Đình Đỗ Xá xã Ứng Hoè, huyện Ninh Giang, tỉnh
Hải Dương được xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia theo
Quyết định số 05/1999 QĐ/VHTT, ngày 24 tháng 01 năm 1999. Đình Đỗ Xá có
tên chữ: Đình Đỗ Xá, tên nôm: Đình Đọ, tên thường gọi: Đình Đỗ Xá. Đình
tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng ở trung tâm của thôn Đỗ Xá. Thôn
Đỗ Xá thời xa xưa là Trang Đỗ Xá, thời Lê là xã Đỗ Xá tổng Đông Cao huyện Vĩnh
Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, thời Nguyễn là xã Đỗ Xá, tổng Đỗ Xá, huyện
Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1947 xã Đỗ Xá hợp nhất với một số
thôn của xã Quyết Thắng và xã Ninh Hòa lấy tên là xã Ứng Hòe. Sau cải cách
ruộng đất năm 1956 Quyết Thắng và Ninh Hòa tách ra thành hai xã riêng, xã Ứng
hòe lấy tên cũ. Ngày 01/12/2019 thực hiện Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14, ngày
16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp
huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương, trong đó xã Quyết Thắng, xã Ứng Hòe và xã
Ninh Hòa sáp nhập thành xã Ứng Hòe. Xã Ứng Hòe hiện nay có 7 thôn: thôn Đỗ Xá,
thôn Đồng Vạn, thôn Quảng Nội, thôn Cẩm Bối, thôn Đồng Lại, thôn Đồng Hy và
thôn Đoan Xuyên.
Đình Đỗ Xá từ ngày khởi dựng đến nay được mang
tên gọi của thôn Đỗ Xá. Ngược dòng lịch sử căn cứ vào tên gọi của thôn Đỗ Xá và
gia phả của một số dòng họ được biết khởi nguyên của cư dân thôn Đỗ Xá là hai
dòng họ lớn là họ Đỗ và họ Nguyễn. Hiện nay hai dòng họ này chiếm đại bộ phận
dân số trong thôn. Dưới thời phong kiến đàn bà, phụ nữ thôn Đỗ Xá có nghề dệt
vải, đàn ông làm nghề buôn bè. Có thời kỳ 100% số hộ trong thôn có khung dệt,
nhiều gia đình có tới hai, ba khung. Đầu những năm 80 do dệt vải bằng máy phát
triển, nên nghề dệt vải thủ công của thôn Đỗ Xá cũng dần dần mất đi. Đỗ Xá là
thôn có nhiều di tích lịch sử ngoài một ngôi Đình, hai ngôi Miếu (đã bị hủy
diệt) và một ngôi chùa, trong thôn còn có “Ngũ kiều kiểu tỉnh” (5
cầu đá và 9 giếng cổ), hiện nay hầu hết các di tích lịch sử đã bị hư hỏng. Thôn
Đỗ Xá thời xa xưa đã có chợ, tên Nôm gọi là chợ Đọ, chợ họp ngay bên trái Đình,
cùng với Đình tạo thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa và giao lưu kinh tế của
các địa phương trong vùng. Hiện nay chợ Đọ được xây dựng ven đường Quốc lộ 37
tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa.Từ thành phố Hải Dương (tỉnh lỵ Hải
Dương) dọc theo quốc lộ 37 khoảng 20km đến chợ Đọ, từ Chợ Đọ qua cổng làng Đỗ
Xá vào Đình 600m, đường vào Đình rộng thoáng thuận tiện cho xe máy, ô tô đi
lại. Theo các cụ già trong thôn kể lại thì thế đất của ngôi Đình trước đây
khá đẹp phía trước có 03 ao (tiền tam thai), phía sau có hai gò đất cao (hậu
hai ấn), phía Tây và phía Bắc xa xa ngoài cánh đồng có 05 cầu đá (ngũ kiều) và
rải rác xung quanh làng có 09 giếng (cửu tỉnh). Hiện nay, do dân cư ngày một
đông, đất đai ngày càng thu hẹp, nên địa thế ngôi Đình cũng thu hẹp lại. Tuy
nhiên Đình Đỗ Xá vẫn giữu nguyên giá trị lịch sử có địa thế và kết cấu kiến
trúc đẹp. Căn cứ vào truyền thuyết trong nhân dân địa phương và những tư
liệu Hán, Nôm nhất là thần tính hiện lưu giữ tại Đình cho thấy Đình Đỗ Xá được
xây dựng để thờ 03 anh em Nguyễn Tôn, Nguyễn Lâu và Nguyễn Lãng đã có công phò
vua Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh thế kỷ XV. Giặc Minh sang xâm
lược nước ta, tội ác của chúng chồng chất cao như núi không sao kể xiết. Nhân
dân ta không chịu cảnh nước mất, nhà tan đã vùng dậy đấu tranh. Ở vùng Lam Sơn
(Kẻ Cham) nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa có người anh hùng Lê Lợi đứng lên
chiêu mộ nhân sỹ, hào kiệt, tập luyện nghĩa quân cùng nhau đánh giặc cứu nước.
Thuở ấy ở Thái Bình có một người tên là Nguyễn Chuyên, vợ là Đào Thị Lợi hai vợ
chồng cưới nhau đã lâu nhưng chưa có con, một đêm bà ngủ mộng thấy một cụ già
cho ba quả đào rồi biến mất, sau đó bà thụ thai đủ tháng rồi sinh ra một cái
bọc có 03 người con trai. Ông bà vui mừng đặt tên cho ba con là Nguyễn Tôn,
Nguyễn Lâu và Nguyễn Lãng, ba đứa trẻ lớn lên có diện mạo khôi ngô, tuấn tú,
năm lên 7 tuổi đã tinh thông kinh sử, võ nghệ cao cường, tài năng nổi tiếng.
Năm 15 tuổi, các ông đã sớm phát lộ tài năng văn, võ. Năm 1418, Lê Lợi khởi
nghĩa Lam Sơn, chọn người giúp nước, biết ba ông có tài, Lê Lợi đã phong Nguyễn
Tôn làm Đô chỉ huy sứ đương lộ tướng quân, Nguyễn Lâu làm Tả Đô đài tướng quân,
Nguyễn Lãng làm Hữu Đô đài Thái bảo tướng binh. Ba ông bái lĩnh 5.000 quân, khí
giới, lương thực, cờ xí, chiêng, trống. Sau một đêm, nghĩa quân tiến binh về
trang Đỗ Xá, phủ Hạ Hồng, đạo Hải Dương nay là thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe, huyện
Ninh Giang, tỉnh Hải Dương lập đồn trú để tuyển quân. Trận đánh diễn ra ác
liệt, quân giặc đại bại. khởi nghĩa thắng lợi, ba ông khao thưởng quân sĩ. Quốc
an hưởng lạc, khai hóa ruộng đồng, nhân dân phú túc phồn vinh. Bỗng một hôm
trời nổi phong ba có đám mây 3 màu tím, đỏ, hồng bao phủ ba ông thượng khứ tòng
vân không thấy trở về, hôm đó là vào ngày 10 tháng 3 nhân dân gọi là ngày hóa.
Sau này vào ngày mùng 10 tháng 3 cấm vui chơi, ca hát, cấm dùng các màu tím,
đỏ, hồng. Lê Lợi sai sứ về cắt ruộng xây miếu thờ và phong là Thượng đẳng thần:
Nhất phong Minh Tôn Đại vương, Nhất phong Khổng Lâu Đại vương, Nhất phong Tăng
Lãng Đại vương. Đình Đỗ Xá xây dựng vào thời Hậu Lê với quy mô khá lớn.
Để ghi nhớ công lao của ba ông hàng năm vào
ngày 11 tháng 11 (âm lịch) nhân dân mở hội tế lễ 10 ngày để kỷ niệm ngày sinh
và ngày mất. Trong lễ hội ngoài tế lễ còn tổ chức hát chèo, múa rối nước và thi
pháo đất. Đình Đỗ Xá không chỉ gắn liền với tên tuổi của ba vị tiền bối đã có
công trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ XV mà còn gắn liền với nhiều
sự kiện lịch sử của địa phương. Trong kháng chiến chống thực Pháp 1946-1954
nhiều hầm hào bí mật đã được đào trong hậu cung đình, bộ đội chủ lực của huyện
Ninh Giang đã nhiều lần đến đóng và trú ẩn tại đây. Năm 1946 Đình là nơi nhân
dân tiến hành bầu cử Quốc hội Khóa I, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa. Từ năm 1966 đến năm 1969, từ năm 1972 đến năm 1973 tiền tế của
Đình Đỗ Xá được sử dụng làm hội trường phân hiệu II - trường Nguyễn Ái Quốc
trung ương. Năm 1967 đồng chí Lê Duẩn lúc đó là Bí thư thứ Nhất của Đảng Cộng sản
Việt Nam đã về thăm và nói chuyện với nhân dân địa phương tại Đình làng Đỗ Xá.
Từ năm 1974 đến nay tiền tế Đình Đỗ Xá được sử dụng làm hội trường của xã đã
chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân thôn Đỗ Xá nói riêng và chính
quyền xã Ứng Hòe nói chung. Phát huy truyền thống của cha ông, Đảng bộ và nhân
dân xã Ứng Hòe đã không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngay từ năm 1967 Hợp tác xã Đại Xuân đã đạt năng suất lúa 7,6 tấn/ha cao nhất
Miền Bắc. Năm 1965 đã có điện được đưa vào sinh hoạt và sản xuất. Trong hai
cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm hàng trăm thanh niên trong xã đã lên
đường tòng quân. Trong số đó đã có 346 đồng chí đã anh dũng hy sinh cho Tổ
quốc, có 29 bà mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đảng bộ xã luôn giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”.
Đình Đỗ Xá là một di tích lịch sử vì đây là nơi thờ những người
đã có công trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngoài ý nghĩa về mặt
lịch sử, Đình Đỗ Xá được xây dựng với nhiều kiểu dáng, kiến trúc khá đẹp. Phần
tiền tế được làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng, 8 mái, các mảng cốn và con chồng
được trạm khắc tinh tế, Đình Đỗ Xá hiện là một ngôi Đình có quy mô lớn và kiến
trúc đẹp so với các di tích trong vùng.
Đình ngoài gồm 3 gian, 2 dĩ được dựng vào năm
Thành Thái thập niên 1898 trùng tu vào năm Bảo Đại Kỷ Mão năm 1939. Đình ngoài
được làm theo kiểu dáng chồng diêm, 2 tầng 8 mái, kiểu dáng kiến trúc này vừa
làm cho phần mái thêm thanh thoát bởi 8 bao góc, đồng thời làm tăng thêm độ cao
và thoáng mát. Chiều cao của Đình là 13,8m, rộng 8,8m với hệ thống cột lim đồ
sộ, cột cái đường kính 0,44m, chiếu tảng vuông mỗi chiều 0,78m, cột quân đường
kính 0,39m chiếu tảng 0,59m. Trước đây xung quanh đình ngoài để thông thoáng
không xây tường. Xung quanh Đình được xây tường gạch, chỉ để phía trước hai cửa
cao 1,2m x 1,15m và phía sau hai cửa 2,1m x 1,15m và một cửa bên trái 2,1m x
1,15m, xung quanh có 4 cửa sổ như hiện nay. Vào các phiên chợ người dân họp chợ
vào cả trong Đình. Do đó, ngoài chức năng tín ngưỡng, Đình còn là một bộ phận
của Chợ Đọ. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần 1 và lần 2 của giặc Mỹ một phân
hiệu của trường Nguyễn Ái Quốc trung ương sơ tán về đây đã sử dụng Đình ngoài
làm hội trường. Các vì kèo của Đình ngoài đều được làm theo con chồng, đầu các
con chồng đều được trạm hình đầu rồng cách điệu. Cả 4 đầu sư của 2 vì kèo chính
còn hoàn chỉnh, tất cả hai mặt của 4 mẳng cốn đều được trạm khắc tỉ mỉ, các đề
tài thường là tứ linh, tứ quý. Bốn đầu bẩy giữa cả phía trước và phía sau đều
trạm khắc đề tài trúc hóa long. Nhìn chung nghệ thuật trạm khắc gỗ phần đình
ngoài tinh xảo đó là điển hình của kiến trúc thời Nguyễn.
Phần mái Đình được lợp bằng ngói mũi, cả 8 đao
góc đều được tạo dáng hình đầu rồng cong vút tạo thêm vẻ mềm mại, thanh thoát
cho ngôi Đình. Bờ nóc của mái trên và hai bên bờ nóc của mái dưới đều đắp hình
lưỡng long chầu nguyệt. Phía sau đình ngoài là sân lọng dài bằng chiều dài của
Đình, rộng 4,8m, chính giữa sân lọng để một sập đá chân quỳ, mặt trước và mặt
sau trạm hình hổ phù sập dài 1,32m, rộng 0,74m, trên mặt sập để một mâm bồng
cũng bằng đá cao 0,85m, đường kính đế 0,58m, đường kính mặt 0,9m, hai bên mâm
bồng đặt hai con sấu đá dài 0,3m, cao 0,24m. Phía sau sập đá là một bể tảng đá
dài 1,38m, rộng 0,62m, cao 0,32m được làm vào năm Tự Đức nguyên niên 1848.
Tiếp theo sân lọng là Đình giữa. Phần Đình
giữa trước đây gồm 5 gian, được làm song song với Đình ngoài. Vào năm 1965,
1966 huyện Ninh Giang đã mua và dỡ Đình giữa để lấy nguyên vật liệu xây dựng hệ
thống điếm canh đê sông Luộc. Năm 1997, UBND xã Ứng Hòe đã cho chuyển một căn
nhà lim cũ nguyên là nhà của một gia đình địa chủ trong làng được làm năm 1944
vào thay vị trí của đình giữa. Nhìn chung căn nhà còn khá tốt toàn bộ cột, kèo,
hoành đều bằng gỗ lim được đưa vào đình giữa hoàn chỉnh. Đình giữa dài 14,5m,
rộng 5m, hai vì thuận được làm theo kiểu kẻ chuyền, 4 vì giữa theo kiểu con
chồng đấu sen, phía trước để 3 kiểu bức bàn cao 2,2m x 2,7m, phía sau để thông
thoáng với hậu cung. Về mặt ngệ thuật kiến trúc đình giữa không có gì điển
hình, không bài trí gì, đây là nơi tế lễ mỗi khi làng vào hội.
Khoảng cách giữa Đình giữa và hậu cung là một
sân nhỏ dài 14,5m, rộng 1,8m. Hậu cung 3 gian dài 12,4m, rộng 10,8m. Cột cái
cao 4,55m, đường kính 0,4m, chiếu tảng 0,76m x 0,76m, cột quân cao 2,9m. Kiến
trúc trong hậu cung Đình đơn giản, các cột, vì đều bào trơn, đóng bén. Bài trí
trong hậu cung: Ngay phần đầu gian giữa đặt một ban thờ, phía sau ban thờ là
một kiệu long đình được sơn son thếp vàng cao 1,5m, mỗi chiều 0,76m được làm
vào thời Nguyễn. Tiếp theo ban thờ ngoài là ban thờ chính, chính giữa đặt một
mâm bồng gỗ, tiếp theo là một quả cầu bằng đồng hun cáo 0,8m, chu vi thân
1,33m. Ba chân quả cầu được tạo bởi ba hổ phù, hai chân sau đỡ quả cầu, đầu
quay xuống hai chân sau ôm quả cầu nhỏ hơn gắn với đế, trên đỉnh quả cầu là một
hình sư tử, bốn phía dát bạc, hai bên quả cầu đồng được bài trí mỗi bên hai
chóe cổ bằng gốm, trong cùng là bài vị thờ Thành Hoàng làng. Ban thờ bên trái
thờ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp và đế quốc Mỹ. Ban thờ bên phải thờ các thổ thần, thổ địa, hai cột cái
treo một câu đối khảm trai được làm vào năm 1943, đây là đôi câu đối đẹp được
trạm khắc cầu kỳ. Phía trên là bức cuốn thư sơn son thếp vàng được làm vào năm
Duy Tân Tân Hợi năm 1911. Sát tường bên phải treo một chuông đồng cao
0,7m, đường kính miệng 0,4m được đúc vào năm Tự Đức thập ngũ niên năm 1863. Sát tường phía sau bên phải hậu cung là bia công đức cao 1,1m x
0,6m x 0,14m, hai mặt chữ được tạc vào năm Tự Đức thứ hai tư năm 1871.
Ra khỏi khuôn viên Đình về bên trái là một sân
kho lát gạch, phía trước có hai cây đề cổ thụ cành lá xum xuê được trồng cách
đây hơn 100 năm, bên phải Đình là một ao làng hàng năm vào dịp hội hè thường tổ
chức múa rối nước tại đây. Ngoài các hạng mục trên trước đây Đình Đỗ Xá còn hai
dãy giải vũ tả hữu mỗi bên 5 gian, vào năm 1947 sau khi giành chính quyền đại
phương đã dỡ chia cho nông dân trong xã. Hiện nay, vị trí của hai dãy giải vũ
được thay bằng hai dãy tường bao.
Nghiên cứu lịch sử Đình Đỗ Xá không những cho
chúng ta thấy quá trình hình thành một làng xã mà con bổ sung thêm những chi
tiết về cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV mà đứng đầu là Lê Lợi, qua
đó khơi dậy niềm tự hào của nhân dân địa phương đối với truyền thống dựng nước
và giữ nước của dân tộc. Nghiên cứu di tích về mặt kiến trúc đã cho thấy trình
độ kiến trúc của cha ông ta ngày xưa rất tỉ mỉ và tinh xảo với đôi bàn tay khéo
léo và khối óc của mình đã xây dựng nhiều công trình lịch sử. Mỗi mảng trạm khắc
hoa văn của ngôi Đình xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài ra
khi nghiên cứu về lễ hội Đình cho chúng ta thấy được phong tục, tập quán của
cha ông ta thời xưa, qua đó rút ra những điểm tích cực để kế thừa và phát huy,
tìm ra những điểm tiêu cực để bài trừ, hạn chế nhằm gạn đục, khơi trong, giữ
gìn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc./.