DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA CHÙA TRÔNG XÃ HƯNG LONG, HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG
11/07/2023 10:35:05

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA CHÙA TRÔNG

XÃ HƯNG LONG, HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG

----o0o----

 

I. Khái quát chung 

          Di tích chùa Trông (còn có tên nôm đền, chùa Tông hay Hưng Long điện, Hưng Long tự) là cụm di tích lịch sử và danh thắng được xây dựng tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Đền Trông là nơi thờ Minh Không Thiền sư Nguyễn Chí Thành - cao tăng thời Lý (1010 - 1225). Chùa Trông là nơi thờ Phật và 3 vị Thiền sư là Dương Không Lộ, Đạt Man, Đạo Hạnh cũng là những cao tăng thời Lý. Dương Không Lộ có quê mẹ tại xã Hán Triều, phủ Ninh Giang.

          Do có công lớn với đất nước nên các vị cao tăng đều được phong là Quốc sư. Riêng Minh Không Thiền sư được nhân dân suy tôn là "Thánh" và được lập đền thờ. Quy hoạch mặt bằng di tích theo kiểu : "Tiền Phật, hậu Thần”.

          Tục truyền, Thiền sư Dương Không Lộ kết bạn với hai Thiền sư Đạt Man và Đạo Hạnh. Vào cuối đời Thiền sư về quê mẹ và dựng chùa tại đây. Sau khi qua đời, dân xã đã tô ba pho tượng để thờ. Do kính trọng và thương nhớ các Thiền sư, nhân dân địa phương thường ra chùa ngóng trông nên thường gọi là "Chùa Trông".

          Trong quá trình lịch sử, do biến âm trong cách gọi, đền, chùa Trông còn được gọi là: "Đền, chùa Tông". Song trong thực tế hàng ngày nhân dân địa phương gọi tắt là "Chùa Trông".

          Khảo cứu dân tộc học tại địa phương cho thấy: Số người đến với di tích phần lớn là các cụ già, các cụ ông thường quan tâm tới đình, đền; Nên đã vô tình bỏ qua lên gọi: “Đền Trông” là nơi thờ chính Thiền sư Nguyễn Minh Không.

          Chùa Trông được xây dựng tại khu vực giáp ranh giữa hai thôn Hán Lý và Hào Khê của xã Hưng Long, huyệ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Khảo sát địa lý lịch sử khu vực cho thấy: Đây là vùng đất được hình thành khá sớm trong lịch sử do sự bồi đắp phù sa của sông Luộc (nối liền sông Thái Bình và sông Hồng). Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhân dân địa phương còn phát

Ngược dòng lịch sử, trước CM Tháng 8/1945, Hán Lý và Hào Khê là hai xã thuộc tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Từ thời Trần trở về trước gọi là Đồng Lợi. Thời thuộc Minh (1408 - 1428) do châu Hạ Hồng lãnh, lệ vào phủ Tân An. Đầu thời Lê đổi thành huyện Đồng Lại. Đời Lê Quang Thuận (1466) đổi thành Vĩnh Lại lệ vào phủ Hạ Hồng. Năm Gia Long thứ 10 (1811) đổi do phủ Ninh Giang kiêm lý. Huyện Vĩnh Lại có 11 tổng, 107 xã, thôn, trang.

          Sau Cách Mạng tháng 8/1945, thực hiện sự chỉ đạo điều chỉnh địa giới và tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, 2 xã Hán Lý và Hào Khê sát nhập thành một xã mới, lấy theo tên chùa là xã Hưng Long. Xã Hưng Long mới thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Vào khoảng những năm 1949 - 1950, do có biến động thuỷ văn nên sông Luộc chuyển dòng từ phía xã Hưng Long (Ninh Giang - Hải Dương) sang địa phận xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Côi - Thái Bình), đồng thời hình thành bãi phù sa lớn trước chùa Trông (Nay là Trại Vàng do xã Quỳnh Hoàng quản lý).

          Năm 1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sát nhập thành tỉnh Hải Hưng. Từ đây xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Hưng.

          Năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 70/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới 13 huyện của tỉnh thành 7 huyện mới. Trong đó hợp nhất huyện Ninh Giang và huyện Thanh Miện thành một huyện mới lấy tên là huyện Ninh Thanh, huyện lỵ đặt tại huyện Thanh Miện cũ. Theo đó xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương.

          Sau ngày tái lập tỉnh, huyện (1997), xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Thực hiện Nghị quyết số 788/NQ - UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc "sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương". Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hưng Thái vào xã Hưng Long.

          Căn cứ vào bản đồ địa chính hiện hành, xã Hưng Long có vị trí địa lý như sau: Phía đông giáp xã Hồng Phúc và xã Tân Phong; Phía tây giáp xã Văn Hội (Ninh Giang) và xã Quỳnh Hoàng, tỉnh Thái Bình; Phía nam giáp sông Luộc; Phía bắc giáp xã Tân Quang.

          Hiện nay, xã Hưng Long gồm 5 thôn: Hào Khê, Hán Lý, Trại Hào, An Lý và Văn Diệm, diện tích 851,22 ha, dân số 10.269 người với 2.844 hộ, riêng thôn Hào Khê có diện tích 170,29 ha, dân số 1.458 người với 590 hộ (tính đến ngày 31/8/2022). Xã Hưng Long thuộc vùng chiêm trũng, nằm ở phía tây nam huyện Ninh Giang. Nguồn sống chính của nhân dân là sản xuất nông nghiệp.

          Trải qua quá trình lịch sử đến nay xã Hưng Long còn bảo lưu được 17 di tích các loại như: chùa Trông, đống Tam Viên, đình Hào Khê, đình Hán Lý, miếu Trại Hào, chùa Trông, Đình - Đền Văn Diệm, Đình - Đền An Lý,... Trong đó đền, chùa Trông là di tích lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia sinh hoạt tín ngưỡng.

          Qua nghiên cứu khảo sát di tích và các tài liệu, thư tịch liên quan, nội dung thờ tự di tích chùa Trông được xác định là:

          1 - Nhân vật được thờ

          1.1 - Đền Trông:

          Di tích thờ Minh Không thiền sư Nguyễn Chí Thành - một cao tăng thời Lý (1010 - 1225). Sự tích về ông có nhiều dị bản song có thể tóm tắt được là:

          Minh Không thiền sư họ Nguyễn, huý là Chí Thành quê làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, sinh năm Bính Ngọ niên hiệu Long Chương Thiên tự đời vua Lý Thánh Tôn (1066) năm ấy Dương Không Lộ 51 tuổi. Thiền sư tu tại chùa Quốc Thanh, lấy hiệu là Minh không, theo học Từ Đạo Hạnh hơn 40 năm, được thầy khen là người có chí và truyền tâm ấn cho. Khi Đạo Hạnh sắp làm phép "Thi giải" (hoá kiếp) đã dặn Minh Không rằng: "Đức Thế tôn ta đạo quả viên thành mà còn có bệnh dọt, huống chi đời nay là mạt thế yêu ma, giữ làm sao được, nay ta thác sinh làm vua quyết không tránh khỏi được bệnh nạn, ta có duyên với ngươi, ngươi nên cứu ta!"

          Sau khi Từ Đạo Hạnh "Hoá kiếp, đầu thai" rồi, Minh Không lại trở về chùa cũ tu hành.

          Đến năm thứ 4 niên hiệu Long Chương Bảo tự đời vua Lý Thần Tôn (1136) vua bị bệnh "hoá hổ", thầy thuốc chữa mãi mà không khỏi. Bệnh tình của nhà vua ngày càng trầm trọng, tinh thần phiền não, gào thét kinh người. Trong cung có hàng trăm thái y giỏi nhưng hết thảy đều bất lực. Bấy giờ có đám trẻ hát rằng:

"Tập tầm vông

Muốn chữa Lý Cửu trùng

Có ông Nguyễn Minh Không".

          Bà Thái hậu nghe câu hát ấy bèn sai sứ đi đón Minh Không về. Khi Thiền sư đến nơi, thấy vẻ ngoài quê mùa, các Thái y có ý xem thường. Minh Không liền lấy một cái đinh cắm vào cột điện và nói rằng: "Hễ ai nhổ được cái định ấy thì mới chữa khỏi bệnh cho vua". Minh Không nhắc đi nhắc lại tới 3 lần vẫn không ai dám đến, liền nhổ một cái được ngay, mọi người đều kính phục. Rồi Minh không xem bệnh cho vua và nói to rằng: "Làm ông vua giàu có bốn bể, làm sao lại có bệnh này". Vua sợ hãi lắm, rồi Minh Không gọi cho lấy một cái vạc to đổ nước vào đun sôi lên. Thiền sư khoáng tay vào ba bốn lần rồi tắm khắp mình cho vua. Bệnh vua liền khỏi.

          Ghi nhận công lao đó, vua phong tặng cho Minh không là "Lý triều Quốc sư", thưởng cho vài ngàn mẫu ruộng và được thu hoa lợi để sinh sống.

          Một lần, Minh Không sang Bắc Kinh, Minh Không vào trọ nhà một ông quan và nói rằng: "Cho phép được rải áo cà sa để lấy đất làm cách chùa". Ông quan họ cả cười và y cho theo lời. Minh Không lấy áo cà sa vung ra trùm khắp mười dặm đất, ông quan nọ kinh sợ. Từ đấy tiếng tăm Minh Không lừng lẫy khắp Bắc Kinh.

          Vua Tống cho triệu Minh Không vào triều và hỏi rằng "Nhà sư ở đâu đến". Minh Không đáp: "Tôi là sư nước Nam, muốn dựng "thất cấp phù đồ" những không có đồng cốt, chắc nhà vua không thiếu gì, chẳng biết nhà vua có bố thí không ?".

          Vua Tống cười mà rằng: "Nhà sư cần dùng bao nhiêu". Minh Không đáp: "Xin một túi là đủ". Vua Tống cho Minh Không tự vào kho mà lấy. Minh Không  vào lấy hết kho đồng mà túi vẫn chưa đầy Xong việc Minh Không xin về, cầm gậy quây túi đồng đi.

          Khi về đến Quảng Đông, gặp tàu buôn, Minh Không xin đáp tàu về nước, người hạm trưởng liền cho đi nhờ. Minh Không để túi đồng trên bờ rồi xuống tàu. Hạm trưởng cho thủy thủ lên mang túi đồng xuống tàu nhưng bao nhiêu người cũng không lay chuyển được. Minh Không liền lấy gậy khều lấy túi đồng xuống tàu, tàu nặng toan đắm. Ai cũng kinh sợ, Minh Không bảo không việc gì. Tàu ra khơi thì gặp mưa to, gió lớn, chợt có con ngô công to quấn quanh tàu. Minh Không lấy quả dưa vẽ phù ném xuống biến con ngô công đứt làm 3 đoạn, nổi lên. Trời yên biển lặng, chẳng mấy chốc tàu về tới bến sông Nhị Hà. Minh Không đem đồng về đúc tượng chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, cùng với tháp Báo Thiên là chuông Quy Điền gọi là “An Nam tứ khí” (4).

          Cuối đời Minh Không về tu lại chùa Hưng Long. Tại đây Minh Không được nhân dân bản xã đặc biệt quý trọng. Ngày 26 tháng 3 năm Đại Định thứ 2 (1141), Minh Không Thiền sư qua đời tại khu vực núi Tam Viên (5). Nay dấu cũ vẫn còn.

          Do có công lao lớn với Phật giáo và đất nước, sau khi Minh Không Thiền sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu giao cho hai xã Hán Lý và Hào Khê xây đền thờ. Qua các triều đại, Minh Không thiền sư đều được phong sắc.

          1.2 - Chùa Trông (Hưng Long tự):

          Như nhiều ngôi chùa khác của làng xã đồng bằng Bắc Bộ, chùa Trông thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa - một dòng Phật giáo lớn được du nhập vào nước ta khá sớm (từ thế kỷ 3). Song điều đặc biệt ở đây là chùa Trông còn là nơi thờ 3 vị cao tăng nổi tiếng thời Lý (1010 - 1225) là: Dương Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Trong đó, Dương Không Lộ theo sách: "Đại Nam nhất thống chí" tập 3, Nhà xuất bản KHXH Hà Nội 1971 cho biết có quê mẹ tại xã Hưng Long. Và đồng thời là người tổ chức xây dựng chùa Trông (Hưng Long tự). Đây là một sự kiện lịch sử điển hình cho phép xác định niên đại khởi dựng của di tích.

          a) Không Lộ Thiền sư:

          Không Lộ Thiền sư (nói chạnh là Khổng Lồ) sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) tại chùa Hưng Long, thân mẫu họ Nguyễn người xã Hán Lý, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Nguyên quán, Không Lộ ở làng Giao Thuỷ, huyện Hải Thanh. Vua Trần Thái Tôn đổi là Thiên Thanh, vua Trần Thánh Tôn đổi tên thành Thiên Trường, sau đổi thành phủ Xuân Trường. Không Lộ vốn họ Dương, huý là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ.

          Khi trưởng thành Không Lộ lấy nghề đăng đó làm vui, thường vãng lai núi Đàm Khánh (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), núi Hàn Sơn (huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá) và ham muốn đạo thiền.

Đến năm Giáp Thân, niên hiệu Thiên Cảm Thánh vào đời Lý Thái Tôn (1044) Không Lộ 29 tuổi, bỏ nghề đăng đó đi tu, thường tụng kinh Đà La Ni Môn. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Long Thuy Thái bình đời vua Lý Thánh Tôn (1057) Minh Không 42 tuổi theo học đức Thảo Đường Thiền sư, được thầy khen sau tất làm Pháp tự. Năm Kỷ Hợi niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh đời vua Lý Thánh Tôn (1059); Minh Không 44 tuổi về tu ở chùa Hà Trạch, kết bạn cùng ông Giác Hải và Từ Đạo Hạnh rồi cùng về tu ở chùa Duyên Phúc (tức chùa Hộ Xã tại Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định).

          Ít lâu sau, Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh cùng sang Tây Trúc (Ấn Độ). Khi thuyền về tới Kim Xỉ Man (Miến Điện) Không Lộ cùng Giác Hải lên bờ đi trước. Đạo Hạnh ở lại coi thuyền, đợi lâu không thấy Không Lộ và Giác Hải trở lại, Đạo Hạnh lấy làm ngờ, chợt thấy có một bà già đến bờ sông liền hỏi: "Bà có gặp hai ông sư không ?". Bà già trả lời: "Hai ông sư ấy học được pháp thuật về từ lâu rồi", linh cảm cho biết bà già là người phi thường, Đạo Hạnh liền quỳ xuống xin bà dạy bảo cho. Bà già ấy truyền cho phép rút đường, qua bể và đi trên không cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh bái tạ rồi theo kịp Không Lộ và Giác Hải.

          Đạo Hạnh muốn đem pháp thuật để thử Không Lộ, liền biến ra hình hổ nấp vào trong rừng, nhảy nhót, gầm thét làm ra dáng trực vồ người. Giác Hải trông thấy cười mà bảo rằng: "Muốn làm kiếp ấy, rồi sau được làm". Đạo Hạnh xấu hổ xin lỗi và nói rằng: "Nếu kiếp sau nghiệp chướng chưa hết, xin giải cứu cho". Đoạn ba ông xuống thuyền về. Đạo Hạnh về Sài Sơn; Không Lộ và Giác Hải về chùa Duyên Phúc.

          Năm Đại Định thứ 22 (1161), Không Lộ 46 tuổi, Thiền sư cho dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo - Thái Bình). Tục truyền từ đây phép Phật thông huyền, bay trên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ, không ai biết đâu mà lường. Không Lộ thường vãng cảnh làng Hành Cung (làng Hành Thiện), làng Tương Đông (đều thuộc phủ Thiên Trường - Nam Định), làng Lộng Khê (thuộc huyện Phụ Dực - Thái Bình), làng Lạc Lâm (thuộc Thạch Thất - Hà Tây), làng Đại Nẫm (thuộc Quế Dương - Bắc Ninh), làng Dương Nham (thuộc Kinh Môn - Hải Dương). Khi Thiền sư ở Phả Lại có đúc một quả chuông to, sau chuông bị chìm xuống sông Lục Đầu.

          Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) vua thường ngự tại điện Liên Mộng, một hôm chợt có 2 con tắc kè kêu trên xà nhà làm vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không khỏi. Vua sai sứ và hơn 50 người đi đón Không Lộ và Giác Hải. Không Lộ dùng ba thưng gạo nấu cơm cho quan quân ăn mà mãi không hết. Khi xuống thuyền, trời đã tối, Thiền sư bảo hãy tạm nghỉ đến gà gáy hãy đi. Đến lúc đi liền gõ vào bê chèo ba tiếng, một lát đã đến bến Kinh Đô (Hà Nội), ai ai cũng lấy làm kinh hãi.

          Không Lộ và Giác Hải vào yết kiến, Không Lộ đọc 3 câu chú, tắc kè không kêu nữa rồi nhường cho Giác Hải. Giác Hải lấy tràng hạt và gõ vào cột điện, hai con tắc kè liền rơi cả xuống đất, bệnh vua khỏi liền, vua phong cho Không Lộ làm Quốc sư và ban quốc tính (họ vua) cho Giác Hải, ban khen một bài thơ rằng:

"Giác Hải như tâm hải

Thông huyền (6), đạo hựu huyền

Thần thông, năng biến hoá

Nhất Phật, nhất thần tiên".

          Đến năm Không Lộ 62 tuổi, tức là năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nhân Vũ Chiêu thắng vua Lý Nhân Tôn (1077), một hôm tĩnh toạ, có người tiểu bạch rằng: "Từ khi tôi đến đây, chưa thừa bảo cho tâm yếu". Không Lộ bảo rằng: "Ngươi đưa kinh thì ta tiếp, đưa nước thì ta nhận, lúc nào ta chẳng bảo tâm yếu cho người". Sau đó, cho đúc chuông chùa Nghiêm Quang nặng 3.300 cân đồng.

          Vào khoảng cuối đời, Không Lộ với hai nhà sư Đạt Man và Đạo Hạnh về quê mẹ tại xã Hán lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương và cho dựng chùa Hưng Long(7). Ngày 3 tháng 6 năm thứ 3 (Giáp Tuất) niên hiệu Hội Phong đời vua Lý Nhân Tông (1094), Không Lộ Thiền sư qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. (Năm đó Giác Hải 71 tuổi, Minh Không 29 tuổi). Sau khi các Thiền sư viên tịch, tỏ rõ đạo pháp, cầu đảo linh ứng, dân xã đã lập ba pho tượng để thờ.

          b) Giác Hải Thiền sư:

          Thiền sư là người ở Hải Thanh (Nam Định), tên huý là Nguyễn Viên Y, sinh năm thứ 15 (Giáp Tý) niên hiệu Thuận - Thiên đời vua Lý Thái tổ (1024). Thủa nhỏ cũng làm nghề đăng đó. Đến 25 tuổi bỏ nghề đăng đó di tu. Năm 36 tuổi kết bạn với Dương Không Lộ ở chùa Hải Thanh. Thời vua Lý Nhân Tôn (1072 - 1128). Giác Hải cùng Không Lộ chữa bệnh cho vua (đã nêu ở sự tích Không Lộ). Vua kính trọng lắm, hễ khi nào vua đi chơi Hành Cung (tức Hành Thiện - Nam Định) cũng đến chơi chùa. Một hôm vua hỏi: "Thế nào là ương chân, định thần". Thiền sư tụng niệm một lúc rồi bỗng dưng đi trên không, cách đất ba trượng rồi xuống. Vua lấy làm khen lắm, ban cho tên hiệu là: Giác Hải Tinh chiếu đại sư.

          Đến triều vua Lý Thần Tôn (1128 - 1138) thường triệu Thiền sư về kinh nhưng thường Thiền sư từ chối già yếu không đến. Ngày 4 tháng Giêng năm Thiệu Minh đời vua Lý Anh Tôn (1138 ) Giác Hải Thiền sư qua đời, hưởng thọ 115 tuổi.

          c) Đạo Hạnh Thiền sư:

          Thiền sư họ Từ, tên huý là Lộ, người làng Yên Lãng (làng Láng), huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Thân phụ là Từ Vinh làm quan Đồ án triều Lý. Khi còn nhỏ, đêm thì đọc sách, ngày thổi sáo, đánh quả bóng chơi đùa, thường bị cha trách mắng. Một đêm Từ Vinh ngẫu nhiên đến chỗ con nằm thấy ở án thư đầy những sách vở mà Từ Lộ tay cầm sách dựa án mà ngủ. Từ đấy Từ Vinh mới yên tâm con trai là người có chí.

Ít lâu sau Từ Vinh mâu thuẫn với Duyên Thành Hầu, ông Duyên Thành Hầu sai Đại Diện Thiền sư lấy phép giết chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Tử thi trôi đến cầu Yên Quyết thì đứng sững lại, ông Duyên Thành Hầu sợ hãi đến báo cho sư Đại Diên. Đại Diện đến nơi quát thì tử thi ngã xuống trôi đi.

          Đạo Hạnh quyết định phục thù cho cha, một hôm ông gặp Đại Diên đã toan đón đánh nhưng chợt nghe trên không có tiếng bảo rằng: "Không nên", Đạo Hạnh thôi không đánh nữa. Sau này quyết chí sang Tây Trúc (Ấn Độ) học phép thuật để chống lại sư Đại Diên. Ông đã kết bạn với Không Lộ và Giác Hải cùng sang Tây Trúc. Khi trở về ông đã dùng phép thuật (hoá hổ) để doạ hai bạn nhưng Không Lộ và Giác Hải đã biết từ trước. Đạo Hạnh xấu hổ nhận lỗi và nói: "Nếu sau này có nghiệp chướng chưa hết, xin giải cứu cho". (Đã nêu ở sự tích Không Lộ).

          Trở về Đạo Hạnh tu ở Sài Sơn (thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) thường tụng Đại Bi tâm kinh và kinh Đà Na Ni, tụng được đủ 108.000 lần. Một hôm thấy Thần nhân bảo rằng: Chúng tôi là Tứ Chấn Đại vương, cảm công đức thầy nên đến hầu thầy". Đạo Hạnh tự biết là đạo quả đã tròn, có thể báo thù cho cha được, ông mới đến cầu Yên Quyết thử lấy cái gậy ném xuống sông, cái gậy trôi ngược dòng sông đến cầu Hồi Dương thì thôi. Đạo Hạnh mừng là phép thuật đã hơn Đại Diện nên đã tìm gặp Đại Diên. Mới trông thấy Đạo Hạnh, Đại Diên vội bảo: "Ngươi không nhớ việc ngày xưa ư ?" Đạo Hạnh nhìn lên trên không, không thấy có gì lạ, tức thì đánh sư Đại Diên, rồi Đại Diên phát bệnh chết.

          Khi ấy vua Lý Nhân Tôn chưa có con trai, năm Hội Trường Đại Khánh thứ 3 (1112) có người phủ Thanh Hoá tâu rằng: Ở làng Tân Sa có đứa trẻ lên 3 tuổi tên là Giác Hoàng (do Đại Diên thác sinh). Nhà vua làm sự gì đứa trẻ đó đều biết. Vua sai sứ đến xem quả đúng, liền đón về kinh và cho ở chùa Bảo Thiên. Vua yêu là người thông minh muốn lập làm Thái tử nhưng quần thần can ngăn: "Người ấy thật sự linh dị nhưng phải thác sinh trong cung cấm mới được". Vua lập đàn cúng để làm phép đầu thai, nhưng mới được 3 ngày thì Giác Hoàng bị bệnh nói rằng: "Không có đường thác sinh". Vua ngờ là do Đạo Hạnh làm phù chú liền cho bắt giam tại Hưng Thánh Lâu. Chợt có ông Sùng Hiền Hầu đi qua, Đạo Hạnh kêu xin ông cứu cho, ngày sau sẽ đầu thai báo ơn. Sùng Hiền Hầu vào tâu vua rằng: Nếu Giác Hoàng quả là có pháp thuật, thì dẫu có phù chú cũng chẳng hại gì. Nay đã như thế thì ông Đạo Hạnh còn hơn Giác Hoàng nhiều, chỉ bằng cho ông Đạo Hạnh thác sinh. Vua cho là phải và tha cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh đến nhà Sùng Hiền Hầu bái tạ, thấy vợ Sùng Hiền Hầu đang tắm, ông liền nhìn vào bà, bà giận lắm nhưng ông Sùng Hiền Hầu thì hiểu ý không trách mắng gì. Đạo Hạnh bảo với ông Sùng Hiền Hầu rằng: Khi nào phu nhân lâm sản, thì nên báo trước". Đến ba năm sau vợ Sùng Hiền Hầu có thai, đến kỳ thì khó sinh, Sùng Hiền Hầu nhớ lời dặn trước, sai người đến bảo. Đạo  Hạnh tắm  gội thay áo, bảo môn đồ rằng: "Ta nhân duyên chưa hết, lại phải đi thác sinh, tạm làm vua 23 năm".

          Dứt lời, Đạo Hạnh vào trong hang thoát xác (mất). Năm ấy là năm Bính Thân niên hiệu Hội trường Đại Khánh thứ 7 (1116). Bà Sùng Hiền Hầu sinh một con trai đặt tên là Dương Hoán. Vua Nhân Tôn cho lập làm Thái tử sau nối ngôi tức vua Lý Thần Tôn.

          Qua khảo sát nghiên cứu di tích và các thư tịch liên quan cho phép xác định: Minh Không và Không Lộ là hai vị cao tăng thời Lý (1010 - 1225) có tên, họ, quê quán, năm sinh, năm hoá khác nhau không như một tài liệu đã công bố trước đây. Mặt khác đền, chùa Trông là cụm di tích lịch sử đặc biệt: Thờ bốn vị cao tăng thời Lý không chỉ có công phát triển phật giáo mà còn có tài chữa bệnh hiểm nghèo cho hai đời vua nên được triều đình phong tặng "Quốc sư", ban "Quốc tính" và được nhân dân suy tôn là "Thánh" như đôi câu đối (số 2) tại đền chính:

“Ấn ban phong tặng Quốc sư

Linh cấp thiêm gia Thánh tổ”

          Nghĩa là:

"Ấn vua ban phong tặng là Quốc sư

Linh thiêng được ban thêm là Thánh tổ”

          Hơn thế nữa, Không Lộ Thiền sư còn có quê mẹ tại xã Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay cụm di tích lịch sử đền, chùa Trông hiện còn thờ Minh Không Thiền sư tại đền; Còn 3 vị Cao tăng: Không lộ, Giác Hải và Đạo Hạnh không có tượng thờ tại chùa (?). Đây là một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ trong một dịp khác.

          * Như phần trên đã đề cập, di tích chùa Trông được xây dựng vào thời Lý (1010 - 1225). Đền được xây dựng ngay sau khi Minh Không Thiền sư qua đời (1141); Chùa được xây dựng vào khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 11 nhà Lý (thời vua Lý Nhân Tôn) do chính Không Lộ Thiền sư xây dựng trong dịp về quê thân mẫu.

          Cũng theo sự tích, chùa Trông không chỉ thờ Phật mà còn là nơi 3 vị cao tăng: Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh hành đạo. Do vậy, có thể xác định ngay từ thời Lý (1010 - 1225) di tích là một trong những trung tâm Phật giáo của Xứ Đông, thu hút đông đảo tăng ni và phật tử về hành lễ.

          Vào thời Hậu Lê (TK 17 - 18) di tích nhiều lần được tùng tu, tôn tạo. Khu di tích được xây dựng thêm nhà Mẫu và đền thờ Tuần Tranh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian. Ngoài ra còn có khu ao rối và xới vật võ dân tộc phục vụ lễ hội truyền thống (26/3) hàng năm. Quy hoạch mặt bằng kiểu "Nội công, ngoại quốc".

          Đến thời Nguyễn (TK19) chùa Trông đã được trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của di tích. Công trình gồm nhiều hạng mục khác nhau, từ ngoài vào trong có: Ao rối, tam quan, tắc môn, xới vật, đền Tuần Tranh, chùa, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Tăng và đền thờ Minh Không Thiền sư. Quy hoạch mặt bằng tổng thể theo lối cân đối, đăng đối, các lớp nhà nối nhau tạo thành một không gian ngoạn mục, hấp dẫn.

          Đầu năm 1947, thực hiện chủ trương: "Tiêu thổ kháng chiến" chống giặc Pháp của Đảng, Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hưng Long đã cho giải hạ di tích đền, chùa Trông. Theo đó các công trình của di tích đều bị tháo dỡ, đồ thờ tự thất tán... Riêng có tượng Minh Không Thiền sư được bảo quản chu đáo và cổng Tam quan bên trái còn giữ lại được.

          Sau ngày Hoà bình lập lại (1954) thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, chính quyền địa phương cho khôi phục từng bước các hạng mục của di tích, góp phần ổn định đời sống văn hoá cơ sở và giáo dục truyền thống yêu nước.

          II. Lễ hội truyền thống:

          Là một trong những trung tâm Phật giáo thời Lý - Trần (TKII - 14) của Xứ Đông gắn liền với tín ngưỡng thờ người có công với nước, lễ hội truyền thống đền, chùa Trông đã được hình thành từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Hậu Lê (TK17 - 18) và Nguyễn (TK19), có sức hấp dẫn du khách các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng...

          Lễ hội kéo dài từ 15 - 26/3 âm lịch với nhiều khoá lễ khác nhau, trong đó có 3 lễ tiết quan trọng là: Lễ rước nước (15/3); Lễ "Xuất đông nhập Tây" (20/3) và "Lễ tế Thánh về trời" (26/3). Lễ hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, có thể tóm tắt như sau:

          - Ngày 15/3: Lễ rước nước:

          Ngay từ sáng sớm, nam phụ lão ấu 2 xã Hán Lý và Hào Khê đã kéo nhau ra đền để làm lễ xuất hành rước nước sông Luộc về thờ cúng quanh năm. Nghi lễ tổ chức rất trọng thể, nhân dân tập trung rước kiệu long đình từ đền ra đê. Tiếp theo, ban tổ chức bố trí 2 chiếc thuyền rước, mỗi thuyền gần 20 người (trong đó có 1 thày cúng và 2 trương tuần). Những người tham gia rước nhất thiết phải chạy tịnh trước hàng tuần, đầu đội khăn đỏ, mặc áo lậu, lưng thắt bối hậu, chân đi giày. Riêng trương tuần, mỗi người còn cầm theo 1 đốc thước và 1 tù và làm hiệu lệnh giới nghiêm trong khi hành lễ. Phương tiện mang theo mỗi thuyền có 2 choé sứ, 2 thau đồng, 2 gáo đồng, 1 bộ bát bửu, 1 trống cái, 1 trống con, 1 cờ thần... Thuyền nước xuất bến đi ngược sông khoảng 500m rồi dừng lại giữa dòng lấy nước "Thanh thuỷ" vào chính Ngọ (12 giờ trưa) và trở về trong niềm vui của đông đảo nhân dân đứng trên bờ.

          Nước đưa về đền chùa được dùng vào việc bao sái tượng thờ và đồ tế tự, thay áo mới cho Thánh, áo cũ được xé thành nhiều mảnh nhỏ chia cho các giáp mang về nhà làm "khước" cả năm.

          - Ngày 20/3 : Lễ "Xuất Đông, nhập Tây":

          Đây là khoá lễ quan trọng nhất trong mùa Hội. Theo điển lệ: Ngay từ sáng sớm nhân dân 2 xã Hán Lý và Hào Khê, theo sự phân bổ của Ban tổ chức, mỗi người đảm nhiệm một việc. Đoàn rước gồm 3 kiệu đi theo đường "Nghênh thần" từ cổng phải qua địa phận xã Hào Khê, đến cổng Tam Viên (tục gọi là Mả Thầy) rồi trở về xã Hán Lý và vào cổng bên trái di tích. Cũng như rước nước, những người tham gia khiêng kiệu đều phải trang phục theo quy định và chay tịnh. Thông thường lễ rước kéo dài khoảng 2 giờ từ 9giờ 30 - 11giờ 30.

          Buổi chiều lễ Thánh tại sân Đền. Theo điển lệ: Đứng trước có 1 người chủ tế (mạnh bái), đứng sau có 4 phụ tế (bồi bái), hai bên đoàn tế có 2 người củ soát. Trong quá trình hành lễ nếu ai phạm lỗi, người củ soát có quyền cắm một thẻ vào cổ làm dấu (tuy nhiên người đó vẫn tham gia, không phải ra ngoài). Đứng bên ông mạnh bái có 2 ông Thông xướng và Hoa xướng (Thông xướng hô: "Hơ" thì Hoa xướng đáp "Bái"). Theo quy định lễ tế phải dâng 6 lễ gồm: Hương, đăng, hoa, quả, trà, oản. Thời gian tế thường từ 2 - 3 giờ. đến cuối giờ Tế mới đọc chúc văn. Người đọc chúc văn phải là người có chức sắc trong làng xã.

          - Ngày 26/3: Lễ tế Thánh về trời:

          Đây là một trong ba lễ trọng của mùa Hội đền, chùa Trông nên được tổ chức rất trang nghiêm. Nam phụ, lão, ấu 2 xã Hán Lý và Hào Khê tập trung xung quanh sân đền để hưởng ứng lễ tế Thánh về trời. Nghi lễ tế cơ bản như lễ tế ngày 20/3. Song lễ tế phải được kết thúc trước giờ Ngọ vì tương truyền rằng vào giờ Chính ngọ (12 giờ trưa) là "Giờ thiêng" Thánh sẽ về trời.

          Ngoài 3 lễ chính của mùa Hội đền, chùa Trông nêu trên, xen kẽ các ngày lễ, nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều trò diễn dân gian như: Rối nước, vật võ, hát chèo, múa hoa đăng, tổ tôm điếm... Những năm gần đây du nhập thêm: Đu quay, cầu kiều, kéo co, bóng đá v.v... làm cho lễ hội truyền thống đền, chùa Trông càng thêm phong phú về hình thức và càng sâu sắc về nội dung, tạo thành nét đẹp văn hoá của đất và người Xứ Đông xưa và Hải Dương nay.

          III. Kiến trúc

          Di tích chùa Trông được xây dựng theo hướng Tây Nam. Phía trước là khu ao rối, chợ thôn Hưng Long và đê sông Luộc - Công trình thuỷ lợi được xây dựng từ khá sớm, và được nâng cao trong thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước. Bên tả liền sát với khu dân cư đông đúc chạy dọc theo chân đê. Bên hữu di tích là khu vực trung tâm bao gồm trụ sở UBND xã, Nghĩa trang liệt sĩ xã Hưng Long và đường liên thôn Hào Khê và Hán Lý. Cuối cùng phía sau là vườn cây, cánh đồng và đường đi bến phà Hiệp - công trình giao thông nối liền Hải Dương - Thái Bình được xây dựng trong những năm gần đây đã tạo ra xu thế mới cho sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội xã Hưng Long và vùng phụ cận.

          Trong khoảng không gian được xác định gần 8.000m2. đền chùa Trông được xây dựng theo quy hoạch "Nội công, ngoại quốc", gồm nhiều hạng mục công trình với các lớp mái khác nhau. Các công trình được xây dựng theo nguyên tắc đăng đối, cân đối truyền thống.

          Từ ngoài nhìn vào, khu vực ao rối rộng 819m2 đã được xây kè xung quanh. Trong những ngày Hội làng, các đoàn nghệ thuật rối nước về đây biểu diễn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng vui chơi, giải trí. Tiếp đến là Tam quan - một công trình kiến trúc độc đáo và quy mô lớn nhất tỉnh Hải Dương. Tam quan cao 19m, dài 27,5m, rộng 3,5m. Công trình được cấu tạo gồm 2 cổng lớn: Cổng Đông và Cổng Tây, nối giữa 2 cổng là một tắc môn hoành tráng hiếm thấy. Kết cấu cổng Tam quan gồn 4 tầng "Chồng diêm, cổ các", tầng một có 3 cửa vòm cuốn, tầng 2 có 5 cửa vòm cuốn, tầng 3 có 3 ô trang trí gắn đại tự: "Bắc địa đồng" (Kho đồng đất Bắc), tầng bốn có 3 ỗ trang trí hoạ tiêu "Tứ linh" quen thuộc (long ly quy phượng đã cách điệu), trên nóc được đắp nổi hình tượng "Lưỡng long chầu nguyệt" (Do mái thu nhỏ nên các nghệ nhân đã sử dụng rồng kìm). Xen giữa kết chính, các nghệ nhân xưa còn khéo léo bố trí thêm 8 trụ lồng, đèn xung quanh tầng 2 và 4 con nghê chầu tại tầng 3 để tạo hiện sự thiêng liêng của công trình. Hai cổng tam quan được tạo dáng kiến trúc nghệ thuật tương nhau, chỉ khác là cổng Đông (bên phải từ ngoài vào) được gắn đại tự "Nam Thiên động" (Động của trời Nam) mang ý nghĩa tự hào về đền chùa Trông của nước Nam đẹp và quý hiếm không kém gì kho đồng đất Bắc (TQ). Về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng xưa Minh Lộ Thiền sư đã dùng phép lấy hết kho đồng của nhà Tống để về làm giàu cho nước nhà (?). Cuối cùng là một Tắc môn lớn nối liền Cổng Đông và Cổng Tây được trang trí đề án "Long cuốn thuỷ" ở chính giữa, đối xứng hai bên là hoạ tiết chữ "Thọ" cách điệu trong bố cục hình tròn, điêu khắc thủng. Trên đỉnh Tắc môn được đắp nổi "Lưỡng long chầu nguyệt" cân đối, đẹp mắt.

          Với một quy mô hoành tráng và điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân dân gian Hưng Long xưa, tam quan đền, chùa Trông xứng đáng là một công trình kiến trúc nghệ thuật điển hình trên đất Xứ Đông xưa và Hải Dương ngày nay. Về thăm đền, chùa Trông hẳn không mấy ai không có ấn tượng sâu sắc với Tam quan.

          Liền sau Tam quan là một khoảng sân rộng, xưa tại đây có một xới vật võ dân tộc, trong kháng chiến đã bị xuống cấp, nay chỉ còn một phần dấu vết khuôn viên. Hai góc sân có 2 cây đề lớn được trồng lại vào năm 1961 (cây trước do bão đổ ?) nay đã giao cành, quanh năm toả bóng xanh mát. Việc chọn trồng cây đề của người xưa gắn với sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi xuất gia đi tu đã từng ngồi dưới gốc cây đề 49 ngày đêm để suy ngẫm về nhân tình thế thái xã hội Ấn Độ cổ đại. Do vậy từ lâu cây đề được xem là biểu tượng của Phật giáo.

          Ẩn hiện dưới tán lá đề là chùa Trông (Hưng Long tự). Công trình được khôi phục năm 1984 có phần khiêm tốn so với mặt bằng chùa xưa. Kiến trúc kiểu chữ "Đinh" ( J ) gồm 5 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện xây bít đốc, bổ trụ. Kết cấu khung vì kiểu "Giá chiêng" truyền thống, riêng Thượng điện làm theo kiểu "Kèo cầu, cánh ác" kết cấu mái nhà kiểu "Thượng tam, hạ tứ". Không có chạm khắc gì đặc biệt.

          Bài trí đồ thờ tự trong chùa tuy mới khôi phục song khá phong phú, gồm 7 lớp tượng từ ngoài vào trong theo bố cục cao dần đều. Hai hồi Tiền đường được bầy bộ tượng Thập điện Diêm Vương, tiếp đến 4 pho tượng thường gặp là: Đức Thánh Hiền, Thần Khuyến Thiện, Thần Trừng Ác và Đức Ông (Cấp Cô Độc). Hàng thứ 2 gồm 3 pho tượng: ANan tôn giả, Thích Ca sơ sinh và Ca Diếp tôn giả. Hàng thứ 4 gồm 3 pho tượng: Kim Đồng, Ngọc Hoàng và Ngọc Nữ (không rõ vì sao thiếu tượng. Nam Tào và Bắc Đẩu? ). Hàng thứ 5 gồm có 3 pho; Văn Thù, Quan Âm chuẩn đề (24 tay) và Phổ Hiền. Hàng thứ 6 gồm: A Nan, Thích Ca niệm hoa và Ca Diếp (có lẽ do dồn tượng từ chùa khác về). Hàng thứ 7 gồm: 1 pho A Di Đà. Cuối cùng là bộ tượng Tam Thế. Các lượng thờ đều có chất liệu gỗ, niên đại Nguyễn muộn (TK20), giá trị nghệ thuật tạo hình khá cao.

          Đối xứng hai bên chùa là hệ thống cổng đền Trông (Hưng Long điện). Ở đây cổng cũng được xây khá đồ sộ, cao 10m, rộng 2,0m, dài 4,5m. Hai cổng đền được bố cục song song với Cổng Đông và cổng Tây của Tam quan chùa theo trục thẳng, đồng thời có cùng một kiểu dáng kiến trúc. Kết cấu công trình gồm 3 tầng kiểu "Chồng diêm, cổ các", tầng 1 có 1 cửa vòm lớn, tầng hai có 1 cửa vòm nhỏ, tầng 3 trang trí điêu khắc "Tứ quý" cách điệu. Theo ý kiến của Ban quản lý di tích cho biết: Cổng trái do thợ Hồng Phúc (Ninh Giang) thực hiện, cổng phải do thợ Thái Bình thực hiện. Điểm khác biệt là hoạ tiết trang trí, thợ Thái Bình đắp thêm "Long cuốn thuỷ", thợ Hồng Phúc đắp thêm "phượng chầu". Nhờ đó, công trình có dấu ấn lịch sử riêng. Hệ thống cổng đền không chỉ là mốc giới không gian giữa "Tiền Phật" và "Hậu Thần" mà với cấu trúc đồng bộ còn tạo nên vẻ đẹp hoành tráng của cụm di tích đền, chùa Trông.

          Vượt qua cổng đền là một khoảng sân gạch rộng rãi, trong những ngày lễ hội truyền thống, sân đền là nơi diễn ra hoạt động tế thánh trọng thể của nhân dân địa phương tưởng niệm Minh Không Thiền sư. Tiếp theo là nhà Tiền tế gồm: 5 gian gỗ xây bít đốc bổ trụ, kết cấu khung vì kiểu kèo cầu được khôi phục năm 1989. Trang trí điêu khắc nghệ thuật tập trung thể hiện tại bờ nóc với bức cuốn thư "Hưng Long điện" có đôi phượng múa chầu; hai đầu kìm gắn lạc long, phía trước có hai trụ lồng đèn được tạo dáng cân đối, đẹp mắt.

          Bài trí thờ tự nội thất Tiền tế gồm có 01 nhang án đặt tại gian giữa, đối xứng hai bên có 01 bộ bát bửu và 01 đội câu đối gỗ là:

          - "Chí dũng tráng sơn hà thế giới anh hùng duy hữu nhất.

          Minh tinh quang vũ trụ Á Âu hào kiệt thị vô song".

Nghĩa là:

          - Chí dũng mạnh mẽ với non sông, thế giới anh hùng duy có một

          Sao chiếu sáng ngời vũ trụ, Á Âu hào kiệt thật không hai.

          Đặc biệt ngoài trụ lồng đèn còn lưu lại đôi câu đối cổ gắn với nguồn gốc gia thế của Không Lộ Thiền sư.

          - "Thân phụ Nguyễn tính Giao Thuỷ quán

          Từ Mẫu Dương Thị Hán Triều sinh".

          Nghĩa là:

          - Thân phụ (cha) họ Nguyễn, quê quán Giao Thuỷ

          Thân Mẫu (mẹ) họ Dương sinh tại Hán Triều.

          Giữa tiền tế và Trung từ cách nhau một khoảng sân lọng nhỏ, đủ để lấy ánh sáng tự nhiên vào gian thờ tự chính. Trung từ là công trình được khôi phục vào năm 2000 trên nền cũ. Kết cấu khung vì 5 gian kiểu "Giá chiêng", lòng mái mở "Thượng tứ, hạ ngũ", xây bít đốc, bổ trụ, hồi văn. Trang trí điêu khắc nghệ thuật được thể hiện khá phong phú cả trong và ngoài với các đề án truyền thống: "Tứ linh" (long, ly, quy, phượng) và "Tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai) trên các bức cốn, đầu bẩy v.v... Trên bờ nóc được đắp nổi hình tượng "Lưỡng long chầu nguyệt" khá to và đẹp mắt. Mặt ngoài dầu hồi còn đắp thêm hình tượng "Hổ phù" - Hiện tượng văn hoá cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra còn đắp nổi đôi nghê chầu trên đỉnh cột lồng đèn từ trước nhà Trung từ càng tạo nên sự tôn nghiêm trang trọng nơi thờ tự.

          Bài trí thờ tự tại đây khá phong phú với hệ thống đồ tế tự dày đặc như: Cuốn thư, câu đối, đại tự, bát bửu, nhang án v.v... trong đó đáng chú ý có những nội dung ca ngợi công lao và tài pháp thuật của Minh Không Thiền sư trong sự phát triển Phật giáo như:

"Thượng Thánh Quốc sư"

(Bậc Thánh lớn được phong là Quốc sư)

"Ân chiếm cửu trùng”

(Ân đức lớn lao thấu tới cửu trùng)

"Bích thuỷ thiên trùng

(Nước biếc ngàn trùng)

          Nối liền Trung từ và Hậu cung - công trình thờ tự chính 3 gian được khôi phục năm 1978. Kết cấu kiến trúc theo kiểu: "Giá chiêng xen chồng rường", không có chạm khắc nghệ thuật gì đặc biệt ngoài bài trí thờ tự: Chính giữa là khám thờ Minh không Thiền sư - khám mui luyện đặt tượng đồng. Hai bên tả hữu được đặt khám thờ và tượng Thân Phụ, Thân Mẫu của Thánh Tổ. Bên ngoài được bài trí 6 pho tượng quan văn quan võ và phỗng theo tín ngưỡng dân gian xưa của nhân dân địa phương không ngoài việc tôn vinh Minh Không Thiền sư - người có công lao lớn với đất nước và Phật giáo./.

        

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NINH GIANG

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Giang
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Thành Vạn - HUV - PCT UBND huyện
Cơ quan Thường trực: Văn phòng HĐND&UBND huyện
Đơn vị thực hiện: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang

Địa chỉ: Đường Lê Thanh Nghị - Khu 3 Thị trấn Ninh Giang - Huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 767 352 Email: ubnd.ninhgiang@haiduong.gov.vn
 

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0