặt nguyệt”
khá sinh động. Mái lợp ngói vảy cá truyền thống, kỹ thật lợp phẳng, chắc, đặc,
công trình không bị dột nát, nền lát gạch thất theo kiểu chữ Công truyền thống.
2 – Toà Hậu cung.
Nối liền toà Đại bái là 3 gian Hậu cung, dài 6,81 m; rộng 8,9 m.
Phần mộc có kiến trúc kiểu “con chồng giá chiêng” truyền thống,
kỹ thuật chủ yếu là bào trơn đóng bén. Mái lợp ngói vảy cá, tường xây bằng gạch
Bát Tràng. Tường hậu tạo dáng quai chảo, mặt sau có bức phù điêu “hổ
phù”, nóc có phù điêu “lạc long ngậm bờ nóc” khá sinh động.
Hậu cung không bị xuống cấp.
Năm 1942, cùng với công trình chính, trong khuôn viên di tích còn
có 2 dãy giải vũ phía Bắc và phía Nam, mỗi dãy 3 gian có kiến trúc đơn giản với
các vì kèo cầu bằng gỗ lim chắc chắn, mái lợp ngói mũi. Hiện nay, dãy phía Bắc
đã bị giải hạ, chỉ còn lại 3 gian phía Nam.
Tóm lại: Di tích đình Phù Cựu là công trình kiến trúc thời Nguyễn
khá đồng bộ và tiêu biểu. Mặc dù trải qua chiến tranh và thiên nhiên, công
trình vẫn đứng vững, đã tồn tại và sẽ tồn tại với thời gian. Xứng đáng được xếp
hạng để bảo vệ lâu dài.
Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích thuộc loại: DI
kiến trúc nghệ thuật năm 2006.
IV - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHOA HỌC:
Đình Phù Cựu xã Văn Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là nơi
tôn thờ Thành hoàng làng là Cao Sơn, người từng giữ chức Thừa tướng dưới triều
vua Tống Nhân Tông, niên hiệu Khánh Lịch năm thứ 7 (1047) (Trung Quốc). Ông đã
không vâng lệnh nhà vua đem quân đánh nước ta và các nước láng giềng, tránh
được cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Hành động đó được nhân dân ta và
Trung Quốc kính trọng. Thông qua sự kiện này, giúp chúng ta hiểu thêm về hoàn
cảnh nước ta và Trung quốc ở thế kỷ XI.
Đối với địa phương, Thành Hoàng làng là niềm tự hào của mọi thế
hệ. Tại di tích trong 2 cuộc kháng chiến đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, nơi
ghi dấu ấn văn hóa tín ngưỡng làng xã thời Phong Kiến. Đây là những tư liệu quí
giúp chúng ta nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về phong tục tập quán, văn hóa phi
vật thể của dân tộc việt Nam trong lịch sử. Nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của
Thành Hoàng làng và phong tục lễ hội, giúp chúng ta nghiên cứu lịch sử địa
phương một cách thuận lợi.
Đình Phù Cựu được nhân dân khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ 18),
trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn, lần trùng tu gần đây nhất vào năm 1928. Di
tích có qui mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc khá đồng bộ. Tại đây còn lưu
giữ nhiều mảng chạm khắc đạt trình độ nghệ thuật cao. Đây là một di tích rất có
giá trị về kiến rúc và nghệ thuật, mang đậm phong cách thời Nguyễn.
Thông qua lối kiến trúc này giúp chúng ta nghiên cứu để phục hồi,
trùng tu, tôn tạo các di tích cùng thời. Nghệ thuật điêu khắc của di tích là tư
liệu quí, giúp chúng ta nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.
Từ sau lần đại trùng tu năm 1928 đến nay, di tích đã trải qua một
số lần tu sửa nhỏ như: Đảo ngói, đóng cửa, lát nền, sửa chữa một số chân cột;
Nhìn chung các hạng mục của công trình còn khá bền vững. Tuy nhiên, một số hạng
mục công trình cũ chưa được phục hồi như: 3 gian giải vũ phía Bắc, tắc môn, qui
hoạch sân vườn...
Trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân đã tu sửa nhiều
hạng mục công trình. Vì vậy, di tích đình Phù Cựu khá vững chãi, là di tích đẹp
của địa phương và cả nước./.