DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA XÃ HƯNG LONG HUYỆN NINH GIANG - TỈNH HẢI DƯƠNG
11/07/2023 10:35:36

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA XÃ HƯNG LONG

HUYỆN NINH GIANG - TỈNH HẢI DƯƠNG

----o0o----

 

I. DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA CHÙA TRÔNG

                    

          Di tích chùa Trông (còn có tên nôm đền, chùa Tông hay Hưng Long điện, Hưng Long tự) là cụm di tích lịch sử và danh thắng được xây dựng tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Đền Trông là nơi thờ Minh Không Thiền sư Nguyễn Chí Thành - cao tăng thời Lý (1010 - 1225). Chùa Trông là nơi thờ Phật và 3 vị Thiền sư là Dương Không Lộ, Đạt Man, Đạo Hạnh cũng là những cao tăng thời Lý. Dương Không Lộ có quê mẹ tại xã Hán Triều, phủ Ninh Giang.

          Do có công lớn với đất nước nên các vị cao tăng đều được phong là Quốc sư. Riêng Minh Không Thiền sư được nhân dân suy tôn là "Thánh" và được lập đền thờ. Quy hoạch mặt bằng di tích theo kiểu : "Tiền Phật, hậu Thần”.

          Tục truyền, Thiền sư Dương Không Lộ kết bạn với hai Thiền sư Đạt Man và Đạo Hạnh. Vào cuối đời Thiền sư về quê mẹ và dựng chùa tại đây. Sau khi qua đời, dân xã đã tô ba pho tượng để thờ. Do kính trọng và thương nhớ các Thiền sư, nhân dân địa phương thường ra chùa ngóng trông nên thường gọi là "Chùa Trông".

          Trong quá trình lịch sử, do biến âm trong cách gọi, đền, chùa Trông còn được gọi là: "Đền, chùa Tông". Song trong thực tế hàng ngày nhân dân địa phương gọi tắt là "Chùa Trông".

          Khảo cứu dân tộc học tại địa phương cho thấy: Số người đến với di tích phần lớn là các cụ già, các cụ ông thường quan tâm tới đình, đền; Nên đã vô tình bỏ qua lên gọi: “Đền Trông” là nơi thờ chính Thiền sư Nguyễn Minh Không.

          Chùa Trông được xây dựng tại khu vực giáp ranh giữa hai thôn Hán Lý và Hào Khê của xã Hưng Long, huyệ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Khảo sát địa lý lịch sử khu vực cho thấy: Đây là vùng đất được hình thành khá sớm trong lịch sử do sự bồi đắp phù sa của sông Luộc (nối liền sông Thái Bình và sông Hồng). Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhân dân địa phương còn phát

Ngược dòng lịch sử, trước CM Tháng 8/1945, Hán Lý và Hào Khê là hai xã thuộc tổng Văn Hội, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Từ thời Trần trở về trước gọi là Đồng Lợi. Thời thuộc Minh (1408 - 1428) do châu Hạ Hồng lãnh, lệ vào phủ Tân An. Đầu thời Lê đổi thành huyện Đồng Lại. Đời Lê Quang Thuận (1466) đổi thành Vĩnh Lại lệ vào phủ Hạ Hồng. Năm Gia Long thứ 10 (1811) đổi do phủ Ninh Giang kiêm lý. Huyện Vĩnh Lại có 11 tổng, 107 xã, thôn, trang.

          Sau Cách Mạng tháng 8/1945, thực hiện sự chỉ đạo điều chỉnh địa giới và tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, 2 xã Hán Lý và Hào Khê sát nhập thành một xã mới, lấy theo tên chùa là xã Hưng Long. Xã Hưng Long mới thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Vào khoảng những năm 1949 - 1950, do có biến động thuỷ văn nên sông Luộc chuyển dòng từ phía xã Hưng Long (Ninh Giang - Hải Dương) sang địa phận xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Côi - Thái Bình), đồng thời hình thành bãi phù sa lớn trước chùa Trông (Nay là Trại Vàng do xã Quỳnh Hoàng quản lý).

          Năm 1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sát nhập thành tỉnh Hải Hưng. Từ đây xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Hưng.

          Năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 70/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới 13 huyện của tỉnh thành 7 huyện mới. Trong đó hợp nhất huyện Ninh Giang và huyện Thanh Miện thành một huyện mới lấy tên là huyện Ninh Thanh, huyện lỵ đặt tại huyện Thanh Miện cũ. Theo đó xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Thanh, tỉnh Hải Dương.

          Sau ngày tái lập tỉnh, huyện (1997), xã Hưng Long thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Thực hiện Nghị quyết số 788/NQ - UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc "sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương". Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hưng Thái vào xã Hưng Long.

          Căn cứ vào bản đồ địa chính hiện hành, xã Hưng Long có vị trí địa lý như sau: Phía đông giáp xã Hồng Phúc và xã Tân Phong; Phía tây giáp xã Văn Hội (Ninh Giang) và xã Quỳnh Hoàng, tỉnh Thái Bình; Phía nam giáp sông Luộc; Phía bắc giáp xã Tân Quang.

          Hiện nay, xã Hưng Long gồm 5 thôn: Hào Khê, Hán Lý, Trại Hào, An Lý và Văn Diệm, diện tích 851,22 ha, dân số 10.269 người với 2.844 hộ, riêng thôn Hào Khê có diện tích 170,29 ha, dân số 1.458 người với 590 hộ (tính đến ngày 31/8/2022). Xã Hưng Long thuộc vùng chiêm trũng, nằm ở phía tây nam huyện Ninh Giang. Nguồn sống chính của nhân dân là sản xuất nông nghiệp.

          Trải qua quá trình lịch sử đến nay xã Hưng Long còn bảo lưu được 17 di tích các loại như: chùa Trông, đống Tam Viên, đình Hào Khê, đình Hán Lý, miếu Trại Hào, chùa Trông, Đình - Đền Văn Diệm, Đình - Đền An Lý,... Trong đó đền, chùa Trông là di tích lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia sinh hoạt tín ngưỡng.

          Qua nghiên cứu khảo sát di tích và các tài liệu, thư tịch liên quan, nội dung thờ tự di tích chùa Trông được xác định là:

          1 - Nhân vật được thời

          1.1 - Đền Trông:

          Di tích thờ Minh Không thiền sư Nguyễn Chí Thành - một cao tăng thời Lý (1010 - 1225). Sự tích về ông có nhiều dị bản song có thể tóm tắt được là:

          Minh Không thiền sư họ Nguyễn, huý là Chí Thành quê làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, sinh năm Bính Ngọ niên hiệu Long Chương Thiên tự đời vua Lý Thánh Tôn (1066) năm ấy Dương Không Lộ 51 tuổi. Thiền sư tu tại chùa Quốc Thanh, lấy hiệu là Minh không, theo học Từ Đạo Hạnh hơn 40 năm, được thầy khen là người có chí và truyền tâm ấn cho. Khi Đạo Hạnh sắp làm phép "Thi giải" (hoá kiếp) đã dặn Minh Không rằng: "Đức Thế tôn ta đạo quả viên thành mà còn có bệnh dọt, huống chi đời nay là mạt thế yêu ma, giữ làm sao được, nay ta thác sinh làm vua quyết không tránh khỏi được bệnh nạn, ta có duyên với ngươi, ngươi nên cứu ta!"

          Sau khi Từ Đạo Hạnh "Hoá kiếp, đầu thai" rồi, Minh Không lại trở về chùa cũ tu hành.

          Đến năm thứ 4 niên hiệu Long Chương Bảo tự đời vua Lý Thần Tôn (1136) vua bị bệnh "hoá hổ", thầy thuốc chữa mãi mà không khỏi. Bệnh tình của nhà vua ngày càng trầm trọng, tinh thần phiền não, gào thét kinh người. Trong cung có hàng trăm thái y giỏi nhưng hết thảy đều bất lực. Bấy giờ có đám trẻ hát rằng:

"Tập tầm vông

Muốn chữa Lý Cửu trùng

Có ông Nguyễn Minh Không".

          Bà Thái hậu nghe câu hát ấy bèn sai sứ đi đón Minh Không về. Khi Thiền sư đến nơi, thấy vẻ ngoài quê mùa, các Thái y có ý xem thường. Minh Không liền lấy một cái đinh cắm vào cột điện và nói rằng: "Hễ ai nhổ được cái định ấy thì mới chữa khỏi bệnh cho vua". Minh Không nhắc đi nhắc lại tới 3 lần vẫn không ai dám đến, liền nhổ một cái được ngay, mọi người đều kính phục. Rồi Minh không xem bệnh cho vua và nói to rằng: "Làm ông vua giàu có bốn bể, làm sao lại có bệnh này". Vua sợ hãi lắm, rồi Minh Không gọi cho lấy một cái vạc to đổ nước vào đun sôi lên. Thiền sư khoáng tay vào ba bốn lần rồi tắm khắp mình cho vua. Bệnh vua liền khỏi.

          Ghi nhận công lao đó, vua phong tặng cho Minh không là "Lý triều Quốc sư", thưởng cho vài ngàn mẫu ruộng và được thu hoa lợi để sinh sống.

          Một lần, Minh Không sang Bắc Kinh, Minh Không vào trọ nhà một ông quan và nói rằng: "Cho phép được rải áo cà sa để lấy đất làm cách chùa". Ông quan họ cả cười và y cho theo lời. Minh Không lấy áo cà sa vung ra trùm khắp mười dặm đất, ông quan nọ kinh sợ. Từ đấy tiếng tăm Minh Không lừng lẫy khắp Bắc Kinh.

          Vua Tống cho triệu Minh Không vào triều và hỏi rằng "Nhà sư ở đâu đến". Minh Không đáp: "Tôi là sư nước Nam, muốn dựng "thất cấp phù đồ" những không có đồng cốt, chắc nhà vua không thiếu gì, chẳng biết nhà vua có bố thí không ?".

          Vua Tống cười mà rằng: "Nhà sư cần dùng bao nhiêu". Minh Không đáp: "Xin một túi là đủ". Vua Tống cho Minh Không tự vào kho mà lấy. Minh Không  vào lấy hết kho đồng mà túi vẫn chưa đầy Xong việc Minh Không xin về, cầm gậy quây túi đồng đi.

          Khi về đến Quảng Đông, gặp tàu buôn, Minh Không xin đáp tàu về nước, người hạm trưởng liền cho đi nhờ. Minh Không để túi đồng trên bờ rồi xuống tàu. Hạm trưởng cho thủy thủ lên mang túi đồng xuống tàu nhưng bao nhiêu người cũng không lay chuyển được. Minh Không liền lấy gậy khều lấy túi đồng xuống tàu, tàu nặng toan đắm. Ai cũng kinh sợ, Minh Không bảo không việc gì. Tàu ra khơi thì gặp mưa to, gió lớn, chợt có con ngô công to quấn quanh tàu. Minh Không lấy quả dưa vẽ phù ném xuống biến con ngô công đứt làm 3 đoạn, nổi lên. Trời yên biển lặng, chẳng mấy chốc tàu về tới bến sông Nhị Hà. Minh Không đem đồng về đúc tượng chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh, cùng với tháp Báo Thiên là chuông Quy Điền gọi là “An Nam tứ khí” (4).

          Cuối đời Minh Không về tu lại chùa Hưng Long. Tại đây Minh Không được nhân dân bản xã đặc biệt quý trọng. Ngày 26 tháng 3 năm Đại Định thứ 2 (1141), Minh Không Thiền sư qua đời tại khu vực núi Tam Viên (5). Nay dấu cũ vẫn còn.

          Do có công lao lớn với Phật giáo và đất nước, sau khi Minh Không Thiền sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu giao cho hai xã Hán Lý và Hào Khê xây đền thờ. Qua các triều đại, Minh Không thiền sư đều được phong sắc.

          1.2 - Chùa Trông (Hưng Long tự):

          Như nhiều ngôi chùa khác của làng xã đồng bằng Bắc Bộ, chùa Trông thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa - một dòng Phật giáo lớn được du nhập vào nước ta khá sớm (từ thế kỷ 3). Song điều đặc biệt ở đây là chùa Trông còn là nơi thờ 3 vị cao tăng nổi tiếng thời Lý (1010 - 1225) là: Dương Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Trong đó, Dương Không Lộ theo sách: "Đại Nam nhất thống chí" tập 3, Nhà xuất bản KHXH Hà Nội 1971 cho biết có quê mẹ tại xã Hưng Long. Và đồng thời là người tổ chức xây dựng chùa Trông (Hưng Long tự). Đây là một sự kiện lịch sử điển hình cho phép xác định niên đại khởi dựng của di tích.

          a) Không Lộ Thiền sư:

          Không Lộ Thiền sư (nói chạnh là Khổng Lồ) sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) tại chùa Hưng Long, thân mẫu họ Nguyễn người xã Hán Lý, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Nguyên quán, Không Lộ ở làng Giao Thuỷ, huyện Hải Thanh. Vua Trần Thái Tôn đổi là Thiên Thanh, vua Trần Thánh Tôn đổi tên thành Thiên Trường, sau đổi thành phủ Xuân Trường. Không Lộ vốn họ Dương, huý là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ.

          Khi trưởng thành Không Lộ lấy nghề đăng đó làm vui, thường vãng lai núi Đàm Khánh (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), núi Hàn Sơn (huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá) và ham muốn đạo thiền.

Đến năm Giáp Thân, niên hiệu Thiên Cảm Thánh vào đời Lý Thái Tôn (1044) Không Lộ 29 tuổi, bỏ nghề đăng đó đi tu, thường tụng kinh Đà La Ni Môn. Năm Đinh Dậu, niên hiệu Long Thuy Thái bình đời vua Lý Thánh Tôn (1057) Minh Không 42 tuổi theo học đức Thảo Đường Thiền sư, được thầy khen sau tất làm Pháp tự. Năm Kỷ Hợi niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh đời vua Lý Thánh Tôn (1059); Minh Không 44 tuổi về tu ở chùa Hà Trạch, kết bạn cùng ông Giác Hải và Từ Đạo Hạnh rồi cùng về tu ở chùa Duyên Phúc (tức chùa Hộ Xã tại Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định).

          Ít lâu sau, Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh cùng sang Tây Trúc (Ấn Độ). Khi thuyền về tới Kim Xỉ Man (Miến Điện) Không Lộ cùng Giác Hải lên bờ đi trước. Đạo Hạnh ở lại coi thuyền, đợi lâu không thấy Không Lộ và Giác Hải trở lại, Đạo Hạnh lấy làm ngờ, chợt thấy có một bà già đến bờ sông liền hỏi: "Bà có gặp hai ông sư không ?". Bà già trả lời: "Hai ông sư ấy học được pháp thuật về từ lâu rồi", linh cảm cho biết bà già là người phi thường, Đạo Hạnh liền quỳ xuống xin bà dạy bảo cho. Bà già ấy truyền cho phép rút đường, qua bể và đi trên không cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh bái tạ rồi theo kịp Không Lộ và Giác Hải.

          Đạo Hạnh muốn đem pháp thuật để thử Không Lộ, liền biến ra hình hổ nấp vào trong rừng, nhảy nhót, gầm thét làm ra dáng trực vồ người. Giác Hải trông thấy cười mà bảo rằng: "Muốn làm kiếp ấy, rồi sau được làm". Đạo Hạnh xấu hổ xin lỗi và nói rằng: "Nếu kiếp sau nghiệp chướng chưa hết, xin giải cứu cho". Đoạn ba ông xuống thuyền về. Đạo Hạnh về Sài Sơn; Không Lộ và Giác Hải về chùa Duyên Phúc.

          Năm Đại Định thứ 22 (1161), Không Lộ 46 tuổi, Thiền sư cho dựng chùa Nghiêm Quang (tức chùa Keo - Thái Bình). Tục truyền từ đây phép Phật thông huyền, bay trên không, đi trên mặt nước, hàng long phục hổ, không ai biết đâu mà lường. Không Lộ thường vãng cảnh làng Hành Cung (làng Hành Thiện), làng Tương Đông (đều thuộc phủ Thiên Trường - Nam Định), làng Lộng Khê (thuộc huyện Phụ Dực - Thái Bình), làng Lạc Lâm (thuộc Thạch Thất - Hà Tây), làng Đại Nẫm (thuộc Quế Dương - Bắc Ninh), làng Dương Nham (thuộc Kinh Môn - Hải Dương). Khi Thiền sư ở Phả Lại có đúc một quả chuông to, sau chuông bị chìm xuống sông Lục Đầu.

          Đến thời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) vua thường ngự tại điện Liên Mộng, một hôm chợt có 2 con tắc kè kêu trên xà nhà làm vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không khỏi. Vua sai sứ và hơn 50 người đi đón Không Lộ và Giác Hải. Không Lộ dùng ba thưng gạo nấu cơm cho quan quân ăn mà mãi không hết. Khi xuống thuyền, trời đã tối, Thiền sư bảo hãy tạm nghỉ đến gà gáy hãy đi. Đến lúc đi liền gõ vào bê chèo ba tiếng, một lát đã đến bến Kinh Đô (Hà Nội), ai ai cũng lấy làm kinh hãi.

          Không Lộ và Giác Hải vào yết kiến, Không Lộ đọc 3 câu chú, tắc kè không kêu nữa rồi nhường cho Giác Hải. Giác Hải lấy tràng hạt và gõ vào cột điện, hai con tắc kè liền rơi cả xuống đất, bệnh vua khỏi liền, vua phong cho Không Lộ làm Quốc sư và ban quốc tính (họ vua) cho Giác Hải, ban khen một bài thơ rằng:

"Giác Hải như tâm hải

Thông huyền (6), đạo hựu huyền

Thần thông, năng biến hoá

Nhất Phật, nhất thần tiên".

          Đến năm Không Lộ 62 tuổi, tức là năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nhân Vũ Chiêu thắng vua Lý Nhân Tôn (1077), một hôm tĩnh toạ, có người tiểu bạch rằng: "Từ khi tôi đến đây, chưa thừa bảo cho tâm yếu". Không Lộ bảo rằng: "Ngươi đưa kinh thì ta tiếp, đưa nước thì ta nhận, lúc nào ta chẳng bảo tâm yếu cho người". Sau đó, cho đúc chuông chùa Nghiêm Quang nặng 3.300 cân đồng.

          Vào khoảng cuối đời, Không Lộ với hai nhà sư Đạt Man và Đạo Hạnh về quê mẹ tại xã Hán lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương và cho dựng chùa Hưng Long(7). Ngày 3 tháng 6 năm thứ 3 (Giáp Tuất) niên hiệu Hội Phong đời vua Lý Nhân Tông (1094), Không Lộ Thiền sư qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. (Năm đó Giác Hải 71 tuổi, Minh Không 29 tuổi). Sau khi các Thiền sư viên tịch, tỏ rõ đạo pháp, cầu đảo linh ứng, dân xã đã lập ba pho tượng để thờ.

          b) Giác Hải Thiền sư:

          Thiền sư là người ở Hải Thanh (Nam Định), tên huý là Nguyễn Viên Y, sinh năm thứ 15 (Giáp Tý) niên hiệu Thuận - Thiên đời vua Lý Thái tổ (1024). Thủa nhỏ cũng làm nghề đăng đó. Đến 25 tuổi bỏ nghề đăng đó di tu. Năm 36 tuổi kết bạn với Dương Không Lộ ở chùa Hải Thanh. Thời vua Lý Nhân Tôn (1072 - 1128). Giác Hải cùng Không Lộ chữa bệnh cho vua (đã nêu ở sự tích Không Lộ). Vua kính trọng lắm, hễ khi nào vua đi chơi Hành Cung (tức Hành Thiện - Nam Định) cũng đến chơi chùa. Một hôm vua hỏi: "Thế nào là ương chân, định thần". Thiền sư tụng niệm một lúc rồi bỗng dưng đi trên không, cách đất ba trượng rồi xuống. Vua lấy làm khen lắm, ban cho tên hiệu là: Giác Hải Tinh chiếu đại sư.

          Đến triều vua Lý Thần Tôn (1128 - 1138) thường triệu Thiền sư về kinh nhưng thường Thiền sư từ chối già yếu không đến. Ngày 4 tháng Giêng năm Thiệu Minh đời vua Lý Anh Tôn (1138 ) Giác Hải Thiền sư qua đời, hưởng thọ 115 tuổi.

          c) Đạo Hạnh Thiền sư:

          Thiền sư họ Từ, tên huý là Lộ, người làng Yên Lãng (làng Láng), huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Thân phụ là Từ Vinh làm quan Đồ án triều Lý. Khi còn nhỏ, đêm thì đọc sách, ngày thổi sáo, đánh quả bóng chơi đùa, thường bị cha trách mắng. Một đêm Từ Vinh ngẫu nhiên đến chỗ con nằm thấy ở án thư đầy những sách vở mà Từ Lộ tay cầm sách dựa án mà ngủ. Từ đấy Từ Vinh mới yên tâm con trai là người có chí.

Ít lâu sau Từ Vinh mâu thuẫn với Duyên Thành Hầu, ông Duyên Thành Hầu sai Đại Diện Thiền sư lấy phép giết chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Tử thi trôi đến cầu Yên Quyết thì đứng sững lại, ông Duyên Thành Hầu sợ hãi đến báo cho sư Đại Diên. Đại Diện đến nơi quát thì tử thi ngã xuống trôi đi.

          Đạo Hạnh quyết định phục thù cho cha, một hôm ông gặp Đại Diên đã toan đón đánh nhưng chợt nghe trên không có tiếng bảo rằng: "Không nên", Đạo Hạnh thôi không đánh nữa. Sau này quyết chí sang Tây Trúc (Ấn Độ) học phép thuật để chống lại sư Đại Diên. Ông đã kết bạn với Không Lộ và Giác Hải cùng sang Tây Trúc. Khi trở về ông đã dùng phép thuật (hoá hổ) để doạ hai bạn nhưng Không Lộ và Giác Hải đã biết từ trước. Đạo Hạnh xấu hổ nhận lỗi và nói: "Nếu sau này có nghiệp chướng chưa hết, xin giải cứu cho". (Đã nêu ở sự tích Không Lộ).

          Trở về Đạo Hạnh tu ở Sài Sơn (thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây) thường tụng Đại Bi tâm kinh và kinh Đà Na Ni, tụng được đủ 108.000 lần. Một hôm thấy Thần nhân bảo rằng: Chúng tôi là Tứ Chấn Đại vương, cảm công đức thầy nên đến hầu thầy". Đạo Hạnh tự biết là đạo quả đã tròn, có thể báo thù cho cha được, ông mới đến cầu Yên Quyết thử lấy cái gậy ném xuống sông, cái gậy trôi ngược dòng sông đến cầu Hồi Dương thì thôi. Đạo Hạnh mừng là phép thuật đã hơn Đại Diện nên đã tìm gặp Đại Diên. Mới trông thấy Đạo Hạnh, Đại Diên vội bảo: "Ngươi không nhớ việc ngày xưa ư ?" Đạo Hạnh nhìn lên trên không, không thấy có gì lạ, tức thì đánh sư Đại Diên, rồi Đại Diên phát bệnh chết.

          Khi ấy vua Lý Nhân Tôn chưa có con trai, năm Hội Trường Đại Khánh thứ 3 (1112) có người phủ Thanh Hoá tâu rằng: Ở làng Tân Sa có đứa trẻ lên 3 tuổi tên là Giác Hoàng (do Đại Diên thác sinh). Nhà vua làm sự gì đứa trẻ đó đều biết. Vua sai sứ đến xem quả đúng, liền đón về kinh và cho ở chùa Bảo Thiên. Vua yêu là người thông minh muốn lập làm Thái tử nhưng quần thần can ngăn: "Người ấy thật sự linh dị nhưng phải thác sinh trong cung cấm mới được". Vua lập đàn cúng để làm phép đầu thai, nhưng mới được 3 ngày thì Giác Hoàng bị bệnh nói rằng: "Không có đường thác sinh". Vua ngờ là do Đạo Hạnh làm phù chú liền cho bắt giam tại Hưng Thánh Lâu. Chợt có ông Sùng Hiền Hầu đi qua, Đạo Hạnh kêu xin ông cứu cho, ngày sau sẽ đầu thai báo ơn. Sùng Hiền Hầu vào tâu vua rằng: Nếu Giác Hoàng quả là có pháp thuật, thì dẫu có phù chú cũng chẳng hại gì. Nay đã như thế thì ông Đạo Hạnh còn hơn Giác Hoàng nhiều, chỉ bằng cho ông Đạo Hạnh thác sinh. Vua cho là phải và tha cho Đạo Hạnh. Đạo Hạnh đến nhà Sùng Hiền Hầu bái tạ, thấy vợ Sùng Hiền Hầu đang tắm, ông liền nhìn vào bà, bà giận lắm nhưng ông Sùng Hiền Hầu thì hiểu ý không trách mắng gì. Đạo Hạnh bảo với ông Sùng Hiền Hầu rằng: Khi nào phu nhân lâm sản, thì nên báo trước". Đến ba năm sau vợ Sùng Hiền Hầu có thai, đến kỳ thì khó sinh, Sùng Hiền Hầu nhớ lời dặn trước, sai người đến bảo. Đạo  Hạnh tắm  gội thay áo, bảo môn đồ rằng: "Ta nhân duyên chưa hết, lại phải đi thác sinh, tạm làm vua 23 năm".

          Dứt lời, Đạo Hạnh vào trong hang thoát xác (mất). Năm ấy là năm Bính Thân niên hiệu Hội trường Đại Khánh thứ 7 (1116). Bà Sùng Hiền Hầu sinh một con trai đặt tên là Dương Hoán. Vua Nhân Tôn cho lập làm Thái tử sau nối ngôi tức vua Lý Thần Tôn.

          Qua khảo sát nghiên cứu di tích và các thư tịch liên quan cho phép xác định: Minh Không và Không Lộ là hai vị cao tăng thời Lý (1010 - 1225) có tên, họ, quê quán, năm sinh, năm hoá khác nhau không như một tài liệu đã công bố trước đây. Mặt khác đền, chùa Trông là cụm di tích lịch sử đặc biệt: Thờ bốn vị cao tăng thời Lý không chỉ có công phát triển phật giáo mà còn có tài chữa bệnh hiểm nghèo cho hai đời vua nên được triều đình phong tặng "Quốc sư", ban "Quốc tính" và được nhân dân suy tôn là "Thánh" như đôi câu đối (số 2) tại đền chính:

“Ấn ban phong tặng Quốc sư

Linh cấp thiêm gia Thánh tổ”

          Nghĩa là:

"Ấn vua ban phong tặng là Quốc sư

Linh thiêng được ban thêm là Thánh tổ”

          Hơn thế nữa, Không Lộ Thiền sư còn có quê mẹ tại xã Hán Lý, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay cụm di tích lịch sử đền, chùa Trông hiện còn thờ Minh Không Thiền sư tại đền; Còn 3 vị Cao tăng: Không lộ, Giác Hải và Đạo Hạnh không có tượng thờ tại chùa (?). Đây là một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ trong một dịp khác.

          * Như phần trên đã đề cập, di tích chùa Trông được xây dựng vào thời Lý (1010 - 1225). Đền được xây dựng ngay sau khi Minh Không Thiền sư qua đời (1141); Chùa được xây dựng vào khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 11 nhà Lý (thời vua Lý Nhân Tôn) do chính Không Lộ Thiền sư xây dựng trong dịp về quê thân mẫu.

          Cũng theo sự tích, chùa Trông không chỉ thờ Phật mà còn là nơi 3 vị cao tăng: Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh hành đạo. Do vậy, có thể xác định ngay từ thời Lý (1010 - 1225) di tích là một trong những trung tâm Phật giáo của Xứ Đông, thu hút đông đảo tăng ni và phật tử về hành lễ.

          Vào thời Hậu Lê (TK 17 - 18) di tích nhiều lần được tùng tu, tôn tạo. Khu di tích được xây dựng thêm nhà Mẫu và đền thờ Tuần Tranh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng dân gian. Ngoài ra còn có khu ao rối và xới vật võ dân tộc phục vụ lễ hội truyền thống (26/3) hàng năm. Quy hoạch mặt bằng kiểu "Nội công, ngoại quốc".

          Đến thời Nguyễn (TK19) chùa Trông đã được trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của di tích. Công trình gồm nhiều hạng mục khác nhau, từ ngoài vào trong có: Ao rối, tam quan, tắc môn, xới vật, đền Tuần Tranh, chùa, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Tăng và đền thờ Minh Không Thiền sư. Quy hoạch mặt bằng tổng thể theo lối cân đối, đăng đối, các lớp nhà nối nhau tạo thành một không gian ngoạn mục, hấp dẫn.

          Đầu năm 1947, thực hiện chủ trương: "Tiêu thổ kháng chiến" chống giặc Pháp của Đảng, Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hưng Long đã cho giải hạ di tích đền, chùa Trông. Theo đó các công trình của di tích đều bị tháo dỡ, đồ thờ tự thất tán... Riêng có tượng Minh Không Thiền sư được bảo quản chu đáo và cổng Tam quan bên trái còn giữ lại được.

          Sau ngày Hoà bình lập lại (1954) thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, chính quyền địa phương cho khôi phục từng bước các hạng mục của di tích, góp phần ổn định đời sống văn hoá cơ sở và giáo dục truyền thống yêu nước.

          2- Lễ hội truyền thống:

          Là một trong những trung tâm Phật giáo thời Lý - Trần (TKII - 14) của Xứ Đông gắn liền với tín ngưỡng thờ người có công với nước, lễ hội truyền thống đền, chùa Trông đã được hình thành từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Hậu Lê (TK17 - 18) và Nguyễn (TK19), có sức hấp dẫn du khách các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng...

          Lễ hội kéo dài từ 15 - 26/3 âm lịch với nhiều khoá lễ khác nhau, trong đó có 3 lễ tiết quan trọng là: Lễ rước nước (15/3); Lễ "Xuất đông nhập Tây" (20/3) và "Lễ tế Thánh về trời" (26/3). Lễ hội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, có thể tóm tắt như sau:

          - Ngày 15/3: Lễ rước nước:

          Ngay từ sáng sớm, nam phụ lão ấu 2 xã Hán Lý và Hào Khê đã kéo nhau ra đền để làm lễ xuất hành rước nước sông Luộc về thờ cúng quanh năm. Nghi lễ tổ chức rất trọng thể, nhân dân tập trung rước kiệu long đình từ đền ra đê. Tiếp theo, ban tổ chức bố trí 2 chiếc thuyền rước, mỗi thuyền gần 20 người (trong đó có 1 thày cúng và 2 trương tuần). Những người tham gia rước nhất thiết phải chạy tịnh trước hàng tuần, đầu đội khăn đỏ, mặc áo lậu, lưng thắt bối hậu, chân đi giày. Riêng trương tuần, mỗi người còn cầm theo 1 đốc thước và 1 tù và làm hiệu lệnh giới nghiêm trong khi hành lễ. Phương tiện mang theo mỗi thuyền có 2 choé sứ, 2 thau đồng, 2 gáo đồng, 1 bộ bát bửu, 1 trống cái, 1 trống con, 1 cờ thần... Thuyền nước xuất bến đi ngược sông khoảng 500m rồi dừng lại giữa dòng lấy nước "Thanh thuỷ" vào chính Ngọ (12 giờ trưa) và trở về trong niềm vui của đông đảo nhân dân đứng trên bờ.

          Nước đưa về đền chùa được dùng vào việc bao sái tượng thờ và đồ tế tự, thay áo mới cho Thánh, áo cũ được xé thành nhiều mảnh nhỏ chia cho các giáp mang về nhà làm "khước" cả năm.

          - Ngày 20/3 : Lễ "Xuất Đông, nhập Tây":

          Đây là khoá lễ quan trọng nhất trong mùa Hội. Theo điển lệ: Ngay từ sáng sớm nhân dân 2 xã Hán Lý và Hào Khê, theo sự phân bổ của Ban tổ chức, mỗi người đảm nhiệm một việc. Đoàn rước gồm 3 kiệu đi theo đường "Nghênh thần" từ cổng phải qua địa phận xã Hào Khê, đến cổng Tam Viên (tục gọi là Mả Thầy) rồi trở về xã Hán Lý và vào cổng bên trái di tích. Cũng như rước nước, những người tham gia khiêng kiệu đều phải trang phục theo quy định và chay tịnh. Thông thường lễ rước kéo dài khoảng 2 giờ từ 9giờ 30 - 11giờ 30.

          Buổi chiều lễ Thánh tại sân Đền. Theo điển lệ: Đứng trước có 1 người chủ tế (mạnh bái), đứng sau có 4 phụ tế (bồi bái), hai bên đoàn tế có 2 người củ soát. Trong quá trình hành lễ nếu ai phạm lỗi, người củ soát có quyền cắm một thẻ vào cổ làm dấu (tuy nhiên người đó vẫn tham gia, không phải ra ngoài). Đứng bên ông mạnh bái có 2 ông Thông xướng và Hoa xướng (Thông xướng hô: "Hơ" thì Hoa xướng đáp "Bái"). Theo quy định lễ tế phải dâng 6 lễ gồm: Hương, đăng, hoa, quả, trà, oản. Thời gian tế thường từ 2 - 3 giờ. đến cuối giờ Tế mới đọc chúc văn. Người đọc chúc văn phải là người có chức sắc trong làng xã.

          - Ngày 26/3: Lễ tế Thánh về trời:

          Đây là một trong ba lễ trọng của mùa Hội đền, chùa Trông nên được tổ chức rất trang nghiêm. Nam phụ, lão, ấu 2 xã Hán Lý và Hào Khê tập trung xung quanh sân đền để hưởng ứng lễ tế Thánh về trời. Nghi lễ tế cơ bản như lễ tế ngày 20/3. Song lễ tế phải được kết thúc trước giờ Ngọ vì tương truyền rằng vào giờ Chính ngọ (12 giờ trưa) là "Giờ thiêng" Thánh sẽ về trời.

          Ngoài 3 lễ chính của mùa Hội đền, chùa Trông nêu trên, xen kẽ các ngày lễ, nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều trò diễn dân gian như: Rối nước, vật võ, hát chèo, múa hoa đăng, tổ tôm điếm... Những năm gần đây du nhập thêm: Đu quay, cầu kiều, kéo co, bóng đá v.v... làm cho lễ hội truyền thống đền, chùa Trông càng thêm phong phú về hình thức và càng sâu sắc về nội dung, tạo thành nét đẹp văn hoá của đất và người Xứ Đông xưa và Hải Dương nay.

          3. Kiến trúc

          Di tích chùa Trông được xây dựng theo hướng Tây Nam. Phía trước là khu ao rối, chợ thôn Hưng Long và đê sông Luộc - Công trình thuỷ lợi được xây dựng từ khá sớm, và được nâng cao trong thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước. Bên tả liền sát với khu dân cư đông đúc chạy dọc theo chân đê. Bên hữu di tích là khu vực trung tâm bao gồm trụ sở UBND xã, Nghĩa trang liệt sĩ xã Hưng Long và đường liên thôn Hào Khê và Hán Lý. Cuối cùng phía sau là vườn cây, cánh đồng và đường đi bến phà Hiệp - công trình giao thông nối liền Hải Dương - Thái Bình được xây dựng trong những năm gần đây đã tạo ra xu thế mới cho sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội xã Hưng Long và vùng phụ cận.

          Trong khoảng không gian được xác định gần 8.000m2. đền chùa Trông được xây dựng theo quy hoạch "Nội công, ngoại quốc", gồm nhiều hạng mục công trình với các lớp mái khác nhau. Các công trình được xây dựng theo nguyên tắc đăng đối, cân đối truyền thống.

          Từ ngoài nhìn vào, khu vực ao rối rộng 819m2 đã được xây kè xung quanh. Trong những ngày Hội làng, các đoàn nghệ thuật rối nước về đây biểu diễn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân cùng vui chơi, giải trí. Tiếp đến là Tam quan - một công trình kiến trúc độc đáo và quy mô lớn nhất tỉnh Hải Dương. Tam quan cao 19m, dài 27,5m, rộng 3,5m. Công trình được cấu tạo gồm 2 cổng lớn: Cổng Đông và Cổng Tây, nối giữa 2 cổng là một tắc môn hoành tráng hiếm thấy. Kết cấu cổng Tam quan gồn 4 tầng "Chồng diêm, cổ các", tầng một có 3 cửa vòm cuốn, tầng 2 có 5 cửa vòm cuốn, tầng 3 có 3 ô trang trí gắn đại tự: "Bắc địa đồng" (Kho đồng đất Bắc), tầng bốn có 3 ỗ trang trí hoạ tiêu "Tứ linh" quen thuộc (long ly quy phượng đã cách điệu), trên nóc được đắp nổi hình tượng "Lưỡng long chầu nguyệt" (Do mái thu nhỏ nên các nghệ nhân đã sử dụng rồng kìm). Xen giữa kết chính, các nghệ nhân xưa còn khéo léo bố trí thêm 8 trụ lồng, đèn xung quanh tầng 2 và 4 con nghê chầu tại tầng 3 để tạo hiện sự thiêng liêng của công trình. Hai cổng tam quan được tạo dáng kiến trúc nghệ thuật tương nhau, chỉ khác là cổng Đông (bên phải từ ngoài vào) được gắn đại tự "Nam Thiên động" (Động của trời Nam) mang ý nghĩa tự hào về đền chùa Trông của nước Nam đẹp và quý hiếm không kém gì kho đồng đất Bắc (TQ). Về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng xưa Minh Lộ Thiền sư đã dùng phép lấy hết kho đồng của nhà Tống để về làm giàu cho nước nhà (?). Cuối cùng là một Tắc môn lớn nối liền Cổng Đông và Cổng Tây được trang trí đề án "Long cuốn thuỷ" ở chính giữa, đối xứng hai bên là hoạ tiết chữ "Thọ" cách điệu trong bố cục hình tròn, điêu khắc thủng. Trên đỉnh Tắc môn được đắp nổi "Lưỡng long chầu nguyệt" cân đối, đẹp mắt.

          Với một quy mô hoành tráng và điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân dân gian Hưng Long xưa, tam quan đền, chùa Trông xứng đáng là một công trình kiến trúc nghệ thuật điển hình trên đất Xứ Đông xưa và Hải Dương ngày nay. Về thăm đền, chùa Trông hẳn không mấy ai không có ấn tượng sâu sắc với Tam quan.

          Liền sau Tam quan là một khoảng sân rộng, xưa tại đây có một xới vật võ dân tộc, trong kháng chiến đã bị xuống cấp, nay chỉ còn một phần dấu vết khuôn viên. Hai góc sân có 2 cây đề lớn được trồng lại vào năm 1961 (cây trước do bão đổ ?) nay đã giao cành, quanh năm toả bóng xanh mát. Việc chọn trồng cây đề của người xưa gắn với sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi xuất gia đi tu đã từng ngồi dưới gốc cây đề 49 ngày đêm để suy ngẫm về nhân tình thế thái xã hội Ấn Độ cổ đại. Do vậy từ lâu cây đề được xem là biểu tượng của Phật giáo.

          Ẩn hiện dưới tán lá đề là chùa Trông (Hưng Long tự). Công trình được khôi phục năm 1984 có phần khiêm tốn so với mặt bằng chùa xưa. Kiến trúc kiểu chữ "Đinh" ( J ) gồm 5 gian Tiền đường và 2 gian Thượng điện xây bít đốc, bổ trụ. Kết cấu khung vì kiểu "Giá chiêng" truyền thống, riêng Thượng điện làm theo kiểu "Kèo cầu, cánh ác" kết cấu mái nhà kiểu "Thượng tam, hạ tứ". Không có chạm khắc gì đặc biệt.

          Bài trí đồ thờ tự trong chùa tuy mới khôi phục song khá phong phú, gồm 7 lớp tượng từ ngoài vào trong theo bố cục cao dần đều. Hai hồi Tiền đường được bầy bộ tượng Thập điện Diêm Vương, tiếp đến 4 pho tượng thường gặp là: Đức Thánh Hiền, Thần Khuyến Thiện, Thần Trừng Ác và Đức Ông (Cấp Cô Độc). Hàng thứ 2 gồm 3 pho tượng: ANan tôn giả, Thích Ca sơ sinh và Ca Diếp tôn giả. Hàng thứ 4 gồm 3 pho tượng: Kim Đồng, Ngọc Hoàng và Ngọc Nữ (không rõ vì sao thiếu tượng. Nam Tào và Bắc Đẩu? ). Hàng thứ 5 gồm có 3 pho; Văn Thù, Quan Âm chuẩn đề (24 tay) và Phổ Hiền. Hàng thứ 6 gồm: A Nan, Thích Ca niệm hoa và Ca Diếp (có lẽ do dồn tượng từ chùa khác về). Hàng thứ 7 gồm: 1 pho A Di Đà. Cuối cùng là bộ tượng Tam Thế. Các lượng thờ đều có chất liệu gỗ, niên đại Nguyễn muộn (TK20), giá trị nghệ thuật tạo hình khá cao.

          Đối xứng hai bên chùa là hệ thống cổng đền Trông (Hưng Long điện). Ở đây cổng cũng được xây khá đồ sộ, cao 10m, rộng 2,0m, dài 4,5m. Hai cổng đền được bố cục song song với Cổng Đông và cổng Tây của Tam quan chùa theo trục thẳng, đồng thời có cùng một kiểu dáng kiến trúc. Kết cấu công trình gồm 3 tầng kiểu "Chồng diêm, cổ các", tầng 1 có 1 cửa vòm lớn, tầng hai có 1 cửa vòm nhỏ, tầng 3 trang trí điêu khắc "Tứ quý" cách điệu. Theo ý kiến của Ban quản lý di tích cho biết: Cổng trái do thợ Hồng Phúc (Ninh Giang) thực hiện, cổng phải do thợ Thái Bình thực hiện. Điểm khác biệt là hoạ tiết trang trí, thợ Thái Bình đắp thêm "Long cuốn thuỷ", thợ Hồng Phúc đắp thêm "phượng chầu". Nhờ đó, công trình có dấu ấn lịch sử riêng. Hệ thống cổng đền không chỉ là mốc giới không gian giữa "Tiền Phật" và "Hậu Thần" mà với cấu trúc đồng bộ còn tạo nên vẻ đẹp hoành tráng của cụm di tích đền, chùa Trông.

          Vượt qua cổng đền là một khoảng sân gạch rộng rãi, trong những ngày lễ hội truyền thống, sân đền là nơi diễn ra hoạt động tế thánh trọng thể của nhân dân địa phương tưởng niệm Minh Không Thiền sư. Tiếp theo là nhà Tiền tế gồm: 5 gian gỗ xây bít đốc bổ trụ, kết cấu khung vì kiểu kèo cầu được khôi phục năm 1989. Trang trí điêu khắc nghệ thuật tập trung thể hiện tại bờ nóc với bức cuốn thư "Hưng Long điện" có đôi phượng múa chầu; hai đầu kìm gắn lạc long, phía trước có hai trụ lồng đèn được tạo dáng cân đối, đẹp mắt.

          Bài trí thờ tự nội thất Tiền tế gồm có 01 nhang án đặt tại gian giữa, đối xứng hai bên có 01 bộ bát bửu và 01 đội câu đối gỗ là:

          - "Chí dũng tráng sơn hà thế giới anh hùng duy hữu nhất.

          Minh tinh quang vũ trụ Á Âu hào kiệt thị vô song".

Nghĩa là:

          - Chí dũng mạnh mẽ với non sông, thế giới anh hùng duy có một

          Sao chiếu sáng ngời vũ trụ, Á Âu hào kiệt thật không hai.

          Đặc biệt ngoài trụ lồng đèn còn lưu lại đôi câu đối cổ gắn với nguồn gốc gia thế của Không Lộ Thiền sư.

          - "Thân phụ Nguyễn tính Giao Thuỷ quán

          Từ Mẫu Dương Thị Hán Triều sinh".

          Nghĩa là:

          - Thân phụ (cha) họ Nguyễn, quê quán Giao Thuỷ

          Thân Mẫu (mẹ) họ Dương sinh tại Hán Triều.

          Giữa tiền tế và Trung từ cách nhau một khoảng sân lọng nhỏ, đủ để lấy ánh sáng tự nhiên vào gian thờ tự chính. Trung từ là công trình được khôi phục vào năm 2000 trên nền cũ. Kết cấu khung vì 5 gian kiểu "Giá chiêng", lòng mái mở "Thượng tứ, hạ ngũ", xây bít đốc, bổ trụ, hồi văn. Trang trí điêu khắc nghệ thuật được thể hiện khá phong phú cả trong và ngoài với các đề án truyền thống: "Tứ linh" (long, ly, quy, phượng) và "Tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai) trên các bức cốn, đầu bẩy v.v... Trên bờ nóc được đắp nổi hình tượng "Lưỡng long chầu nguyệt" khá to và đẹp mắt. Mặt ngoài dầu hồi còn đắp thêm hình tượng "Hổ phù" - Hiện tượng văn hoá cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra còn đắp nổi đôi nghê chầu trên đỉnh cột lồng đèn từ trước nhà Trung từ càng tạo nên sự tôn nghiêm trang trọng nơi thờ tự.

          Bài trí thờ tự tại đây khá phong phú với hệ thống đồ tế tự dày đặc như: Cuốn thư, câu đối, đại tự, bát bửu, nhang án v.v... trong đó đáng chú ý có những nội dung ca ngợi công lao và tài pháp thuật của Minh Không Thiền sư trong sự phát triển Phật giáo như:

"Thượng Thánh Quốc sư"

(Bậc Thánh lớn được phong là Quốc sư)

"Ân chiếm cửu trùng”

(Ân đức lớn lao thấu tới cửu trùng)

"Bích thuỷ thiên trùng

(Nước biếc ngàn trùng)

          Nối liền Trung từ và Hậu cung - công trình thờ tự chính 3 gian được khôi phục năm 1978. Kết cấu kiến trúc theo kiểu: "Giá chiêng xen chồng rường", không có chạm khắc nghệ thuật gì đặc biệt ngoài bài trí thờ tự: Chính giữa là khám thờ Minh không Thiền sư - khám mui luyện đặt tượng đồng. Hai bên tả hữu được đặt khám thờ và tượng Thân Phụ, Thân Mẫu của Thánh Tổ. Bên ngoài được bài trí 6 pho tượng quan văn quan võ và phỗng theo tín ngưỡng dân gian xưa của nhân dân địa phương không ngoài việc tôn vinh Minh Không Thiền sư - người có công lao lớn với đất nước và Phật giáo.

II. DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH ĐÌNH HÁN LÝ, XÃ HƯNG LONG

Di tích đình Hán Lý nằm ở đầu thôn Hán Lý, thuộc xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

          Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu về di tích như quy mô kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử nhân vật được thờ, sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội; Căn cứ vào quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010, đình Hán Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang thuộc loại di tích lịch sử.

          1. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

          Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã; căn cứ vào tài liệu Thần tích - thần sắc năm 1938 hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội do Hương lý, kỳ hào làng Hán Lý kê khai và lưu truyền trong nhân dân: Đình Hán Lý tôn thờ Thành hoàng làng là Tam nguyên Đường cát tướng quân, huý Phổ Độ, có công dẹp giặc Chiêm Thành, đem lại thái bình cho đất nước. Tiểu sử của vị Thành hoàng có thể tóm tắt như sau:

          Xưa, ở trang Cát Hương, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, có một gia đình cả hai ông bà tuổi đã cao mà muộn đường con con cái. Ông bà nghe tin đồn chùa Hưng Long là nơi linh ứng bèn sắm sửa lễ vật đến cầu. Độ cuối canh ba, bà mộng thấy đức Tổ Lý triều quân sư Minh Lộ ứng mộng cho bà một viên bạch ngọc. Bà đón lấy viên ngọc cầm nuốt đi, đoạn Đức Tổ phán rằng: Trên thiên đình thấy vợ chồng nhà ngươi là người đức hạnh, nên có cho vị bản cảnh thần hoàng ở làng Hán Triền này là Tam Nguyên Đường Cát tướng quân giáng sinh xuống đầu thai. Quả nhiên từ đấy bà về có thai, đến ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Dần, sinh hạ được 1 người con trai, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, ông bà đặt tên là Phổ Độ. Đến năm 16 tuổi học tập văn võ toàn tài xuất chúng. Năm 18 tuổi thì phụ mẫu ngài mất.

          Thời ấy, trong nước có giặc Chiêm Thành quấy rối ở miền Quảng Nguyên Châu. Vua lấy làm lo sợ bèn ban chiếu đi khắp thiên hạ kén chọn người anh tài. Ngài thấy chiếu vua ban bố, liền mộ được 500 dân binh lại kinh ứng tuyển. Vua thấy ngài là người có thiên tài, lập tức phong cho ngài là Đô Chỉ huy sứ tướng quân dẫn binh đến phòng giữ miền Hải Dương, Nam Định. Khi ngài dẫn binh đi đến địa phận Hải Triền trang, ngài sực nhớ đến lúc cha mẹ còn tại thời thường có nói chuyện cho ngài biết, ngài là vị thần hoàng làng Hán Triền tái thế, lập tức truyền bình sĩ nghỉ ngơi. Dân làng rất sợ hãi, liền sắm sửa lễ vật đến bái yết, ngài hỏi các phụ lão rằng: Làng này thờ vị Thành hoàng nào, có được linh ứng không? Các phụ lão bẩm rằng: Làng vẫn thờ vị Thành hoàng duệ hiệu là Tam nguyên Đường cát tướng quân đã ngoài 20 năm nay không thấy linh ứng. Ngài cười đáp: Vị Thành hoàng ấy chính là ta đây, rồi ngài đem chuyện phụ mẫu ngài đi cầu tự, đức Tổ Minh Lộ ứng mộng cho đến khi ngài tái thế lần lượt nhất nhất thuật lại, rồi ngài ban cho dân 10 hốt để tậu ruộng, làm của hương hoả thờ phụng ngài mãi mãi về sau này.

          Bỗng một hôm có vương sứ mang chiếu thư đến triệu ngài lai kinh, phụng mệnh vua truyền chỉ ngài cùng chư tướng đem binh đi bình giặc Chiêm ở Quảng Nguyên Châu. Ngài lĩnh mệnh đem quân đến đấy, không bao lâu bình yên được giặc Chiêm. Ngài ban quân hồi triều, vua rất mừng ban thưởng cho các hàng quân sĩ và phong cho ngài là Long Độ Đình Hầu, lại ban thuộc ấp cho ngài ở đạo Hải Dương. Ngài bái tạ ơn vua trở về nơi thực ấp, sửa sang dinh thự vui thú điền viên. Một hôm tự nhiên trời đất u ám, có một đám bạch vân sa xuống đình chung rồi tức khắc ngài hoá, hôm ấy là ngày 12 tháng 11. Nhân dân, gia thần dâng biểu tâu vua, vua liền truyền chỉ tặng phong cho ngài là Bản cảnh Thành hoàng Tam nguyên Đường cát tướng quân phổ độ cư sĩ gia dực linh ứng đại vương, lại truyền cho nhân dân Hán Triền trang phải tu bổ đình miếu phụng tự ngài.

          Do có công lao với dân, với nước, Thành hoàng làng Hán Lý được triều đại phong kiến ban sắc ghi nhận công lao và ghi vào ngọc phả lưu truyền hậu thế. Hai đạo sắc phong vào thời Nguyễn, năm Khải Định thứ 2 (1917) ngày 18 tháng 3 sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần và Khải Định thứ 9 (1924) ngày 25 tháng 7 gia tặng: Y cựu phụng sự. Tiếc rằng, trải qua thời gian và chiến tranh, các cổ vật có giá trị về mặt văn bản và khoa học này đã không còn lưu giữ được.

          Hiện tại, di tích còn lưu giữ được một bài vị, chất liệu gỗ tạo vào thời Nguyễn (đầu TK XX), sơn son thiếp vàng, cao 88cm, rộng 29,5cm, nền trơn, chữ vàng nổi, hai dòng chữ nổi (phần đầu trên và dưới một dòng), hai bên chạm hoa văn hình xương cá, tứ long vân xoắn cách điệu, diềm ngoài đao hoả. Gương tròn nổi, đường kính gương 25cm, xung quanh chạm long vân xoắn, diềm ngoài đao hoả, hai tại hai đầu rồng quay vào đối nhau, giữa chạm hổ phù, cổ chạm cánh sen nghiêng cách điệu. Bài vị dựng trên để hình hộp chữ nhật thắt giữa, cao 13,5cm, mặt trên dài 33cm, rộng 21cm, mặt dưới dài 35cm, rộng 23cm, hai mặt loe giật cấp kẻ chỉ thiếp vàng, thân để chạm hoa thị bốn cánh cách điệu. Bài vị đặt trên ngai cao 58,5cm, khoảng cách hai đầu rồng rộng 45cm, dầy (từ phía trước đến phía sau) 48cm; để ngai cao 33cm, dài phía trước (trên): 36cm, (dưới): 57cm; rộng (từ phía trước đến phía sau): trên: 36cm, dưới 48,5cm. Hai vai ngai chạm hai đầu rồng vươn ra phía trước, thân ngai con tiện tròn trơn. Bài vị viết về Thành hoàng với nội dung: “Bậc đại vương là Tam nguyên Đường Cát tướng quân, tên thụy là Phổ Độ cư sĩ, được tặng thêm “Là bậc Đại vương giúp đỡ làm điều tốt, phúc thọ lớn lao, bảo vệ nước, giữ yên dân, công lao to lớn, đức rộng, hiển hách, oai phong, thần thông, linh thiêng hiển ứng, chỉnh tề, lặng lẽ, thông minh sáng suốt, ngay thẳng, ôn hoà, hội tụ ân lớn phúc dầy để lại cho dân, che chở rộng khắp, tình cảm sâu nặng, phù hộ cho dân, an tâm cung kính, sáng suốt tài giỏi”.

          2. Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến di tích:

          Các ngày lễ tiết và các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng diễn ra tại đình:

          Theo tài liệu " Thần tích - thần sắc" làng Hán Lý do Lý trưởng sở tại khai vào năm 1938 mô tả việc tế lễ như sau:

          Tế lễ các dịp:

          - Ngày 26 tháng 2 tế xuân.

          - Ngày 15 tháng 5 lễ hạ điền.

          - Ngày 15 tháng 7 lễ thượng điền.

          - Ngày 15 tháng 8 tế thu và ngày sinh của Thành hoàng.

          - Ngày 15 tháng 9 lễ xôi mới.

          - Ngày 12 tháng 11 ngày mất của Thành hoàng.

          Và cứ mỗi tháng 2 tuần mùng 1 và 15 lễ sóc vọng.

          Trong những ngày chính tế thì dùng xôi lợn, ngày thường thì lễ xôi gà. Các ngày lễ nào cũng dùng trầu rượu, oản quả. Những đồ lễ ấy dân giao cho các đăng cai luân thứ cấy ruộng công phải sửa biện lễ vật. Tế lễ xong, xôi gà thì chỉ những văn bằng, chức sắc, kỳ lão, cùng những người chức dịch ra hành lễ kiến tại ăn uống. Lễ xôi lợn thì cái thủ chia biếu vị tiên chỉ một nửa, một nửa chia ba, một phần biểu các kỳ lão từ 60 tuổi trở lên, một phần biếu các văn bằng chức sắc, một phần biếu những người hành văn. Còn thịt thì quân phân nhân suất từ hương ẩm trở lên. Những người được dự lễ trong làng là kỳ lão, hương lý và những người có chân văn bằng, vị thứ, nhưng khi tế chỉ cử độ khoảng từ 20 đến 30 người vào làm lễ. Ai có phẩm hàm hơn thì vào mạnh bái, lý phó trưởng vào văn, chánh phó hội thông hoạ, còn các người khác thì hộ lễ.

          Những người dự tế lễ phải trai giới và tắm gội sạch sẽ. Nếu ai có tang trở thì không được dự. Có việc hạ điền thì người già lão nhất, vợ chồng song toàn, tôn tử hưng vượng mới được dự. Những người dự tế phải dùng mũ, áo, hia hoặc giầy. Khi tế lễ kiêng tên huý hiệu vị Thành hoàng, lúc đọc, lúc nói kiêng chữ Phổ Độ, Đường Cát. Ai phạm lỗi không kiêng huý thần hay là lúc đồng dân có việc tế lễ mà nói hỗn hào và làm mất trật tự thì dân bắt vạ theo tục làng, phạt từ 1 hào đến 1 đồng, hạn trong 3 ngày phải nộp cho đồng dân tiền ấy để sửa lễ tạ thần. Nếu người bị bắt vạ tự cho mình là oan thì có thể kêu với dân và quan trên xét lại, nếu xét quả thực oan uổng thì sẽ tha cho. Nếu phải vạ mà không nộp thì phải phạt vị thứ đình chung trong 1 năm, nộp rồi thì không mất quyền lợi gì nữa.

          Không biết có làng nào thờ ngài nữa, những theo cổ tục vẫn có lễ giao hiếu với xã Đà Phố và xã Hào Khê mỗi năm một lần làng này rước sang làng kia, rồi năm sau làng kia lại rước sang cùng tế lễ với nhau. Không cấm trai gái không được lấy nhau.

          + Vào trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, việc tế lễ, hội hè trong một năm được các cụ cao tuổi kể lại như sau:

          - Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch: Lễ sang hè (lễ kỳ an), được tổ chức trong một ngày. Lễ vật gồm có xôi, chè, hoa quả và một chiếc thuyền được thả ở dòng sông, cầu an cho dân làng.

          - Ngày 15 tháng 8 âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Tam nguyên Đường cát tướng quân, được tổ chức trong một ngày, sáng tổ chức tế lễ, chiều tổ chức các trò chơi dân gian như bắt vịt, đi cầu kiều... Tối phát quà cho các cháu thiếu nhi (vì đây cũng là ngày rằm trung thu nên địa phương kết hợp tổ chức). Lễ vật của ngày này gồm có xôi, gà, hoa quả, trầu ruợu...

          - Ngày 12 tháng 11 âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày mất của Thành hoàng Tam nguyên Đường cát tướng quân diễn ra trong một ngày. Lễ vật gồm có sỏ lợn, 3 mâm xôi chè, 1 mâm hoa quả, trầu rượu...Buổi sáng chuẩn bị lễ vật, chiều tổ chức tế. Tế một tuần hương, 1 tuần rượu, 1 tuần hoa quả, tế đọc chúc và tế hoá chúc, kết thúc lễ hội.

          Ngoài các ngày lễ, lễ tiết trên, lễ hội đình Hán Lý còn có liên quan mật thiết đến lễ hội đền, chùa Trông từ ngày 16 đến ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch (vì đền, chùa Trông là một di tích lớn trong vùng, được xây dựng tại khu vực giáp gianh giữa hai thôn Hán Lý và Hào Khê. Hán Lý là quê mẹ của cao tăng thời Lý Dương Không Lộ được thờ tại chùa Trông. Hiện nay, di tích đền - chùa Trông thuộc địa phận thôn Hào Khê). Cụ thể như sau:

          - Ngày 16 tháng 3: Lễ rước kiệu Thành hoàng.

          Sáng sớm nam phụ lão ấu đã tập trung tại đình Hán Lý để rước long đình, kiệu (trên kiệu có sắc phong, ngai và bài vị Thành hoàng) sang đền, chùa Trông. Cùng với đoàn rước của đình làng Hán Lý là đoàn rước của đình làng Hào Khê. Đoàn rước do các vị chức sắc của làng, kiệu do các thanh niên khoẻ mạnh khiêng, theo sau là đoàn các cụ già đội lễ vật, cờ, trống, bát bửu... Hai làng đã có quy định giờ rước đến chùa. Tương truyền khi kiệu đến sân chùa và Mã Thày thì thường có hiện tượng kiệu quay, khi kiệu quay dân thường bế con luồn qua kiệu thánh phù hộ cho con hay ăn chóng lớn, không bị bệnh tật gì. Tới nơi đặt ngai và bài vị ở hai bên tượng đức thánh. Khi các vị đã được an toạ chu đáo mới làm lễ, lễ đức thánh và nhị vị đại vương. Đội tế nam gồm chánh phó hội, tiên thứ chỉ, chánh phó lý, trương tuần, khán thủ mặc quần áo tế, đi hia, áo thụng. Sân tế lúc này có ba mạnh bái: Mạnh bái giữa tế đức thánh, hai mạnh bái hai bên tế nhị vị đại vương. Theo quy định của làng, những người tham gia tế phải tắm gội sạch sẽ, trai giới, người có tang không được dự bàn, khi tế phải kiêng tên huý đức thánh và tên phụ mẫu của ngài, lúc đọc phải kiêng hai chữ Minh Lộ, chữ Chiêu, chữ Ứng. Ở hàng dưới của ba mạnh bái có 6 vị bồi tế, tế đủ 5 tuần là: Hương hoa, đăng trà, quả thực, đọc chúc văn và lễ tất.

          Sau lễ đức thánh và nhị vị đại vương, làng tổ chức một số trò vui dân gian như múa rối nước, hát chèo, hát hoa đăng, đấu vật, võ, tổ tôm điểm...

          - Ngày 20 tháng 3: Lễ rước xuất động nhập tây (Lễ rước đi từ phía đông về đằng tây vòng quanh chùa).

          Lễ rước này bắt nguồn từ khi quan Thượng Đoàn xây dựng tam quan (vào thế kỷ 19), cổng phía bắc trên khi ba chữ: “Bắc địa cầu”, cũng có tên là “Bắc địa khố” biểu hiện cho làng Hán Lý ở phía bắc, cổng phía nam trên ghi ba chữ “Nam thiên động” biểu hiện làng Hào Khê là động trời nam. Với ý nghĩa sau khi xây xong cổng, dân làng muốn đức thánh và nhị vị thành hoàng chứng cho việc xây dựng tam quan. Đoàn rước được bố trí như sau: Đi đầu là cờ phướn, trống, kiệu bát hương thờ, thứ đến là kiệu đức thánh, đến hai kiệu nhị vị đại vương, cuối cùng là kiệu võng của đức thánh mẫu...kiệu đức thánh mẫu do các thanh đồng (con gái chưa chồng của hai làng) khiêng, các kiệu khác do con trai của các vị chức sắc của hai làng khiêng. Các vị chức sắc như kỳ lão, hương lý, tiên thử chỉ, chánh phó tổng, người có chân văn bằng, sĩ thứ...ăn mặc chỉnh tề đi hai bên kiệu đức thánh, bố trí đoàn cầm cờ quạt, tàn lọng, bát bửu, loa dịch..cuối cùng là đoàn nhân dân đội lễ vật và người dự hội. Đoàn rước ăn mặc quần áo lễ hội đủ các mầu sắc rực rỡ, những người kiêng kiệu phải chay tịnh, đoàn rước được khởi hành từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 thì an vị. Theo trống lệnh đoàn rước xuất phát từ chùa theo hướng đông và về chùa theo hướng tây, theo đường “nghênh thần” đi một vòng quanh chùa và qua hai làng Hán Lý và Hào Khê, đến cổng tam vien (Mả Thầy), lệ rước này được quy định rõ ràng chưa bao giờ đi sai đường. Chiều lễ thánh tại sân đền.

          - Ngày 26 tháng 3: Lễ hội kỷ niệm ngày mất của đức thánh Nguyễn Minh Không. Đức thánh Nguyễn Minh Không sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn (1016) mất ngày 26 tháng 3, khi ngài hoa bay về trời, nhân dân địa phương trông theo ngài đến đống Mả Thầy thì biến mất, cho nên đã lấy ngày 26 tháng 3 là ngày giỗ và hàng năm tổ chức lễ hội kỷ niệm, trong lễ hội có các lệ như sau:

          Từ đêm ngày 25 tháng 3, tại chùa và đền, mỗi giáp đều phải sắm một lễ gồm: 1 mâm xôi và 1 con lợn, hoa quả, hương đăng... dâng lên đức thánh, trong lễ này có người đọc kệ, tức là đọc tiểu sử của đức thánh, do làng cử ra, phải có chân văn bằng.

          Sáng ngày 26 tháng 3 tổ chức tế đức thánh và thành hoàng đủ 5 tuần, đội tế nam này do các giáp chọn ra mỗi giáp từ 1 đến hai người. Trong thời gian lễ hội có tất cả 8 buổi tế (4 tế đức thánh và 4 tế thánh mẫu), gọi là tế thánh về trời, gồm nam phụ, lão ấu của hai xã Hào Khê và Hán Lý, tế lễ này phải kết thúc trước giờ ngọ, vì tương truyền vào giờ chính ngọ (12 giờ trưa) là giờ thiêng, thánh sẽ về trời.

          - Tối ngày mùng 1 tháng 4, đoàn rước của hai làng Hán Lý và Hào Khê lại rước trở về đình của làng mình. Đoàn rước của đình Hán Lý cũng được bố trí như khi đến đền, chùa Trông, chỉ có một điểm khác là đi đầu đoàn rước là những bó đuốc cháy sáng rực. Khi rước về đình, làm lễ an vị.

          Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, lễ hội đình Hán Lý không được tổ chức. Những năm gần đây, lễ hội được phục dựng trở lại, thời gian và các tục lễ đã rút gọn và đơn giản hơn xưa, phù hợp với đời sống hiện đại nhưng đã đáp ứng được cuộc sống tinh thần của nhân dân trong vùng.

          3. Khảo tả di tích:

          + Khái quát về phạm vi, quy mô, bố cục mặt bằng tổng thể của di tích: Khuôn viên di tích xưa với nhiều hạng mục công trình, nay chỉ còn đình Hán Lý khá nguyên vẹn có 402m2, với nhiều hạng mục công trình tín ngưỡng mới được xây dựng, hiện có hạng mục công trình: Nghi môn; Đình Hán Lý; Nhà khách; Công trình phụ.

          Đình Hán Lý được xây dựng vào thời nào? do ai đứng lên xây dựng thì không khẳng định được bởi các tài liệu thành văn như bia ký, sắc phong đều không còn. Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu, căn cứ vào quy mô kiến trúc và các di vật, cổ vật hiện lưu giữ tại di tích, chúng tôi cho rằng di tích được khởi dựng vào thời Nguyễn, công trình hiện nay được trùng tu vào năm 1946. Câu đầu tại toà đại bái còn ghi rõ: Càn Tốn cư chính vị; Bính Tuất niên trùng tư” nghĩa là Chính vị ngồi hướng Tây Bắc nhìn hướng Đông Nam. Trùng tu năm Bính Tuất (1946).

          Theo ý kiến của các cụ cao tuổi tại địa phương cho biết, đình Hán Lý trước đây nằm trong một cụm di tích gồm đình Hán Lý, chùa Trong và miếu Hán Lý, mặt tiền tiền quay hướng Đông Nam, trên một thế đất đẹp, phía trước có hai máng nước được gọi là râu rồng. Phía Tây Nam có ba gian nhà Mõ, dành cho người trông nom đình ở. Phía trước có cổng và tắc môn. Hai ao đình ở phía Đông và phía Tây. Ao phía Đông đình dành cho đàn ông tắm, ao phía Tây đình dành cho phụ nữ tắm, có bờ ngăn cách rõ ràng. Xa hơn một chút có tháp nghiên và tháp bút. Đây là những biểu tượng của đạo học, có thể trong vùng xa xưa có một văn chỉ (?). Năm 1949, cổng đình bị phá huỷ. Năm 1951, 1952, chùa và miếu bị thực dân Pháp tàn phá. Cụm di tích chỉ còn lại đình Hán Lý giữ nguyên được đến ngày nay.

          Trải qua năm tháng, cảnh quan đình nay có những nét đổi thay. Toàn bộ khuôn viên được bao bọc bởi tường xây kiên cố, phía trước là ao đình, ao đằng Đông và đăng Tây đã hoà chung làm một không còn bờ ngăn cách như xưa. Sau cổng là một khoảng sân rộng lát gạch đỏ, bên trái sân là cây đề cổ thụ xoè tán rộng toả bóng mát quanh năm. Ân hiện dưới tán lá đề là đình Hán Lý. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung nối liền nhau tạo thành không gian thờ tự khép kín.

          Toà đại bái có chiều dài 11,84m, rộng 6,33m, mái lợp ngói mũi truyền thống, xây tường hồi bít đốc, bờ nóc, bờ cánh mềm mại, các đấu vuông có nhiều đường gờ chỉ đẹp. Hai đầu nhà được gắn lạc long, miệng ngậm bờ nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Đầu hồi có hai trụ biểu, đấu vuông. Trên đấu gắn tượng nghệ chầu. Móng, tường xây bằng gạch chỉ. Mặt trước được lắp đặt sáu bộ cửa bức bàn. Kết cấu khung vì gồm 6 vì kèo chính nhưng lại được kiến tạo theo các phong cách khác nhau. Hai vì kèo gian trung tâm được kiến tạo một bên vì nách là các con chồng xếp khít lên nhau, một bên vì nách lại là các mảng chạm lá hoa long, các mảng chạm chỉ chạm một mặt, vì nóc kết cấu kiểu con chồng thước thợ. Hai vì kèo gian bên lại có kết cấu khác hai vì kèo gian trung tâm, các vì nóc có lối kết cấu theo kiểu kèo cầu trụ báng khá đơn giản, kỹ thuật chủ yếu là bào trơn, đóng bén. Trên các xà nách của các vì kèo gian trung tâm và gian bên chạm lá hoá long, các đầu bảy hiên chạm lá hoá long. Các nét chạm sâu, rõ và khá đẹp mang đậm phong cách thời Nguyễn. Các chi tiết của 4 vì kèo này có chất liệu là gỗ tứ thiết, khá chắc chắn. Các chân cột kê trên đá tảng quả bồng. Hai vì kèo áp hồi gác vào tường, trốn cột, vì nóc kết cấu kiểu trụ báng tạo cho không gian thờ tự thêm rộng rãi. Cùng với 6 vì kèo là các chi tiết như tàu, lá mái, xà, hoành mái, rui mái, gộp mái, thượng lương, được liên kết chặt chẽ với các vì kèo, làm cho công trình luôn đứng vững trước tác động của tự nhiên.

          Nối liền toà tiền đường là toà hậu cung, toà nhà này có chiều dài 4,77m, chiều rộng 4,75m. Công trình gồm 2 vì kèo, được kiến tạo theo phong cách: vì thứ nhất kiểu kèo cầu trụ báng đơn giản. Vì thứ hai vì nóc được kiến tạo là một bức chạm lưỡng long chầu nguyệt, dưới mặt nguyệt chạm chim phượng. Vì thứ ba vì nóc chạm lưỡng long chầu nguyệt, hai vì nách một bên chạm chim phượng, một bên chạm rùa đang núp dưới hoa sen và sóng nước thuỷ ba. Tất cả các mảng chạm chỉ chạm một mặt với kỹ thuật chạm lộng, nét mềm mại và khá sinh động. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống.

          Do thời gian và mưa nắng xâm thực, một số hạng mục của công trình không tránh khỏi sự xuống cấp. Tại một số cột, hoành và rui của toà đại bái và hậu cung đã bị mối mọt, hư hại cần có các biện pháp khắc phục kịp thời tạo nên sự khang trang cho di tích.

          Đình Hán Lý là nơi tôn thờ Thành hoàng làng là Tam nguyên Đường cát tướng quân, huý Phổ Độ có công dẹp giặc Chiêm Thành, đem lại thái bình cho đất nước. Tiểu sử và công lao ông được ghi chép rất rõ trong thần tích - thần sắc lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội Hà Nội, trong câu đối, đại tự và và lưu truyền trong nhân dân từ xưa tới nay. Nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của vị Thành hoàng làng giúp ta hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi của cha ông. Lễ hội truyền thống từng diễn ra tại di tích là những nét đẹp của văn hoá phi vật thể cần được khôi phục và phát triển.

          Đình Hán Lý được khởi dựng vào thời Nguyễn, trùng tu, tôn tạo vào năm 1946 và những năm gần đây. Công trình tôn giáo này là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Trải qua hai cuộc kháng chiến gian lao, ngôi đình vẫn được gìn giữ, tu bổ và phát huy tác dụng khá tốt. Kiến trúc của di tích hiện còn mang đậm phong cách thời Nguyễn với những bức chạm lá hoá long trên đầu bảy, xà nách, lưỡng long chầu nguyệt, chim phượng trên vì nóc, vì nách của các vì kèo, chất liệu mộc chủ yếu là gỗ tứ thiết, đặc biệt là phần ngõng cửa và tảng kê chân cột bằng đá quả bồng. Đây thực sự là những tiêu bản quí khi khôi phục và trùng tu các công trình cùng thời.

          III. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÂP TỈNH ĐÌNH HÀO KHÊ

          Di tích đình Hào Khê, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Di tích được gọi theo tên làng Hào Khê trong quá trình hình thành và phát triển.

          1. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

          a) Nhân vật được thờ:

          Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã, câu đối, đại tự tại di tích và truyền ngôn trong nhân dân cho biết: Đình Hào Khê thờ Thành hoàng làng là Lý Chiêu Hoàng - Vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý. Tiểu sử của vị Thành hoàng có thể tóm tắt như sau:

          Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, còn có tên khác là Lý Thiên Hinh sinh năm Mậu Dần (1218), tại Kinh đô Thăng Long, Đại Việt, là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và Thuận Trinh Thái hậu Trần Thị Dung. Bà là nữ hoàng duy nhất của lịch sử Việt Nam, vị hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý (từ năm 1224 đến năm 1225).

          Khi bà chào đời (được phong là Chiêu Thánh Công chúa), nhà Lý lúc này đã ở vào thời kỳ suy tàn. Cha của bà là Lý Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh, không thể cáng đáng nổi việc triều chính. Do không có con trai, ông đã xuống chiếu lập Lý Chiêu Hoàng làm Hoàng Thái tử và nhường ngôi cho cô Công chúa mới 6 tuổi với tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Sau đó, Lý Huệ Tông xuất gia đi tu với niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.

          Sau khi kết hôn cùng Trần Cảnh, ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu, Chiêu Hoàng có chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Ngày 11 tháng 12 năm Ất Dậu (tháng 1/1225) Chiêu Hoàng thiết triều ở điện Thiên An ngự trên giường báu, các quan mặc triều phục lạy ở sân Rồng. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự, mời Trần Cảnh lên ngôi vua. Trần Cảnh lên ngai vàng chính thức làm Hoàng đế niên hiệu Trần Thái Tông, Chiêu Hoàng được sắc phong làm Hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Sau khi nhường ngôi cho Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử Việt Nam khi mới 7 tuổi. Bà chung sống với Trần Thái Tông Hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng. Do không có con, nhà Trần đã ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên Công chúa (lúc này đang là vợ của Trần Liễu, anh trai của nhà vua) và giáng Chiêu Thánh xuống làm Công chúa. Chiêu Thánh đau khổ, ẩn trong cung sâu, toan dứt nợ trần tục.

          Hai mươi năm sau, tròn 40 tuổi, hạnh phúc lại đến với Chiêu Hoàng. Mùng một Tết năm Mậu Ngọ (1258), trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1258) tướng Lê Tần lập được nhiều chiến công, đặc biệt là công cứu Trần Thái Tông trong một trận đánh khốc liệt. Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, cảm kích trước công cứu mạng và chiến công của Lê Tần, Trần Thái Tông không chỉ phong tước cho Lê Tần (được vua đổi tên là Lê Phụ Trần) mà có lệnh gả Lý Chiêu Hoàng cho ông. 20 năm chung sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con: Lê Tông sau được phong tước Thượng Vị hầu và Ngọc Khê sau phong là Ứng Thụy Công chúa.

          Đầu năm Mậu Dần, tháng 3, niên hiệu Bảo Phù thứ 6 (1278), Chiêu Thánh Công chúa qua đời, thọ 60 tuổi. Tương truyền, bà về thăm quê Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thì qua đời tại đó, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như tô son, đôi má vẫn một màu hoa đào. Bà được an táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Đền thờ của bà hiện nay tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, còn gọi là đền Rồng. Tháng 1 năm 2009, đền Rồng được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hàng năm, vào dịp lễ hội đền Đô (15/3 âm lịch) người dân lại rước kiệu của bà từ đền Rồng về đền Đô để bà được gặp vua cha và các vị vua triều Lý.

          Đối với nhân dân thôn Hào Khê, theo truyền ngôn cho biết: Vào giữa mùa Thu, tháng 8 âm lịch, trong chuyến vi hành qua địa phận Hào Khê, bà ngự giá lên bờ ngắm cảnh (nơi bà ngự sau này nhân dân gọi là khu vườn Vua). Chứng kiến cảnh nhân dân trong làng làm ăn vất vả, bà đã động viên nhân dân hăng hái lao động, sản xuất, làm ăn buôn bán và hướng đạo cho dân làm việc thiện. Từ đó, nhân dân làm ăn phát đạt, con cháu đầy đàn hưởng phúc lộc của bà. Để tỏ lòng thành kính, tri ân công lao của bà, người đời sau đã tôn bà làm Thành hoàng làng và xây dựng đình thờ phụng.

          b) Sự kiện lịch sử:

          Đình Hào Khê là địa điểm diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ III Chi bộ Hưng Long vào cuối năm 1949. Đại hội đã tập trung kiểm điểm đánh giá những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế tìm ra nguyên nhân, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 1949 - 1950.

          Ngôi đình cũng là nơi diễn ra Hội nghị Chi bộ khẩn cấp để quán triệt nhận định của Huyện ủy về tình hình địch và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu khi địch mở chiến dịch Đi-a-bô-lô đánh chiếm Phủ Ninh Giang và các huyện phía nam tỉnh Hải Dương đêm ngày 22/12/1949.

          Hiện nay, đình Hào Khê là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

          2. Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến di tích

          a) Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945:

          Qua tư liệu khảo sát, điền dã và lời kể của các cụ cao niên tại địa phương, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, việc tế lễ, hội hè tại di tích trong một năm được diễn ra như sau.

          Ngày 8 tháng 4 (âm lịch) hàng năm, nhân dân tổ chức lễ sang hè (lễ kỳ an hay lễ tiễn thuyền) với mục đích cầu bình an cho dân làng. Lễ vật gồm một chiếc thuyền bằng cốt tre, dán giấy bạc có độ dài khoảng 5m, rộng 1,2m. Đúng 20 giờ 30 phút dân làng cử 10 người trong trang phục áo nậu, thắt đai đỏ, chít khăn đỏ, vàng khiêng thuyền chạy ra sông Luộc hóa (nay là kênh T10 hay còn gọi là sông Máng). Nghi lễ thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

          Từ ngày 14 - 15/8 (âm lịch): Tổ chức lễ hội đình Hào Khê nhân kỷ niệm ngày bà Lý Chiêu Hoàng vi hành về Hào Khê, trọng hội là ngày 14. Đây cũng là lễ hội lớn nhất trong năm được diễn ra tại di tích.

          Trước Cách mạng tháng Tám, xã Hào Khê có 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc. Đến kỳ lễ hội, mỗi giáp chuẩn bị một mâm lễ để dâng lên Thành hoàng và tổ chức thi cỗ. Giáp nào thắng sẽ được thưởng tiền. Khi tế lễ xong thì biếu vị tiên chỉ, các vị lão từ 60 tuổi trở lên, những người hành văn, chức sắc văn bằng, còn lại thì phân phát cho cả làng từ hương ẩm trở lên. Những người được vào dự lễ trong làng là kỷ lão, hương lý và những người có chân văn bằng, vị thứ nhưng khi nào tế thì chỉ cắt khoảng 20 - 30 người. Ai phẩm hơn thì vào Mạnh bái, Lý phó trưởng đặt tả văn, đọc văn; Chánh phó hội đặt thông họa xướng, các vị có chân văn bằng hay vị thứ thì hộ lễ. Những người dự tế phải dùng mũ, áo, hia hoặc giầy. Khi tế lễ kiêng tên húy hiệu vị Thành hoàng. Những người vào dự tế phải trai giới, tắm gội sạch sẽ. Nếu ai có tang trở gì thì không được vào dự hội. Ai phạm lỗi không kiêng tên húy thần hay lúc đồng dân có việc tế lễ mà nói hỗn hào, làm mất trật tự thì dân bắt vạ theo tục làng, phạt từ 1 hào đến 1 đồng, hạn trong 3 ngày phải nộp cho đồng dân tiền ấy để sửa lệ tạ thần. Nếu người bắt vạ tự cho mình là oan thì có thể kêu với dân và quan trên xét lại. Nếu xét quả thực oan uổng thì sẽ tha cho. Nếu phải vạ mà không nộp thì phải phạt vị thứ đình chung trong một năm, nộp rồi thì không mất quyền lợi gì.

          Sáng ngày 14 các giáp rước lễ ra đình tế lễ. Đội tế nam gồm 18 người, trong đó có 1 chủ tế, 2 bồi tế, 2 thông xướng (đông xướng, tây xướng), 1 nội tán và 12 chấp sự trong trang phục áo dài thụng màu xanh, quần trắng, mũ và hia xanh. Riêng chủ tế mặc áo vàng, mũ vàng, hia vàng. Tế đủ 5 tuần: Hương hoa, đăng trà, quả thực, đọc chúc và lễ tất. Buổi chiều tổ chức trò chơi dân gian như cầu kiều, thi bắt vịt tại ao đình, đánh cờ người tại sân đình. Buổi tối cùng ngày tổ chức chương trình văn nghệ hát nhà tơ, hát chèo, diễn tuồng... Chiều ngày 15/8 làm lễ an vị, kết thúc lễ hội.

          Ngoài các ngày lễ tiết trên, lễ hội đình Hào Khê còn có liên quan mật thiết đến lễ hội đền, chùa Trông vì đây là một di tích lớn trong vùng, được xây dựng tại khu vực giáp gianh giữa hai thôn Hào Khê và Hán Lý; nơi thờ 4 vị cao tăng thời Lý, trong đó có Minh Không Thiền sư - Người được triều đình xuống chiếu giao cho hai xã Hán Lý và Hào Khê xây đền và phụng thờ sau khi Ngài qua đời. Lễ hội truyền thống chùa Trông còn là lễ hội chung của hai làng Hào Khê và Hán Lý vì xa xưa nguyên là một làng. Hiện nay, di tích thuộc địa phận thôn Hào Khê.

          Lễ hội truyền thống chùa Trông hàng năm được mở từ ngày 15/3 đến ngày 01/4 (âm lịch), với nhiều nghi lễ khác nhau, trong đó có các lễ tiết quan trọng như: lễ rước nước (15/3); lễ rước các thành hoàng về chùa Trông (16/3), lễ rước xuất đông nhập tây (20/3); lễ tế Thánh về trời (26/3), lễ rước các thành hoàng làng hồi đình (01/4). Đây là lễ hội có quy mô toàn xã, theo truyền thống từ xưa có sự tham gia của các di tích tại các làng Hán Lý, Hào Khê, Trại Hào. Cho nên lễ hội đình Hào Khê là một thành phần không thể thiếu trong không gian chung của lễ hội chùa Trông, với các hoạt động như: lễ rước ngày 16/3, 20/3, lễ tế Thánh về trời (26/3), lễ rước các thành hoàng làng hồi đình (01/4).

          Sáng sớm ngày 16 tháng 3, nam phụ lão ấu đã tập trung tại đình Hào Khê để rước long đình, kiệu (trên kiệu có ngai, bài vị Thành hoàng) sang đền, chùa Trông. Cùng với đoàn rước của đình làng Hào Khê còn có đoàn rước của đình làng Hán Lý (cùng xã). Kiệu do các thanh niên khỏe mạnh khiêng, theo sau là đoàn các cụ già đội lễ vật, cờ, trống, bát bửu... Hai làng đã có quy định đúng 8 giờ có mặt tại sân chùa Trông. Tới nơi đặt ngai và bài vị ở 2 bên tượng đức Thánh, hai vị Thành hoàng được dân gọi là Nhị vị Đại vương. Khi các vị đã được an tọa chu đáo mới làm lễ tế, lễ đức Thánh và Nhị vị Đại vương. Đội tế nam gồm Chánh phó hội, Tiên thứ chỉ, Chánh phó lý, Trương tuần, Khán thủ mặc quần áo tế, đi hia, áo thụng. Sân tế lúc này có 3 mạnh bái: Mạnh bái giữa tế đức Thánh, 2 mạnh bái hai bên tế Nhị vị Đại vương. Ở hàng dưới của ba mạnh bái có 6 vị bồi tế, tế đủ 5 tuần là: hương hoa, đăng trà, quả thực, đọc chúc văn và lễ tất.

          Ngày 20 tháng 3: Lễ rước xuất đông nhập tây (lễ rước đi từ hướng đông về hướng tây vòng quanh chùa). Lễ rước này bắt nguồn từ khi quan Thượng thư Đoàn Đình Duyệt (1), người xã Đào Lạng, huyện Vĩnh Lại, nay thuộc xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là người chịu hậu bên ngoại (giỗ bên quê mẹ) ở Hào Khê về xây dựng tam quan vào thế I kỷ XIX. Đây là khóa lễ quan trọng nhất trong lễ hội đền, chùa Trông.

          Đoàn rước gồm 3 kiệu, khởi hành lúc 9 giờ 30 phút từ chùa Trông theo hướng đông, theo đường "nghênh thần" đi một vòng quanh chùa và qua hai làng Hán Lý và Hào Khê, đến cổng Tam Viên (Mả Thầy) về chùa theo hướng tây, đúng 11 giờ 30 thì làm lễ an vị.

          Sáng ngày 26 tháng 3 tổ chức lễ tế Thánh về trời. Đây là một trong ba lễ trọng của mùa hội đền, chùa Trông nên được tổ chức rất trang nghiêm. Nam phụ, lão ấu của hai xã Hán Lý và Hào Khê tập trung xung quanh sân đền để hưởng ứng lễ tế Thánh về trời. Lễ tế này được kết thúc trước giờ Ngọ, vì tương truyền vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) là giờ thiêng, Thánh sẽ về trời.

Vào 19 giờ ngày mồng 1 tháng 4, dân làng rước kiệu Thành hoàng về đình làng của mình. Đoàn rước cũng được bố trí như khi đến đền, chùa Trông, chỉ có một điểm khác là đi đầu đoàn rước là những bó đuốc cháy sáng rực. Khi rước về đình làm lễ an vị.

          Ngoài các nghi lễ nêu trên, xen kẽ các ngày lễ, nhân dân địa phương còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Múa rối nước, hát chèo, múa hoa đăng, tổ tôm điếm, đấu vật...làm cho lễ hội càng thêm phong phú về hình thức, sâu sắc về nội dung, trở thành lễ hội có quy mô lớn, mang đậm nét văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Lễ hội đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, không chỉ có tác dụng làm thỏa mãn nhu cầu giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống mà còn thiết thực củng cố khối đoàn kết cộng đồng toàn dân, tạo thành nét đẹp văn hóa của đất và Người xứ Đông xưa, Hải Dương nay.

          b) Lễ hội ngày nay:

          Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, lễ hội đình Hào Khê không được tổ chức. Năm 1991, lễ hội được khôi phục trở lại và vẫn duy trì vào tháng 8 (âm lịch) trong 2 ngày (ngày 14, 15) nhân dịp kỷ niệm ngày bà Lý Chiêu Hoàng vi hành về Hào Khê.

          Sáng ngày 14 - ngày trọng hội, đúng 8 giờ lễ khai mạc được bắt đầu. Sau các nghi thức của buổi lễ như tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, diễn văn khai mạc, tóm tắt lịch sử di tích và công trạng của vị Thành hoàng là lễ dâng hương. Sau lễ dâng hương là nghi lễ tế Thành hoàng do hai đội tế nam, nữ thực hiện. Kết thúc lễ tế, tại sân và ao đình diễn ra các trò chơi dân gian: Đi cầu kiều, bắt vịt, cờ tướng, kéo co, đấu vật. Buổi tối, tổ chức giao lưu hát chèo giữa các thôn trong xã và tiết mục văn nghệ của các tổ chức, đoàn thể như: Hội người cao tuổi, thanh thiếu niên...

          Ngày 15, buổi sáng phần hội vẫn tiếp tục được diễn ra với các trò chơi dân gian vô cùng sôi nổi, hấp dẫn. Buổi chiều, làm lễ an vị, kết thúc lễ hội. Tại lễ hội, địa phương kết hợp phát quà cho các cháu thiếu nhi vì đây cũng là ngày tết Trung thu.

          Hiện nay, hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 (âm lịch), nhân dân vẫn tổ chức rước Thành hoàng làng ra bái yết đức Thánh Minh Không trong lễ hội đền, chùa Trông. Thời gian, quy trình rước vẫn như xưa nhưng hình thức có phần đơn giản hơn, phù hợp với đời sống mới nhưng vẫn đã đáp ứng được nhu cầu tinh thần, văn hóa tín ngưỡng tâm linh của nhân trong vùng.

          Ngoài ngày lễ chính, vào các ngày sóc vọng hàng tháng, lễ tết trong năm đều tổ chức dâng hương nhưng đơn giản hơn do các thành viên Ban khánh tiết thực hiện.

          3. Kiến trúc

          Đình Hào Khê tọa lạc trên một khu đất có diện tích 810m2, khuôn viên di tích có tường bao bảo vệ gồm các hạng mục công trình mới xây dựng: Nghi môn; Đình Hào Khê; Am hóa vàng.

          Đình Hào Khê được khởi dựng vào năm nào đến nay chưa tìm thấy tài liệu ghi chép. Căn cứ vào kết quả khảo sát, điền dã và truyền ngôn trong nhân dân cho biết: Ngôi đình xưa được khởi dựng từ thời Nguyễn (TK XIX) trên khuôn viên rộng gần 6000m2, với kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái, 3 gian hậu cung, chất liệu bằng gỗ tứ thiết, các mảng hoa văn được chạm khắc theo đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Ngoài đình chính, di tích gồm các công trình phụ trợ như: hai dãy giải vũ, nghi môn, tắc môn, thủy đình và nhà thủ nhang.

          Năm 1950, thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến, đình bị hạ giải hoàn toàn để lấy vật liệu làm nhà kho, làm cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 1991, được su nhất trí của chính quyền địa phương, các cụ trong làng đã vận động nhân dân, quý khách thập phương và những người con xa quê công đức khôi phục lại đình để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Năm 1999 công trình được trùng tu, tôn tạo. Đến năm 2021, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân địa phương phát tâm công đức và bằng nguồn xã hội hóa xây dựng ngôi đình khang trang như hiện nay với kinh phí lên đến 2 tỷ đồng. Công trình được khởi công vào ngày 06/4/2021, khánh thành ngày 19/11/2021.

          Hiện tại, di tích có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái, 2 gian hậu cung, chất liệu bằng bê tông cốt thép sơn màu giả gỗ. Di tích được bao quanh bởi hệ thống tường bao xây bằng gạch chỉ, đắp theo kiểu mái, lợp ngói ống, xung quanh trang trí hoa triện dây.

          Từ ngoài vào là nghi môn, người dân địa phương thường gọi là cổng đình, cánh cổng làm bằng sắt với mục đích bảo vệ và giữ gìn an ninh, trật tự. Nghi môn xây theo kiểu tứ trụ uy nghi bằng chất liệu gạch, trát vữa, gồm 3 cửa: tả môn, hữu môn và chính môn. Cửa chính cao, rộng gồm hai trụ, thân trụ vuông thành sắc cạnh, phía trên tạo hình lồng đèn vuông, đắp đề tài "tứ linh, tứ quý". Đỉnh trụ đắp đôi nghê trong tư thế chầu. Hai mặt thân trụ đắp đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công ơn của vị Thành hoàng làng. Hai cổng phụ có kết cấu giống nhau, không để cửa đi lại mà xây kín. Hai trụ bên giống hai trụ chính nhưng thấp hơn, kích thước nhỏ hơn và được nối với 2 trụ chính bởi một đoạn tường thấp, tạo thành bức bình phong đắp chữ “Thọ”. Đỉnh trụ đắp 4 con phượng đuôi hướng thiên. Sau nghi môn là một khoảng sân rộng, lát gạch vuông đỏ. Tại sân đình đặt bát hương và đôi đèn bằng chất liệu đá.

          Tiếp sau là tòa đại bái 5 gian dài 15,7m, rộng 8,2m, xây trên nền cao cách mặt sân 5 bậc cấp. Các bậc cấp được ghép bằng các phiến đá màu xám, cạnh bậc trang trí cánh sen. Hệ thống mái tòa nhà dựng kiểu "đao tàu déo góc", lợp ngói mũi truyền thống. Các đầu đao đắp nổi "rồng chầu phượng mớm', bờ nóc đắp "lưỡng long chầu nhật". Gối đỡ mặt nhật là hình tượng mặt "hổ phù" hai chân dang rộng. Hai đầu bờ nóc là hai con kìm trong tư thế quỳ, miệng ngậm bờ nóc, đuôi vắt lên đấu. Bờ dải đắp đôi nghê trong tư thế chầu vào nhau. Hệ thống cửa bằng gỗ làm theo kiểu "thượng song hạ bản", sơn màu nâu đỏ, các mảng chạm khắc tập trung ở mặt ngoài. Tại cửa chính trang trí đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng). Hai cửa bên trang trí đề tài tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Toàn bộ hệ thống vì kèo bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, làm theo kiểu "con chồng giá chiêng" chia lòng nhà thành 5 gian. Các mảng hoa văn được đắp vẽ theo đề tài lá lật truyền thống dựa theo kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống cột cái, cột quân, thượng lương làm bằng bê tông sơn màu giả gỗ. Rui, mè được làm bằng gỗ tứ thiết, nền lát gạch vuông đỏ. Hệ thống bẩy hiện được đắp vẽ theo đề tài lá lật truyền thống. Các cột trụ bên ngoài làm bằng bê tông, sơn màu giả đá. Hai bên cột hiên đắp hai đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi công lao của vị Thành hoàng với dân, với nước.

          Tiếp sau tòa đại bái là tòa hậu cung 2 gian dài 6,48m, rộng 4,15m xây tường hồi bít đốc. Hệ thống cửa cung cấm bằng gỗ, được làm theo kiểu "thượng song hạ bản", hai cửa nách kiểu "bức bàn" tạo sự kín đáo, thâm nghiêm nơi thờ Thành hoàng. Hệ thống cột, vì kèo cũng làm bằng bê tông, cốt thép sơn màu giả gỗ, được đắp vẽ theo kiểu lá lật truyền thống, gắn các bức đại tự và câu đối được sơn son thếp vàng với nội dung ca ngợi công lao của vị Thành hoàng. Hậu cung có hai vì kèo, kiến trúc giống tòa đại bái. Tại đây, có ba ban thờ được đặt trên bệ cao xây bằng gạch. Chính giữa là ban thờ Thành hoàng Lý Chiêu Hoàng, phía trên có ngại, tượng Thành hoàng đặt trong khám thờ. Tượng được tạc bằng chất liệu gỗ sơn son thếp vàng, trong tư thế ngồi ngự trên ngai vàng với khuôn mặt tròn phúc hậu, thân mặc áo giao lĩnh, móng tay và móng chân tô son đỏ. Hai bên khám có bảy roi thờ và đôi hia. Phía trước là ngai, trong có bài vị khắc dòng chữ Hán ghi húy hiệu của Thành hoàng cùng các đồ thờ tự bát hương, đèn nến. Hai bên ban thờ Thành hoàng là ban thờ 2 vị quan văn, quan võ thời Lý (không rõ danh tính).

          IV. CỤM DI TÍCH ĐÌNH - ĐỀN VĂN DIỆM

          Cụm di tích đình - đền Văn Diệm thuộc thôn Văn Diệm, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Đình Văn Diệm cách đền Văn Diệm khoảng 100m về phía Tây Nam. Đình - đền Văn Diệm gắn với tên thôn từ trong lịch sử.

          Đình - đền Văn Diệm nằm tại giữa thôn Văn Diệm. Mặt tiền của đình quay hướng Tây. Phía Đông, Nam giáp đường và khu dân cư, phía Tây và Bắc giáp khu dân cư. Mặt tiền của đền cũng quay hướng Tây, phía trước là đường thôn và ao đền. Phía Nam giáp đường và khu dân cư, phía Đông, Bắc giáp khu dân cư. Cụm di tích toạ lạc trên một khu đất cao ráo, gần đường và có hướng phát triển.

          Theo “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Thái (1930 - 2009) xuất bản tháng 2 năm 2010, thì xã Hưng Thái ngày nay trước cách mạng tháng 8 năm 1945 có tên là xã An Lý, thuộc tổng Văn Hội, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Xã An Lý gồm có ba thôn: Triền Thượng, Triền Đồng và Văn Diệm. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, hai thôn Triền Đồng và Triền Thượng sáp nhập, gọi chung là thôn An Lý cùng với thôn Văn Diệm có tên là xã An Lý. Tháng 5 năm 1947, xã An Lý sáp nhập với xã Hưng Long, lấy tên là xã Hưng Long. Lúc này, xã Hưng Long gồm có bốn thôn: Hán Lý, Văn Diệm, An Lý và Hào Khê. Tháng 9 năm 1956, xã Hưng Long lại được tách ra làm hai xã: Hưng Long và Hưng Thái (Xã Hưng Long gồm hai thôn Hán Lý và Hào Khê; Xã Hưng Thái gồm hai thôn An Lý và Văn Diệm).

          Thực hiện Nghị quyết số 788/NQ - UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc "sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương". Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Hưng Thái vào xã Hưng Long.

Nghề đan dậm ở Văn Diệm hộ trong làng làm nghề này. Trước năm 1963, dậm được đan dân làng đi khai hoang ở Bắc Giang phát hiện cây dùng, một loại tre dóng dài, dễ chẻ nan lại dẻo dai, rất phù hợp với việc đan dậm. Từ đó đến nay cây dùng trở thành nguyên liệu chính của nghề đan dậm. Từ rất sớm trong nghề sản xuất dậm đã có sự phân công lao động chuyên sâu. Cả làng Văn Diệm đan dậm nhưng chỉ có một số ít gia đình chuyên làm cạp dậm. Dậm Văn Diệm chủ yếu được bán buôn. Trước đây, nghề đan dậm mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân nơi đây, nên trong dân gian còn lưu truyền câu ca “Lắm thóc làng Triều, lắm tiền Văn Diệm”. Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân các loài thuỷ sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, việc đánh bắt thuỷ sản giảm sút mạnh. Nhu cầu về ngư cụ nói chung và dậm nói riêng giảm mạnh. Từ đó, nghề đan dậm chỉ còn duy trì ở một số ít hộ ở làng Văn Diệm.

          Hưng Long là một miền đất có lịch sử phát triển lâu đời. Mỗi thôn làng đều có dấu ấn văn hoá. Trước đây, tại thôn Văn Diệm có hai ngôi chùa cổ đó là chùa Giác Linh (tên nôm là chùa Cả) và chùa Tối Linh (tên nôm là chùa Cũ). Chùa Cả gồm 7 gian tiền đường và 2 gian hậu cung, xây bít đốc. Phía sau chùa có 5 gian nhà tổ quay hướng Tây và 3 gian nhà tạo soạn quay hướng Nam. Chùa có hệ thống tượng đẹp. Năm 1970, chùa bị giải hạ để lấy nguyên vật liệu làm trường học và gạch rải đường. Công trình đến nay chưa khôi phục lại được. Chùa Cũ được xây dựng vào thời Nguyễn, gồm 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Năm 1973, chùa bị phá huỷ, nay nền đất của chùa là nhà văn hoá thôn. Hiện tại, thôn Văn Diệm chỉ còn cụm di tích: Đình - đền Văn Diệm. Thôn An Lý có một ngôi đình thờ 3 vị Thành hoàng: Cao Sơn, Quý Minh và Hiển Khánh, khôi phục vào năm 2008 và một ngôi đền Cô. Những di tích bị tàn phá, nhân dân đã và đang từng bước khôi phục, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng.

          1. Sự kiện và Nhân vật được thờ tại cụm di tích:

          * Nhân vật thờ tại đình

Căn cứ vào hệ thống sắc phong, thần tích - thần sắc, câu đối, đại tự hiện lưu giữ tại di tích và lưu truyền trong nhân dân từ xưa tới nay, thì đình Văn Diệm tôn thờ Thành hoàng làng là Trần Hương Đăng, có công giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục. Thân thế và sự nghiệp của ông có thể tóm tắt như sau:

          Đương triều Hùng, nước ta thế truyền tại phường Phong Thịnh, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, châu Ái có một ông họ Trần, tên huý là Vịnh, lấy vợ người thôn Văn Diệm, xã An Lý, tổng An Hội, huyện Hải Hồng, quận Hải Dương. Bấy giờ vùng đất châu Ái nạn trộm cắp nổi lên khắp nơi. Các bậc thủ lĩnh nghe tin Vịnh công vốn gia truyền văn chữ. Đến đời Công lý số nho y quán triệt, bói toán tinh thông. Dân chúng hết lòng khuyên Công làm thầy xem bói, đoán việc binh. Công không nhận, liền ký gửi chúc thư gia sản cùng đường lệ tông tộc, từ đó tránh đi nơi khác. Rồi đến thẳng thôn Văn Diệm, xã An Lý, tổng An Hội, huyện Hải Hồng, quận Hải Dương, làm nghề bốc thuốc, dân được nhờ rất nhiều.

          Về sau Công xin ở và trông giữ cảnh chùa. Nhân dân thấy Công đức hạnh, chất phác nên yêu mến và bằng lòng. Bấy giờ, trong ấp (tức thôn Văn Diệm) có một gia đình họ Vũ sinh được một người con gái nhan sắc phương phi, công dung ngôn hạnh, mới 21 tuổi. Khi thấy Trần công hiếu nghĩa, đức hạnh, tài tử vào nhà họ Vũ, Vũ công liền với Vịnh công đến gả cho. Công lấy được con gái Vũ công (tên là Đôn) làm vợ. Từ đó, gia đạo ngày thêm hưng thịnh. Được vài năm, gia đình giàu có, sung túc, Công liền tạo tượng, đúc chuông, tu sửa chùa cùng các mộ hồn cô đơn. Vợ chồng lấy nhau đã được 5-6 năm mà chưa có con, một hôm thái bà nằm dưới Phật đường (nhà thờ Phật) mộng thấy báo rằng: “Họ Trần nhà ngươi vốn trước căn bản tu nhân tích thiện, hơn nữa lại trùng tu phúc quả. Nay phật đường chiếu sáng đến lòng đôn hậu, ứng báo cho một vị quảng thiện Bồ đề, giáng phù dương quốc, đầu nhập vào nhà ngươi làm con”. Lại thấy một người áo mũ chỉnh tề từ trước án bước ra. Hành lễ xong, thái bà trở về nhà, lại thấy người đó theo sau. Bà nói với phu quân đầu đuôi câu chuyện.

          Công nghe vậy, nói: “Điểm mộng quả đúng như vậy thì nhà ta phúc hậu, nhất định nương sẽ có thai”. Được vài tháng, thái bà quả nhiên có thai. Ngày 11 tháng 11 năm Đinh Mùi, sinh được một người con trai, thể diện khôi ngô, tuấn tú, mắt phượng, mày ngài, hàm én, đầu rồng đặt tên là Hương Công. Năm 7 tuổi cho đi học, vốn học tinh thông, văn chương quán triệt, tính bẩm khoan hoà, lời nói thận trọng. Bấy giờ, Vịnh công đã 50 tuổi, hơn 20 năm chưa về quê cũ. Công hành lễ bái tạ trước Phật, cáo từ ngoại đường, phụ mẫu về thăm cố hương (tức phường Phong Thịnh, huyện Sơn Đông) tu sửa gia đường, lập nghiệp. Được một năm, Công đột ngột qua đời. Từ đó gia đình thanh bạch, mẫu tử cô đơn, năm tháng chuyên cần bảo vệ nghiệp nhà, nhật dùng ngũ thường, hương đảng đều khen là bậc hiền phụ.

          Bấy giờ, ở chòm Hưng Diệm, trang An Triền bỗng nổi lên bệnh tật không yên. Già, trẻ, người, vật hết thảy đều bị bệnh. Đến lúc lập đàn chay giới để cầu đảo, lập đàn lành lễ xong, nhân dân các họ tộc (ở chòm Hưng Diệm có các họ: Nguyễn, Trương, Bùi, Đỗ, Dương, Trần, Lê, Tăng, Đào, Tạ) đều mộng thấy một quan nhân đai giáp huy hoàng, mình cưỡi bạch mã (ngựa trắng) báo rằng: “Ta là Già Lam chúa tể, nắm giữ chùa nơi chúng dân, dân chúng muốn yên thì ngay cấp tốc đón Hương Công vốn là Bồ tát giáng sinh để phù dương quốc, giúp phúc nhà. Trời đã định sinh nơi dân chúng để làm phúc thần nơi dân. Bởi vậy, đón về nhậm quyền làm chúa tể nơi dân, tất do trời, không nên oán thán khí đất không hưng, dân sẽ tự yên”. Ngay hôm đó, nhân dân cắt sai các tộc về châu quán đón Trần Công về trông coi chùa của dân. Khi đến quán sở thì Trần Công đã mất, chỉ còn thái bà và Hương Công, nhân dân liền đón về. Vừa đến nơi dẫn ấp, dẫn, vật bệnh tật tự yên. Nhân dân đều ra đón trở lại chùa nhà và hành lễ bái tạ chúc mừng. Mọi người xin làm tôi con Hương Công và nói tình hình giấc mộng để thái bà và Hương Công biết.

          Khi Công 15 tuổi trí dũng hơn người, lực năng cử đỉnh, văn võ tinh thông. Năm Công 16 tuổi, thái bà qua đời. Từ đó, Công thường nhàn du ngắm cảnh núi sông, hư hoa ngạo tuyết. Thời thế yên bình vui vẻ, quốc triều mở khoa thi tuyển hiền lương phương chính học vấn sâu rộng, văn võ kiêm toàn. Nghe tin, Công lập tức đến kinh thành ứng thí. Vua hỏi thi tài, Công đối đáp lưu loát, văn võ tinh thông, không chỗ nào là không biết. Vua rất khen, lập tức phong làm “Lễ bộ tham tri”. Từ đó, quần thần hiệp đức, thiên hạ thanh bình, phủ trung vô sự. Công xin vua trở về quê quán bái yết gia đường (tức phường Phong Thịnh). Được hơn một tháng, Công lại trở về quê ngoại (tức chòm Hưng Diệm, trang An Triền), ban thưởng cho nhân dân gia thần hoàng kim 10 hốt để làm vốn chung mua ruộng đất phục vụ hương hoả về sau. Tu sửa cung sở, nhân dân đều hết thảy phấn khởi phụng mệnh lĩnh hội. Công dừng xe lưu binh mấy chục ngày, lại cử giá hồi triều bái yết bệ hạ và nhận chính sự ở quận lỵ Hải Dương. Trải qua mấy năm, trong quận đều thanh bình. Sau lại đổi làm quận trưởng đạo Sơn Nam.

          Được hơn 5-6 năm, bấy giờ cơ đồ nhà Hùng đã đến cuối đời, thế nước đã hết. Vua Duệ Vương nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh. Sơn Thánh không chịu nhận, muốn phụ giúp quốc chính. Bấy giờ, vua An Dương Vương nước Thục từ xa nghe tin nước Nam Duệ Vương không có con cả nối ngôi liền tích trữ binh lương hơn ba vạn đến đánh Duệ Vương để chiếm nước. Chúng phân làm hai đạo quân thuỷ và bộ. Một đạo theo đường bộ đem 15 vạn hùng binh, 1.000 danh tướng, theo sau 8.000 cỗ ngựa từ cửa ải tiến đến chiếm cứ Côn Luân, Bắc Tạ, Tụ Long, Bảo Lạc đến Đại Man Châu, Tuyên Quang, Hoàng Nham Châu, Luân Châu, Tấn Châu, Mãn Châu, tiến đến Hưng Hoá, Văn Bàn, Thuỷ Vĩ, Mộc Châu, Mai Châu, Phù Tốn Châu. Thuỷ đạo của quân Thục cùng xuất tàu thuyền 5 vạn, 1.000 danh tướng từ cửa biển Thần Phù đến Hán Giang, Mã Giang, Linh Giang, Lương Giang, Bạch Đằng Giang, Minh Hồng Giang, Lục Đầu Giang. Thư từ biên cương cáo cấp bay về, vua nghe tin triệu vời Sơn Thánh đến bàn kế đánh giặc. Sơn Thánh tâu với vua: “Thần nguyện phạt lao (đánh giặc), vua cho cử giá tự chọn tướng tài, Thục binh không quá một ngày sẽ bị dẹp yên”. Vua bằng lòng.

          Sơn Thánh liền triệu kiên thần (tức cùng anh em với Sơn Thánh), lại đón Hương Công ra nghênh chiến với tướng hạ đạo thuỷ quân của Thục binh, Sơn Thánh đón đánh thượng đạo bộ binh. Vua phong Sơn Thánh làm “Nhạc phủ” kiêm “Thượng đẳng thần”. Phong tả kiên làm “Cao Sơn Đại Vương”, hữu kiên làm “Quý Minh Đại Vương”, Hương Công làm “Quảng Tế Đại Vương”, đến thuỷ bộ chư tướng đều tước phong “Đại tiểu”, phân đường thuỷ - bộ cùng tiến, thuyền và ngựa song hành. Bấy giờ, Hương Công tiến binh đến chòm Hưng Diệm, trang An Triền (tức ngày 10 tháng 8), trú binh một đêm, chiêu mộ các gia thần trong ấp được hơn 120 người, theo Công chinh phạt đều làm nội đao thủ túc. Từ nơi tiến quân, nghe chiếu ước cùng ngày đồng loạt tiến đánh một trận. Quân Thục đại bại, bị chém đầu hàng nghìn tên, số sống sót vội chạy về kinh hoặc xe đơn không thoát, chích mã vô di.

          Quân Thục đã được dẹp yên. Vua nghe tin hạ chiếu hồi triều. Hương Công phụng mệnh dẫn binh tiến về. Một ngày, Công đến cung sở quê ngoại (tức địa giới chòm Hưng Diệm, trang An Triền), dừng xe được chốc lát, liền ra du chơi nơi địa giới phía trước ấp. Công thấy một cái ao bên trái, bèn xuống tắm gội. Xong, lại trèo lên khu đất cao bên ao đứng quan sát, bỗng thấy trời đất tối sầm, mưa gió nổi lên dữ dội, Công tự nhiên hoá. Quan quân và nhân dân liền hành biểu tâu lên để đình. Vua nghe tin vô cùng thương xót bậc bề tôi tài giỏi có công với nước, liền sai sứ thần về quê ngoại - nơi hoá hành lễ và truyền cho nhân dân địa phương lập miếu từ. Vua phong mỹ tự Vạn cổ phúc thần, nghỉ yên cùng đất nước, mãi mãi trở thành hằng thức không thể nào quên. Đức lớn lao thay! Nhất phong Hương Đăng Quảng Tế Đại Vương. Cho phép chòm Hưng Diệm, trang An Triền làm hộ nhi sở tại phụng thờ, xuân thu sai quan đến tế lễ.

          Đến thời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương cả thảy là 349 năm. Đến khi Nam bang có Đinh, Lê, Lý, Trần bốn đời khai sáng hồng đồ, thường linh thiêng hiển ứng giúp nước, cứu dân nên trải qua các triều đại đế vương, đều được khen phong mỹ tự, hương hoả vô cùng. Đến khi ở sách Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, châu Ái, có người họ Lê, tên huý là Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, lãnh đạo ba nghìn đội quân mạnh như hổ, đánh dẹp yên họ Hồ, bình định được người Minh. Tại chòm Hưng Diệm, trang An Triền có mấy người họ Nguyễn, họ Trương theo nhà Lê làm điển binh đều bị Hồ - Minh vây đánh. Lúc này, hai người nhà Lê viện binh tránh vào đền Công (đền tại châu Ái, sau đổi là huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) trang Nhũ Xá trú binh, hai người cùng mộng thấy có một quan nhân áo mũ chỉnh tề ngồi ngay trong báo rằng: “Ta là phúc thần của ấp ngươi, nay các ngươi theo Lê Hoàng mở nước, đều bị quân Hồ - Minh vây hãm, ta nhất định sẽ cứu các ngươi, đừng sợ!”. Hai người làm lễ tạ, mở ra xem vị hiệu thì đúng là thần hiệu của bản ấp. Xong, lập tức thấy quân của Hồ - Minh đã lui, thì ngừng viện binh và đến tìm Lê Hoàng. Sau Lê Hoàng dẹp được Hồ – Minh, lên ngôi hoàng đế ở Lam Sơn, niên hiệu là Thuận Thiên. Từ đó, quân thần hiệp đức, quốc thế thanh bình. Vua liền khen phong bách thần mỹ tự. Hai người chòm Hưng Diệm làm điển binh như mộng sự, liền tâu lên vua, vua thấy phúc thần của bản ấp linh ứng cứu thoát được quân Hồ - Minh vây bức. Vua khen phong sắc chỉ cho phép hai người đón về bản quán (tức chòm Hưng Diệm, trang An Triền) để phụng thờ, vạn cổ huyết thực, nghỉ yên cùng đất nước, hương hoả vô cùng.

          Nhất phong “Bản cảnh thành hoàng Hương Đăng Quảng Tế Đại Vương”. Cho phép chòm Hưng Diệm, trang An Triền về sau làm hộ nhi sở tại phụng thờ.

          Truyền rằng: Lê Thái Tổ phong thêm một chữ “Linh ứng”.

          Từ đó, triều Lê trải qua các đời vua về sau, đều bảo vệ nước, che chở cho dân, nên trải qua các đời vua đều được khen phong mỹ tự, hương hoả vô cùng, mãi mãi không phai mờ.

          Ngày sinh, ngày hoá thần cùng các tiết khánh hạ và chữ huý sắc phục nhất thiết cấm phụng khai như sau:

          - Nhất sinh thần ngày 11 tháng 11 (hành lễ trước một ngày, cáo yết đón thần nhập tịch, lễ dùng thịt lợn đen toàn sắc, thịt trâu, bò, có thể xôi, rượu, ca hát 10 ngày).

          - Nhất hoá thần ngày 10 tháng 10 (hành lễ thịt lợn, xôi rượu, cơm các loại).

          - Nhất khánh hạ (chúc mừng) ngày 12 tháng 8 (hành lễ đón tế, thịt lợn, trâu, bò, xôi rượu, ca hát 3 ngày).

          - Nhất khánh hạ ngày 10 tháng Giêng (hành lễ thịt lợn đen, xôi rượu, ca hát, đánh cờ 3 ngày).

          - Nhất khánh hạ ngày 13 tháng 3 (hành lễ thịt lợn đen, xôi rượu, ca hát, ca hát 1 ngày).

          - Nhất khánh hạ thánh phụ ngày 15 tháng 6 chính kỵ - nhất khánh hạ thánh mẫu ngày 25 tháng 12 chính kỵ.

          - Nhất huý hai chữ “Hương Đăng” chính huý nhất thiết cấm cùng hai chữ “Quảng Tế” cũng tránh âm.

          Do có công lao với dân, với nước Thành hoàng Trần Hương Đăng đều được các triều đại phong kiến ban sắc ghi nhận công lao. Do năm tháng và chiến tranh, hiện nay tại đình Văn Diệm chỉ còn lưu giữ được một đạo sắc phong thời Nguyễn với nội dung:

          Sắc cho thôn Văn Diệm, xã An Lý, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương theo trước phụng thờ “Vị thần cung kính là Thành hoàng Hương đăng”. nguyên tặng “Vị thần cung kính linh thiêng phù hộ, giúp đỡ, bảo vệ thời Trung Hưng”, có công giúp nước, che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng. Đã được đội ơn ban cho sắc phong, cho phép phụng thờ. Đến nay, đúng dịp Trẫm vừa tròn 40 tuổi, lễ lớn chúc mừng, từng ban cho chiếu báu, ban ân rộng rãi, lễ long trọng có phong tước vị. Nổi tiếng được tặng thêm “Vị thần cung kính, đôn hậu, cứng rắn”. Đặc biệt cho phép phụng thờ, lấy ngày lễ lớn làm ngày quốc khánh ghi vào phép tắc tế lễ. Kính thay!

Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là nơi thành lập trụ sở của tổng bộ Việt Minh tổng Văn Hội. Đồng thời, đình còn là nơi tổ chức tiễn đưa đội cảm tử quân lên đường đánh giặc.

          * Nhân vật được thờ tại đền:

          Đền Văn Diệm thờ hai nhân vật thời Trần là Vương phi Thúc Hoa công chúa tôn thần và con là Minh Chiêu công chúa tôn thần. Tương truyền: Bà Trần triều Vương phi Thúc Hoa công chúa tôn thần là vợ của vua Trần Minh Tông (1314 - 1329). Khi vua Trần Minh Tông mất, bà đưa con về quê ngoại, đất ở của hai mẹ con bà là khu vực đền Văn Diệm hiện nay. Khi về quê, bà được ban 14 mẫu ruộng ở đồng Lê, xã Quang Hưng, 12 mẫu ở thôn Hào Khê, 2 mẫu ở xã Hưng Long trước để lo cuộc sống và sau là hương khói thờ cúng. Sau khi hai mẹ con bà mất, nhân dân lập đền thờ để lưu truyền mãi mãi.

          2. Lễ hội truyền thống:

          *Lễ hội đình Văn Diệm:

          Thời phong kiến, đình Văn Diệm có hai kỳ lễ, lễ hội được tổ chức trong năm: 12 tháng 8 âm lịch lễ mừng chiến công đánh thắng giặc trở về và ngày 12 tháng 11 âm lịch lễ kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Trần Hương Đăng. Xin nêu tóm tắt nội dung của hai kỳ lễ, lễ hội này.

          + Kỳ ngày 12 tháng 8 âm lịch: Bắt đầu từ ngày mùng 10 đến ngày 15 tháng 8, trong đó ngày 12 là ngày trọng hội.

          - Ngày mùng 9 là ngày chuẩn bị, các bộ lão và trai tráng trong làng dọn dẹp, chồng kiệu, bao sái đồ thờ.

          - Ngày mùng 10: Tổ chức tế yết và rước sắc phong từ miếu Văn Diệm (cách đình Văn Diệm khoảng 200m về phía Bắc). Đoàn rước có long đình, bát bửu, cờ, chiêng, trống...đi thành hàng.

          Làng xưa có 6 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đoài, Trung. Mỗi giáp có khoảng 1 mẫu ruộng công điền để cấy. Khi làng vào hội, mỗi giáp phải có một mâm xôi trắng, một con lợn sống và rượu để lễ Thành hoàng. Sau đó, đem lộc về chia cho các hộ trong giáp.

          - Ngày 11: Chiều tổ chức tế, tế 3 tuần rượu.

          - Ngày 12: Chiều tổ chức tế, tế 3 tuần rượu và lễ tam sinh. Lễ vật gồm có: 1 con lợn, 1 con cá chép, 1 con gà trống và hoa quả.

          - Ngày 13 và 14: Chiều tổ chức tế 3 tuần rượu.

          - Ngày 15: Tế giã đám, kết thúc lễ hội.

          Trong các ngày lễ hội có các trò chơi dân gian được tổ chức như đánh vật, đi cầu kiều, vật cầu...các buổi tối có hát chèo, hát nhả tơ.

          + Kỳ ngày 12 tháng 11 âm lịch: Kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng làng Trần Hương Đăng. Trong kỳ lễ hội này chỉ tổ chức tế lễ, không có các trò chơi dân gian. Lễ vật gồm: Xôi, thịt, hoa quả.

          Hiện nay lễ hội đình làng Văn Diệm vẫn được duy trì, tổ chức vào hai kỳ nhưng thời gian và các tục lễ đã rút gọn, chỉ còn tế lễ và cúng hương đăng oản quả. Cuộc sống kinh tế được cải thiện, thì đồng thời đời sống tinh thần cũng từng bước được nâng cao. Nét đẹp văn hoá trong lễ hội, thể hiện tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn của cộng đồng làng xã xưa. Đó là nghi lễ tưởng nhớ người có công, đồng thời là một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân.

          *Lễ hội đền Văn Diệm:

          Hàng năm, tại đền Văn Diệm có các ngày lễ:

          - Ngày mùng 10 tháng 1 âm lịch: Lễ đầu xuân cầu phúc cho dân làng.

          - Ngày 20 tháng 3 âm lịch: Lễ kỷ niệm ngày giỗ của hai mẹ con bà Thành hoàng Vương phi Thúc hoa công chúa tôn thần. Trong ngày này nhân dân tổ chức tế lễ rất trọng thể.

          - Ngày 15 tháng 7 âm lịch: Lễ vu lan.

          3. Kiến trúc

          * Đình Văn Diệm:

          Đình Văn Diệm được xây dựng vào thời Nguyễn. Theo ý kiến của những cụ cao niên trong làng thì xa xưa đình Văn Diệm gồm có 5 gian đại bái và 2 hậu cung bằng gỗ lim, đao mái cong vút. Trong di tích có nhiều bức chạm khắc nghệ thuật. Phía trước có hai dãy giải vũ, mỗi dãy 5 gian, ngoài cùng là tam quan uy nghi.

          Vào khoảng năm 1949 - 1950, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ ngôi đình bị phá huỷ hoàn toàn. Nhận thức được việc bảo tồn di sản văn hoá, đến năm 2007, bằng sự nỗ lực phấn đấu của chính quyền và nhân dân địa phương, đình Văn Diệm đã được khôi phục lại trên nền cũ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng chung của nhân dân.

          Hiện nay, đình Văn Diệm có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung xây bít đốc. Hai đầu nhà được gắn lạc long, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Bờ nóc được đắp nổi hình tượng mặt nguyệt, gối đỡ mặt nguyệt là mặt hổ phù. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Bên trái đình là 3 gian giải vũ mới được xây dựng vào năm 2009.

          Tòa đại bái dài 11,55m, rộng 5,3m, gồm 4 vì kèo, các vì kèo này có kiến trúc giống nhau kiểu giá chiêng. Kết cấu chính của tòa nhà này là các vì kèo, hệ thống xà, hoành. Hệ thống các chi tiết của vì kèo khá đầy đủ bao gồm cột cái có đường kính 0,27m, cột quân có đường kính 0,26m, các chi tiết khác như trụ, các con thuận, xà, hoành... đều làm bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ, lòng mái mở theo thức “Thượng ngũ hạ tứ”. Trang trí điêu khắc nghệ thuật đơn giản, công trình không bị xuống cấp.

          Hậu cung có chiều dài 5,25m, rộng 4,3m gồm 2 gian, cũng được chế tác bằng bê tông cốt thép. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi.

          * Bài trí thờ tự tại đình:

          Là một di tích mới được khôi phục, vì thế đồ thờ tự còn rất ít, thay vào đó là những đồ thờ tự mới nhưng khá đẹp.

          Chính giữa đại bái là ban thờ cộng đồng. Phía trên là bức cuốn thư với ba chữ Hán "Nghĩa kiên sướng", nghĩa là: Nghĩa lớn lao, vững vàng, kiên định.

          Tại toà đại bái được treo ba bức đại tự và hai đội câu đối ca ngợi công lao và tài đức của vị Thành hoàng làng như sau:

          Đại tự 1:

          - Phiên âm: Vạn cổ phúc thần.

          - Dịch nghĩa: Phúc thần lưu truyền muôn đời.

          Đại tự 2:

          - Phiên âm: Vi đức kỳ thịnh.

          - Dịch nghĩa: Đức của ngài lớn lao thay!

          Đại tự 3:

          - Phiên âm: Dữ quốc đồng hưu.

          Dịch nghĩa: Hưởng niềm vui cùng đất nước.

          Câu đối 1:

          - Phiên âm:    An Dương nhất trận lương thần tiết.

                                 Hưng Diệm thiên thu cố quán từ.

          - Dịch nghĩa:

          Một trận đánh ở An Dương (*) thể hiện rõ khí tiết bậc bề tôi giỏi.

          Ngàn Thu ở Hưng Diệm nơi quê cũ, đền thờ vẫn tỏa khói hương.

(*) An Dương: Thuộc Hải Phòng.

          Câu đối 2:

          - Phiên âm: Khí tác sơn hà tứ tự phân công thành bất yểm.

                              Linh phù khu đỉnh nhất chinh thoái lỗ cổ do truyền.

          - Dịch nghĩa:

          Khí phách tạo non sông, bốn chữ công lao to lớn thực không thể che đậy.

          Linh thiêng phù đất nước vui ca, một trận đánh lui giặc xưa vẫn lưu truyền.

          Trong cung ở giữa là khám và tượng Thành hoàng (tượng mới được nhân dân công đức vào năm 2007, chất liệu gỗ). Tiếp đến là các đồ thờ tự như: Bát hương, mâm bồng, lọ hoa v.v...Hai bên là hai ngai thờ, xa xa là bộ chấp kích được bài trí sắp đặt cân đối, trang trọng... trong môi trường ánh sáng hương nến. Tất cả đã tạo nên một không gian thờ tự thiêng liêng sâu sắc cho di tích.

          * Đền Văn Diệm

          Căn cứ vào kết quả điền dã, khảo sát, nghiên cứu tại di tích, căn cứ vào quy mô kiến trúc hiện còn, đặc biệt là dòng chữ Hán khắc trên thượng lương toà hậu cung: “Hoàng triều Bảo Đại Mậu Thìn niên thập nhất nguyệt cát nhật tu tạo” nghĩa là Tu tạo ngày tốt tháng 11 năm Mậu Thìn - niên hiệu Bảo Đại (1928). Do vậy, chúng tôi cho rằng đền Văn Diệm là công trình được khởi dựng vào thời Nguyễn. Công trình hiện nay là kết quả trùng tu vào năm 1928 và tu sửa vào các năm 1932, 1989, 1995 và những năm gần đây. Kiến trúc ban đầu của di tích còn được bảo lưu khá nguyên vẹn.

          Đền Văn Diệm có kiến trúc kiểu tiền Nhất (-) hậu Đinh (J) gồm 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ và 2 gian hậu cung. Quy mô công trình nhỏ.

          Nhà tiền tế 5 gian dài 9,1m, rộng 4m gồm 4 vì kèo. Bốn vì kèo này được kiến tạo giống nhau kiểu kẻ chuyền chồng chóp, phần chóp có kết cấu kiểu giá chiêng. Tại các trụ đấu được khắc chữ Thọ. Các con rường bụng lợn chạm lá lật. Lòng mái mở theo thức “thượng tam hạ tứ”. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Đặc biệt, tại toà tiền tế hiện có 8 cột đá, trong đó có 4 cột đá tròn chạm khắc rồng thời Nguyễn, 8 cột đá vuông và hệ thống ngõng cửa bằng đá.

          Trang trí nghệ thuật của công trình được thể hiện ở các bức chạm khá đẹp theo đề tài lá lật, lá hoa long tại các bẩy hiện.

          Tiếp theo là 3 gian trung từ dài 6,5m, rộng 3,7m gồm 4 vì kèo được kiến tạo giống như toà tiền tế. Chất liệu mộc còn khá tốt.

          Sau cùng là 2 gian hậu cung dài 4,1m, rộng 3,2m gồm 2 vì kèo kiểu kèo cầu gác tường đơn giản. Tại toà nhà này hiện lưu giữ 8 cột quân bằng đá. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống.

          Bài trí thờ tự tại đền:

          Chính giữa toà tiền tế là ban thờ cộng đồng, phía trước là bức đại tự với ba chữ Hán “Tam bảo toà” có nghĩa là Toà tam bảo (Theo Phật: Ba thứ quí báu là: Phật (ông Phật); Pháp (phép Phật); Tăng (thầy Tu). Theo Mạnh Tử thì: Tam bảo là ba cái quí của kẻ chư hầu là: Thổ địa; nhân dân và chính sự). Dưới là ngai thờ, lọ hoa, mâm bồng, đỉnh đồng, bát hương...

          Ba gian trung từ được bài trí bởi các pho tượng, ở đây hiện có 18 pho tượng thờ các loại. Các pho tượng này nguyên là tượng của chùa Văn Diệm, do chùa bị phá huỷ nên nhân dân đã đưa tượng vào thờ tại đền.

          Phía trong hậu cung là nơi đặt tượng thờ hai mẹ con bà Thúc Hoa công chúa tôn thần và Minh Chiêu công chúa tôn thần tạo cho không gian di tích thêm tôn nghiêm.

          Đình Văn Diệm tôn thờ Thành hoàng làng là Trần Hương Đăng, có công Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục. Đền Văn Diệm thờ hai mẹ con bà Vương phi Thúc Hoa công chúa tôn thần và con là Minh Chiếu tôn thần. Sinh thời các vị Thành hoàng là những người giàu tâm huyết với quê hương được bản xã ghi nhận và duy trì thờ tự lâu dài. Nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của các vị Thành hoàng chính là góp phần làm sáng tỏ lịch sử văn hiến Hải Dương, thiết thực đẩy mạnh giáo dục truyền thông yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, nhân dân./.

         

 

 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NINH GIANG

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân huyện Ninh Giang
Trưởng Ban Biên tập: Ông Nguyễn Thành Vạn - HUV - PCT UBND huyện
Cơ quan Thường trực: Văn phòng HĐND&UBND huyện
Đơn vị thực hiện: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Ninh Giang

Địa chỉ: Đường Lê Thanh Nghị - Khu 3 Thị trấn Ninh Giang - Huyện Ninh Giang - tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 767 352 Email: ubnd.ninhgiang@haiduong.gov.vn
 

Đăng nhập

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 4
Hôm nay: 12
Tất cả: 526,128