Hiện nay, các trà lúa mùa trên địa bàn huyện đang trong
giai đoạn cuối đẻ nhánh đến kết thúc đẻ nhánh, một số diện tích đang
phân hóa đòng. Do ảnh hưởng của thời tiết có nắng, mưa xen kẽ đã tạo
điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại.
Nếu không được phòng trừ kịp thời, bệnh tiếp tục phát triển nhanh và sẽ
ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa. Qua
kiểm tra của cơ quan chuyên môn, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn phát sinh
gây hại tập trung ở 3 xã Vĩnh Hòa, Hiệp Lực, Hồng Dụ...Diện tích nhiễm
toàn huyện là 1,5 ha, chủ yếu trên các giống như: lúa lai, BC-15,
TBR225, VNR20, Bắc thơm số 7... đặc biệt trên diện tích lúa bón phân mất
cân đối, bón lai dai, thừa đạm. Tỷ lệ nhiễm trung bình 7-10 % số lá,
nơi cao trên 30 % số lá, với cấp bệnh phổ biến C3- C5, nơi cao C7. Ngoài
ra bệnh khô vằn đã phát sinh gây hại rải rác trên diện tích lúa chân
trũng cấy dầy, bón phân không cân đối, thừa đạm. Để bảo vệ sản xuất, cơ
quan chuyên môn huyện đã chỉ đạo các Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, cán
bộ Nông nghiệp, Khuyến nông viên cơ sở tăng cường bám sát đồng ruộng
điều tra, dự tính, dự báo và tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ
sâu bệnh bằng các loại thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng. Sau những
trận mưa giông nông dân cần phun phòng bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi
khuẩn, những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh phải phun nhắc lại sau 3-5
ngày bằng một trong các loại thuốc sau: ToTan 200WP, Starner 20WP,
Maplotus 125WP, Ychatot 900SP, Banking 110WP, Avikuan 102SP... Phun
thuốc khi lá lúa đã khô để hạn chế lan truyền dịch vi khuẩn ra diện rộng
(khi lúa đã bị bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn tuyệt đối không
được bón thêm phân đạm và phun phân bón qua lá, kích thích sinh
trưởng…). Đối với bệnh khô vằn: Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện bằng
một trong các loại thuốc nội hấp và lưu dẫn sau: Anvil 5SC, Amylatop
325SC, Amistartop 325SC (pha 15 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1 sào),
Topvil 50SC, Doctor 5ME, ...( pha 40 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1
sào)../.