DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN
HÓA
XÃ ĐỒNG TÂM - HUYỆN
NINH GIANG - TỈNH HẢI DƯƠNG
*****
I. DI
TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP QUỐC GIA ĐỀN TRANH
1.
Khái quát chung
Di tích lịch sử - văn hóa Quốc
gia đền Tranh là di tích thuộc thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang,
tỉnh Hải Dương. Vào thời Trần, hai làng Tranh Xuyên và Tranh Chử hợp thành làng
Tranh Chung. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên, nhà Trần đào một con sông gọi
là sông Do Tranh để tiện việc tải binh. Sông ấy đi qua làng Tranh Chung chia làng
ấy làm đôi: Tranh Xuyên thuộc phủ Ninh Giang và Tranh chử thuộc huyện Vĩnh Bảo.
Cuối thời Nguyễn Tranh xuyên là một xã thuộc tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh
Giang, tỉnh Hải Dương.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, Tranh Xuyên
chuyển thành thôn, sáp nhập với các thôn Vĩnh Xuyên, Ngọc Hoà, Bất Bế (gồm 3
Xóm Giâm, Me, Vé) và xóm Đoàn Kết thành một xã, lấy
tên là xã Đồng Tâm. Đến cải cách ruộng đất (1956), xã Đồng Tâm chia thành 3 đơn
vị hành chính: Thị trấn Ninh Giang và xóm Đoàn Kết thuộc thị trấn Ninh Giang;
hai thôn Vĩnh Xuyên và Ngọc Hoà sáp nhập lấy tên là xã Vĩnh Hoà; thôn Tranh
Xuyên và thôn Bất Bế, sáp nhập lấy tên là xã Đồng Tâm. Sau đó, địa danh của xã lại có sự
thay đổi: hai xóm Giâm, Me sáp nhập lại lấy tên là thôn Giâm Me, xóm Vé nay là thôn Vé, thôn Tranh Xuyên vẫn giữ nguyên
và cái tên Bất Bế không còn. Hiện nay, xã Đồng Tâm có 3 thôn: Tranh Xuyên, Giâm Me và Vé. Tên di tích Đền Tranh gắn liền với tên thôn Tranh Xuyên từ
trong lịch sử.
Đền Tranh toạ lạc trên một mảnh
đất cao ráo, thoáng rộng, độc lập với dân cư làng Tranh Xuyên. Mặt tiền quay về
hướng Nam, nhìn về thị trấn Ninh Giang, phía Bắc và phía Nam giáp đường, phía
Tây giáp khu chùa mới xây dựng. Khu di tích là tập hợp các công trình khá đồ sộ
và là khu di tích có hướng phát triển tốt.
Xã Đồng Tâm nằm về phía Tây Bắc
thị trấn Ninh Giang. Toàn xã có diện tích tự nhiên là 459,47ha, dân số 5.992
người (tính đến tháng 2 năm 2009). Phía Đông giáp Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ); Phía Tây
giáp xã Hiệp Lực, Hồng Dụ (huyện Ninh Giang); Phía Nam giáp thị trấn Ninh Giang
( huyện Ninh Giang); Phía Bắc giáp xã Vĩnh Hoà và Tân Hương (huyện Ninh Giang).
Đồng Tâm là miền đất trù phú, được
hình thành khá sớm trong lịch sử. Mảnh đất này được bồi đắp bởi phù sa sông Luộc,
đất đai màu mỡ, người dân thuần hậu, chất phác, lấy nghề cấy lúa, trồng màu làm
nghề chính của mình. Ngoài ra, địa phương còn có nghề làm bánh gai nổi tiếng,
đã từng tồn tại hàng trăm năm, đến nay vẫn phát triển mạnh, mang lại nguồn thu
nhập khá lớn cho nhân dân.
Do có đường giao thông thuận lợi,
xã có Quốc lộ 37, theo hướng Bắc từ Đồng Tâm, qua thị trấn Gia Lộc đến thành phố
Hải Dương, có thể theo Quốc lộ 5 đi Hà Nội, Hải Phòng; theo hướng Nam, từ Đồng
Tâm có thể ra Quốc lộ 10, đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, gặp Quốc
lộ 1, đi các tỉnh phía Nam một cách thuận tiện. Từ lợi thế đó, Đồng Tâm có hướng
phát triển kinh tế khá đa dạng như nghề kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh, một
số hộ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, sản phẩm trở thành hàng hoá, không chỉ
cung cấp cho nhân dân trong vùng, mà còn cung cấp cho các tỉnh bạn.
Đồng Tâm là một xã có nhiều di
tích lịch sử văn hoá. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, các thôn làng đều có
các cơ sở thờ tự khá sầm uất. Ở thôn Tranh Xuyên, trước đây có một ngôi đình thờ
Thành Hoàng làng, một ngôi đền thờ quan lớn Tuần Tranh và có tới 3 ngôi chùa là
chùa Cả, chùa Am và chùa Mới, làng có một ngôi miếu thờ Khổng Minh Không. Ở
thôn Giám Me, có một ngôi đình thờ Thành Hoàng làng, trùng tu vào năm 1897,
trong 2 năm 2006, 2007, đình được trùng tu lớn và đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh
Hải Dương ra quyết định xếp hạng. Chùa Giâm Me xây dựng vào năm 1927 và tu sửa vào
năm 1941, hiện nay, trong chùa còn khá nhiều pho tượng Phật có giá trị về nghệ
thuật. Thôn Vé có một ngôi chùa thờ Phật, tại đây còn lưu giữ một số pho tượng
có giá trị.
Trải qua chiến tranh và thiên
nhiên tàn phá, nhiều di tích đã bị huỷ hoại, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của nhân
dân, và sự ủng hộ của chính quyền, nhiều di tích đã được khôi phục, tu bổ và
tôn tạo, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
2.
Sự kiện và nhân vật được thờ:
Căn cứ vào tài liệu như: "Thần linh đất Việt" của Vũ Thanh Sơn.
Trung tâm UNESCO phổ biến kiến thức văn hoá giáo dục cộng đồng, NXB Văn hoá dân
tộc năm 2002, trang 949; "Nếp cũ hội
hè đình đám” của Toan Ánh - NXB TPHCM năm 1992, trang 233; "Địa dự các tỉnh Bắc kỳ" của Đỗ Đình
Nghiêm, Ngô Vị Liễn, Phạm Văn Thư xuất bản năm 1925, trang 34: "Bản lý lịch di tích Đền Kỳ Cùng" (Lạng Sơn) trang 1, 2, 5,
"Thuyết Trần - Sử nhà Trần" của Trần Xuân Sinh, NXB Hải Phòng, trang
268, xuất bản năm 2003; "Vài viết về
lịch sử đền Tranh"; "Hồi ký
về quê hương Tranh Xuyên"; các tài liệu tại di tích, truyền ngôn trong
nhân dân và các tài liệu có liên quan, thì nhân vật được thờ tại đền Tranh có
phần không thống nhất. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhân vật được thờ tại đền
Tranh là một Thủy thần có tên là quan đệ ngũ Tranh giang Đại vương Hoàng Hợp tôn thần (Hoàng tử thứ 5 của vua
Thuỷ). Để đi tới quan điểm này, chúng tôi xin điểm qua một số tư liệu:
1
- Tư liệu trong bản lý lịch di tích đền Kỳ Cùng (Lạng Sơn - Di tích đã được xếp
hạng quốc gia năm 1993).
-
"Đền Kỳ Cùng lúc đầu thờ thần Giao
long (Thần nước), qua quá trình biến đổi của tự nhiên cũng như xã hội, dưới tác
động của các sự kiện lịch sử. Đền đã thay việc thờ thần Giao long bằng thờ Quan
lớn Tuần Tranh, một vị tướng của nhà Trần” (trang 1, 2). Như vậy, theo tài liệu
này thì Quan lớn Tuần Tranh là một người có thật được thờ sau: thần Giao long
(Thần nước) - được biết, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết "Đền Kỳ Cùng
ở xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, nơi tả ngạn sông Kỳ Cùng có thần Giao long”.
2
- Tư liệu trong sách "Thuyết Trần - Sử nhà Trần" của Trần Xuân Sinh,
NXB Hải Phòng, xuất bản năm 2003, có đoạn viết "Theo gia phả họ Nguyễn Đức ở Gia Lộc - Hải Dương, thì đền Tranh thuộc
phủ Ninh Giang, thờ quan lớn Tuần Tranh, tức Hưng Võ Vương Quốc Nghiễn, con
trai trưởng của Hưng Đạo Vương (?). Trong đền có pho tượng bằng đá với bài vi
viết chữ triện Thanh giang Đại vương Hoàng hợp tôn thần”. Ngày xưa Hưng Võ
Vương Trần phòng mọn lọc đầu giang và vùng sông Tranh (Ninh Giang) nên gọi là
quan lớn Tuần. (Sau bọn đồng cốt đã làm sự lệch lạc đi, nói đến này thời hoàng
tử thứ 5 của Long Vương, phạm lỗi bị đây, để câu khách mê tín thập phương)?
3
- Một số tư liệu nói Quan lớn Tuần Tranh có tên là Cao Lỗ Vương, là người chế
tạo nỏ thần và rất giỏi thuỷ chiến giúp vua Hùng chống giặc.
Theo
chúng tôi những tư liệu trên chưa đủ cơ sở khoa học để khẳng định, cần phải
tiếp tục nghiên cứu, xin nêu ra đây với mục đích chỉ để tham khảo,
4
- Nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất, theo chúng tôi được căn cứ bởi cuốn:
"Địa dư chí các tỉnh Bắc Kỳ của Đỗ Đình Nghiêm, Ngô Vị Liễn, Phạm Văn Thư,
xuất bản năm 1925, Thần linh đất Việt" của Vũ Thanh Sơn NXB Văn hoá dân
tộc Hà Nội 2002, phần viết về "Quan lớn Tuần Tranh, trang 949”, ”Nếp cũ
hội hè đình đám” (quyển thượng của Toan Ánh - NXB TPHCM - 1992 trang 233 phần
viết về "Hội đền 14. CL72 lớ77 Tuần Tranh". Thần tích đền Lạc Dục xã
Hưng tạo, huyện Tứ Kỳ đã được Nguyễn Bính soạn vào năm 1572 Nguyễn Tiến sao lại
vào năm 1737 và các tài liệu tại di tích đền Tranh. Trong các tư liệu trên, có
khác nhau về một số chi tiết nhỏ, nhưng đều cho rằng: Nhân vật Quan lớn Tuần
Tranh chính là vị Thuỷ thần, con thứ 5 của vua Thuỷ, theo tín ngưỡng dân gian
vùng sông nước. Xin được tóm tắt như sau:
Theo
truyền thuyết, ngày xưa ở xã Lạc Dục, huyện Tứ Kỳ, có hai vợ chồng nhà nghèo,
đã già mà chưa có con. Một hôm, người chồng cuốc vườn bắt được ở cạnh một bụi
cây hai cái trứng, ngỡ là trứng chim nên đem đi cất cẩn thận. Ngờ đâu, hai cái
trứng nở ra hai con rắn. Vợ lấy làm sợ muốn đem giết đi, nhưng chồng không
nghe, nói rằng có lẽ trời cho ta khuây khoả cảnh già đây. Quả nhiên, hai con rắn
ấy quấn quýt với hai vợ chồng ông già. Một hôm ông cuốc đất, một con rắn nhảy
vào đùa nghịch, bị ông cuốc cụt đuôi, về sau khi linh ứng, dân làng khiếp sợ
lập miếu thờ gọi là miếu ông Cộc, ông Dài nhưng phải cái nó chỉ ăn gà thôi. Ông
già đi ăn cắp gà cho chúng ăn nhiều rồi, sau sợ hàng xóm biết phải tội nên đành
phải mang vứt xuống Sông Tranh. Chỗ vứt hai con rắn ấy về sau nước xoáy dữ lắm.
Một hôm có bà Công chúa muốn qua sông, nhưng nước xoáy dữ, thuyền không qua
được. Sau theo lời quan, dân sở tại đòi hai vợ chồng ông già đến hỏi chuyện. Bà
lão sợ hãi bèn lấy hai nắm cơm vứt xuống sông và nói rằng: "Con ơi, con có
thương mẹ thì đừng nổi sóng nữa để mẹ khỏi tội". Nói vừa xong thì sóng yên
lặng.
Về
sau có ông quan Phủ tên là Trịnh Thường Quân được bổ về Ninh Giang. Ông lấy một
người vợ lẽ đẹp lắm. Một hôm bà đi chơi thuyền trên sông Tranh, gặp một người
dưới nước lên đòi lấy bà làm vợ. Bà nhất định không nghe, đến đêm về, đang ngủ,
bỗng lại thấy người đó hiện vào phòng, nhất định đòi lấy. Bà đem chuyện này nói
với quan Phủ. Quan Phủ cũng lấy làm lạ, nên phòng giữ cẩn thận. Một hôm, ngài
có việc quan đi vắng, đến lúc về thì thấy buồng không.
Quan
Phủ lấy làm phiền lắm, bèn từ chức, ngày ngày ra bờ Sông Tranh tìm vợ. Sau gặp
một ông tiên tên là Quỷ Cốc ở miền Hải Quốc mách rằng bà Phủ đã bị Hoàng tử thứ
5 của vua Thuỷ bắt xuống làm vợ rồi. Tiên Quỷ Cốc nghĩ thương tình quan Phủ nên
giúp sức cho xuống được điện vua Thuỷ mà kêu, Tiên cũng kêu hộ. Sau vua Thuỷ
cho cả hai vợ chồng về và bắt Hoàng tử thứ 5 đem đầy ra Sông Tranh. Từ đó, dân
sự hai bên bờ thấy nhiều điều kỳ dị, nên lập đền thờ, gọi là đền Tranh, dân
quanh bến, hoặc thuyền bè xuôi ngược qua đây, nếu gặp sóng gió đều khấn cầu,
sóng gió sẽ êm. Ai có cầu khẩn điều gì cũng được linh ứng. Thỉnh thoảng những
đêm trăng sáng, có người trông thấy một thanh niên mũ áo từ trong đền đi ra.
Người ta liền kháo nhau đó là quan lớn Tuần Tranh!
Về
sau, do có nhiều công giúp dân buôn thuyền, bán bè, qua sống bình an, may mắn,
vị thần được tôn là: Quan đệ ngũ Tranh Giang Hoàng Hợp tôn thần. Đền Tranh có
tiếng linh thiêng, cầu việc gì được việc ấy, nên khách đến lễ khá đông.
Thông
qua truyền thuyết trên, theo chúng tôi việc thờ quan lớn Tuần Tranh là hình
thức tín ngưỡng dân gian, trước hết của những người làm nghề trên sông nước,
sau đó lan ra những người buôn bán mong cho mọi việc được thông luồng bén giọt,
làm ăn mọi điều may mắn.
Về mặt duy vật biện chứng có thể nói, trước đây ở những
đoạn Sông có ngã ba, ngã tư... các dòng chảy thường tạo ra những dòng nước
xoáy, thuyền bè đi lại khó khăn. Có những khúc sông nhiều thuyền bè bị lật, họ
cho rằng có vị Thuỷ thần nổi giận, do đó khi đền thờ được lập nên, mọi người
đều mang lễ vật đến cầu Thuỷ Thần. May mắn đã mang lại cho họ, do vậy các ngôi
đền thờ Thuỷ Thần đều rất thiêng. Hiện nay, còn tồn tại một số ngôi đền thờ
Quan lớn Tuần Tranh như ở Kỳ Cùng (Lạng Sơn), đền làng Đào Đông, huyện Quỳnh
Phụ (Thái Bình), chùa Trông (Hưng Long - Ninh Giang) đều là những ngôi đền nằm cạnh bờ
sông có vùng nước xoáy. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Thuỷ thần vẫn in đậm trong tiềm
thức của nhân dân.
Đền Tranh không chỉ là nơi thờ Quan lớn Tuần
Tranh theo tín ngưỡng dân gian, vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, đền còn là nơi hoạt
động bí mật của đồng chí Lê Thanh Nghị, xứ uỷ Bắc Kỳ về xây dựng chi bộ Đảng tại
nhà máy nước Ninh Giang (năm 1937 - 1938), thành lập hội truyền bá quốc ngữ.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức mít tinh
chào mừng cách mạng tháng 8 và 2/9 tại di tích.
Năm 1946, thực hiện chủ trương "tiêu thổ
kháng chiến" của Đảng và chính phủ, du kích địa phương kết hợp với bộ đội chủ
lực đào hầm bí mật trong khu di tích để sẵn sàng đánh địch. Hoà bình lập lại, đền
là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương và khách thập phương,
3. Phong tục lễ hội:
Hàng năm, tại đền Tranh có hai kỳ lễ hội
chính vào tháng 2 và tháng 8, ngoài ra còn có ngày tiệc Quan 25 tháng 5 âm lịch.
Xin nêu tóm tắt các hoạt động của lễ hội này:
* Lễ hội tháng 2:
Lễ hội tháng 2 được diễn ra từ ngày 10 đến 20
tháng 2, trong đó ngày 14 tháng 2 là ngày chính hội, đồng thời là ngày kỷ niệm
ngày sinh của Đức Thánh Tuần Tranh.
Trước năm 1946, lễ hội đền Tranh là lễ hội lớn
nhất trong vùng được tổ chức với thời gian khá dài. Mở đầu cho lễ hội tháng 2
là nghi lễ "ban ấn", do Tri phủ huyện Ninh Giang ban cho các Hương
lý, Kỳ hào, rất trang nghiêm. Từ sáng ngày 10 tháng 2, nhân dân tập trung ở
đình làng Tranh Xuyên (đình thờ hai vị Thành hoàng là Quý Minh đại Vương và
Thiên Hưng đại vương là hai vị nhân thần có công khai khẩn và bảo vệ làng xóm),
sau đó rước kiệu cùng các dụng cụ rước Thần xuống đền. Sau đó tế lễ tại đền đến
sáng ngày 14 tháng 2. Sáng ngày 14, các kiệu Thành Hoàng, kiệu quan lớn Tuần
Tranh nhập thành một đoàn rước lớn rước đến các đền khác trong thị xã như đền
quan đệ Tam, đền Mẫu, đền bờ sông, đền phủ Bà. Khi qua các đền, các đền đều có
điệu nhập vào đoàn rước. Đây là một đoàn rước khổng lồ thu hút đông đảo nhân
dân thị trấn Ninh Giang, nhân dân trong vùng và khách thập phương. Đi đầu đoàn
rước này là các bộ bát biểu, binh khí, đến phường bát âm, kiệu hoa, rồi đến
hàng loạt kiệu các vị Thần của các đền và đoàn người đưa rước với trang phục
muôn sắc màu của một lễ hội lớn. Đoàn rước trở về đền Tranh, tế lễ suốt buổi
chiều. Đến chiều, kiệu của di tích nào lại được rước về an vị tại di tích đó.
Các ngày 15, 16, 17, 18, 19 ngày nào cũng có tế lễ, hầu đồng và các hoạt động lễ
hội. Đặc biệt, tại di tích còn có lễ rước nước và lễ tạ Thánh ở ngã ba Sông,
nơi mà Quan Tuần Tranh cai quản. Ở đây có nghi lễ rước nước sông Tranh làm nước
cúng trong đền suốt cả năm; Đây là nghi lễ rất linh thiêng và trang trọng của
nhân dân đối với vị thuỷ Thần trấn giữ Sông Tranh.
Ngày 20 có tổ chức tế tạ, đóng cửa đền, kết
thúc lễ hội. Trong các ngày lễ hội, ngoài phần lễ, phần hội đã diễn ra nhiều
trò chơi dân gian như đánh vật, bắt vịt, đi cầu thùm, chọi gà, đánh cờ người, bịt
mắt bắt dê và nhiều trò chơi dân gian khác. Buổi tối có hát chèo, hát tuồng,
múa rối, hát ả đào...
Lễ hội tháng 2 là lễ hội lớn nhất trong năm,
thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương tham gia. Năm 2022, lễ
hội truyền thống đền Tranh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc
gia.
* Lễ hội tháng 8:
Lễ hội này bắt nguồn từ việc kỷ niệm ngày mất
của Trần Hưng Đạo. Đồng thời, theo sử cũ còn ghi lại: dòng sông Tranh còn ghi dấu
ấn của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên ở thế kỷ XIII. Để ghi nhớ
công lao của người anh hùng dân tộc, nhân dân đã đúc tượng thờ ông và tổ chức lễ
hội.
Lễ hội được tổ chức từ ngày 20 đến 25 tháng 8
(âm lịch) trong đó ngày 22 tháng 8 là ngày trọng hội. Trong lễ hội chỉ chú trọng
đến phần tế lễ, không tổ chức rước. Lễ hội tháng 8 vẫn thu hút đông đảo quần
chúng tham gia. Trong những ngày lễ hội, ít tổ chức các trò chơi dân gian.
*
Ngày tiệc quan 25 tháng 5:
Theo
truyền thuyết đây là ngày quan lớn khao tiệc, khách làm ăn đến đây khá đông,
chủ yếu là lễ và hầu đồng.
Sau
bao năm gián đoạn vì hai cuộc chiến tranh tàn khốc, năm 1996, đến Tranh được
khôi phục và sau đó, lễ hội lại được mở trở lại. Đặc biệt, lễ hội tháng 2 năm
2005, ngoài các nghi thức truyền thống, tại di tích có tổ chức "rước
nước" và lễ "thả hoa" tại ngã ba sông để dâng lên Quan Lớn Tuần
Tranh. Trong những năm gần đây, Uỷ ban nhân dân xã Đồng Tâm, Ban Quản lý di
tích và nhân dân địa phương đã khôi phục lễ hội truyền thống vốn có của di
tích. Tuy nhiên, thời gian và quy mô không lớn như xưa, nhưng lễ hội đã đáp ứng
được sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và khách thập phương.
3.
Lịch sử di tích
Đến
Tranh được khởi dựng từ bao giờ? ai là người khởi công xây dựng? cho đến nay
chưa có tài liệu nào xác định. Theo truyền ngôn trong nhân dân thì: Đền Tranh
lúc đầu là một ngôi miếu nhỏ, sát ngã ba sông. Do sông Tranh đổi dòng nên phải
chuyển vào phía trong. Căn cứ vào hệ thống bia ký tại đền cho biết: vào năm Tự
Đức thứ 5 (1852) đền đã có nhiều người công đức để tụ tạo. Khi thực dân Pháp chiếm
tỉnh Hải Dương, chúng cho quân xây bốt sát đền và là nơi hoạt động quân sự. Để
nơi thờ cúng được uy nghiêm, nhân dân chuyển đến về dựng tại phía Bắc đền cũ
(hiện nay là doanh trại Lữ đoàn 513 - quân khu III đóng quân). Năm 1935, đền
được xây dựng lại thành một ngôi đến lớn trên khuôn viên rộng 4 mẫu Bắc bộ. Khu
di tích có 4 toà nhà lớn gồm: Cung cấm, cung đệ nhất, cung đệ nhị, cung đệ tam
và hai dãy dải vũ. Từ năm 1941 đến 1945, đền Tranh được tôn tạo khá rộng lớn. Kiến trúc các công trình theo kiểu trùng
thiềm điệp ốc, có 5 nếp nhà nối liền nhau. Nghi môn có 5 cửa (ngũ quan) được
xây dựng theo kiểu "chồng diêm cổ các" các góc đao có nhiều phù điêu
hồng chầu phượng khá đẹp, nghi môn được xây dựng theo mô tuýp kiến trúc kinh
thành Huế. Sân đền rộng 5 sào Bắc bộ, khu di tích có kiến trúc đẹp và có quy mô
lớn nhất trong vùng.
Năm 1946, thực hiện chủ trương "tiêu thổ
kháng chiến” của Đảng và Chính phủ, các nếp nhà lần lượt được tháo dỡ, chỉ để lại
cung cấm để làm nơi thờ tự. Hoà bình lập lại (1954), đền Tranh lại được khôi phục
để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đến năm 1960, do nhu cầu mở rộng
doanh trại của quân đội, nên nhân dân cùng Lữ đoàn 513 chuyển 3 gian hậu cung về
dựng tại địa điểm mới, cách đền cũ 300m về phía bắc (vị trí hiện nay).
Sau 50 năm, vào ngày 1 tháng 10 năm 1996, Uỷ
ban nhân dân xã, Ban kiến thiết đã làm lễ khởi công xây dựng 7 gian tiền tế của
đền. Ngày 3 tháng 6 năm 1999 khởi công xây dựng nhà trung từ. Năm 2003 và năm
2004 hoàn thành xây dựng nghi môn và toà hậu cung, năm 2006 tôn tạo đông vu và
đài hoá sớ. Toàn bộ khu di tích được bao bọc bằng hệ thống tường bao khá đẹp.
Đền Tranh có quy mô hoành tráng với 34 gian lớn
nhỏ, bao gồm 7 gian Tiền tế, 7 gian trung từ, 7 gian nhà nối, 3 gian cổ dải, 3
gian hậu cung, 7 gian đông vu và nhiều công trình phụ trợ khác.
* Toà tiền tế gồm 7 gian dài, 20,3 m, rộng
9,84m. Đây là một toà nhà khá lớn, kết cấu chính là 8 vì kèo bê tông cốt thép
chắc chắn hệ thống cột cái, cột quân, xà lách, toàn bộ bằng bê tông được tạo dựng
khá đẹp mắt. Các con thuận, đấu sen, hoành, rui bằng gỗ tứ thiết, chất lượng tốt.
Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ cánh mềm mại có nhiều
đường gờ chỉ đẹp, trên nóc có phù điêu lưỡng long chầu nguyệt khá sinh động.
* Toà Trung từ gồm 7 gian dài 18,4 m, rộng
3,8 m, đây là toà nhà được kết cấu toàn bộ phần khung sườn bê tông cốt thép, trụ,
đấu, hoành, rui, bẩy hiện bằng gỗ tứ thiết. Vì kèo được kiến tạo theo kiểu
"vành mai" (theo kết cấu của các công trình đền Đồng Bằng, huyện Quỳnh
Phụ, tỉnh Thái Bình). Mái lợp ngói mũi, công trình nối liền toà tiền tế.
* Công trình tiếp sau toà trung từ là 7 gian
nhà nối, có chiều dài 18,4m, rộng 5,2m, toàn bộ công trình là gỗ tứ thiết, các
vì kèo kiến tạo theo kiểu "kẻ chuyền chồng chóp" khá đẹp. Chất liệu gỗ
tứ thiết còn tốt. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ cánh
có nhiều phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao.
* Tiếp sau 7 gian nhà nối là 3 gian cổ dải,
dài 7,79 m, rộng 3m. Toà nhà này gồm 4 vì kèo, kiến trúc kiểu" chồng giường,
giá chiêng"truyền thống. Chất liệu gỗ tự thiết khá chắc chắn. Đặc biệt, toàn
bộ các vì kèo của toà nhà được sơn son thếp bạc ở tất cả các chi tiết, tạo
không gian tráng lệ của ngôi đền.
* Ngăn cách giữa 3 gian cổ dải là hệ thống cửa
3 gian hậu cung, đồng thời là 3 gian "cung cấm" của ngôi đền dài
7,79m, rộng 7,79 m. Hậu cung đền có kiến trúc kiểu "chồng diêm cổ các
", gồm 4 cột tứ tru, tạo ra 2 vì kèo chính và là công trình cao hơn hẳn
các công trình phía trước. Hai vì kèo 2 bên thấp hơn, cũng được các nghệ nhân
dân gian kiến tạo hài hoà với 2 vì kèo chính. Chất liệu chính của hậu cung là gỗ
tứ thiết được sơn son thếp vàng sáng chói. Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp
ngói vảy các, các mái đao cong, hệ thống bờ nóc, bờ cánh được tạo dựng chắc chắn
và mềm mại. Hậu cung là nơi linh thiêng nhất của di tích. Trước cách mạng tháng
8 năm 1945, "cung cấm" chỉ mở cửa một năm ba lần để bao sái tượng
Quan Lớn Tuấn Tranh, đó là vào lễ hội tháng 2, tháng 8 và ngày 30 tết.
* Ngoài các công trình chính, trong khu di
tích còn có một số công trình phụ trợ được tôn tạo trong những năm gần đây như
toà đông vu, tôn tạo năm 2006 gồm 7 gian đào tầu đéo góc, chất liệu bằng gỗ lim,
lợp ngói mũi khá đẹp; Nghi môn được xây dựng theo kiểu "chồng diêm cổ các,
gồm 2 cửa phụ một cửa chính, quy mô lớn như nghi môn xưa; nhà bia, đài hoá sớ
và nhiều công trình phụ trợ khác. Toàn bộ khu nội tụ được bao bọc bằng hệ thống
tường bao chắc chắn và đẹp mắt.
Cùng
với các công trình kiến trúc, trong nội tự còn có nhiều cây xanh, tạo cảnh quan
hài hoà trong toàn khu di tích. Khu di tích đã có quy hoạch tổng thể phát triển
trong tương lai./.
II. DI
TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH - ĐÌNH GIÂM ME
Đình Giâm Me là di tích lịch sử - văn hoá xếp hạng
cấp tỉnh, thuộc thôn Giâm Me, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Vào năm Chính Hoà thứ 16 (1695), làng Giâm Me có tên chữ là thôn Văn Xá, xã Bất
Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Vào năm Bảo Thái 7 (1726),
làng Me có tên chữ là xã My Xuyên, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương.
Sang thời Nguyễn, thôn Văn Xá và thôn My Xuyên là 2 thôn thuộc tổng Bất Bế, huyện
Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang. Năm 1980, hai làng Giâm - Me sáp nhập, lấy tên là
thôn Giâm Me. Vì vậy, đình mang tên thôn từ đó đến nay.
Đình Giâm Me nằm tại trung tâm thôn, mặt tiền
quay về phía Nam, nơi có hồ nước rộng, quanh năm xanh mát; phía Đông giáp đường
thôn; phía Tây và phía Bắc giáp khu dân cư. Di tích nằm trên khuôn viên đất đẹp,
có hướng phát triển tốt.
Ở thôn Giâm Me: Có đình thờ Thành Hoàng làng là
An Thái Đại Vương, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Đại bái và 3 gian Hậu
cung. Công trình có qui mô kiến trúc thời Nguyễn truyền thống. Cạnh đình có Văn
chỉ thờ đức Khổng Tử và các học trò của ông. Ngoài ra, trong thôn còn chùa Hưng
Khánh, được xây dựng từ thời Hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn. Trong chùa lưu
giữ nhiều pho tượng phật có giá trị nghệ thuật.
Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, việc tu
bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích trên địa bàn xã được đẩy mạnh, nhân dân hăng
hái góp công, góp của làm sống lại nhiều di tích lịch sử - văn hoá, góp phần
giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
* Sự kiện
và nhân vật lịch sử
Căn cứ vào câu đối, đại tự, bia ký từ năm Chính
Hoà thứ 16 (1695) đến năm Khải Định thứ 4 (1919); đặc biệt là 2 sắc phong do Vua
Khải Định năm thứ 2 (1917) phong vào ngày 18 tháng 3 và năm thứ 9 (1924) vào
ngày 25 tháng 7 cho biết: Đình Giâm Me tôn thờ Thành Hoàng làng là An Thái Đại
Vương. Tuy nhiên, để hiểu rõ hành trạng của nhân vật này là điều hoàn toàn bỏ
ngỏ. Ngoài việc tra cứu các tài liệu có liên quan, đối chiếu với nhân vật được
thờ tại di tích với toàn bộ hệ thống di tích trong huyện Ninh Giang, các tài liệu
lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội và các cuộc nghiên cứu điền dã tại địa
phương đều không rõ nhân vật này có thân thế, sự nghiệp như thế nào? Điều đó
còn tiếp tục nghiên cứu. Nhưng có điều khẳng định rằng: An Thái Đại Vương là vị
Thành Hoàng tôn kính của nhân dân bản thôn từ xưa tới nay. Vị Thành Hoàng này
đã được triều đại phong kiến nhà Nguyễn ban sắc ghi nhận “có công giúp nước,
che chở cho dân, linh thiêng hiển ứng”.
Đình Giâm Me không chỉ thờ An Thái Đại Vương mà
trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đình là địa điểm diễn ra nhiều
sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào ngày 20
tháng 7 năm 1954, vào tháng 8 năm 1954 giữa quân đội Pháp đóng tại thị xã Ninh Giang
và Ban tiếp quản của ta đã diễn ra cuộc bàn giao thị xã tại đình Giâm Me. Tại
đây, đã diễn ra thời khắc lịch sử giữa cách mạng Việt Nam và sự xâm lăng của
quân đội Pháp, đây là thời điểm chấm dứt sự cai trị của quân đội Pháp tại thị
xã Ninh Giang.
Từ năm 1968 đến năm 1972, đình Giâm Me là trụ sở
thường trực của huyện Ninh Giang. Nhờ có địa điểm này, Huyện uỷ Ninh Giang đã
lãnh đạo nhân dân trong huyện làm tốt công tác hậu phương và chi viện cho tiền
tuyến, đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
* Phong tục
lễ hội:
Hàng năm, ngoài các kỳ sóc vọng mùng 1, ngày rằm
trong tháng, tại di tích diễn ra lễ hội mùa xuân. Lễ hội này được diễn ra từ
ngày 6 đến hết ngày 11 tháng giêng, trong đó ngày 10 tháng giêng là ngày chính
hội. Ngoài ra, tại đây còn diễn ra lễ hợp tế vào tháng 10 hàng năm, đây là ngày
hợp tế các vị Hậu thần có công đức tu bổ đình làng.
Chúng tôi xin nêu tóm tắt những hoạt động chính của
lễ hội mùa xuân:
Theo tục lệ cũ (trước năm 1944) qui định: Để tổ
chức lễ hội, các Hương lý, Kỳ hào và các già làng đã họp bàn bạc từ những ngày
cuối năm trước, bàn định các chương trình lễ hội, qui mô cũng như rước giao hiếu
với các thôn khác...Ngày 6 tháng giêng, làng cử ra những trai đinh rẫy đường,
phát quang đường làng, ngõ xóm, đặc biệt những con đường mà đoàn rước sẽ đi
qua. Các gia đình cũng tự động dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị tổ chức lễ
hội. Ngày 8 tháng giêng, toàn bộ đồ thờ tự được bao sái, sửa chữa những chỗ hư
hỏng và những dụng cụ rước thần được đặt trước sân đình. Ngày mùng 9, lễ hội được
bắt đầu: Các chức sắc trong làng, đại diện cho toàn dân tế khai hội, sau đó các
giáp, các gia đình mang những lễ vật đặt lễ cung thỉnh Thành Hoàng làng, mong
sao cho có nhiều sức khoẻ, mong cho điều lành đến với từng gia đình. Ngày 10
tháng giêng, có tổ chức rước giao hiếu với đình Cả tại thôn Vé. Ngay từ sáng sớm,
các chức sắc và trai định trong làng đã xếp thành đội ngũ, chuẩn bị rước thần. Đi
đầu là cờ thần, tiếp đến bát bửu, phường bát âm, kiệu lễ vật, kiệu Thành Hoàng,
sau đó là những chức sắc trong làng và nhiều người dân. Đoàn rước đi đến đâu,
tù và, trống chiêng vang tới đó, không khí rất náo nhiệt. Đến địa phận thôn Vé
thì làng Vé cũng có 1 đoàn rước chờ sẵn, nhập vào đoàn rước của thôn Giâm Me
cùng tiến đến đình Cả. Khi ổn định, các đoàn tổ chức tế giao hiếu tại đình. Sau
khi tiến hành các nghi lễ, đoàn rước lại trở về đình tổ chức tiếp lễ hội. Sang
ngày 11, tại di tích có tế dã đám, kết thúc lễ hội. Trong những ngày lễ hội, tại
đây đã diễn ra trò chơi dân gian như: Chọi gà, tổ tôm điếu, tam cúc điếu, bắt vịt...Các
buổi tối đều có diễn chèo, tuồng (đoàn tuồng do ông Kép Minh người thôn Vào, xã
La Khê, thường về di tích biểu diễn).
Lễ hội đình Giâm Me được tổ chức lần cuối vào năm
1944, cho đến nay vẫn chưa lần nào được tổ chức. Từ sau ngày Miền Nam được giải
phóng, đất nước thống nhất, tại đây vào mùa xuân, những ngày sự lệ, chỉ có các
gia đình trong thôn tự ra đình để sắp lễ cầu Thành Hoàng làng, chưa tổ chức
thành hội. Tới đây, khi di tích được xếp hạng, lễ hội chắc chắn được mở trở lại,
đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Căn cứ vào hệ thống bia ký được lưu giữ tại di
tích, lạc khoản ghi trên câu đầu, hệ thống câu đối, sắc phong và lưu truyền
trong nhân dân cho biết : Đình Giâm Me được nhân dân khởi dựng vào cuối thế kỷ
17, trùng tu vào thế kỷ 19, lần trùng tu cuối cùng dưới thời phong kiến vào năm
Đinh Dậu (1887) và lần trùng tu gần đây vào năm 2005. Ngoài công trình chính,
trước đây di tích còn có các công trình phụ trợ như : Hai dãy giải vũ phía Đông
và phía Tây, Văn chỉ ở phía Đông, Nghi môn, Tắc môn ở phía Nam. Trải qua thời
gian, nhiều công trình đã bị phá, những công trình còn lại được sửa chữa làm biến
dạng, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, bằng tinh thần trách nhiệm đối với di sản
văn hoá và lòng ngưỡng vọng đối với Thành Hoàng làng, cơ bản các công trình của
di tích còn giữ được, các công trình phụ trợ đã mất vẫn còn cơ sở để khôi phục.
Đình Giâm Me có kiến trúc kiểu chữ Đinh ( J) bao
gồm 5 gian Đại bái thu hồi bít đốc, dài 14,52 m, rộng 7,15 m và 3 gian Hậu
cung, dài 6,85m, rộng 5m. Đây là công trình mang phong cách thời Nguyễn khá
tiêu biểu.
Phần mộc tòa Đại bái bao gồm các vì kèo được kết
cấu theo kiểu con chồng giá chiêng. Các vì kèo bao gồm các chi tiết chắc khoẻ
như : Bẩy hiên, cột quân (cột quân có đường kính 31cm), xà lách, các con thuận
một khoảng, hai khoảng, ba khoảng, cột cái (có đường kính 37cm), câu đầu, trụ,
đấu, con vành, đấu gòi, được lắp khít với nhau tạo thành khối thống nhất và đó
là hệ thống giằng ngang của công trình. Hệ thống giằng dọc bao gồm tàu, hoành
mái theo lối thượng tứ hạ ngũ bằng gỗ lim khá tốt, xà, thượng lương cũng được chế
tạo công phu. Công trình vừa được tu bổ, nên không bị xuống cấp.
Móng, tường
xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, đầu hồi thu đấu, có các phù điêu hình
triện lá dắt, hai đầu có hai phù điêu hổ phù ngậm chữ Thọ khá
đẹp. Bờ nóc đắp phù điêu lưỡng long chầu nguyệt, kìm nóc đắp
hai lạc
long.
Toà Đại bái đình Giâm Me không chỉ chắc chắn về kết
cấu, kỹ thuật tạo dựng mà tại đây còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc đạt
trình độ nghệ thuật cao. Đề tài khắc trên các bẩy hiện là các bức chạm “trúc
hoá long”, “ lá hoá long”, “cúc hoa long”, “lá lật”. Bằng kỹ thuật đục
chạm truyền thống, các nghệ nhân dân gian đã tạo nên bức tranh sinh động mô tả
các linh vật mang tính thần quyền trong tín ngưỡng, để thế hệ hôm nay lưu giữ
và thưởng thức. Tại các vì kèo đều có các bức chạm mang tính nghệ thuật như: Lá
lật liên hoàn, đấu sen, lá sen cách điệu, tạo cho phần mộc không bị khô cứng, mà
các chi tiết luôn luôn mềm mại, hòa hợp với không gian kiến trúc.
Nhìn chung, toà Đại bái đình Giâm Me là công
trình hoàn chỉnh từ phần mộc và phần nề ngoã, ngoài ý nghĩa là công trình tín ngưỡng
còn mang tính nghệ thuật cao.
Hậu cung trước kia khá đẹp, đã có một thời gian bị
xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2004, 2005 bằng sự cố gắng vượt bậc của nhân dân địa
phương, Hậu cung đình Giâm Me đã được trùng tu to đẹp. Chất liệu phần mộc gồm gỗ
lim và gỗ táu khá tốt, Hậu cung gồm 3 vì kèo kết cấu kiểu “con chồng giá chiêng”
truyền thống. Các vì kèo này đều mang phong cách của các vì kèo toà Đại bái,
tuy nhiên do mới tạo dựng, các chi tiết chắc khoẻ, mang tính nghệ thuật cao.
Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi
hài, bờ nóc, bờ cánh mềm mại với những đường gờ chỉ kép, tạo cho công trình thành
một khối thống nhất, liên hoàn.
Đình Giâm Me có lịch sử kiến trúc lâu đời, được
khởi dựng vào thời Lê Trung Hưng (TK 17), di tích đã trải qua các đợt trùng tu
lớn vào các năm Gia Long năm thứ 8 (1809), Khải Định năm thứ 4 (1919) và năm
2005. Trong những năm tới, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ quy hoạch tổng
thể toàn khu di tích, từng bước khôi phục lại các công trình đã mất, tôn tạo
các công trình mới để khu di tích ngày một khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt
văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân.
III. DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA CẤP TỈNH CHÙA
HƯNG KHÁNH
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Chùa Hưng Khánh (chùa Giâm),
thuộc thôn Giâm Me, xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo triết tự chữ Hán, “Hưng” nghĩa là hưng thịnh, “Khánh” nghĩa
là chúc mừng. Tên gọi Hưng Khánh tự gắn với mong ước của người xưa về một ngôi
chùa thờ Phật hưng thịnh, luôn mang lại niềm vui, sự tốt đẹp cho mọi người. Ngoài
ra, chùa còn được gọi là chùa Giâm theo tên gọi nôm của thôn.
Chùa Hưng Khánh tọa lạc ở phía đông nam của thôn Giâm Me, xã Đồng
Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Tên làng Giâm Me có nguồn gốc như sau: Vào nǎm Chính Hòa thứ 16
(1695), làng Giâm có tên chữ là làng Vǎn Xá, xã Bất Bế, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ
Hồng, trấn Hải Dương. Nǎm Bảo Thái thứ 7 (1726), làng Me có tên chữ là làng My
Xuyên, xã Bất Bế, huyện Vīnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Sang thời Nguyễn,
hai làng Vǎn Xá và My Xuyên thuộc tổng Bất Bế, huyện Vīnh Lại, phủ Ninh Giang.
Tháng 11/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời ra Sắc lệnh về việc bỏ
đơn vị hành chính cấp xã (làng), tổng và cấp phủ của chế dộ thực dân phong kiến
để thành lập xã, huyện mới. Thực hiện Sắc lệnh này, tháng 2/1946, các xã: Bât Bế
(gồm các làng: Vũ Xá - nay là thôn Vé, Văn Xá và My Xuyên - nay là thôn Giâm
Me); Vīnh Xuyên; Tranh Xuyên (nay Trọng Thư); xóm Hới (nay là xóm Đoàn Kết thuộc
thị trấn Ninh Giang) thuộc tổng Bất Bế hợp nhất thành xã Đồng Tâm; làng Hòa Ung
(tổng Bất Bế) sáp nhập với làng Ngọc Lôi (tổng Bất Bế), thành xã Ngọc Hòa.
Tháng 4/1948, theo chủ trương của cấp trên, xã Ngọc Hòa và xã Đồng Tâm hợp nhất
thành xã Đồng Tâm . Đến cải cách ruộng đất (1956), xã Ðồng Tâm tách
thành 3 dơn vị hành chính: Thị trấn Ninh Giang và xóm Hới (Đoàn Kết) thuộc thị
trấn Ninh Giang; thôn Vĩnh Xuyên và thôn Ngọc Hòa lấy tên là xã Vĩnh Hòa; thôn
Tranh Xuyên, Giâm, Me, Vé sáp nhập lấy tên là xã Ðồng Tâm. Năm 1980, hai thôn
Giâm, Me sáp nhập lấy tên là thôn Giâm Me thuộc xã Đồng Tâm cho dến ngày nay
(xã Đồng Tâm gồm: thôn Vé, Tranh Xuyên và Giâm Me).
* Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của
di tích
Chùa
Hưng Khánh thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa, đây là thiền phái phổ biến tại
các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Phái Đại thừa (Mahayana) nghĩa là “con đường
cứu vớt lớn”, “cỗ xe lớn” được gọi là tôn giáo cải cách. Phái này cho rằng
không chỉ những người xuất gia tu hành mà cả những phật tử cũng được cứu vớt.
Phái Đại thừa không chỉ thừa nhận Thích Ca là Phật mà còn thừa nhận nhiều Phật
khác như Phật Adiđà ....Ai cũng có thể trở thành Phật và thực tế đã có nhiều
người thành Phật như Văn Thù Bồ Tát, Quan Âm Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát...
Từ khi
khởi dựng đến nay chùa có sư Nguyễn Thị Hợi quê ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc
trụ trì. Nhà sư viên tịch ngày 21-6-1976. Hiện nay, phần mộ nhà sư được an táng
tại quê Hoàng Diệu (Gia Lộc).
Ngoài
thờ Phật, chùa còn có Ban thờ Tam phủ tức ba vị thánh trong hệ thống tín ngưỡng
thờ Mẫu Việt Nam gồm: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, cai quản
những lĩnh vực quan trọng nhất của một xã hội nông nghiệp.
Thượng
Thiên Thánh Mẫu là vị thần cai quản cõi trời, đại diện cho nguồn sinh lực vô
biên, cốt lõi của sự sống và mọi nguồn hạnh phúc. Qua ngài, người ta mong mọi
việc của bầu trời được diễn ra theo quy luật hiền hòa...
Thượng
Ngàn Thánh Mẫu là mẹ thế gian gắn với người Việt từ thời nguyên thủy. Trước
đây, bà không chỉ có mặt ở rừng núi mà còn có mặt ở khắp mọi miền theo cơ cấu của làng xóm cổ truyền.
Rừng là nơi chứa đựng những của cải tiềm ẩn, nuôi sống con người khi giáp hạt mất
mùa; nơi để kiếm chất đốt và nam nữ tình tự; đặc biệt là nơi chôn người chết.
Vì thế trong tư duy của người Việt, bà mẹ rừng tối linh tối thiện đã nâng đỡ
các kiếp đời người đã qua, để những người có tâm lành tái sinh được thành Cô và
Cậu (trong hệ thống điện thờ mẫu thì phần lớn các Cô, Cậu được đặt ở ban thờ
này).
Mẫu
Thoải (Thủy) hay Thủy cung Thánh Mẫu là vị thần sáng tạo ra mọi miền của nước,
biển, sông, suối, đầm, hồ. Ngài được người nông dân Việt hết sức kính trọng, hệ
thống thờ ngài và các thần linh liên quan có mặt hầu như ở khắp mọi nơi, như một
sự đảm bảo cho nguồn nước nông nghiệp luôn được đầy đủ.
Chùa
là nơi lực lượng du kích xã họp bàn, che giấu cán bộ cách mạng trong những năm
kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ khi hòa bình đến nay, chùa là nơi sinh hoạt
tôn giáo của nhân dân địa phương.
* Sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng liên quan đến
di tích
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945:
Hàng
năm, chùa Hưng Khánh thường diễn ra các sự lệ theo tuần tiết của nhà Phật như
sau:
Ngày
15 tháng Giêng (âm lịch): Đây là ngày rằm tháng Giêng, người dân sắm lễ chay
lên chùa cúng sao giải hạn, cầu an, mong cho gia đình những điều lành, ấm no hạnh
phúc.
Ngày
3 tháng 3 (âm lịch): Lễ giỗ Mẫu: Tưởng nhớ công đức của các Mẫu và các ban thờ
Phật. Lễ cúng ban Mẫu gồm hương, hoa, trà oản, xôi, chè, tiền vàng, quần áo,
nón lá, hia, ngại. Ban cúng Phật gồm hương, hoa, trà oản, xôi, chè, nước. Các
già làng ra chùa tụng kinh niệm phật theo kinh A Di Đà rồi tổ chức cúng lễ. Kết
thúc nghi lễ, Ban Hộ tự cùng dân làng thụ lộc tại chùa.
Ngày
8/4 (âm lịch): Lễ Phật đản, kỷ niệm ngày sinh của đức Thích Ca Mâu Ni cũng là một
ngày lễ quan trọng đối với những người theo đạo Phật. Đây là ngày để mọi người
cùng nhau tưởng nhớ và thể hiện lòng thành kính của mình đối với Đức Phật và
các bậc giáo chủ. Lễ vật cúng là lễ chay gồm xôi chè, oản, hoa quả, vàng hương,
nước... Trong ngày này, những người theo đạo Phật thường làm những việc như
không sát sinh, ăn chay; phóng sinh những loại như ốc, chim bồ câu, lươn, chạch...
Ngày
15 tháng 7 (âm lịch): Lễ Vu lan báo hiếu hay còn gọi là ngày "Xá tội vong
nhân" theo cách gọi dân gian là "cúng cô hồn, "cúng thí thực"
(tặng thức ăn). Vào ngày này, nhân dân và các tín đồ Phật tử thường làm cơm để
cúng những vong linh bơ vơ không gia đình. Mọi lễ vật và nghi thức cúng do các
già thực hiện. Mâm cúng chúng sinh gồm: quần áo (bằng giấy) nhiều màu sắc, các
loại bỏng ngô, bỏng gạo, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, ngô, khoai luộc,
cháo hoa,... rượu, đĩa gạo, muối (sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân chùa về bốn
phương tám hướng sau khi làm lễ xong). Trong khi làm lễ, các phật tử cùng nhau
tụng kinh niệm Phật với nội dung như sự sám hối, ghi ơn sinh thành, nuôi dưỡng
của cha mẹ và cầu cho hồn của những vong linh không nơi lương tựa được siêu
thoát.
Ngày
20 tháng 8: Ngày giỗ vọng Đức Thánh Trần. Lễ chay gồm: hương, hoa tươi, quả
chín, phẩm oản, xôi chè. Lễ mặn gồm: gà, giò, trầu cau, rượu... do người nhà sư
trụ trì thực hiện.
Ngày
15 tháng chạp: Lễ tất niên. Lễ mặn gồm: gà, giò, cơm canh, trầu cau, rượu... Lễ
chay gồm: hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè do nhà sự trụ trì thực
hiện.
Ngoài
ra, các ngày tuần, rằm hàng tháng Ban Hộ tự đều mở cửa chùa cho nhân dân địa
phương và khách thập phương vào lễ Phật.
Lễ hội
ngày nay:
Chùa
Hưng Khánh về cơ bản vẫn duy trì các sự lệ theo tuần tiết của nhà Phật như trước
Cách mạng tháng 8 năm 1945 như: Ngày 3 tháng 3 lễ giỗ Mẫu; ngày mồng 8 tháng 4
lễ Phật Đản; Ngày 15 tháng 7 lễ Vu Lan; ngày 20 tháng 8 lễ giỗ vọng Đức thánh
Trần. Ngoài ra, còn có thêm ngày 21 tháng 6 (âm lịch) giỗ sư Nguyễn Thị Hợi, vị
sư từng trụ trì ở chùa đã viên tịch, lễ giỗ gồm cơm chay, hương hoa, trà oản,
nước.
* Kiến trúc di tích:
Chùa
Hưng Khánh tọa lạc trên một khu đất cao ráo, bằng phẳng, thoáng đạt, mặt tiền
quay hướng đông. Khuôn viên di tích có tường bao bảo vệ, phía bắc và phía tây
giáp khu dân cư, phía đông là đường liên thôn, phía nam giáp ruộng canh tác.
Công trình kiến trúc tuy nhỏ nhưng vẫn mang nét cổ kính của kiến trúc cổ truyền.
Chùa Hưng Khánh tọa lạc trên khuôn viên 864m, gồm các hạng mục công trình: Cổng,
tường bảo vệ; Chùa; Giếng; Nhà sắp lễ.
Theo
tương truyền, chùa Hưng Khánh được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (TK XVII)
(cách chùa hiện nay khoảng 30m về phía nam). Trải qua thời gian, chùa bị hư hại.
Theo tấm bia Hậu thần Phật ký (Bia ghi việc hậu Phật) năm Minh Mệnh thứ 20
(1839), nhân dân trùng tu lại ngôi chùa trên nền đất cũ theo kiểu chữ “Đinh”
(J), gồm 3 gian tiền đường và 1 gian thượng điện, chất liệu bằng gỗ tứ thiết,
xây bít đốc bổ trụ. Năm Duy Tân thứ 7 (1913), nhân dân địa phương phát tâm công
đức trùng tu lại tòa tiền đường. Năm 1949, chùa được chuyển về vị trí hiện nay
gồm 3 gian tiền đường, 1 gian thượng điện, có 2 cổng, 1 cổng chính phía tây nam
và 1 cổng phụ ở phía tây. Phía sau chùa có sân lát gạch đỏ và 5 gian nhà tổ.
Năm 2012, di tích được trùng tu lại tòa tiền đường nhưng vẫn giữa được kết cấu
và kiến trúc của công trình xưa, đồng thời xây dựng thêm gian nhà sắp lễ phía
bên trái gian tiền đường. Năm 2016, nhân dân địa phương công đức xây giếng
chùa, tường bao bảo vệ phía sau di tích.
Hiện
nay, chùa có kiến trúc kiểu chữ “Đinh” (J) gồm 3 gian tiền đường và 1 gian thượng
điện, mặt tiền quay hướng đông nam. Hệ thống cột, vì kèo bằng gỗ tử thiết, mỏng,
tường xây bằng gạch chỉ.
Tòa
tiền đường 3 gian, dài 7,05m, rộng 5,42m xây bít đốc bổ trụ, mái lợp ngói mũi,
hai hồi trước và sau có trụ đèn vuông. Bờ nóc đắp nổi hoa văn chữ triện nối tiếp
nhau, ở giữa khắc 3 chữ Hán “Hưng Khánh tự”- Chùa Hưng Khánh. Hai đầu hồi có
hai “kìm” nóc, đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Bờ cánh được xây nhô cao 3 trụ
đấu.
Hệ thống
cửa bằng gỗ lim gồm 3 bộ tạo kiểu ván bưng, một bộ ở gian giữa và 2 bộ ở gian
bên, nối các bộ cửa là tường xây. Hệ thống vì kèo gồm 2 vì kiểu “kẻ chuyền chồng
chóp”, bào trơn đóng bén, không chạm khắc hoa văn. Nối giữa hai hàng cột là các
thanh xà và các câu đầu.
Tòa
thượng điện gồm 1 gian có chiều dài 4,47m, rộng 2,54m, chất liệu khung vì bằng
gỗ tứ thiết, các vì kèo chính kiểu “kẻ chuyền chồng chóp” không chạm họa tiết
hoa văn, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi.
* Bài trí thờ tự chùa Hưng Khánh như sau:
Do thời
gian, chiến tranh và sự biến động của lịch sử, chùa Hưng Khánh hiện nay là nơi
tập trung tượng Phật của 3 ngôi chùa; chùa Hưng Khánh (chùa Giâm), chùa Thanh
Long (chùa Me) và chùa Trong (đã bị phá dỡ) trên nền đất di tích hiện nay, nên
hệ thống tượng có nhiều pho giống nhau điển hình là tượng Thập Điện. Đặc biệt,
tất cả các pho tượng đều là tượng cổ, có niên đại thời Nguyễn (TK XIX).
Tòa tiền đường:
Tại
gian bên phải: Ban thờ quay hướng ra cửa chính: Hàng 1 gồm 01 pho tượng Đức Ông
được tạc ở tư thế ngồi trên bệ gỗ hình chữ nhật, nét mặt nghiêm nghị, mặc áo
quan sơn son thếp vàng, vạt áo trước ngực chạm rồng, ngực áo chạm hổ
phù ngậm chữ thọ, hai ống tay áo dài vắt sang hai bên. Liền bên cạnh là 01 pho tượng Bắc Đẩu và 01 pho tượng
Nam Tào; hàng 2 thờ 01 pho tượng Thánh Tăng ở giữa, hai bên là 2 pho tượng Kim
Cương tạo hình khá giống nhau nét mặt cương nghị, cổ ngắn, sống mũi cao, lông
mày cong, mặc áo quan võ, đầu đội
mũ trùm hai tai và sau gáy. Tiếp đến là một dãy gồm 01 pho tượng Quan Văn, 5 pho tượng Thập Điện sát
đầu hồi phải.
Tại gian bên trái: là Ban Tam tòa Thánh
Mẫu quay hướng ra cửa chính gồm
tượng Mẫu Thiên (áo đỏ) ở giữa, tượng Mẫu Thoải (áo trắng) bên phải, tượng Mẫu Thượng Ngàn (áo xanh) bên
trái. Cả 3 pho tượng Thánh Mẫu đều có đặc
điểm chung là cổ cao 3 ngẩn, sống mũi cao, mắt lá răm, lông mày lá liễu, nét mặt đoan trang. Hàng dưới ở giữa là
tượng Cậu, hai bên là tượng hầu. Tiếp theo là dãy thờ 5 pho tượng Thập Điện sát đầu hồi trái.
Gian chính giữa tòa tiền đường treo một
bức đại tự và một đôi câu đối có niên
đại thời Nguyễn.
Tòa thượng điện:
Được bài trí nhiều lớp tượng khác nhau,
chất liệu bằng gỗ, sơn son thếp vàng,
tính từ trong ra gồm:
Lớp thứ
nhất: Gồm 3 pho tượng Tam thế: Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai, về mặt
tạo hình khá giống nhau: khuôn mặt đôn hậu, cổ cao 3 ngấn, sống mũi cao, mắt nhắm,
tai dài, tóc xoáy ốc sơn màu đen, tượng mặc áo cà sa có nhiều nếp gấp. Tượng Hiện
Tại tư thế ngồi trên tòa sen, tượng Quá Khứ và Vị Lai ngồi trên bệ gỗ (do bệ
sen đã mất).
Lớp thứ
2:
Gồm 01 pho tượng A Di Đà có kích thước lớn, tạc ở tư thế ngồi tọa thiền trên
đài sen, tóc xoáy ốc, khuôn mặt đôn hậu, cổ cao 3 ngấn, sống mũi cao, mắt nhắm,
tai dài. Tượng mặc áo cà sa có nhiều nếp gấp; Bên phải tượng là 2 tượng Quan Âm
Tọa Sơn, 01 pho tượng Quan Âm, 01 pho tượng Đại Thế Chí.
Lớp thứ
3:
Gồm 4 pho tượng, chính giữa là tượng Ngọc Hoàng tạc ở tư thế ngồi trên bệ gỗ.
Hai chân đi hia màu đỏ, hai tay giơ thẻ bài trước ngực, nét mặt nghiêm nghị,
râu dài và đen, mắt nhìn xuống, lông mày cong và dài. Tượng mặc áo trùm kín hai
vai, đầu đội mũ bình thiên. Bên trái là tượng Nam Tào tạc ở tư thế ngồi trên bệ
gỗ hình chữ nhật. Hai chân khoanh tròn, cổ ngắn, mắt nhắm, sống mũi cao. Bên phải
là tượng Bắc Đẩu, nét mặt cương nghị, cổ ngắn, mắt xếch, mặc áo quan trùm kín
hai vai và gót chân, đầu đội mũ phốc. Liền sát tượng Bắc Đẩu là tượng cô Quế.
Lớp thứ
4:
Gồm tòa Cửu long, chất liệu bằng đồng, niên đại thời Nguyễn (TK XIX). Cạnh tòa
Cửu long có 2 tượng Thích Ca sơ sinh tạo hình bé trai (hài nhi) đứng trên tòa
sen; bên trái là tượng Quan Âm tọa sơn được tạc ở tư thế ngồi trên bệ gỗ hình
núi đá. Tượng mặc áo cà sa màu vàng, bên trong mặc yếm đào, đầu đội mũ, tóc ngắn;
tay, cổ và mặt to, đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu.
Bên phải tòa thượng điện: Là ban thờ gồm
các tượng: Quan Âm Tống Tử, Ngọc Nữ; Quan Võ; Quan Văn và 4 pho Thập Điện.
Bên trái tòa thượng điện: Là ban thờ gồm
các tượng: Đức Thánh Hiền ở giữa, tư thế ngồi trên bệ vuông, hai chân tượng đi
hia màu vàng, tay trái giơ ngang ngực, tay phải ở tư thế bắt quyết, cổ cao, nét
mặt hiền từ, mắt lá răm, lông mày lá liễu, tai dài. Tượng mặc áo cà sa choàng
bên ngoài, trong mặc áo màu đỏ, hai ống tay áo dài rộng vắt sang hai bên, đầu đội
mũ. Hai bên tượng Thánh Hiền là 6 pho tượng Thập Điện, mỗi bên 3 pho.
Chùa Hưng Khánh thờ Phật theo thiền
phái Đại Thừa, một tôn giáo được hầu hết nhân dân Việt Nam tôn thờ. Di tích
không những là nơi sinh hoạt tôn giáo của nhân dân địa phương mà còn là nơi giáo
dục truyền thống cho các thế hệ lòng hướng thiện, tình yêu quê hương đất nước.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích là địa điểm an toàn để lực
lượng du kích xã họp bàn, che giấu cán bộ cách mạng dưới sự truy lùng của giặc.
Vì vậy, di tích có giá trị lịch sử, văn hóa rất lớn với nhân dân địa phương.
Chùa Hưng Khánh được xây dựng từ khá sớm
- tương truyền vào thời Lê Trung Hưng (TK XVII). Tuy trải qua biến động của lịch
sử và qua một số lần trùng tu vào thời Nguyễn nhưng di tích cơ bản vẫn giữ được
kiểu dáng kiến trúc ban đầu khá nguyên vẹn, hệ thống cột, vì kèo bằng gỗ tứ thiết,
mái lợp ngói mũi... Vì vậy, di tích giúp chúng ta hiểu thêm về kiến trúc cổ
truyền Việt Nam. Hệ thống tượng Phật tại chùa phong phú gồm 53 pho tượng cổ có
niên đại thời Nguyễn (TK19). Các pho tượng chủ yếu có chất liệu bằng gỗ, chỉ 2
pho tượng Thích Ca sơ sinh có chất bằng đồng. Ngoài hệ thống tượng Phật, chúa
còn có một số di vật, cổ vật như 3 bia ký, 1 câu đối, 2 đại tự, 1 cửa võng, 2
bát hương Phù Lãng, 1 chuông đồng. Đó là những di sản văn hóa vật thể quý giá cần
được bảo tồn cho thế hệ sau./.