DI TÍCH CHÙA ĐÀ HƯNG, XÃ HỒNG ĐỨC
HUYỆN NINH GIANG, TỈNH HẢI DƯƠNG
Hồng Đức là một xã nằm ở phía Tây Bắc của huyện Ninh
Giang, cách trung tâm huyện khoảng 14 km, có
diện tích tự nhiên là 593,26 ha; dân số gồm 7.400 nhân khẩu với 2.405 hộ. Riêng thôn Kim Húc có dân số 1892. người, 649 hộ. Có vị trí địa lý khá thuận
lợi, có đường tỉnh lộ 392, đường trục Bắc Nam liên kết huyết mạch giao thông
giữa các huyện phía Nam của tinh Hải Dương và khu vực các tỉnh đồng bằng sông
Hồng. Cùng với các tuyến đường liên xã, liên thôn được bê thông hóa. Tạo điều
kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa trong
khu vực góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Về cội nguồn mảnh đất và con người
Hồng Đức.
Từ xa xưa vùng đất Hồng Đức còn là một bãi bồi hoang
sơ do phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp theo tương truyền vào thế kỷ thứ XIII, có một số
người họ Trần, họ Nguyễn, họ Đoàn từ vùng núi phía bắc về sinh cơ lập nghiệp,
sau đó các dòng họ Phạm, Phan, Lê, Đỗ cùng về đây làm ăn sinh sống.
Trải qua quá trình biến động và thăng trầm của lịch
sử, các thôn và xã Hồng Đức đã nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành
chính, thôn Tế Cầu trước đây gọi là Cầu Chay có 3 xóm là : xóm Đình, xóm Chùa,
xóm Láng; Thôn Đồng Lạc trước đây có tên gọi là : trang Cúc Ních, trang Đồng
Lịch, làng Xịch. Có 4 xóm là xóm Tây, xóm Đông, xóm Đình, xóm Năng; Thôn Kim
Húc Trước đây gọi trại đồng Tái làng Dương Húc, làng Xóc có 4 xóm là xóm Đình,
xóm Hàng, xóm Đá, xóm Xịch; Thôn Mai Động trước đây gọi là làng Mè , có 4 xóm
là xóm xung, xóm Gia, xóm Chùa, xóm Lếch.
Xã Hồng Đức trước cách mạng tháng 8 năm 1945 là 4
làng, là 4 đơn vị hành chính độc lập , Xã Tế Cầu, xã Đồng Lạc, xã Mai Động
thuộc tổng phùng xá huyện Ninh Giang, xã Kim Húc thuộc tổng hậu bổng huyện Gia Lộc,
huyện Ninh Giang và Gia Lộc thuộc phủ Ninh Giang. Sau cách mạng tháng 8 năm
1945, Uỷ ban hàng chính tỉnh Hải Dương bỏ cấp tổng phủ hợp nhất một số xã thành
xã mới xã Tế Cầu, xã Đồng Lạc, xã Mai Động lấy tên là Hồng Lạc thuộc huyện Ninh
Giang sau khi thành lập xã mới các xã cũ gọi là thôn, xã Kim Húc vẫn giữ nguyên
là một xã thuộc huyện Gia Lộc. Đên tháng 8 năm 1948, xã Hồng Đức sát nhập thành
4 thôn gồm: Kim Húc, Đồng Lạc, Tế Cầu và
Mai Động cho đến ngày nay.
*
Về lịch sử chùa Đà Hưng
Trải qua thăng trầm của thời gian, có nhiều công trình
di tích trên địa bàn thôn đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích. Nhưng Chùa Đà
Hưng là một công trình lịch sử văn hóa, mang trên mình những dấu vết của thời
gian vẫn còn hiện hữu đến ngày nay. Căn cứ vào quy mô, kiến trúc và hệ thống
bia ký, câu đối, đại tự lưu giữ tại di tích, chùa Đà Hưng được khởi dựng từ khá
sớm, có quy mô rộng lớn được trùng tu vào thời Lê và thời Nguyễn. Công trình
hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm Canh
Tý (1900).
Chùa Đà
Hưng tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng, xây bít đốc nối liền nhau
tạo thành không gian thờ tự khép kín, mặt tiền quay về hướng Tây Nam. Với nhiều
hạng mục công trình khác như nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà khách và công trình phụ trợ.
Phía trước, bên trái là ngôi đình làng to, lớn
là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong thôn. Song do sự biến
thiên của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh nên nhiều hạng mục
của di tích đã bị hạ giải và diện tích đất cũng bị thu hẹp lại.
Hiện nay, di tích gồm có các công trình: Tam quan,
Chùa chính, nhà Mẫu và các công trình phụ trợ. Chùa chính có kiến trúc kiểu chữ
Đinh, gồm 3 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện.
Tòa Tiền đường có chiều dài 8,7m; rộng
7,2m; xây theo kiểu bít đốc bổ trụ, móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói
mũi truyền thống, bờ nóc để trơn, hai đầu bờ nóc đắp đấu trụ vuông. Hệ thống
cửa được làm theo kiểu bức bàn, gồm có 3 lối vừa đi, cửa chính và 2 cửa phụ ở 2
gian bên. Kết cấu bộ khung chịu lực được làm bằng chất liệu gỗ bao gồm các cột
cái, cột quân, cột hiên và các xà, hoành, dui, mè..... tạo thành một bộ khung
chịu lực chắc khỏe. Các cột của tòa Tiền đường được đặt lên các chân tảng đá
hình tròn tạo thêm sự vững chắc cho tòa nhà, tránh bị lún nền và bảo vệ các cột
gỗ không tiếp xúc với mặt đất để phòng ngừa mối mọt và ẩm thấp, tránh sự xâm
hại của thiên nhiên để bảo vệ tốt cho kết cấu chịu lực của di tích.
Các bộ vì chia gian được tạo kiểu “chồng
rường, giá chiêng”, các con rường được đặt trên các đấu vuông thót đáy.
Trên các thân con rường được trang trí đề tài lá lật, phần gối lên đấu khắc
chìm chữ “Thọ” cách điệu. Các đầu dư chạm nổi hình tượng rồng, phần đuôi
kéo dài sang vì nách đỡ hoành - biểu trưng cho ước vọng mưa thuận, gió hòa của
nhân dân. Hệ thống bẩy hiên được đua rộng, để đỡ mái hiên. Hai mặt bên của bẩy
chạm khắc đề tài “tủng, cúa, trúc, mai” và hình tượng “ chim muông” đan xen,
hòa vào nhau tạo cảnh sinh hoạt rất đời thường nhưng vô cùng sống động, tinh
tế.
Tòa Thượng điện là không gian chiếm vị
trí quan trọng, kép kín, tạo nên một không gian linh thiêng, là nơi bài trí
nhiều tượng Phật và các đồ tế tự. Thượng điện có chiều dài 5,9m; rộng 4,8m gồm
3 vì kèo. Vì thứ nhất và thứ hai cùng có kiến trúc kiểu giá chiêng. Vì kèo thứ ba được thay thế bằng 1 thanh kẻ chuyền nối từ hai
đầu cột quân đến thượng lương. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi.
Chùa
Đà Hưng là nơi thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến ở
miền Bắc Việt Nam. Với giáo lý của đức Phật bao hàm nguyên tắc: đạo đức tuyệt
hảo, toàn thiện vô song và vị tha vô hạn. Đó là khuyên răn con người làm việc
thiện, tránh xa điều ác, giúp đỡ để cùng nhau đến được bến bờ giác ngộ. Giáo lý
của Đạo Phật đã được người Việt Nam tiếp biến một cách có chọn lọc, để thỏa mãn
và đáp ứng nhu cầu cuộc sống, tích thiết thực, gần gũi với sinh hoạt thường
ngày của cư dân nông nghiệp, với tấm lòng từ bi, hỷ xả, cứu độ chúng sinh. Nơi
đây là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của nhân dân thôn Kim Húc nói riêng và nhân
dân xã Hồng Đức nói chung. Bên cạnh đó di tích còn là nơi giáo dục truyền thống
lịch sử, văn hóa cho các thể hệ trẻ đương thời và những thế hệ mai sau nhằm
hướng con người phát triển toàn diện cả về chân - thiện - mỹ.
Trong những năm kháng chiến, chùa Đà
Hưng đã diễn ra một số sự kiện lịch sử quan trọng. Đó là tháng 3 năm 1940 di
tích là địa điểm tổ chức thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Kim Húc, hội
nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Đức Khoản làm Bí thư. Trong những năm 1946 - 1947,
di tích là nơi tổ chức lớp “Bình dân học vụ” cho bà con nhân
dân trong thôn. Trong những năm 1948 - 1949 là nơi bộ đội Quang Trung của huyện
họp bàn tại căn hầm bí mật của di tích và là nơi cứu chữa thương binh sau những
trận đánh của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hiện nay di tích còn lưu giữ được
khá nhiều tượng và bố trí thành 6 lớp tượng chính, thờ tại tòa Thượng điện như
sau.
Lớp thứ nhất gồm ba pho tượng Tam thế
tượng trưng cho 3 thì: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai ở tư thế tọa thiền trên
đài sen.
Lớp tượng thứ hai gồm pho tượng A Di
Đà ngồi trên đài sen, thân hình cân đối, sống mũi cao, mắt nhắm, tai dài. Hai
bên là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát.
Lớp
tượng thứ ba có tượng Phật Thích ca Mầu ni hay còn gọi là Thích ca Giáo chủ ở
giữa, hai bên là tượng Ca Diếp và A Nan Đà, bên cạch tượng a Nan Đà là tượng
Quan âm tống tử.
Lớp tượng thứ tư gồm tượng Quan Âm
Thiên Thủ Thiên Nhãn, bên trái là tượng Văn Thù, bên phải là tượng Phổ Hiền.
Lớp tượng thứ năm gồm tượng Ngọc
Hoàng, Nam Tào và Bắc Đẩu.
Lớp tượng thứ sáu là Tòa Cửu Long được tạo hình nghệ
thuật thành nhiều lớp tượng thờ khá sinh động. Bên trái có tượng Di Lặc, bên
phải là tượng Tuyết sơn.
Ngoài ra, tại tòa Tiền đường còn có
tượng Đức Thánh Trần, Đức Thánh Hiền, tượng Địa tạng. Tại nhà mẫu có hệ thống
các tượng Mẫu, tượng Tổ và các bức đại tự, đôi câu đối ca ngợi đạo pháp và đức
Phật làm tăng thêm sự tôn nghiêm, trang trọng. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật
có giá trị, trong đó bức đại tự “Từ bi quảng đại” do toàn Hội Tín Bằng đồng
lòng cung kính tiến dâng năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái (1900), chuông đồng
được đúc năm Đinh Mùi, niên hiệu Duy Tân (1907), bát hương đá niên hiệu Kỷ Mùi
(1919). v.v...
Cũng như các ngôi chùa ở đồng bằng
châu thổ sông Hồng, ngoài những ngày tuần tiết, chùa Đà Hưng có đầy đủ các lễ
tết trong năm:
- Ngày 15 tháng Giêng: Lễ thượng
nguyên.
- Ngày mùng 3 tháng 3: giỗ Mẫu. Vào
ngày này, chùa mở hội lớn và có tổ chức tế lễ.
- Ngày mùng 8 tháng 4: Lễ Phật đản.
- Ngày 15 tháng 7: Lễ Vu lan báo hiếu.
Hiện nay, chùa Đà Hưng vẫn tổ chức và
duy trì các tục lễ thể hiện lòng thành kính. Đây là nét đẹp văn hoá tâm linh,
tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, đồng thời cũng là một hình thức xây
dựng đời sống văn hoá ở cơ sở của nhân dân địa phương.
Di
tích chùa Đà Hưng được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp
Tỉnh năm 2014./.