Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước. Nhân dân ta tổ chức lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ chức Ngày Quốc giỗ góp phần giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Lễ Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Ðây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện.
Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử, cách đây hơn 2000 năm. Dưới thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập". Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại phong kiến Việt Nam ngay khi mới lên ngôi, đã từng bước xác lập "ngọc phả" về thời đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất nước. Niên hiệu Thiên Phúc nguyên niên tức năm 986 dưới triều Lê Ðại Hành, có bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, còn gọi là Cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Ðây là lần đầu trong lịch sử xuất hiện tài liệu ghi chép một cách tường tận, chi tiết về 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Ðịnh thứ 4 (1919). Tương truyền ngày 11 tháng 3 là Ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 thì nay ngày "quốc tế" được chọn là trước đó một ngày. Ngày giỗ chính chỉ có dân sở tại làm lễ.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngày 10 tháng 3 năm nào chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ cũng kính cẩn làm lễ dâng hương, có đại diện của Nhà nước về dự. Và trong một lần về thăm Ðền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn đồng bào, chiến sĩ: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Năm 1990, Ðảng và Nhà nước chính thức quyết định lấy Ngày Giỗ Tổ hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Ðến ngày 23-8-2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 39, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng (Khu di tích lịch sử Ðền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ). Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở Việt Nam cũng như sinh sống ở nước ngoài, tùy theo điều kiện từng địa phương, con cháu có thể tổ chức nghi thức giỗ vọng, cùng hướng về vùng trung du phía bắc - nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để khấn vọng, tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc.
Theo Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm Nhâm Dần 2022 của tỉnh Phú Thọ, các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; phát huy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc; lấy người dân làm trung tâm, tạo điều kiện cho các địa phương và nhân dân cả nước trực tiếp tổ chức các hoạt động thiết thực hướng về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên.
Với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, đất Tổ Hùng Vương"- Giỗ Tổ Hùng Vương năm Nhâm Dần 2022, được tổ chức quy mô cấp tỉnh, do UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì triển khai thực hiện.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 có các hoạt động phần Lễ gồm: Lễ Giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 06/3 âm lịch; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng ngày 10/3 âm lịch và Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong"; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó là lễ dâng hương của các huyện, thành, thị tại Đền Hùng (diễn ra từ ngày 01/3 - 05/3 âm lịch, do các địa phương chủ động, đảm bảo phù hợp với điều kiện tình hình thực tế). Lễ rước kiệu về Đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức (diễn ra ngày 07/3 âm lịch, điều chỉnh số lượng người tham gia phù hợp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19).
Có tổng số 12 nội dung phần hội là các hoạt động hội truyền thống, được tổ chức ở quy mô phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, ngày 01/3 âm lịch (tức ngày 01/4/2022): Trưng bày chuyên đề "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Hội tụ và lan tỏa" tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Ngày 03/3 âm lịch (tức ngày 03/4/2022), Lễ đón Bằng công nhận Lễ hội cướp bông ném chài Đền Vân Luông- Phường Vân Phú là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Ngày 06/3 âm lịch (tức ngày 06/4/2022) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống; trình diễn hát xoan làng cổ; múa rối nước.
Ngày 07/3 âm lịch (tức ngày 07/4/2022): Biểu diễn nghệ thuật phục vụ các tour du lịch; Ngày 08/3 âm lịch (tức ngày 08/4/2022): Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ; Ngày 09/3 âm lịch (tức ngày 09/4/2022): Lễ hội truyền thống đình Hùng Lô và Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia và Bằng công nhận Khu du lịch cấp tỉnh; giải Bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang; Chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội Đền Hùng, gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; biểu diễn nghệ thuật phục vụ các tour du lịch.
Ðể Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Ðền Hùng năm 2022 diễn ra an toàn, trang nghiêm, thành kính, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết, bảo đảm thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19 và an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường...
Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống văn hóa cao đẹp, là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ có trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử. Người Việt đi tới đâu, khi dựng nhà, lập làng cũng luôn ghi nhớ Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ðó là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn...; củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn, to đẹp hơn./.