Di tích Đình Bồ
Dương, xã Hồng Phong,
huyện Ninh Giang,
tỉnh Hải Dương
I. KHÁI QUÁT CHUNG
Đình Làng Bồ Dương, xã Hồng Phong xây dựng thời triều
Lê niên hiệu Chính Hoà cách đây trên 300 năm. Đình có tên gọi là Đình Đông
"Đình quay hướng đông" nằm ở trung tâm làng Bồ Dương, xã Hồng Phong,
là một trong ba ngôi đình còn lại trong quần thể kiến trúc miếu cổ xưa của
Làng.
Đình được xây dựng từ năm Kỷ tỵ (1689)
triều Lê, niên hiệu Chính Hoà, đình Đông có hình chữ Đinh (J), kiến trúc kiểu dáng đình đai truyền
thống vùng đồng bằng Bắc bộ, kết cấu bằng hệ thống cột trụ, con đội, giường
kèo, tàu bảy đồ sộ, gồm có hậu cung, cổ giải và 5 gian đại bái, mái hạ khoảng,
lợp ngói mũi hài, đao đình đắp Long chầu Phượng mớm, chấn giữa khoảng bò mái là
2 con nghê, nóc đình là hai Lạc long thể hiện sức mạnh hùng vĩ của tạo hoá, từ
xa trông mái đình thanh thoát như diều cất cánh; nội đình có nhiều mảng nghệ
thuật khắc trạm tinh sảo trên gỗ: Long, Ly, Quy, Phượng, Thông, Mai, Cúc, trúc
mang tính triết lý như rồng mẹ dạy con học; mô tả cảnh hội Làng như: múa rối
nước, tễu giáo đầu, đấu vật, đua thuyền...và nhiều đồ thờ tự quý giá như: ngai
ỷ, ngựa chiến, bát biểu, hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, chuông đồng
khánh đá và nhiều đồ thờ khác có liên đại lịch sử.
Phía trước Đình là sân rộng, 2 bên gồm
14 gian giải vũ, tiếp giáp với đao đình phía trước là cổng đông trù, tây trù;
bước vào sân đình qua tam quan gồm: đại môn, hai cổng tả hữu, cảnh góc song
song với tam quan là nhị trụ cao vút, trên đỉnh đắp búp lá trông như cây bút
khổng lồ đề thơ vào trời xanh.
Khu kiến trúc quần thể đình miếu, văn
chỉ, am tự làng Bồ Dương cổ xưa nguy nga tráng lệ vào bậc nhất vô nhị trong
vùng. Nhưng do biến cố lịch sử, thời gian phong hoá công trình mất mát khá
nhìêu. Năm 1993 được nhà nước hỗ trợ về
kinh phí cộng với sự đóng góp công đức của nhân dân địa phương, ngôi đình đã
được trùng tu sửa chữa, đến năm 1995 Đình đông Bồ Dương, Hồng Phong được Bộ Văn
hoá-thông tin quyết định xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia. Năm
2010 được nhà nước hỗ trợ trên 10 tỷ đồng đình Bồ Dương tiếp tục được trùng tu,
tôn tạo. năm 2011 sở VH-TT tỉnh Hải Dương hỗ trợ địa phương, tiến hành phục dựng
lại lễ hội truyền thống cổ xưa, từ đó làm cơ sở cho nhân dân làng Bồ Dương xã
Hồng Phong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá tại di tích.
Theo truyền thuyết Đình thờ Vị Tướng
Cao Xuân Hựu ở Làng Tam Hoàng, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành (tên cổ là
Thuận An, đạo Kinh Bắc), Ông sinh ngày 13 tháng giêng năm Giáp Tý thuộc gia đình
sống có đức có nhân. Ông Cao Xuân Hựu là bậc hiền tài, ngay từ tấm bé được cha
mẹ cho theo đuổi chốn khoa trường, ông nổi tiếng là người thông minh, giỏi
đường văn chương võ nghệ. Khi cha mẹ qua đời, lúc bấy giờ vào Triều Hùng Duệ
thứ 18, tuổi đã cao vua sinh hạ được 20 Hoàng tử, 6 Công chúa đều tuyệt tính
chốn tiên bồng, định nhường ngôi báu cho con rể là Sơn Thánh, trong triều
có một vị Tướng Họ Thục làm phản loạn
cầu viện nước láng giềng định cướp ngôi. Ông Cao Xuân Hựu đã ra phò Vua dẹp
loạn tặc, ông là người tài giỏi, được Vua phong làm tiền đạo Tướng quân chỉ huy
sứ. Ông và quân sỹ đồn trú tại Bồ Dương, Hồng Phong và từ đó toả đi khắp nơi
dẹp giặc, quân đi đến đâu giặc tan đến đấy. Đất nước trở lại thanh bình, nhân
buổi du ngoạn Ông về thăm chốn cũ Hồng Châu, vào ngày 13/3 âm lịch ông mở tiệc
khao dân ăn mừng chiến thắng “Ca khúc khải hoàn” rồi viên tịch ở đất Bồ Dương,
Hồng Phong vào ngày 12 tháng 11(AL). Vị Tướng Cao Xuân Hựu được Vua ban sắc
phong: "Linh ứng đại vương tặng phong là Đương đình linh ứng phổ hựu
tuyên khánh hoằng trạch chiêu thông cương nghị anh liệt hộ dân hựu quốc hùng
tài vĩ lược thượng đẳng tôn thần".
Ban sắc chỉ cho phép làng Bồ Dương xã Hồng Phong được
lập miếu thờ thần, hưởng phúc lành cùng Đất Nước làm nghi thức vĩnh viễn về sau.
Từ xa sưa, cứ vào dịp mùa xuân thượng tuần 13 tháng
3 âm lịch nhớ ngày “Ca khúc khải hoàn” của Ông, dân Làng có tục lệ mở lễ hội
mừng vui: rước kiệu, tế thần cầu mong cho Quốc thái, dân an, mưa thuận gió hoà,
cỏ cây tươi tốt, mùa màng bội thu, nhà nhà êm ấm.
Lễ hội làng còn có nhiều trò vui như: hát chèo, hát
đúm, đốt pháo bông, đánh pháo đất, trọi gà....đặc biệt nhất là trò múa rối
nước. Trò múa rối nước tại Hồng Phong có từ thời triều Lê, phát triển hưng
thịnh nhất vào triều Nguyễn (Tự Đức). Đất nước trải qua chiến tranh tàn phá
hoạt động múa rối nước nơi đây bị mai một đi. Năm 1991 cấp uỷ, chính quyền và
nhân dân địa phương đã khôi phục lại môn nghệ thuật độc đáo cổ truyền này. Các
diễn viên, nghệ nhân của phường đều là hậu duệ của Làng. Các Nghệ Nhân đã tự
tạo tác được con rối và dựng lại 23 tích trò cổ như : tễu giáo đầu, kim quy đốt
lá suý, bật cờ, mở lọng, đấu ngựa cửa sóc, múa cô tiên, múa Rồng, múa Lân, múa
Rắn, đấu vật..., mô tả cảnh lao động sản xuất như : cày bừa, tễu tát nước, tễu
chăn vịt, cảnh quấy bắt cá ..., trò mới như : Lê Lợi hoàn kiếm, hát quan họ
trên thuyền, đua thuyền, nhi đồng ký thuỷ cắm cờ... sử dụng kỹ thuật điều khiển
sào, dây linh hoạt sinh động.
Múa rối nước chủ yếu phục vụ Lễ Hội làng, kết hợp
đốt cây pháo bông, thả đèn trời phục vụ nhân dân sau những ngày lao động sản
xuất. Phường Múa rối nước Hồng Phong ngày nay có tổ chức chặt trẽ, quy mô hơn,
tích trò có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho nghệ thuật Rối nuớc ngày một nâng cao, phạm vi hoạt động của Phường rộng
hơn, đã đi phục vụ nhiều lễ hội ở các
địa phương trong huyện, trong tỉnh và tham dự liên hoan múa Rối nước TW, Năm 1994, tại Liên hoan Múa rối nước
toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, Phường múa rối nước Hồng Phong đã giành Huy
chương vàng với tích trò “Tiếng trống Hạ Hồng Châu”. Tiếp nối
thành công của phường đã mang loại hình văn hóa đặc sắc đến với Festival Huế
2004 và tham gia nhiều sự kiện văn hóa khắp cả nước, được tặng thưởng Huy chương Bạc,
Huy chương Vàng và nhiều bằng, giấy khen. Từ năm 2009 đến nay phường đã không
ngừng củng cố tăng cường mối quan hệ tích cực ký hợp đồng biểu diễn với các tua
du lịch phục vụ khách nước ngoài tại nhà thuỷ đình mỗi năm có hàng nghìn lượt
khách đến thưởng thức xem biểu diễn nghệ thuật múa rối nước.
Đi đôi với di tích lịch sử văn hoá, kế thừa và phát
huy truyền thống múa rối nước cổ truyền của tổ tiên để lại, Phường múa rối nước
Hồng Phong ngày nay đang trên đường phát triển, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân
tộc.
Do điều kiện về kinh phí địa phương còn nhiều khó
khăn, bên cạnh đó nguồn kinh phí cho việc dầu tư bảo tồn di tích thì lớn, do
vậy Đình Bồ Dương và môn nghệ thuật múa rối nước xã Hồng Phong đang rất cần có
sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của các cấp, các ngành chức năng ở huyện, ở
tỉnh góp phần bảo tồn và phát triển di tích Lịch sử văn hoá và môn nghệ thuật múa
rối nước độc đáo này của quê hương.
Di tích Lịch sử Văn hóa đình Bồ Dương được xây dựng
tại vị trí trung tâm giữa làng Bồ Dương với quần thể kiến trúc, khuôn viên là
1783,1m2.
Đình quay hướng Đông. Phía trước có trục đường chính
liên thôn chạy qua và có nhà Thủy đình Múa rối nước. Phía đông nam giáp nhà
trưng bày các tích trò con rối và nhà Văn hóa trung tâm của làng. Phía tây giáp
khu dân cư. Phía bắc là cái ao to song cũng là nơi để múa rối nước thời xa xưa.
Quý khách về thăm, chiêm bái di tích lịch sử Văn hóa
đình Bồ Dương, có thể đi theo các tuyến đường sau:
- Từ thành phố Hải Dương theo
Quốc lộ 37 hướng Hải Dương- Ninh Giang, khoảng 25 km đến cầu me rẽ phải vào quốc
lộ 396 khoảng 5,5km đến ngã tư trung tâm chợ Bò rẽ phải vào di tích khoảng 500m.
Toàn tuyến dài khoảng 31 km.
- Từ
thành phố Hải Phòng qua thị trấn Ninh Giang theo Quốc lộ 37 hướng Ninh Giang-
Hải Dương, khoảng 27 km đến cầu me rẽ trái vào quốc lộ 396 khoảng 5,5km đến ngã
tư trung tâm chợ Bò rẽ phải vào di tích khoảng 500m. Toàn tuyến dài khoảng 33
km.
- Từ thành phố Hưng Yên theo quốc
lộ 39b hướng về thanh miện, khoảng 17km đến ngã ba cống leo thanh miện rẽ trái
đến ngã tư ngũ hùng, khoảng 7km rễ trái vào đường 396 hướng cầu me- Ninh giang
khoảng 15km đến ngã tư trung tâm chợ Bò rẽ trái vào di tích khoảng 500m. Toàn
tuyến dài khoảng 31 km.
- Từ thành phố Thái bình về cầu hiệp theo quốc lộ Bắc nam khoảng 30 km,
từ cầu hiệp đến ngã tư đèn đỏ khoảng 4km rẽ phải vào
đường 396 hướng cầu me- Ninh giang khoảng 3,5km đến ngã tư trung tâm chợ Bò rẽ
trái vào di tích khoảng 500m. Toàn tuyến dài khoảng 38 km.
Các tuyến giao thông trên đều
thuận tiện cho du khách khi sử dụng các loại phương tiện đến tham quan, chiêm
bái di tích. Đặc biệt là du khách còn được thưởng thức môn nghệ thuật múa rối
nước độc đáo của địa phương./.