DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
Giới thiệu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã Hồng Dụ huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương
11/07/2023 10:34:05

I. Di tích lịch sử cấp tỉnh - Khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh

1.    Khái quát chung

Khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh, là di tích lịch sử cấp tỉnh, thuộc thôn An Rặc, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Di tích được gọi theo tên Chủ Tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm và nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Thái ngày 15/02/1965 (nay là xã Hồng Dụ).

Khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh được tọa lạc tại thôn An Rặc, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương nằm cách Trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 25 km về phía Đông Nam. Cách trung tâm huyện Ninh Giang 7km về phía Tây. Xã gồm 7 thôn An Rặc, Tiêu Tương, Tam Tương, Dậu Trì, Thượng Đồng, Đô Chàng và Cáp. Theo số liệu điều tra, xã Hồng Dụ diện tích tự nhiên là 740ha, phía bắc giáp 2 xã Ninh Hải và Tân Hương; phía tây và phía Nam giáp Hồng Phong; phía Đông giáp Đồng Tâm và Hiệp Lực.

Khu lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Minh nằm cách trung tâm Thành phố Hải Dương khoảng 28 km về phía Nam. Cách trung tâm huyện Ninh Giang 5km về phía tây. Từ thàng phố Hải Dương theo quốc lộ 37 đến trung tâm thị trấn Gia Lộc rẽ trái theo đường 37 qua Cầu Ràm khoảng 2km, tiếp tục qua cầu Trượi khoảng 3 km rẽ phải  vào đường tỉnh lộ 396 đi khoảng 3,7 km là đến xã Hồng Dụ nơi khu lưu niêm tọa lạc.

Các tuyến giao thông trên đều thuận tiện cho du khách khi sử dụng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp đến tham quan, chiêm bái di tích.

1.    Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm di tích

a)    Sự kiện lịch sử:

Ngày 15 tháng 02 năm 1965 tại đây diễn ra sự kiện Bác Hồ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) về thăm nói chuyện với cán bộ, Đảng viên và nhân dân xã Hồng Thái (nay là xã Hồng Dụ) - Đơn vị lá cờ đầu của phong trào làm thủy lợi miền Bắc lúc đó, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác Hồ.

Đúng 8 giờ sáng, ngày 15/02/1965, phái đoàn của Trung ương về đến làng An Rặc, từ trong xe màu sữa, một người mặc áo gụ bước ra … cả biển người bừng mở, cùng với những tiếng vỗ tay không ngớt, người người hô to: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!...

- Đứng trên lễ đài, Bác nói chuyện rất giản dị, Bác hỏi:

- Các cô, các chú và đồng bào Hồng Thái có biết đặt tên cho xã mình như thế nào không? Đồng chí Trần Đức Bệ, Bí thư đảng ủy xã trả lời: Hồng Thái là tên của một chiến sỹ cách mạng ạ! Bác cười và giải thích thêm về gương hy sinh của anh hùng liệt sỹ Phạm Hồng Thái cùng bao chiến sỹ cộng sản đã hy sinh cho cách mạng, cho nhân dân, có thế nhân dân Hồng Thái, nhân dân cả tỉnh mới được như ngày hôm nay…

Nói chuyện với nhân dân Hồng Thái, Bác nói: "Ngày nay thấy cảnh tươi vui no ấm của xã Hồng Thái, chắc không ai ngờ rằng trước cách mạng, đó là một nơi chiêm khô mùa thối, nhân dân đói nghèo. Non 3.000 người mà năm 1945 đã có 1.220 người chết đói. Chỉ một việc đó, đủ nói lên tình trạng xã này xưa kia".

Nhắc đến thành tích của xã Hồng Thái, Bác nêu: "Từ ngày cải cách ruộng đất thắng lợi, nhất là từ năm 1960, xã Hồng Thái đã thay đổi hẳn, đời sống vật chất được nâng cao, đời sống văn hóa cũng thay đổi hẳn" Bác khen ngợi và nêu những con số cụ thể đạt được trong các lĩnh vực kinh tế - VHXH, công tác xây dựng Đảng, Chính quyền và các đoàn thể. Bác nêu câu hỏi và khẳng định: "Do đâu mà có những thành tích tốt đẹp đó? Do Chi bộ theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và được đồng bào hết lòng tin cậy, hăng hái  làm theo…Nói tóm lại Hồng Thái tiến bộ nhiều là do đồng bào hăng hái cần cù, do đảng viên đoàn kết, gương mẫu".

Bác động viên, bắt tay đồng chí Hoàng Thế Đẩu, đã 76 tuổi mà vẫn đỡ đầu dân quân; đồng chí Nguyễn Văn Yên 66 tuổi, phụ trách tổ trồng cây, một mình trồng được 5.000 cây. Bác biểu dương Đảng bộ có 5 chi bộ thôn với 117 đảng viên, có 83 đồng chí là "4 tốt"; 120 đoàn viên, mà 90% là "4 tốt". Đã lãnh đạo nhân dân ra sức làm thủy lợi để giải quyết nạn nghèo khổ vì hạn úng, do làm thủy lợi tốt mà ruộng 1 vụ thành 2 vụ, giao thông vận tải dễ dàng, năm 1964 xã viên đóng góp ngày công cho HTX bình quân mỗi lao động đạt 298 ngày công. Đội thủy lợi đạt năng suất 4,3 thước khối đất trên một ngày công.

Sau khi biểu dương những thành tích của địa phương, nêu những tấm gương đảng viên gương mẫu, Bác đã căn dặn: "Tuy vậy, đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với những thành tích bước đầu mà cần phải cố gắng hơn nữa" Bác chỉ rõ: "Làm cho năng suất lúa ổn định và tăng hơn, đẩy mạnh việc chăn nuôi, chăm sóc hơn nữa việc trồng cây, củng cố tốt và phát triển tốt Đảng và Đoàn thanh niên".

Cũng tại buổi nói chuyện với nhân dân Hồng Thái, đối với cán bộ và bộ đội của tỉnh Hải dương "Bác rất vui lòng nhận thấy mấy năm qua Hải Dương tiến bộ khá về các mặt" và làm tốt nghĩa vụ cho Nhà nước, Bác khen đồng bào Hải Dương có nhiều sáng kiến hay, có nhiều địa phương điển hình kiểu mẫu cần được phổ biến rộng rãi cho cả tỉnh học tập làm theo. Một lần nữa Bác nhắc đến Hồng Thái là kiểu mẫu về công tác thủy lợi; kiểu mẫu về Hợp tác xã tiên tiến. Bác chỉ đạo " Hải Dương là một tỉnh trọng điểm lúa ở miền Bắc vì vậy Hải Dương phải phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần vào sự nghiệp Công nghiệp hóa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Muốn vậy thì thủy lợi là biện pháp hàng đầu, phải đẩy mạnh phong trào thi đua đuổi kịp và vượt Hồng Thái". Với Hải Dương Bác căn dặn "hiện nay tỉnh ta có hơn 26.750 đảng viên, nhiều hơn 5 lần tổng số đảng viên ngày cách mạng tháng 8/1945 và 28.000 đoàn viên, đó là một lực lượng cách mạng to lớn, muốn thắng lợi phải củng cố tốt Đảng và đoàn thể, phải xây dựng chi bộ 4 tốt, chi đoàn 4 tốt, phải theo tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, chống tham ô lãng phí, quan liêu… đảng viên, cán bộ phải đi sát quần chúng, củng cố và phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng. Đảng viên, đoàn viên phải đoàn kết nhất trí, xung phong gương mẫu trong mọi công việc, làm cho Hải dương trở thành một tỉnh gương mẫu".

Đứng ngay trên lễ đài, Bác nói: "Hôm nay, Bác có phần thưởng chung cho cả tỉnh", mọi người bất ngờ thấy bác quay sang đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, đồng chí thư ký mở cặp lấy ra tấm ảnh chân dung của Bác, Bác đã lấy bút máy ký ở góc dưới tấm ảnh chữ ký quen thuộc "Hồ Chí Minh" và Bác trao cho đồng chí Nguyễn Hoài Bắc Chủ tịch ủy ban hành chính Tỉnh, đồng chí chủ tịch giơ cao tấm ảnh của Bác, cả biển người cùng hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!

b)    Nhân vật được thờ:

Căn cứ vào khảo sát cho thấy: Di tích nguyên là địa điểm Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Hồng Thái (nay là xã Hồng Dụ) năm 1965; là địa điểm ghi dấu sự kiện của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh - người đại diện cho cả giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam; là anh hùng giải phóng dân tộc; người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc thế kỉ XX.

Với sự quan tâm của Bác với Hải Dương, Bác đã 5 lần về thăm tỉnh nhà, trong đó có 2 lần về thăm Ninh Giang. Đặc biệt đối với Hồng Thái (nay là xã Hồng Dụ) được Bác quan tâm, theo sát mọi phong trào, cổ vũ động viên đến từng cá nhân, tập thể và đồng bào địa phương. Nhưng… ngày 15/02/1965 là lần cuối Người lưu dấu của mình đối với Hồng Thái, với Ninh giang và với Tỉnh Hải dương trước lúc người đi xa.

 

II. Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Dậu Trì

1. Khái quát chung

Đình Dậu trì là một di tích lịch sử - văn hóa thuộc thôn Dậu trì, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đình nằm tại thôn Dậu Trì, nên nhân dân địa phương lấy tên, đặt tên cho di tích gắn liền với tên thôn từ trong lịch sử.

Đình Dậu Trì năm ở trung tâm thôn, mặt tiền quay về phía Đông Bắc, phía Tây và phía Bắc giáp đường thôn và khu dân cư, phía Nam giáp khu dân cư.

Di tích tọa lạc trên một khu đất cao ráo, gần đường và trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đình tọa lạc tại khu đất tổng diện tích 3061m2, xung quanh là khu dân cư và đường giao thông thôn, có vị trí cổng nằm trên trục đường trung tâm thôn:

 Từ thành phố Hải Dương (Trung tâm hành chính tỉnh Hải Dương) theo Quốc lộ 37 hướng Hải Dương- Ninh Giang, khoảng 25 km, qua Cầu Ràm 4 km, đến chợ vé rẽ phải vào đường liên xã Hồng Dụ, Đồng Tâm, Hiệp Lực khoảng 2km là đến di tích. Hoặc từ thành phố Hải Dương xuống cách thị trấn Ninh Giang 1km ngã 4 Cống Me rẽ phải vào đường 396 đi khoảng 3,7 km tới trung tâm xã Hồng Dụ rẽ phải vào đường liên xã đi qua thôn Tam Tương xã Hồng Dụ khoảng 300 m là đến di tích.

2. Sự kiện và nhân vật được thờ

Căn cứ vào thần tích, sắc phong câu đối, đại tự tài liệu hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội và lưu truyền trong nhân dân thì; Đình Dậu Trì tôn thờ Trần Minh Công, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc vào thế kỷ X. Thân thế và sự nghiệp của ông có thể tóm tắt như sau.

Vào thời nhà Đinh, tại thôn Dậu Trì, xã Dậu Trì có một gia đình sinh được một người con trai, cha mẹ đặt tên là Nhật Giảo, đến khi trưởng thành, Nhật Giảo thường học chữ, thích đàn nhạc, tinh thông âm luật, binh thư, cung nỏ, không có chỗ nào là không biết. Khi 26 tuổi , nước ta có nạn 12 sứ quân, 12 hào trưởng cát cứ 12 nơi,. Lúc này Nhật Giảo cũng tụ binh cai quản bản quận, xưng là Trần Minh Công. Minh Công thi hành ân huệ rộng lớn, lấy lòng nhân đức để quy phục lòng người. Đinh Tiên Hoàng đế đến thăm bằng lòng chuẩn y, nhập vào đại quân và sai Công Minh cầm quân giết giặc. Minh Công phò nhà Đinh nhiều năm, có nhiều công lao được Vua khen ngợi. Ông vô cùng thương tiếc, sai quan đến an táng theo nghi lễ. Về sau Minh Công có nhiều hiển ứng với triều đình.

Trương truyền: Đến thời trần, nước ta có giặc Nguyên Mông sang xâm lược. Vua Trần Nhân Tông xuất chinh cầu đảo thiên địa bách thần, linh thiêng phù giúp. Được Minh Công âm phù nên Nhân Tông đã lập công,. Năm đó là năm Mậu Ngọ nên Minh Công xưng tên mình là Mậu Ngọ. Do đó công âm phù  vua Trần nên Minh Công được ban sắc là “Mậu Ngọ Đại Vương” và tặng một đạo sắc “Chí đức tôn thần” ủy thác cho Bộ Lễ đến thăm hỏi. Và lập đền để xuân thu phụng thờ tế lễ, ban tiền để xây dựng miếu. Sai quan Bộ Lễ đến đón sắc phong và chia đều thang mộc ấp cho 27 xã, trang cùng phụng thờ tế lễ. Quan Bộ Lễ đến khu Dậu, xã Dậu Trạch, tổng Đông Cao, huyện Vĩnh Lại, quận Hạ Hồng hội họp các cụ phụ lão đến hầu, phụng lãnh một đạo sắc văn và 312 quan tiền để về xây dựng miếu thờ. Giao cho khu Dậu phụng thờ, tế lễ, tối tú, tối linh, truyền cho muôn đời gìn giữ đình, miếu, hương hỏa.

Do có công lao phù giúp nhà Đinh và âm phù nhà Trần, Trần Minh Công được ban nhiều sắc phong qua các triều đại. Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ được 6 đạo sắc phong dưới thời Nguyễn. Đó là:

- 1 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 6 phong vào ngày 10/11 /1853.

- 1 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 33 phong vào ngày 24/11 /1880.

- 1 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 2 phong vào ngày 01/7 /1887.

- 1 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 3 phong vào ngày 11/8 /1909.

- 2 đạo sắc do vua Tự Đức năm thứ 9 phong vào ngày 25/7 /1924.

Xin nêu nội dung1 sắc phong (những sắc phong còn lại xin xem trong tài liệu Hán Nôm).

Sắc cho thôn Dậu, xã Dậu Trì, huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương, nguyên phụng tờ thần hiệu chưa được dự phong. Đến nay kế thừa mệnh lớn, ban ăn rộng rãi. Đặc ban cho Thần là Thành Hoàng của ta một đạo sắc văn tặng là “ Bản cảnh Thành hoàng linh phù chi thần” (Thần là Thành hoàng nơi này linh thiêng phù giúp). Lại cho phép các thôn phụng thờ, thần sẽ giúp đỡ bảo vệ dân lành của ta”.

Kính thay;

Ngày 10/11/năm tự đức thứ 6 (1853).

Đình Dậu Trì không chỉ là nơi thờ Trần Minh Công mà trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.

- Năm 1946, Mặt trận Việt Minh lấy Đình Dậu Trì là cơ sở hoạt động.

- Từ năm 1946 đến 1950 đình là công binh xưởng, là nơi tập kết của huyện hội Ninh Giang. Là cơ sở của phong trào cách mạng của địa phương trong kháng chiến chống Pháp.

3. Phong tục lễ hội:

Dưới thời phong kiến Đình Dậu Trì có nhiều kỳ lễ, hội, nhưng quan trọng nhất là 2 kỳ lễ; Lễ kỷ niệm ngày mất 12/5 và lễ kỷ niệm ngày sinh 11/11 âm lịch. Lễ 12/5 chỉ mở cửa Đình cho nhân dân vào lễ, không có rước và không có những trò chơi dân gian, quy mô nhỏ. Trong một năm lễ hội lớn là lễ hội kỷ niệm ngày sinh, được tổ chức từ ngày 10- 13/11 âm lịch. Trong đó ngày 11 là ngày chính hội.

Tóm tắt một số lễ hội này.

Vào những tháng cuối năm, sau khi đã thu hoạch mùa màng, người dân nơi đây đã sớm chuẩn bị cho lễ hội. Họ dùng những sản vật nông nghiệp dâng lên cung thỉnh Thành hoàng làng.

- Ngày 10 là ngày mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm để phục vụ lễ hội.

- Ngày 11 là ngày chính hội. Tại thôn Dậu có 4 giáp: Đoài Thượng, Đoài Hạ, Đoài Nam, Bắc, bô lão, dân làng đã tập trung ra đình từ ngay sáng sớm, để rước thần từ đình ra miếu (Đình cách miếu 200 m về phía Tây đã bị Pháp phá sập năm 1951). Đoàn rước có bát cửu, bát âm, long đình, kiệu bát cống đi thành hàng từ đình ra miếu, tới miếu thì dừng lại tế lễ. Sau đó rước vè Đình, lại tiếp tục tế lễ đến tối.

- Ngày 12 là thi các mâm ngũ quả, và thi lợn tế, điệu đặc biệt là ở đây không thi lợn to hay nhỏ mà chi thi lợn có được vệ sinh sạch sẽ như thế nào? Vì muốn được giải thì đòi hỏi mỗi giáp phải cẩn thận trong việc chăn nuôi.

- Ngày 13 là ngày tễ dã đám, kết thúc lễ hội.

Trong những ngày lễ hội có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm. Hoạt động lễ hội là sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu được của nhân dân địa phương.

Năm 1949 lễ hội đình Dậu Trì không được tổ chức do đất nước ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến năm 1996 lễ hội mới được mở trở lại, hình thức tuy đơn giản, nhưng đáp ứng được cuộc sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

III. Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Chùa Dậu Trì, xã Hồng Dụ

Chùa Dậu trì, xã Hồng Dụ tên tự là Quang Diệu tự (Tức Chùa Quang Diệu). Theo triết tự chữ Hán "Quang Diệu" có nghĩa là toả ánh sáng rực rỡ như mặt trời, tạo việc đại nghĩa, làm điều thiện giáng phúc cho mọi người, được cộng đồng nhân dân và chính quyền địa phương gọi từ trước đến nay.

Chùa Dậu trì nằm ở phía Tây thôn Dậu Trì, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Chùa được tọa lạc tại khu đất tổng diện tích 822m2 xung quanh là khu dân cư và đường giao thông thôn, có vị trí cổng nằm trên trục đường nhựa liên xã: Phía Đông và phía Tây, phía Nam giáp dân cư. Phía Bắc giáp đường thôn.

Quý khách về thăm di tích, có thể đi theo 02 tuyến đường sau:

1. Từ thành phố Hải Dương(Trung tâm hành chính tỉnh Hải Dương) theo Quốc lộ 37 hướng Hải Dương- Ninh Giang, khoảng 25 km, qua Cầu Ràm 4 km, đến chợ vé rẽ phải vào đường liên xã “Đồng Tâm, Hồng Dụ, Hiệp Lực” khoảng 2,5km là đến di tích.

2. Từ Thành phố Hải Dương xuống cách thị trấn Ninh Giang 1km ngã 4 Cống Me theo Quốc lộ 37 rẽ phải vào đường 396 chừng 3,7 km tới trung tâm xã Hồng Dụ rẽ phải vào đường liên xã đi qua thôn Tam Tương xã Hồng Dụ khoảng 300 m là đến di tích.

Các tuyến giao thông trên đều thuận tiện cho du khách khi sử dụng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp đến tham quan, chiêm bái di tích.

Với những giá trị của di tích ngày 25 tháng 01 năm 2014, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định xếp hạng di tích chùa Dậu Trì (Tức Chùa Quang Diệu) là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chùa Dậu Trì là nơi thờ Phật theo Thiền Phái Đại Thừa. Chùa được khởi dựng vào tháng 11 năm Diên Thành thứ 5 (1582) tại đầu thôn, mặt tiền quay hướng Tây Nam, công trình hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm Đinh Tỵ - Hoàng triều Tự  Đức thứ 10 (1857) và những năm gần đây. Hiện nay di tích có kiến trúc kiểu "Tiền Nhất, hậu Đinh" gồm 03 gian Tiền đường, 03 gian Trung đường và 02 gian Thượng điện. Toà Tiền đường được xây dựng bằng chất liệu bê tông, cốt thép, kết cấu vì kèo kiểu "Con chồng, giá chiêng". Toà Trung đường và Thượng điện chất liệu bằng gỗ tứ thiết, hệ thống vì kèo kiểu kẻ chuyền, giá chiêng. Các mảng chạm khắc hoa văn theo đề tài "Mai hoá long", "Cúc hoá long", "Lá hoá long" và "Lá lật" mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống.

Tại di tích hiện còn lưu giữ một số di vật, cổ vật niên đại vào thời Nguyễn (Thế kỷ XIX) có giá trị như: Tượng Thập Điện Diêm Vương (Chất liệu đá), tượng Tam thế,  tượng Ngọc Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc Đẩu, tượng Thánh Hiền (Chất liệu gỗ), toà Cửu Long (Chất liệu đồng), đạo sắc phong vào năm Khải Định thứ 9 (1924) và một số bức đại tự, bia đá...

 Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, hàng năm chùa Dậu Trì có các ngày lễ tiết: Ngày 15 tháng giêng lễ Kỳ An; Ngày 03 tháng 3 giỗ Mẫu; Ngày 08 tháng 4 lễ Phật đản, ngày 15 tháng 7 lễ Vu Lan ( Lễ Xá tội Vong nhân); Ngày 20 tháng 8 giỗ vọng Đức Thánh Trần, trong những ngày Lễ tiết trên được tổ chức theo quy mô nhỏ, riêng ngày 15 tháng Giêng là lễ Kỳ An được tổ chức rộng hơn, mang tính chất Hội chùa, đây là một lễ dùng giáo lý Kinh Phật để trấn an trong làng xã, người dân Dậu Trì xưa tổ chức lễ Kỳ An để tránh tai ương, dịch bệnh, để người người, nhà nhà được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cây quả bốn mùa tươi tốt.

Hiện nay các ngày lễ trên được nhân dân bảo tồn và phát huy, riêng ngày 15 tháng Giêng ngày lễ Kỳ An đã trở thành ngày lễ hội đầu xuân của nhân dân làng Dậu Trì nói riêng và xã Hồng Dụ nói chung.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là nơi sơ tán của Toà án nhân dân huyện, nơi tập kết của dân quân du kích và lực lượng vũ trang huyện Ninh Giang đánh bốt Hiệp Lễ, Quận Vé, Cầu Ràm và là nơi sơ tán, cất dấu máy móc, thiết bị của nhà máy xay Ninh Giang.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, di tích Chùa Dậu Trì vẫn được cộng đồng dân cư, các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành văn hoá các cấp quan tâm trùng tu, tôn tạo. Các hiện vật, đồ thờ tự được lưu giữ, bảo quản an toàn, đã và đang phát huy giá trị, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hoá và nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân làng Dậu Trì nói riêng và xã Hồng Dụ nói chung./.

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NINH GIANG

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Giang
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Thành Vạn - HUV - PCT UBND huyện
Cơ quan Thường trực: Văn phòng HĐND&UBND huyện
Đơn vị thực hiện: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang

Địa chỉ: Đường Lê Thanh Nghị - Khu 3 Thị trấn Ninh Giang - Huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 767 352 Email: ubnd.ninhgiang@haiduong.gov.vn
 

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0